Chàng họa sĩ Hà Nội rời phố lên rừng lập bảo tàng

Thứ Năm, 13/03/2008, 15:00
Không phải vô cớ mà bạn bè gọi anh là Hiếu "Mường".  Người ta gọi như vậy bởi niềm yêu quý, trân trọng cái tình của một chàng trai có niềm đam mê tột cùng và sự hiểu biết khá sâu sắc về văn hóa Mường, người vừa cho ra đời Bảo tàng Không gian văn hóa Mường trên chính mảnh đất từng là cái nôi của một nền văn hóa.

Vũ Đức Hiếu vốn là họa sĩ ở Hà Nội. Cuộc sống vật chất của anh tương đối ổn định. Anh sống hạnh phúc, viên mãn với người vợ và hai đứa con. Vậy mà trong sâu thẳm con người Vũ Đức Hiếu, vẫn có một điều làm anh canh cánh chưa yên. Điều đó luôn thôi thúc anh một mình lặn lội "chín châu, mười Mường".

Qua nhiều năm đi thực tế sáng tác khắp xứ Bi, Vang, Thàng, Động (4 xứ Mường nổi tiếng Hòa Bình xưa), anh thấy cái gì cũng hay, cũng lạ và bắt đầu sưu tầm những hiện vật đó.

Cứ âm thầm cắm cúi sưu tầm, gom nhặt, ghi chép, cất giữ sau gần 10 năm, số lượng hiện vật của Hiếu giờ đã lên tới cả nghìn thứ. Nhiều đồ vật trong cuộc sống của người Mường cũng như trong đời sống tinh thần và tâm linh của họ đã có trong bộ sưu tập của Hiếu.

Với ý tưởng xây dựng Bảo tàng văn hóa Mường cá nhân, anh quyết định rời thủ đô về sống tại… Hòa Bình.

Bạn bè cùng giới họa sĩ với anh thì lên Hòa Bình để lập xưởng vẽ, lập các trại sáng tác, tìm cảm hứng ở phong cảnh núi non, ruộng bậc thang, con nước… Còn Vũ Đức Hiếu lại lên để lập bảo tàng "Không gian văn hóa Mường".

Niềm đam mê mách bảo với anh rằng, những giá trị văn hóa đặc sắc ấy, nếu không được lưu giữ, nếu không đem ra giới thiệu với đông đảo cộng đồng, nó sẽ mãi "ngủ quên", và có nguy cơ mai một...

Anh từng tâm sự với một số nhà báo trong buổi khai trương bảo tàng rằng: "Tôi không có mục đích gì khác, ngoài việc bảo tồn và lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của xứ Mường nói riêng và văn hóa các dân tộc ở Hòa Bình nói chung. Chúng ta ý thức được, theo thời gian, những giá trị đó sẽ bị mai một, bị mất dần đi. Vậy tại sao chúng ta không giữ nó lại từ bây giờ. Mỗi người giơ một cánh tay để nâng niu nó, chúng ta sẽ bảo tồn được nó và "nhân bản" tình yêu ấy cho nhiều người…".

"Không gian văn hóa Mường" được xây dựng trên vạt đồi dưới chân dốc Cun, rộng 2 ha, thuộc tổ 12, phường Thái Bình, TP Hòa Bình. Hiếu mua lại khu đất ấy của một ông chủ đã chán cảnh vườn đồi, thích một cuộc sống mới đã chuyển ra trung tâm thành phố. Mấy năm trước, khu đồi ấy còn là những rừng tre nứa, những vườn mơ, mận già cỗi. Hiếu đã phải đổ bao nhiêu công sức và tiền của vay mượn khắp nơi để xây dựng nó bề thế như ngày nay.

Khu bảo tàng đã được lãnh đạo thành phố phê chuẩn thành lập và được Sở Văn hóa - Thông tin Hòa Bình cấp giấy phép đi vào hoạt động. Ngay từ khi mới khai trương, nơi đây đã trở thành một địa điểm dừng chân tham quan của khách du lịch trong chặng đường đến với Hòa Bình.

Theo con đường dẫn vào bảo tàng, người đến như lạc bước vào không gian sống thực sự của người Mường. Ngay đầu dốc, lối lên khu trưng bày, ba con nước từ dòng suối nhỏ bắt từ trên đỉnh đồi theo 3 chiếc guồng quay ngày đêm chảy về tưới cho những thửa ruộng bậc thang và vườn cây ăn quả. Khách đến thăm bảo tàng đều rất thích thú với sự bố trí đầy tính sắp đặt ấy của chàng họa sĩ trẻ.

Lấp ló trong những vườn đào, vườn mận đang độ trổ hoa là 3 ngôi nhà sàn, tiêu biểu cho 3 tầng lớp trong xã hội Mường: Lang, Ậu và Nõ. Hiếu chỉ tay giới thiệu: "Ba nếp nhà sàn kia, tôi sẽ khiến mọi người tìm hiểu thêm về các giai cấp trong xã hội người Mường khi xưa: Nhà Lang là cao sang nhất; dưới Lang là Ậu, tầng lớp trung lưu và cuối cùng, nhà của tầng lớp bình dân, gọi là Nõ".

