Chập chờn “bóng ma” hậu hiện đại

Thứ Ba, 21/10/2008, 15:00
Chừng mươi năm trở lại đây, khái niệm "hậu hiện đại" đã thường xuyên xuất hiện trên báo chí nước nhà, trở thành một "vị khách thời thượng" trong văn nghệ. Vị khách này chập chờn ẩn hiện như một bóng ma để lặng lẽ can thiệp vào cuộc sống với đủ trò hay dở

Đem đến sinh khí mới cho đời sống mỹ thuật với hàng loạt triển lãm sắp đặt độc đáo, biện hộ cho những tác phẩm bôi nhọ tiền nhân và xúi giục đám thanh niên xuyên tạc giễu nhại các ca khúc cách mạng, xui khiến các nhà thơ vẽ mặt nhảy cẫng ngoài đường như những kẻ thần kinh...

"Yêu nữ" hậu hiện đại với bảo bối giễu nhại

Nhà triết học Pháp Jacques Derrida, người sáng lập ra thuyết hậu cấu trúc làm nền tảng triết học cho văn nghệ hậu hiện đại đã viết một tác phẩm có hai chữ cái đầu là "Bóng ma" Không biết có phải hai chữ "bóng ma" của Jacques Derrida đã ám vào văn nghệ hậu hiện đại không mà từ khi được du nhập vào Việt Nam đến nay, chủ nghĩa hậu hiện đại luôn luôn ẩn hiện mơ hồ như một bóng ma, vừa bí ẩn quyến rũ như các yêu nữ trong truyện "Liêu trai", vừa đáng sợ, đáng ngờ với những ai có thần kinh yếu.

Nếu không phải chủ nghĩa hậu hiện đại ẩn hiện như bóng ma, sao nó xui khiến các thành viên ngỗ nghịch của công ty FPT sáng tác hàng loạt nhạc chế giễu nhại, biếm phỏng các ca khúc cách mạng theo tinh thần hậu hiện đại, vô tình hay hữu ý tạo hiệu ứng giải thiêng những tác phẩm đã đi vào tâm thức mấy thế hệ, vậy mà gần mười năm nay chẳng ai nhìn ra nó.

Con ma hậu hiện đại ấy còn cư trú chính thức trong các ca khúc giễu nhại này khi tập sách của FPT đã được xuất bản 4.000 cuốn có giấy phép hẳn hoi. Nếu không có màn trình diễn gần như khỏa thân của hai nam nhân, thì chắc bản hợp xướng hoành tráng giễu nhại ca khúc "Đoàn vệ quốc quân" vẫn sẽ vang lên một cách chính thống với sự trình diễn của một Dàn hợp xướng trước sự thưởng thức vô tư của 4.000 đại biểu.

Và yêu nữ hậu hiện đại hóa thân vào các ca khúc cách mạng bị xuyên tạc vẫn tiếp tục sống khỏe sống dai. Xét từ một góc độ nào đó thì phải "cám ơn" hai người đàn ông múa khỏa thân đã vô tình làm hiện hình "yêu nữ".

Không phải chúng ta không có cái nhìn cảnh giác với những luồng sáng tác sử dụng các thủ pháp giễu nhại, biếm phỏng, cắt dán và cưỡng đoạt nội dung xuất hiện trong đời sống văn nghệ những năm gần đây. Điển hình là các sáng tác của nhóm "Mở miệng", giễu nhại các tác phẩm văn học đã được các cơ quan chức năng nhìn nhận và xử lý với tinh thần cảnh giác từ xa.

Nếu so với các bài hát xuyên tạc ca khúc cách mạng mà công ty FPT thực hiện một cách, công khai và triệt để, thì các bài thơ giễu nhại của nhóm "Mở miệng" chỉ xuyên tạc một đôi câu, thậm chí chỉ một câu, một chữ của những tác phẩm thơ không nổi tiếng bằng các ca khúc kia, chẳng hạn như chữa cụm từ "màu hoa đỏ" trong bài thơ "Thời hoa đỏ" của Thanh Tùnh thành "màu hoa đỏ lè".

