Điện ảnh Việt Nam:

Cần một sự cải cách quyết liệt

Thứ Tư, 29/07/2015, 08:18
Đại hội Đại biểu Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) vừa được tổ chức trung tuần tháng 7 tại Hà Nội với không nhiều biến động trong thành phần Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Là Đại hội gần cuối trong số các Hội chính trị - nghề nghiệp được diễn ra suôn sẻ, vui vẻ, không nhiều tranh cãi trên bàn nghị sự nhưng không vì thế có nghĩa điện ảnh Việt Nam không còn điều gì phải bàn, nếu không muốn nói còn quá nhiều điều cần phải làm, phải thay đổi.

Tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội, Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VIII thu hút hơn 500 đại biểu cả nước về tham dự. Mặc dù theo phân tích tổng hợp của Ban tổ chức, số lượng đại biểu đang công tác vẫn chiếm số lượng quá bán nhưng với những ai có mặt tại ngày vui của các nghệ sĩ điện ảnh này thì đều thấy rõ một điều là thiếu vắng nhiều gương mặt trẻ.

Có không ít hội viên dù trên danh nghĩa vẫn đang làm việc nhưng thực ra là đã ngấp nghé về hưu hoặc lâu nay hoạt động điện ảnh rất mờ nhạt. Trong khi lâu nay, hoạt động điện ảnh chủ yếu là của những người trẻ. Khá nhiều tác phẩm điện ảnh gần đây tạo được ấn tượng với khán giả trong và ngoài nước đều thuộc về những người này. Nhân sự già cỗi là điều ai cũng nhận thấy tại Đại hội Điện ảnh. Tham gia đại hội hầu hết vẫn là những gương mặt quen thuộc như NSND Đặng Nhật Minh, Bùi Đình Hạc, Trà Giang, NSƯT Ngọc Lan… Trẻ hơn thì cũng là những nghệ sĩ đã ngấp nghé tuổi 50 còn mới như NSƯT Lê Hồng Chương, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nghệ sĩ Quyền Linh…Sự xuất hiện của những gương mặt đúng nghĩa trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu hết là các nhà biên kịch và đạo diễn. Đặc biệt, gần như vắng bóng các diễn viên trẻ.

Ban chấp hành nhiệm kỳ mới của Hội điện ảnh không có nhiều gương mặt mới.

Trong khi, diễn viên là một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần tạo nên thành công của bộ phim. Có ý kiến cho rằng, các nghệ sĩ trẻ bận đi làm phim nên không tham gia Đại hội. Tuy nhiên, cũng nhiều quan điểm thẳng thắn nhận định những nghệ sĩ trẻ không mặn mà với công tác Hội vì họ không thấy mình trong đó, không tìm thấy được những hữu ích cho công việc của mình. Như theo quan điểm của đạo diễn Trần Vịnh thì: "Đại hội chưa thu hút được giới trẻ một phần vì Ban chấp hành năm nào cũng quẩn quanh từng đó gương mặt. Phải có một vài cái tên mới mẻ thì mới thu hút sự quan tâm của các nghệ sĩ trẻ".

 Năm nay, diễn viên Mai Thu Huyền là một trong số ít ỏi những người trẻ có tên trong danh sách bầu chọn. Tuy nhiên vẫn chưa đủ số phiếu để vào Ban chấp hành. Kết quả ấy có lẽ cũng không khó hiểu khi thành phần bỏ phiếu hầu hết là những người lớn tuổi. Vẫn biết, ở mỗi kỳ Đại hội, sự tôn vinh những đóng góp quý báu của các bậc "cây đa cây đề" luôn là điều quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên cũng cần phải có sự khích lệ, động viên xứng đáng với những người trẻ đang nắm tương lai của Điện ảnh.

Các nghệ sĩ điện ảnh vốn được tiếng là những người dĩ hòa vi quý và coi Đại hội là cơ hội gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp trên cả nước nên Đại hội Hội Điện ảnh diễn ra suôn sẻ và có phần vui vẻ, nhẹ nhàng hơn một số Đại hội ở lĩnh vực khác. Các thủ tục bầu bán cũng được thực hiện nhanh chóng, gọn nhẹ. Ban chấp hành nhiệm kỳ mới cũng không có nhiều thay đổi ngoại trừ việc có thêm hai thành viên của lĩnh vực phim tài liệu. Ý kiến bên lề khá rôm rả nhưng phần tham luận chính thức của Đại hội lại khá tẻ nhạt với những phát biểu chủ yếu là cho đủ lệ bộ.

Có đạo diễn bức xúc cho rằng, Đại hội đã không chạm đến được những vấn đề cốt lõi, bức xúc của điện ảnh hiện nay. Tuy nhiên, suy cho cùng với điện ảnh không đơn giản chỉ là chuyện nói mà giải quyết được hết các vấn đề tồn tại. Sản phẩm điện ảnh là kết quả của một công trình tập thể. Chính vì thế để có được một tác phẩm tốt là sự cố gắng, nỗ lực của nhiều khâu, nhiều bộ phận chứ không riêng thành phần nào.

