Câu chuyện đẫm nước mắt phía sau bức tượng cô chó nhỏ Laika và khát vọng chinh phục vũ trụ

Thứ Ba, 20/11/2018, 07:45
Nếu bình chọn đâu là con chó có số phận bi thương nhất trên thế gian này, tôi cầm chắc nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Laika, "sinh vật sống" đầu tiên được đưa vào vũ trụ với tinh thần "một đi không trở lại". 

Càng tội nghiệp hơn khi biết, đây không phải "chú chó" như cách gọi quen thuộc của báo giới. Sự thực, Laika là… chó cái. Một "cô chó" cả đời sống trong đọa đày, khổ ải; và trước khi chết thì phải chịu những thử thách vô cùng khủng khiếp mà chắc chắn, bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ rùng mình kinh hãi khi nghĩ tới việc nó được "áp dụng" đối với chính bản thân mình.

Ngày ấy, kỹ thuật chế tạo các thiết bị chinh phục vũ trụ còn nhiều hạn chế; lại đang trong thời kỳ chạy đua vũ trang gắt gao giữa Liên Xô (cũ) và Mỹ. Đó là lý do để - mặc dù không được thiết kế cơ cấu chống cháy và hạ cánh (giúp thu hồi con tàu về trái đất), các nhà khoa học Liên Xô vẫn quyết định phóng tàu Sputnik 2 lên quỹ đạo. Cô chó nhỏ Laika được chọn cho chuyến bay thử nghiệm trước khi để con người tham gia hành trình này. Điều ấy đồng nghĩa với việc Laika được xác định ngay từ đầu là vật hiến thân cho khoa học.

Laika - từ đâu "em" tới? Không ai rõ. Chỉ biết nó thuộc giống chó Eskimo có nguồn gốc từ Siberia. Khi người ta tìm thấy, Laika được xác định đã ba tuổi và đang lang thang kiếm ăn trong một con hẻm ở Moscow. Phận "chó hoang", Laika chắc chắn đã trải qua những ngày tháng bị cái đói giày vò, cái rét hành hạ; nhất là cái lạnh khủng khiếp của mùa đông nước Nga.

Các nhà khoa học nhận định vậy và thế là, sự bất hạnh tiếp tục đổ ụp xuống đời cô chó nhỏ. Chưa kịp mừng vì thoát khỏi những ngày tháng bơ vơ không ai chăm sóc, Laika cùng hai con chó khác đã bị nhập vào đội "phi hành gia" bí mật; phải cấp tốc tham gia khóa huấn luyện đặc biệt với các bài tập hết sức căng thẳng, những bài tập khiếp đảm mà trước đó, tổ tiên, đồng loại của chúng chưa một lần gặp phải.

Các nhà khoa học tin rằng, việc Laika từng "trụ" nổi trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt sẽ giúp nó chịu được (trong một thời gian nhất định) sự khắc nghiệt của nhiệt độ và việc thiếu thức ăn - là hai khả năng sẽ xảy ra khi tham gia chuyến bay vòng quanh quỹ đạo trái đất. Không những thế, là chó cái, nó không phải nhấc chân lên khi phóng uế. Việc này đương nhiên sẽ khiến “không gian sống” của nó nhỏ hẹp hơn, “tiết kiệm” hơn.

Hằng ngày, luôn có hoa tươi đặt bên tượng đài cô chó nhỏ Laika - "sinh vật sống" đầu tiên được đưa vào vũ trụ.

Bước đầu, cả ba con chó được cho tham gia bài kiểm tra về mức độ thuần phục. Tất cả đều đạt yêu cầu. Vốn dĩ chúng là những con vật "biết thân biết phận". Bước tiếp theo, chúng phải làm quen với việc mặc những loại quần áo đặc biệt và ăn một loại thức ăn dạng lỏng - loại thức ăn chúng sẽ phải sử dụng sau này nếu được đưa lên không gian.

Cuối cùng, để quen với việc sống trong khoang lái chật hẹp của tàu Sputnik 2 (con tàu chỉ nặng có 500 kg), chúng bị nhốt liên tục từ 15 đến 20 ngày (một đợt) trong những chiếc hộp kháng áp.

Tại đây, để quen với tiếng gầm rú của động cơ phản lực, chúng phải thường xuyên luyện tập với máy ly tâm mô phỏng quá trình tăng tốc của tên lửa đẩy; đồng thời quen với việc thay đổi đột ngột của áp suất không khí, trong đó có việc bị nhấc bổng lên không khí đột ngột. Sau mỗi lần luyện tập như vậy, nhịp tim của mỗi con vật đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với bình thường!