Nhưng giống như việc vẽ thêm một nét râu vào chân dung danh nhân gây hiệu quả hài, những xuyên tạc của "Mở miệng" làm đổi thay tinh thần văn hóa của nguyên tác một cách đáng sợ ngay trước mắt mọi người. Người ta sớm nhận ra hiệu quả giải thiêng của các "tác phẩm" này còn là nhờ những bình luận, tuyên ngôn bên ngoài của nhóm "Mở miệng".

Còn các bài hát xuyên tạc giễu nhại các ca khúc cách mạng thì lại qua mặt cả xã hội hàng chục năm trời vì yêu nữ Hậu hiện đại đã tinh quái nấp sau thương hiệu lớn của FPT để lặng lẽ giải thiêng, dọn đường cho một văn hóa mới, thứ văn hóa ngoại lai thực dụng hay có người còn gọi là hạ văn hóa, văn hóa suy đồi. 

Nhận diện “bóng ma” hậu hiện đại

Những Nàng-Tiên-hậu-hiện-đại đầy thiện chí sà xuống đời sống mỹ thuật thời hội nhập toàn cần hóa tạo nên những triển lãm sắp đặt và trình diễn đầy sinh khí thì dễ bị người đời lườm nguýt, giễu cợt và phê phán, còn những yêu nữ Hậu hiện đại mang bảo bối giễu nhại kín đáo đầu độc xã hội thì hầu như chẳng bị ai để ý cảnh giác, thậm chí còn cấp phép cho tồn tại công khai.

Trước nghịch cảnh này, các nhà nghiên cứu nghệ thuật bắt đầu giương mục kỉnh lên soi vào những góc khuất của xã hội thời hội nhập để nhận diện văn nghệ hậu hiện đại ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thế nhưng, con ma hậu hiện đại rất tinh quái, nó vẫn giở phép thuật đùa giỡn với họ, gây ra bao nhiêu chuyện tức cười mà cuộc Hội thảo của Viện nghiên cứu Mỹ thuật vừa tổ chức cuối tháng 9/2008 là một ví dụ còn nóng hổi.--PageBreak--

Để chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, từ tháng 4/2008, Ban Mỹ thuật hiện đại Viện nghiên cứu Mỹ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi thư mời các nhà nghiên cứu nghệ thuật, các họa sĩ, các đạo diễn viết tham luận cho Hội thảo, trong thư ghi rõ chủ đề Hội thảo và gợi ý các cụm vấn đề liên quan như vấn đề chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn nghệ Việt Nam, vấn đề thương mại hóa nghệ thuật do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa…

Ngày 27/9/2008, Hội thảo được tổ chức với tiêu đề hoành tráng ghi rõ: Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. ấy vậy mà "con ma" Hậu hiện đại vẫn cứ len vào ám ảnh đầu óc một số vị đại biểu, bắt họ phải cãi cọ nhau vì nó!

Không biết nó xui khiến thế nào mà Hội thảo vừa tổ chức hôm trước thì hôm sau trên báo Thể thao & Văn hóa xuất hiện ngay bài báo ngắn của Hà Châu Sơn mang tiêu đề "Sao hậu hiện đại lại trở thành Toàn cầu hóa", phê phán việc Ban tổ chức tùy tiện thay đổi tiêu đề Hội thảo vào phút chót, từ chuyện  Hậu hiện đại chuyển sang chuyện văn nghệ thời toàn cầu hóa khiến cho một số đại biểu phản ứng không tham gia, một số khác thì phải bỏ tham luận viết sẵn dể nói vo cho đúng với đề tài.

Một nhóm nghệ sỹ tạo hình nhất trí phản ứng sự thay đổi tùy tiện này, họ còn nói trước đây Ban tổ chức gửi giấy mời họ viết tham luận hội thảo về Hậu hiện đại, nhưng không ai đưa ra được giấy mời đó, người bảo quên rồi, vứt rồi, người nói không để ý. Trao qua đổi lại, thư từ rồi gặp gỡ đối chất, cuối cùng báo Thể thao & Văn hóa ngày 30/9/2008 phải đăng bài xin lỗi về bài báo "hóa vàng hội thảo" của Hà Châu Sơn vì nhà báo này đã quá tin vào lời các họa sĩ mà mình kính trọng.

Có người bảo có chuyện phe cánh đố kỵ gì đấy trong giới mỹ thuật nên mới xảy ra chuyện ném đá vào hội thảo. Nhưng có lẽ đây chỉ là trò quậy phá của "con ma hậu hiện đại" khi nó mưu toan tôn vinh sự mơ hồ. Triết học hậu hiện đại nói chung và mỹ học hậu hiện đại nói riêng không tin rằng có chân lý xác định dựa trên cơ sở thực tiễn khách quan. Các cách kiến giải và cảm nhận đều là chủ quan, tương đối và có quyền cùng tồn tại. Sự mơ hồ của triết thuyết cộng với sự lơ mơ cảm tính thiếu hiểu biết về khái niệm của các nghệ sĩ dẫn đến những lầm lẫn về cả thông tin và lý luận.

Trong Hội thảo này đã có những ý kiến cho rằng: Không có chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam, không có mối liên hệ nào giữa Hậu hiện đại và Toàn cầu hóa vì Hậu hiện đại xuất hiện từ đầu thế kỷ XX còn Toàn cầu hóa thì mới xuất hiện hai thập kỷ gần đây! Lập luận này cũng lẩn thẩn như một nhà bác học khoét hai cái lỗ ở chân tường cho hai con mèo chui qua chui lại, vì nghĩ rằng con mèo to không thể chui qua cái lỗ giành cho con mèo nhỏ được!

Khi đất nước chuyển sang thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa, nghệ sĩ Việt Nam đã được tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật mới của thế giới và dần dà tiếp thu học tập để sáng tạo bằng những cảm hứng mới, theo những hình thức mới như trình diễn và sắp đặt - những hình thức tạo hình có bản chất mỹ học hậu hiện đại.

Bối cảnh xã hội thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa không chỉ làm bùng nổ các loại hình sáng tạo nghệ thuật mới mẻ, mà còn tạo ra những vấn nạn tầm thường hóa, dung tục hóa và thương mại hóa đe dọa sự tồn tại và phát triển của văn hóa truyền thống, của nghệ thuật hàn lâm và sáng tạo đỉnh cao.

Vì thế, thực tiễn cuộc sống với nhu cầu giải mã và định hướng đã buộc các nhà nghiên cứu phải tập trung tìm hiểu mối liên hệ giữa văn học nghệ thuật dân tộc với tiến trình hội nhập toàn cầu hóa. Việc Hội thảo của Viện Mỹ thuật quan tâm nhấn mạnh vấn đề chủ nghĩa hậu hiện đại và xu thế thương mại hóa là xuất phát từ thực tế đời sống văn nghệ hiện nay.

Không ai có thể phủ nhận rằng chính điều kiện xã hội thời đại toàn cầu hóa đã tạo cơ hội cho các loại hình nghệ thuật hậu hiện đại như sắp đặt, trình diễn, cắt dán và giễu nhại ngày càng nở rộ ở Việt Nam những năm gần đây. Toàn cầu hóa kinh tế cũng liên quan đến vấn đề thương mại hóa nghệ thuật do những quy định của WTO, trong khi đó, những sáng tạo nghệ thuật mới như trình diễn và sắp đặt lại đa phần là phi thương mại.

Các họa sĩ tổ chức trình diễn và sắp đặt không thể có thu nhập trực tiếp từ việc bán các tác phẩm này. Họa sĩ Đào Anh Khánh bỏ ra cho mỗi lần trình diễn "Đáo xuân" hàng trăm triệu đồng. Vì thế, mối liên hệ giữa quá trình thương mại hóa và quá trình phát triển nghệ thụât hậu hiện đại ở Việt Nam cũng là một vấn đề mới mẻ và thú vị của thực tiễn văn học nghệ thuật thời đại toàn cầu hóa, cần có sự quan tâm nghiên cứu sâu hơn.

Hà Nội 3/10/2008

Đỗ Minh Tuấn
.
.