Cây muốn lặng, gió chẳng đừng

Thứ Ba, 25/11/2008, 16:00
Hiện nay, trong những ứng cử viên sáng giá của Giải thưởng Nobel Văn học, bên cạnh những tên tuổi thường trực như Amos Oz (Israel), Mario Vargas Llosa (Peru), Philipp Roth (Mỹ), luôn luôn có Milan Kundera.

Sinh năm 1929 tại thành phố Brno, Tiệp Khắc, từ năm 1979 ông sang cư trú tại Pháp. Năm 1981, ông nhập quốc tịch Pháp và bắt đầu nổi tiếng với những tác phẩm "Đời nhẹ khôn kham", "Bản nguyên", "Sự ngu xuẩn", "Cuộc sống không ở đây", "Sự bất tử" (trong đó có tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt). Mùa thu vừa qua, Milan Kundera được tặng Giải thưởng Nhà nước Cộng hòa Czech về văn học, nhưng không đến dự lễ trao giải.  

Ngày 13/10/2008, tuần báo "Respekt" xuất bản ở Cộng hòa Czech công bố bài của nhà sử học Adam Hradilek đề cập vụ bắt giữ Miroslav Dvoracek - một phi công Tiệp Khắc do bất đồng với chế độ đã chạy sang Tây Đức từ năm 1948. Nhận lời cộng tác với Cơ quan tình báo Mỹ (CIA), năm 1950 Miroslav Dvoracek bí mật trở về Praha, đến một ký túc xá sinh viên gặp lại Iva Militka - cô bạn hồi ấu thơ - nhưng bị phát giác, bị bắt và lãnh án 22 năm tù giam. Sau hơn chục năm phải lao động cưỡng bức trong một mỏ uran, cho đến năm 1963, Miroslav Dvoracek được trả lại tự do rồi sang sống lưu vong tại Thụy Sĩ. Toàn bộ quá khứ đó, Miroslav Dvoracek luôn luôn giấu kỹ, không một lần than thở với cả con đẻ của mình.

Nhà sử học Adam Hradilek đã "phát nổ một quả bom dư luận" khi công bố bằng chứng mà ông moi được, đó là tờ biên bản mang số 624/1950 trong kho tài liệu Bộ Nội vụ Tiệp Khắc, ghi rõ: "Hôm nay, 14/3/1950, vào lúc 16 giờ, một nam sinh viên, họ tên Milan Kundera, sinh ngày 1/4/1929 tại Brno, cư ngụ tại ký túc xá đường Vua  George đệ tứ, Praha, đã đến để trình báo sự việc Iva Militka, một nữ sinh viên cùng ký túc xá, có tiếp xúc với Miroslav Dvoracek". Và Adam Hradilek quả quyết: Người tố giác Miroslav Dvoracek chính là Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng hiện nay.

Nhà văn Milan Kundera tuyên bố: Toàn bộ câu chuyện này chỉ khiến ông sửng sốt bởi nó không có cơ sở và yêu cầu tờ tuần báo "Respekt" phải công khai xin lỗi mình trong vòng hai tuần lễ. Tổng biên tập Martin Simecka của tuần báo "Respekt" hứa hẹn sẽ xem xét, nhưng rốt cuộc đã không phúc đáp Milan Kundera …

Václav Havel, nhà văn ly khai trở thành Tổng thống Cộng hòa Czech đã công khai bênh vực cho Milan Kundera và lên tiếng yêu cầu các nhà sử học nên thận trọng trong trường hợp này. Ông Václav Havel không tin là nhà văn Milan Kundera có liên quan đến việc bắt giữ Miroslav Dvoracek, một người Czech lưu vong trở về quê hoạt động cho CIA. Trong bối cảnh năm 1950, có thể biên bản đã được ghi theo kiểu truyền miệng từ người này sang người kia, nghe thấy sao thì nói vậy, chép vậy, và việc một sinh viên hai mươi tuổi đặt niềm tin vào chính quyền là điều bình thường.

Mới đây, Giáo sư Zdenek Pesat xác nhận: ông còn nhớ rất rõ vào thời điểm năm 1950, một người bạn trai khác của cô Iva Militka, tên là Miroslav Dlask, đã đi báo chính quyền để bắt giữ Miroslav Dvoracek. Và sau đó, chính đương sự Miroslav Dlask đã giãi bày tâm sự với ông.

Trước tình hình đó, ngày 4/11, nhà xuất bản Gallimard cũng đã phải công bố một bức thư, trong đó khẳng định rằng: Việc tung ra những thông tin này là âm mưu "gây hấn" với một trong những nhà văn lớn nhất hiện đang còn sống, nó dựa trên những cơ sở đáng ngờ vực.

Trong số 11 nhà văn ký tên dưới bức thư kể trên có những tác giả được giải thưởng Nobel như: Gabriel Garcia Marquez (Colombia), Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ), Nadin Gordimer và Joseph M. Coetzee (Nam Phi), những nhà văn danh tiếng như Salman Rushdie (Anh), nhà thơ Philipp Roth (Mỹ), kịch tác gia Jorge Semprún (Tây Ban Nha)…

Đăng Bẩy
.
.