Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009:

Cần tránh sự “nửa vời”

Thứ Tư, 16/09/2009, 10:30
Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 (sẽ diễn ra từ ngày 26/9 đến 6/10 tại TP Hồ Chí Minh) đã bắt đầu khởi động. Tuy nhiên, hiện các nhà tổ chức vẫn không khỏi bối rối trước sự thiếu nhiệt tình của một số đơn vị sân khấu đã "xã hội hóa" bấy lâu nay.

Mặc dù Ban Tổ chức đã chọn địa điểm tại TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho các đơn vị này không phải đi xa, thậm chí họ vẫn cứ bán vé, cứ diễn tại sân khấu của mình, Ban Giám khảo sẽ đến tận nơi chấm điểm, xét giải, nhưng mọi chuyện vẫn không vì thế mà cải thiện được tình hình.

Điều này khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng lâu nay cách tổ chức hội diễn còn tồn đọng những chuyện lình xình? Tại sao Ban Tổ chức cứ phải "chiều chuộng" và quá lệ thuộc vào các đơn vị sân khấu tư nhân này? Trong khi, theo hệ thống Nhà nước, chúng ta có tới hàng chục Nhà hát và đoàn kịch ở khắp các tỉnh, thành?...

Đúng là còn những chuyện lình xình

Theo thông lệ, cứ 5 năm một lần, Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc lại được tổ chức nhằm phát hiện những gương mặt nghệ sĩ tài năng mới và những kịch mục nổi bật. Nhưng lâu nay, sức ép thành tích cho đoàn và cho cá nhân các nghệ sĩ của một số đơn vị nghệ thuật thuộc Nhà nước đã xuất hiện không ít những bất cập và làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, trong đó không ngoại trừ việc người ta dùng những tấm huy chương thành tích ấy không chỉ để "báo cáo" mà còn để thanh lý cho các khoản tiền được cấp. Hiện tượng "mưa huy chương" đã làm cho một số kỳ hội diễn gần đây trở nên "mất thiêng". 

Tuy biết thế nhưng đã là nhiệm vụ do cấp trên giao, và được cấp tiền, nên có đoàn bằng mọi cách phải có huy chương, không vàng, bạc thì đồng cũng được, miễn sao có cái để "mở mặt mở mày" với lãnh đạo. Muốn thế, không ít đoàn đã phải chạy vạy mời các đạo diễn có tên tuổi dàn dựng để thiên hạ khỏi chê bai, hoặc Ban Giám khảo nể vì mà chấm giải. Cho nên, thường xảy ra hiện tượng trong kỳ hội diễn nào cũng có tới năm, bảy vở đều do một tay đạo diễn có tiếng tăm dàn dựng. Chính điều này đã làm cho chất lượng nghệ thuật ít nhiều trở nên nhàm tẻ.

Điều lệ hội diễn năm nay tuy vẫn quy định mỗi đạo diễn không được dựng quá 3 vở, nhưng sự thật, khi một đạo diễn nào đó núp bóng ở các vai trò cố vấn hoặc đổi tên thì... có trời mà biết. Chẳng phải ai xa lạ, chính đạo diễn nổi tiếng Trần Ngọc Giàu được 7 đơn vị mời chào cũng đã tiết lộ trên Báo Người Lao động: "Tôi ưu tiên cho TP Hồ Chí Minh với 2 vở, một của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ và một của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, còn các đơn vị khác tôi chỉ tham gia với vai trò cố vấn hoặc chỉ đạo nghệ thuật".

Cùng với những điều còn chưa rõ ràng trên, Ban Tổ chức ắt sẽ khó đạt được mục đích ưu tiên cho những kịch mục về đề tài 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và thời lượng mỗi vở không được kéo dài quá 120 phút.

Riêng đề tài về Hà Nội, nếu không có chỉ đạo và chuẩn bị từ trước thì tìm được kịch bản có chất lượng không dễ. Còn con số 120 phút quả làm đau đầu các nghệ sĩ của các nhà hát. Đây không chỉ là chuyện chọn kịch bản hay và phù hợp, mà còn là chuyện các đạo diễn và tác giả kịch bản phải co rút cảnh diễn thế nào, biên tập ra sao để không quá quy định về thời gian. Và không phải không có ý kiến thắc mắc là tại sao phải khống chế thời gian như vậy? Nếu có vở diễn hay thật sự, và diễn ra hơn 120 phút thì há gì không cho dự, bởi tiêu chí của hội nghề nghiệp là chất lượng kịch mục, là tài năng nghệ sĩ cơ mà. Nên chăng, ngoài chuyện đọc kịch bản trước, Ban Tổ chức còn phải quan tâm tới thời gian từng vở có thể cho phép, nếu thấy hay?