Ngôi nhà Tạo (nhà quan lang - người đứng đầu và quyền uy nhất trong một bản Mường) được Hiếu lặn lội mang về từ mãi Mường Chậm. Mường Chậm là một trong những Mường cổ của xứ Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Để tái dựng một không gian văn hóa Mường, bên cạnh những yếu tố hiện vật (đồ dùng sinh hoạt của người Mường, dụng cụ săn bắn...), yếu tố quan trọng khác, đó là cần phải có một quần thể nhà cổ của người Mường.

Ngồi trong ngôi nhà sàn của quan Lang cùng thưởng thức khoai lang luộc và nhâm nhi thứ nước có màu nâu đỏ nấu từ rễ cây mai già, Hiếu kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày anh một mình lặn lội tìm nhà. Cứ nghe thấy vùng nào có nhà sàn cổ là anh lại cất công tìm đến.

Run rủi thế nào, anh lại đến đúng con cháu nhà Lang. Bà cụ đã 108 tuổi. Và, ngôi nhà Tạo bề thế, uy nghi bảy gian hai chái, với 14 cây cột to người lớn ôm không xuể mà anh phục dựng trong không gian văn hóa Mường của mình, là ngôi nhà gần như nguyên vẹn được các hậu duệ của nhà Lang mường Chậm nhượng lại. Tính đến ngày nay ngôi nhà đã hơn 100 năm tuổi.--PageBreak--

Nhìn xuống "thung lũng" - một khoảng đất khá rộng và bằng phẳng - là khu sinh hoạt cộng đồng. Tại đây, Hiếu cho đặt những chiếc cầu Kiều, cầu đôi, cây nêu để ném còn… những sinh hoạt dân gian của cộng đồng người Mường trong những dịp lễ hội… Thấp thoáng đâu đó, những bức tường cổ, dấu tích của những lô cốt cũ còn sót lại, càng làm cho không gian văn hóa Mường thêm phần cổ kính. 

Khu nhà trưng bày hiện vật Mường nằm trên vạt đồi đối diện khu nhà Lang. Trong những ngôi nhà đó Hiếu cho trưng ra hơn 1.000 hiện vật văn hóa Mường mà anh đã cất công sưu tầm hơn 10 năm trời. Mỗi cái giỏ, cái khung dệt, cây nỏ, tấm khăn thổ cẩm... là cả câu chuyện dài về những ngày anh lang thang điền dã khắp chốn cùng nơi.

Giản dị, gần gũi với những công cụ sản xuất, săn bắn dưới ruộng, trên nương, đồ dùng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Sản phẩm và công cụ của các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đan lát… Vật dụng, trang phục, nhạc cụ dùng trong các lễ hội, các trò chơi dân gian và hoạt động tín ngưỡng tâm linh như ma chay, mo, cưới xin…

Không muốn bỏ sót một chi tiết nhỏ nào trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người Mường, ở bảo tàng độc đáo này, Hiếu còn để cho ta thấy cuộc sống đó qua các cuốn sách với những câu hát dân ca, bài mo, điệu múa.

Đặc biệt, nghi thức đám tang của người Mường đã được tái hiện lại một cách đầy đủ, sinh động ở phòng tang ma. Nó cho ta thấy được phong tục tập quán hết sức cầu kỳ, phức tạp trong nghi lễ này của người Mường xưa.

Nghệ thuật sắp đặt ngoài trời trong không gian bảo tàng.

Chính lòng đam mê, sự quyết tâm dấn thân và những kinh nghiệm tích lũy đã cho Hiếu một vốn hiểu biết về xứ Mường khá sâu sắc. Nói về những nét văn hóa trong đời sống tinh thần của người Mường, anh có thể say mê kể hết giờ này sang giờ khác mà không thấy mệt. Hiếu có thể cúng không sai một nghi thức của một thầy mo Mường nào…

Sự hiểu biết cặn kẽ về những nét độc đáo, đặc sắc trong văn hóa Mường của Hiếu khiến chính những người Mường bản địa cũng phải sửng sốt.

Qua việc phục hiện không gian sống của người Mường cổ, trên mảnh đất vốn là địa bàn sinh sống của người Mường xưa kia, khu bảo tàng của Vũ Đức Hiếu giúp cho chúng ta hiểu được cuộc sống của người Mường bằng chính sự quan sát và tự cảm nhận của mỗi người.

Trong tiết trời se lạnh miền sơn cước, trời bỗng đổ mưa. Mưa rì rào rơi xuống mái lá khuấy động vẻ thanh tĩnh vốn có nơi đây. Ở góc ngôi nhà sàn, bếp lửa đang âm ỉ cháy, nồng đượm mùi khói tỏa lan xua đi cái hoang lạnh chốn núi rừng.

Ngồi trong ngôi nhà sàn cổ chứa đựng đầy đủ các vật dụng hàng ngày của người Mường, chúng tôi có cảm giác như đang sống trong một xã hội Mường thật sự và cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Hiếu "Mường" về một nền văn hóa còn tiềm giữ biết bao điều bí ẩn đến lạ lùng này cứ dài mãi, dài mãi như không muốn dứt…

Mong sao những tâm nguyện của chàng họa sĩ trẻ này sẽ góp phần lưu giữ và bảo tồn những giá trị tinh thần vô giá của xứ Mường nói riêng và văn hóa các dân tộc ở Hòa Bình nói chung...

Thanh Thuận
.
.