Càng tái bản nhiều, càng thiệt

Thứ Năm, 03/01/2008, 11:30

Dễ cũng vài năm rồi kể từ ngày nhà thơ Phan Quế giục giã tôi nộp bài cho tập thơ tuyển có chủ đề về… rượu mà anh được mời tham gia Ban tuyển chọn. Thời buổi bây giờ, từ dự định tới hiện thực là cả một quãng đường dài, mà các "dự án" liên quan tới… thơ thì phần nhiều là các "dự án treo", thành thử thực hiện xong yêu cầu của bậc đàn anh cũng là lúc tôi quên khuấy việc thơ phú nói trên.

Thế rồi, thật bất ngờ, cách đây ít ngày, nhà thơ Phan Quế khệ nệ mang tới cơ quan tôi một túi xách nặng, bên trong là một xấp dày những cuốn sách còn thơm mùi mực. Anh lấy ra 2 cuốn đưa tôi và nói ngắn gọn: "Một cuốn sách biếu tác giả và một cuốn trả thay nhuận bút". Thì ra đó là tập "Thi tửu" tập hợp những bài thơ về rượu của 106 tác giả. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý IV-2007.

Có lẽ cũng đã lâu tôi mới lại bắt gặp một cách hành xử khiến tôi xúc động làm vậy: Tác giả có thơ tuyển được đơn vị xuất bản gửi tận tay sách biếu và thay vì nhuận bút, tác giả được "bù" thêm một cuốn sách nữa.

Thế rồi nghĩ đi nghĩ lại, tôi bỗng thấy ngậm ngùi thay cho cái nghề làm thơ của mình. Nhà thơ Nga Épghênhi Éptusenkô từng có câu thơ rằng "Chao ơi, cái thời gì mà kì cục quá đi thôi/ Chỉ trung thực với mình đã đủ thành dũng cảm".

Liên hệ tới việc được nhận 2 cuốn sách biếu nói trên, tôi muốn chữa ra thành "Chao ôi, có cái nghề gì mà kỳ cục quá đi thôi/ Tác giả nhận được sách bản quyền mà cũng phải… xúc động".

Sở dĩ tôi nói như vậy, vì việc tác giả có bài in, được đơn vị xuất bản gửi sách biếu và trả nhuận bút lẽ ra phải là chuyện… đương nhiên. Bởi cả về mặt luật và về đạo lý nó là như vậy.

Chỉ có điều, đã từ lâu cái "chuyện đương nhiên" ấy (với thơ) không còn được mấy nơi thực hiện nữa. Và bởi vậy, khi nó "xảy" ra, ít nhiều cũng khiến các tác giả thơ vốn dĩ rất biết "phận mình" không khỏi xúc động.

Người viết bài này từng một số lần có thơ được chọn sử dụng trong các hợp tuyển. Thành thực mà nói, chỉ chưa đầy 5% số đó là được các đơn vị xuất bản, các "nhà thầu" thực hiện chế độ bản quyền, nói nôm na là được lĩnh nhuận bút hoặc được nhận sách biếu (có nơi ra giá: Họ sẽ gửi sách bản quyền với điều kiện tác giả mua cho họ 10 cuốn.

Có nơi chỉ trả nhuận bút, không có sách tác giả và giá của mỗi cuốn gấp nhiều lần tiền nhuận bút). Thậm chí có bài của tôi được vinh hạnh in đi in lại tới sáu, bảy chục lần, song, càng "khoe" thì càng... đau lòng, chính bài thơ này lại khiến tác giả phải chịu… thiệt về kinh tế hơn cả.

Bởi, ngoại trừ lần in trên báo đầu tiên được trả nhuận bút (tương đương với 150 ngàn đồng hiện nay), còn thì các lần in lại trong sách, tác giả không những không hề biết đến một đồng nhuận bút nào mà còn phải bỏ ra tới trên 2 triệu để mua sách (mỗi loại một cuốn, gọi là làm kỷ niệm).

Cũng liên quan tới chuyện thơ in - không nhuận bút, tôi bỗng nhớ tới việc có lần một ông chủ biên "vần" tới phòng làm việc của nhà thơ Đinh Quang Tốn một cuốn hợp tuyển dày cả gang tay.

Không biết ông chủ biên tâm sự với nhà thơ Đinh Quang Tốn những gì mà ít phút sau, có việc lên phòng anh, tôi thấy anh đang rút ví chuyển cho vị chủ biên kia mấy trăm ngàn gọi là "để bác bù vào tiền in sách". Thì ra, trong sách có chọn một bài thơ của anh Tốn.

Kể, cách xử sự như vậy là đẹp, và cũng hợp lẽ, bởi với một cuốn sách in cả ngàn bài như vậy, tác giả nào cũng đòi hỏi có một cuốn sách tác giả (chưa nói đến nhuận bút) thì người đứng ra xuất bản cuốn sách hẳn cũng phải sớm chia tay với nghề.

Tuy nhiên, nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tôi không dám làm theo cách của anh Tốn (mặc dù tôi cũng có bài được chọn trong bộ sách), vì, như ở phần trên đã nói, tôi đã "âm" quá nhiều tiền cho những bài thơ được tuyển chọn thế này rồi.

Vậy là, mỗi lần nhìn thấy vị chủ biên nói trên, tôi lại cảm thấy như mình còn… mang nợ. Cái tâm trạng có vẻ "ngược đời" này, buồn thay, lại là một tâm trạng có thật. 

Nghe tôi kể tới đây, hẳn sẽ có bạn đọc lấy làm thắc mắc: Tại sao biết là sách in sẽ bị lỗ nếu thực hiện nghiêm túc chế độ bản quyền với các tác giả, vậy mà người ta vẫn cứ cho…in.

Câu trả lời đơn giản là: Ngoại trừ việc in để phục vụ yêu cầu chính trị, còn thì đa phần họ vẫn in vì… vẫn có lãi. Nói đúng hơn, họ chỉ không có lãi khi phải trả nhuận bút và sách biếu cho các tác giả.

Đấy là lý do để thi thoảng trong cuộc sống ta lại bắt gặp những vị chủ biên luôn miệng kêu "phải bán nhà đi để lo in thơ cho thiên hạ" trong khi thực tế thì quanh năm suốt tháng họ sống bằng nghề tổ chức xuất bản các bộ hợp tuyển thơ. 

Thôi thì, "lọt sàng xuống nia" - Các nhà thơ chúng ta chỉ đành biết tự an ủi mình như vậy

Phạm Thành Chung
.
.