Dù báo cáo của Đại hội cho biết phim truyện Điện ảnh trong giai đoạn 2010 - 2015 được ghi nhận có sự tăng trưởng vượt trội về số lượng phim và sự khác biệt giữa hai dòng phim chính là phim do các cơ sở điện ảnh trong nước sản xuất (tạm gọi là phim truyền thống) và phim do tư nhân sản xuất (phim thương mại). Phim truyền thống được nhà nước hỗ trợ ổn định về kinh phí sản xuất vẫn tiếp tục dòng mạch chính yếu về đề tài yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc và là không gian nghệ thuật để người nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm công dân trước Tổ quốc và thời đại. Tuy nhiên vẫn còn thiếu vắng những phim về đề tài đương đại có sức lay động xã hội.

Ở một số phim về đề tài chiến tranh, cách mạng các tác giả vẫn bị ảnh hưởng cách làm cũ nặng tính tuyên truyền mà chưa khắc họa sâu sắc bối cảnh lịch sử, nội tâm nhân vật…khiến hình tượng nghệ thuật còn đơn giản, ít sức lôi cuốn khán giả, nhất là khán giả trẻ. Phim thương mại chủ yếu do tư nhân sản xuất, mặc dù làm tăng đáng kể số lượng phim chiếu rạp đồng thời là yếu tố chủ lực tạo nên thị trường điện ảnh trong nước nhưng bị chi phối bởi mục đích lợi nhuận nên nội dung của một số phim chủ yếu gắn với thị hiếu lớp trẻ (nhất là thành thị) xoay quanh các đề tài hài, kinh dị, võ thuật, tình dục, đồng tính… mà ít quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước và dân tộc.

Một cảnh trong phim “Quyên” được công chúng chú ý.

Nói như vậy dường như còn quá nhẹ bởi năm năm qua cũng chính là thời điểm xuất hiện cụm từ quen thuộc như "phim thảm họa". Phim truyền thống là ra thì tẻ nhạt, vắng khán giả.  Phim thương mại thì nhạt nhẽo, nhảm nhí và vô duyên tới mức phản cảm. Những tác phẩm kết hợp được hai yếu tố giải trí và nghệ thuật còn quá ít, nếu không muốn nói là khá hiếm hoi.

Bên cạnh phim truyện điện ảnh, thì phim truyền hình cũng dành được sự quan tâm lớn giới làm nghề. Bởi thực tế, với số lượng phim truyện nhựa mỗi năm được sản xuất hạn chế thì hầu hết các nghệ sĩ đổ xô đóng phim truyền hình. Với sự nở rộ của các kênh truyền hình, 5 năm qua, phim truyền hình có sự tăng vọt về số lượng.

Mỗi năm các Đài truyền hình trên cả nước sản xuất khoảng 2500 tập phim. Hoạt động xã hội hóa trong sản xuất phim truyền hình tạo cơ hội cho nhiều công ty tư nhân tham gia nhưng hầu hết là tận dụng nguồn lực từ VFC, TFS và một số nhân lực từ các hãng phim điện ảnh. Nhìn chung, phim truyền hình do tư nhân sản xuất còn nhiều yếu tố nghiệp dư. Nhiều nhưng chưa hay, còn quá nhiều sạn là điều khiến phim truyền hình Việt Nam không khiến khán giả mê mẩn như một số "cường quốc" phim truyền hình như Hàn Quốc, Nhật Bản và gần đây là Ấn Độ. Phim Hoạt hình Việt Nam vẫn giữ được sản lượng bình quân trên 10 phim mỗi năm với sự cố gắng về cả hình ảnh và âm thanh. Tuy nhiên, vẫn thiếu những phim có tính tìm tòi thể nghiệm ngôn ngữ hoạt hình hiện đại hay những seri phim hoạt hình với nhân vật có đời sống màn ảnh dài lâu khiến trẻ em thích thú theo dõi.

Một số kiến nghị của Ban chấp hành Hội Điện ảnh khóa mới cũng đã được đưa ra như Thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả điện ảnh - Truyền hình có tư cách pháp nhân độc lập để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên; thành lập Hiệp hội phát hành phim để tăng cường đưa phim nhà nước đặt hàng đến khán giả, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, thành lập quỹ phát triển điện ảnh… Tuy nhiên, một quan điểm mà nhiều người đồng tình rằng, thay vì một chiến dịch dài hơi và quá mông lung, điện ảnh Việt Nam phải có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn nếu không muốn rơi vào tình trạng "khua chiêng gõ mõ".

Như hiện nay, các nhà làm phim trẻ, làm phim độc lập ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh đóng góp cho điện ảnh khá nhiều tác phẩm ấn tượng. Tuy nhiên, dường như Hội lại chưa liên kết được với mạng lưới này. Cũng như có khá nhiều người nước ngoài, Việt kiều về Việt Nam sản xuất phim. Nếu Hội có được sự rộng mở hơn nữa thì sẽ có thêm nguồn lực cả về nhân sự lẫn tài chính để sản xuất phim hay... Và nhiều đại biểu đã rất đồng tình với nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu Điện ảnh không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa sẽ lạc hậu và lạc điệu với không chỉ điện ảnh thế giới mà ngay cả với cuộc sống sôi động trong nước.

Khánh Thảo
.
.