Còn nữa, quy ước hội diễn năm nay sẽ không có huy chương đồng, mục đích để tránh hiện tượng "mưa huy chương" của các kỳ hội diễn trước đó cũng là một chuyện khiến nhiều người chưa thực "tâm phục khẩu phục". Bởi có một Ban Giám khảo công tâm mới là điều quan trọng. Huy chương đồng - cần thiết vẫn phải có bởi đó cũng là sự khẳng định về nghề nghiệp. Hơn nữa, việc chia ra ba loại giải như trước dễ xếp loại và đánh giá chính xác hơn.

Chẳng nên ngóng những người "ngoảnh mặt"!

Một số đơn vị sân khấu kịch xã hội hóa thường lấy lý do vì đời sống anh chị em, vì sợ mất khán giả nên ngần ngại tham gia Hội diễn. Chẳng cứ những hội diễn trước, mà đến lần này, vẫn có một số người có cách né tránh khéo léo, mặc dù, như ở đầu bài đã nói, năm nay các nhà tổ chức đã đem Hội diễn đến tận "sân nhà" của họ, tạo điều kiện cho họ phát huy tài năng và đoạt thành tích cao. Và một chuyện còn đáng buồn hơn, ấy là khi chính ông Giám đốc của Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, Nhà hát của ông dự hội diễn chỉ vì Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố đốc thúc quá, chứ cá nhân ông không hề muốn dự thi.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Phước Sang, Giám đốc Sân khấu Kịch Sài Gòn cũng chỉ đem vở "Hồn ma báo oán" dựng đã lâu tham gia hội diễn với cách lý giải chơi chơi: "Chúng tôi không làm hàng cúng  rồi sau đó bỏ xó. Không đoạt giải thì coi như cơ hội giao lưu vậy thôi. Vui là chính".

Cảnh trong vở “Hồn ma báo oán” của Sân khấu kịch Sài Gòn tham gia hội diễn.

Riêng ông bầu kiêm đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn lại lần khân vì lý do các vở kịch của IDECAF ngắn nhất cũng có thời lượng khoảng hai tiếng rưỡi, và cho rằng đó là thời gian tối thiểu của một vở kịch. Phải chăng đó cũng là một cách gián tiếp từ chối không tham gia hội diễn?

Lại nữa, có người còn nghĩ Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc là sân chơi cho các đơn vị nhà nước (mà họ xem là "con đẻ") chứ không phải cho những đứa "con rơi" như họ. Thật ra, họ cứ bao biện vậy, thực tình là họ sợ tốn kém, ngại đi xa mà thôi.

Tính đến nay, đã có 24 vở  của 17 đơn vị nghệ thuật của cả Nhà nước và tư nhân ghi tên tham dự Hội diễn. Riêng mỗi đơn vị kịch xã hội hóa đều được ưu tiên tham gia 2 vở, trong khi các đoàn của Nhà nước chỉ được dự một vở. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Đăng Chương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, trong quá trình sơ duyệt, nếu chất lượng thuyết phục, kịch bản của các đoàn xã hội hóa sẽ còn được hỗ trợ kinh phí để dàn dựng. Vậy là Ban Tổ chức đã hết lòng, còn những ai đó "ngoảnh mặt" thì cũng đành, ta chả nên ngóng đợi.

Để sân khấu kịch luôn sáng đèn

Làm được điều này không hề đơn giản. Hiện nay, nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa thường chạy theo thị hiếu quá mức bình dân. Các vở diễn của họ đầy tính thị trường, chạy theo tiếng cười "thư giãn" cùng với các cảnh không kinh dị thì cũng ma quái, hoặc sex... Do vậy, thật khó tránh khỏi hiện tượng họ sẽ đem đến hội diễn những vở chỉ với mục đích câu khách, làm cho chất lượng nghệ thuật bị giảm sút. Trong khi đó, các đơn vị Nhà nước lại quá lệ thuộc vào cơ chế xin - cho, eo hẹp về kinh phí và không thật nhanh nhạy trong việc đưa các vấn đề nóng bỏng trong xã hội lên sân khấu, nên không thể có những vở vừa thật đặc sắc, vừa thu lời, làm cho nhà hát luôn luôn đỏ đèn. Thật khó! Đó chính là sự lúng túng, bất cập của các đoàn kịch Nhà nước lẫn các đoàn kịch tư nhân hiện nay

Mỗi mùa Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc là một dịp báo công của các nghệ sĩ với "tổ nghề" và thể hiện tính công dân của mình đối với xã hội. Và khi những người có trách nhiệm luôn coi đó là những ngày hội thì các nghệ sĩ sẽ náo nức, hồ hởi và sẵn sàng dâng hiến tâm sức, trí tuệ mình cho nghệ thuật. Còn không thì... mọi việc vẫn chỉ là "đến hẹn lại lên", là một việc làm chiếu lệ mà thôi...

Vương Tâm
.
.