Ghi nhận từ Đại hội lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam:

Cần có chính sách để "trẻ hóa" đội ngũ

Thứ Sáu, 23/01/2015, 08:00
Đại hội lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khép lại với một Ban chấp hành mới toàn là những nhân vật "có thâm niên", "cao lão" và có những đóng góp đáng kể trong ngành sân khấu. Nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn, trăn trở và những câu hỏi chưa tìm được câu trả lời cho một nền sân khấu hàng chục năm nay vẫn đang loay hoay tìm lối đi. Trong đó, việc làm thế nào "trẻ hóa" đội ngũ trong bối cảnh sân khấu đang có sự thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế cận bao gồm cả đạo diễn, diễn viên, biên kịch đang là một câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Trong 2 ngày 16&17/12/2014, Đại hội lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã diễn ra với sự hội tụ của hơn 400 đại biểu đến từ mọi miền đất nước. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành mới với 21 thành viên. NSND Lê Tiến Thọ đã tái đắc cử cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. 3 Phó Chủ tịch là: NSƯT Lê Chức, đạo diễn Võ Trọng Nam, đạo diễn -  NSƯT Nguyễn Văn Bộ. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số hơn 400 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lần này, chỉ có 5 đại biểu là thế hệ 8X - một con số quá nhