Chỉ biết việc mình

Thứ Ba, 14/06/2011, 08:10

Chúng ta vận động mọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ vệ sinh chung bằng cách bỏ rác vào túi giấy và thả vào thùng rác công cộng, chứ đâu phải dùng những chiếc túi giấy mỏng mảnh che đậy sự vô ý thức của con người?...

1.Cách đây chừng ba chục năm, ai có dịp ngang qua đoạn đường trước cổng Bệnh viện Hữu Nghị hẳn không khỏi có ấn tượng về một khu vực sạch đẹp như công viên. Những chiếc ghế đá xinh xắn đặt ngay ngắn dọc lối đi có lát gạch men. Cách đó một chút là mặt đê rờn rờn cỏ xanh. Cứ tầm chiều, bóng áo trắng của người bệnh (cả Tây lẫn ta) phấp phới trên mặt đê cao, thoáng trông xa như một bầy cò từ đâu về đậu hóng mát. Một vài năm sau đó, thành phố có chủ trương làm tuyến đường cao tốc chạy trên mặt đê. Thế là mặt đê cỏ biến thành con đường nhựa mịt mù cát bụi. Bụi bốc lên cao, bụi tung tỏa qua tường chắn rắc xuống đầy lối đi lại phía trước mặt bệnh viện (khu vực thuộc Bệnh viện Hữu Nghị và một phần của Bệnh viện Quân đội 108). Có lẽ đây là một trong nhiều lý do khiến các đôi trai gái lánh xa nơi đây, mặc dù Công ty Công viên cây xanh có cho trồng cây, tỉa cỏ, xếp đặt ghế đá như trước. Nhưng lý do quan trọng nhất - đó là việc mất vệ sinh ở đoạn đường này. Mới sẩm tối, trên mặt ghế đá đã thấy có những người ngồi chồm hỗm như cóc. Họ ngồi làm gì thế? Định rình rập làm "phi vụ" gì chăng? Không đâu, chỉ khi họ đứng phắt dậy, xốc quần lên là ta lập tức hiểu ra "công việc tốt đẹp" ấy của họ. Có lần tôi thấy một người đàn ông đi đường, quãng trên năm mươi tuổi, quát nạt một thằng bé vừa lốc nhốc xốc quần từ chỗ chiếc ghế đá kia chạy ra.

- Ê thằng nhãi kia, sao mày không lên trên cầu kia (tức đường nhựa trên mặt đê) mà…ị, lại ngồi ngay trên ghế đá ấy là thế nào mày?

"Lên trên cầu mà ị" - Ông này khuyên hay thật! Đúng là mất cái lòng tốt muốn giữ vệ sinh chung. Còn thằng bé kia, nghe vậy ngang nhiên trả lời:

- Ngồi đây cho nó đỡ… chện đít.

Thì ra là thế. Thiên hạ làm cái việc đại tiện ấy cũng biết tìm chỗ sạch. Khổ thay cho những chiếc ghế đá, không dưng lại bị biến thành cái "cầu tiêu" để cho những ông tướng này nghiễm nhiên ngồi lên mà "tháo" xuống ghế.

Tôi kiến nghị với những cơ quan có trách nhiệm nên tìm biện pháp giải quyết. Làm sao để những chiếc ghế đá xinh xắn (không chỉ ở riêng khu vực nói trên mà nhiều nơi khác trong thành phố) thoát khỏi cái nạn ô nhiễm, mất vệ sinh trầm trọng như vậy. Xin con người đừng lạnh lùng như đá đối với chúng, dù rằng chúng chỉ là đá.

2.Trước đây ít năm, Đàì Truyền hình Việt Nam từng phát đi phát lại nhiều lần hình ảnh một cán bộ biên tập của Đài - trong chương trình vận động mọi người hãy thực hiện vệ sinh đường phố, trồng cây xanh bảo vệ môi trường - đã giơ cao chiếc túi đựng đồ phế thải thả vào chiếc thùng rác công cộng đặt bên lề đường… Kèm đó là bản nhạc bài hát với những câu đầy khí thế "Tổ quốc Việt Nam xanh ngát/ Có sạch đẹp mãi được không/ Điều đó tùy thuộc hành động của bạn/ Chỉ thuộc vào bạn mà thôi…".

Ở Hà Nội ta, hiện có nhiều người đã thực hiện việc đổ rác theo phương thức này. Nhưng rất tiếc, cũng không ít người thực hiện một cách "nửa vời". Đi dọc những tuyến đường có mật độ dân số cao, nhất là khu vực "ba mươi sáu phố phường", ta dễ dàng bắt gặp những túi đựng rác bẩn, chai lọ thập cẩm mà người dân hai bên hè phố quẳng chỏng chơ ra giữa lòng đường, hoặc bên lề đường. Khi xe cơ giới đi qua, bánh xe đè lên, những chiếc túi này (đa phần là túi nilon) vỡ bung, phòi phèo những thứ bẩn thỉu, những mảnh chai lọ vỡ lốp đốp, trông thật bẩn và nguy hiểm…

Chúng ta vận động mọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ vệ sinh chung bằng cách bỏ rác vào túi giấy và thả vào thùng rác công cộng, chứ đâu phải để "che mắt" thiên hạ và quẳng ra đường như thế?

Chiếc túi giấy mỏng mảnh che sao nổi sự vô ý thức của con người!

Lê Anh Khoa
.
.