Bã bời qua các vòng lựa chọn khốc liệt, chỉ Laika và một con chó nữa "trụ" nổi. Và với vóc dáng nhỏ bé, tính tình "ôn hòa", cuối cùng Laika được lựa chọn là ứng viên số một để thực hiện sứ mệnh "cảm tử" cho công cuộc chinh phục vũ trụ của con người.

Những ngày cuối đời của Laika là quãng thời gian thực sự ám ảnh đối với những người liên quan tới sự vụ. Bác sĩ Vladimir Yazdovsky, một trong hai nhà khoa học chịu trách nhiệm về chương trình đưa sinh vật sống vào vũ trụ của Liên Xô đã phải đưa Laika về nhà chơi với tụi trẻ.

Ông giải thích: "Laika hiền lành và dễ thương. Tôi muốn làm một việc gì đó tốt đẹp cho Laika. Nó còn quá ít thời gian để sống". Bác sĩ Yazdovsky đã đúng. Việc "cô chó" ba tuổi được tự do vui chơi với các bạn nhỏ hồn nhiên sau những tháng ngày bị "úp sọt" trong lồng kín, chịu đủ mọi "cực hình tra tấn" từ máy móc, đó chỉ là những "khoảng sáng" hiếm hoi bừng thức trong cuộc đời trĩu nặng mây mù của nó. Laika tội nghiệp đâu biết, niềm vui ấy chỉ diễn ra rất ngắn, vì dường như với nó, niềm vui ấy là quá xa xỉ.

Rời nhà bác sĩ Yazdovsky, Laika được đưa vào nhốt trong khoang tàu Sputkik 2 trước khi tàu được phóng vào quỹ đạo trái đất 3 ngày. Con vật bé bỏng ngơ ngác khi thấy mình bỗng nhiên được tắm rửa kỹ càng bằng dung dịch pha cồn; lông được chải chuốt cẩn thận; được bôi iốt vào những vị trí gắn thiết bị cảm biến nhằm theo dõi các chỉ số trên cơ thể.

Những bức hình chụp cảnh Laika bị cột cố định bởi một sợi xích trong khoang tàu Sputnik 2, le lưỡi ngước nhìn mọi người với ánh mắt vừa như khẩn cầu, vừa như cam chịu trước khi con tàu được phóng lên không trung khiến ai nhìn cũng không cầm được nước mắt. Khoang nhốt chật hẹp, chỉ đủ chỗ cho Laika có thể đứng hoặc nằm.

Nhìn dáng nằm, ánh nhìn, ai cũng biết nó buồn vô hạn, và sự hoang mang sợ hãi thì không thể diễn tả. Chắc Laika ngạc nhiên không hiểu, rằng tại sao riêng hôm ấy, mọi người lại xuất hiện quanh nó nhiều như vậy, và vẻ mặt ai nấy đều nghiêm trang, nghiêm trọng đến vậy. Các nhà khoa học Liên Xô sau này kể rằng, trước khi đóng cửa tàu Sputnik 2, họ đã hôn lên mũi con vật và chúc nó "may mắn", dù ai cũng biết, số phận của Laika đã được định đoạt.

Vào hồi 5 giờ 30 phút ngày 3/11/1957, tại Sân bay vũ trụ Baikonur, tàu Sputnik 2 mang theo cô chó nhỏ tội nghiệp Laika được phóng lên quỹ đạo trái đất.

Tiếng gầm rú bất ngờ của động cơ phản lực, sự rung động mạnh cộng áp lực khổng lồ (gấp 5 lần bình thường) đè ụp lên cơ thể nhỏ bé chỉ 16 kg của con vật khiến nó thực sự hoảng loạn. Những thiết bị cảm ứng gắn trên cơ thể Laika ghi nhận, khi Sputnik 2 đạt vận tốc 28.968 km/giờ, nhịp tim của con vật tội nghiệp đập mạnh gấp ba lần so với bình thường; còn nhịp thở thì gấp bốn lần. Còn khi Sputnik 2 đạt đến trạng thái không trọng lực thì nhịp tim của nó giảm mạnh đột ngột.

Bi kịch càng chồng bi kịch khi - trong quá trình Sputnik 2 lao trong không gian với vận tốc lớn như vậy, một số tấm cách nhiệt trong con tàu bị rách, làm nhiệt độ trong khoang lái liên tục tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc Laika, ngoài chịu đựng tiếng ồn và sức nén khủng khiếp, nó còn phải chịu sức nóng vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể.

Vì lý do chính trị, thông tin từ phía Liên Xô đưa ra thời ấy là: Laika bị chết do thiếu hụt ôxy, và rằng, Laika đã "sống được tới một tuần và chết nhẹ nhàng trong vũ trụ"! Sự thực, vào thời điểm Sputnik 2 đi quanh quỹ đạo trái đất vòng thứ 4 (tức khoảng 5 tới 7 giờ sau khi thực hiện chuyến bay), các thiết bị giám sát cho thấy ở Laika không còn dấu hiệu sống. Các nhà khoa học xác định, Laika đã chết bởi sức nóng và cả bởi quá… sợ hãi! Thông tin này chỉ được công bố sau sự kiện bi thảm nói trên diễn ra tới 45 năm!

Thật ra, việc bịa thông tin Laika sống được lâu hơn so với thực tế chẳng có ý nghĩa "nhân đạo" gì đối với nó, nếu không muốn nói, trong hoàn cảnh ấy, cái chết càng đến nhanh với nó càng là một sự giải thoát. Bởi điều mà Laika phải đối mặt là vô cùng khủng khiếp. Đúng như một bạn viết (ký tên Trang Ly) đã nhận xét "Cái nóng gần trăm độ, sợ hãi, áp lực, chật chội và có lẽ bị cả cơn đói hành hạ…Những gì mà Laika phải trải qua trước khi tan cùng con tàu Sputnik 2 còn đáng sợ hơn cái chết".

 Ngày 14/4/1958, sau 163 ngày bay liên tục 2.570 vòng quanh quỹ đạo trái đất (điểm gần nhất là 225 km và điểm xa nhất là 1.671 km), tàu Sputnik 2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường lao tự do về trái đất và tan thành những mảnh vụn nhỏ trước ma sát khổng lồ của không khí, kết thúc sứ mệnh của mình.

Sự hy sinh của Laika đã mở ra cho ngành khoa học vũ trụ một trang mới, cung cấp những dữ liệu cần thiết để các nhà khoa học hiểu về cách thức một sinh vật sống phản ứng với môi trường vũ trụ; đồng thời đi đến một xác tín, rằng con người có thể tồn tại được trên quỹ đạo và chịu được tình trạng không trọng lực.

Dầu vậy, cái chết của Laika đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là từ những Hội Bảo vệ động vật. Sự phản ứng càng trở lên dữ dội khi họ biết rằng, cái chết của Laika cũng như việc con tàu Sputnik 2 sẽ cháy trong khí quyển là điều các nhà khoa học Liên Xô đã "mặc định từ trước". Hiệp hội Bảo vệ chó Quốc gia của Anh kêu gọi những người nuôi chó dành một phút mặc niệm Laika.

Để tưởng nhớ Laika, mấy chục năm qua, nhiều nước đã cho phát hành những bộ tem và bưu thiếp nhắc nhớ tới "cô chó dũng cảm". Tên của con vật đáng thương cũng được đặt cho một số ban nhạc, hãng sản xuất chocolate, thuốc lá.

Cuộc đời, sự đáng yêu, số phận bi thương của Laika cũng theo đó đi vào nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa…Đặc biệt, tròn nửa thế kỷ sau ngày xác Laika được hỏa thiêu trong khí quyển trái đất (11/4/2008), tại đường Petrovsko - Razumovskaya trong khuôn viên Viện Quân y ở Thủ đô Moscow, nơi Laika từng luyện tập để chuẩn bị cho chuyến thử nghiệm bay vào không gian, các nhà chức trách Nga đã cho dựng một tượng đài tưởng niệm Laika do nhà điêu khắc Pavel Medvedev thiết kế. Bệ tượng đài mô phỏng một tên lửa vũ trụ, còn phần trên của các động cơ mô phỏng bàn tay con người với năm ngón hướng thẳng lên bầu trời. Laika đứng trên đó, trên lòng bàn tay con người. Tất cả như cùng chuẩn bị cho một chuyến hành trình bay tới các vì sao.

Nhà văn Nam Cao từng viết "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối". Hình ảnh Laika hiện lên trong bức tượng thật đẹp, thể hiện thay cho khát vọng chinh phục vũ trụ của con người. Còn trong thực tế thì…

Dù ta có dùng những từ ngữ mỹ miều (và hoàn toàn chính xác trong trường hợp Laika), rằng đó là con chó đáng yêu, tính tình "ôn hòa", dũng cảm, thì cũng không nên quên những gì khổ ải mà con người buộc cô chó bé nhỏ ấy phải gánh chịu. Ở đây, xin được nhắc lại một câu hỏi rất nhân văn mà bạn viết Trang Ly đã đặt ra xung quanh cái chết của Laika: "Có khi nào, con người ở dưới mặt đất nhìn được những giọt nước mắt đau đớn, cô độc của Laika?".

Được biết, sau này, vào năm 1998, chính bác sĩ Oleg Gazenko, một trong những nhà khoa học đứng đầu chương trình sử dụng chó trong các cuộc thí nghiệm năm xưa cũng đã phải bày tỏ sự hối hận của mình về cái chết của Laika: "Thời gian trôi qua, tôi càng cảm thấy ân hận về việc mình đã làm. Chúng tôi không nên làm như vậy".

Phạm Khải
.
.