Câu đối thành câu.. đói?

Thứ Tư, 15/02/2012, 08:00

Tình cờ đến thăm nhà người bạn thơ, trên bàn có tờ báo Văn nghệ Công an số Tết Nhâm Thìn, tôi ngồi đọc từ đầu đến cuối. Điều làm tôi lưu tâm nhất chính là mục nhỏ nhất - mục "Hộp thư", với những trao đổi cụ thể của tòa soạn với một tác giả xung quanh việc soạn câu đối.

Tuy Tòa soạn Văn nghệ Công an chỉ đề nghị tác giả bài viết (cụ thể là ông Lưu Bỉnh) chứ không phải với tất cả độc giả làm rõ hơn vấn đề cần nêu, nhưng cảm động trước sự quan tâm về vốn cổ dân tộc của quý Báo nên tôi cũng mạn phép xin được tham gia.

Quả đúng như nhận định của bài viết là câu đối ngày nay ngày càng mai một và xuống cấp! Vì sao vậy? Câu trả lời là, cứ mỗi dịp Xuân về thì bất cứ một tờ báo nào cũng muốn có câu đối trên số báo Xuân, nhưng trình độ của biên tập viên nhiều tòa báo về lĩnh vực này xem ra khá lỗ mỗ. Bên cạnh đó, số người hiểu biết về câu đối cũng như…lá mùa thu. Bởi thế mới có chuyện viết và in câu đối theo kiểu…điếc không sợ súng. Tết Nhâm Thìn này đã có một tạp chí tự chữa câu đối của tôi trên tinh thần cho nội dung "có tính tuyên truyền hơn" mà họ không hề biết và quan tâm đến những nguyên tắc của câu đối. Khi tôi biết thì chuyện đã rồi. Buồn! Thậm chí có tờ báo địa phương Số Xuân dương lịch nào cũng đăng vế mời đối của một nhà thơ nổi tiếng mà cứ viết là câu mời đối và câu họa đối? Đối chứ có phải là thơ đâu mà họa, trong khi viết đúng đơn giản là: vế ra và vế đối.

Nhiều câu đối được bày bán trên hè phố Văn Miếu, Hà Nội. Ảnh: Minh Thăng.

Nói về câu đối thì dài lắm vì cổ nhân dạy "Thơ là tinh hoa của chữ, câu đối là tinh hoa của tinh hoa" và cũng xin không bàn về nội dung thế nào là hay dở, chỉ xin bàn về cung cách làm một câu đối đúng. Tựu trung là có ba thể loại câu đối chính, đó là:

Tiểu đối: từ 4 chữ trở xuống theo nguyên tắc vế phải: trắc - trắc  - trắc và vế trái: bằng - bằng - bằng.

Đối thi (thơ): Là loại câu đối phải tuân thủ niêm, luật như cặp thực, luận của thơ Đường luật,  số chữ của một vế đối là 5 chữ (theo ngũ ngôn bát cú) và 7 chữ (theo thất ngôn bát cú) ví dụ:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia…

(Bài "Qua Đèo Ngang" - Bà Huyện Thanh Quan)

Trong đó, động từ đối động từ (nhớ nước - thương nhà), danh từ đối danh từ (con quốc quốc - cái gia gia); ngoài ra phải tính từ đối tính từ, trạng đối trạng, từ láy đối từ láy, hư đối hư, thực đối thực, chữ Nho đối chữ Nho ... v.v. Rồi phải tuân thủ luật đối thanh trắc - bằng,  nghĩa là vế trên theo luật trắc (chữ thứ 2 và chữ thứ 6 của câu trên là nước - quốc) thì câu dưới phải theo luật bằng (nhà - gia) và theo đó thì bất cứ chữ nào trên đã trắc thì dưới phải bằng. Cũng có thể giảm độ khó bằng luật "nhất - tam - ngũ bất luận, nhị - tứ lục - phân minh, nghĩa là nếu làm luật trắc thì vế trên chữ thứ 2,4,6 phải là: trắc - bằng - trắc và vế dưới phải là: bằng - trắc - bằng và ngược lại. Trong dẫn chứng này tác giả còn chơi chữ theo kiểu chữ Nôm đồng nghĩa với chữ Hán (trên nước và quốc thì dưới phải nhà và gia) như thế mới thật cân xứng và hay. Ngoài ra còn vô số cách chơi chữ khác…

Đối phú: Là những câu đối làm theo thể phú. Khác với đối thi, đối phú không quy định số chữ, có thể là 6, 9 chữ hoặc thậm chí 25, 30 chữ, ngắt làm nhiều ý và không cần tuân thủ niêm luật. Về đối thanh chỉ cần chú trọng trắc bằng sau mỗi lần ngắt ý (thường có dấu phẩy). Còn lại thì vẫn tuân thủ nguyên tắc của câu đối như đã nói ở phần đối thi. Ví dụ:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà

(Tú Xương)

Chỉ cần mươi - một; mù - lúy; cửa - nhà…

Trở lại với hai câu đối mà Văn nghệ Công an đã nêu trong mục trao đổi thì vị độc giả ấy đã bình luận hết sức chính xác!

Chống tham nhũng, nói, làm cần thực chất hơn, Quốc hội, chính phủ yêu cầu mệnh lệnh hóa.

Sân chơi mới, toàn cầu sông ra biển cả, công dân Việt Nam xứng Đảng cậy dân tin. Chỉ cần nhìn những dấu phẩy đánh lung tung thôi, chiếu theo những nguyên tắc của câu đối đã nói trên thì đây không thể gọi là câu đối mà chỉ là những câu văn thông thường!

Phúc lộc an bình hưng gia đạo
Phú quý trường tồn thịnh nước non

Đây là câu đối mà tác giả làm theo thể đối thi, tuy nhiên đã không hề tuân thủ niêm, luật và nguyên tắc câu đối. Chữ lộc là trắc thì đáng ra chữ gia cũng phải trắc, câu dưới chữ quý và chữ nước phải là bằng. Nếu thay chữ lộc là bằng thì cần phải đổi chữ bình thành trắc nữa thì câu đối mới hoàn chỉnh về niêm luật…

Đáng tiếc là, như trên đã nói, hiện nay một số người không biết nguyên tắc làm câu đối nhưng cứ làm bừa và một số tờ báo thì cứ in liều nên nỗi câu đối cứ thành câu…đói như trường hợp Báo đã nêu!

Đôi lời lạm bàn theo những gì đã được các cụ xưa truyền dạy, chứ hiện nay rất ít sách nói về chuyện này. Có gì chưa đúng kính mong quý bạn đọc góp ý…

Ba Đồn ngày 6/1/2012

Đỗ Thành Đồng (Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình)
.
.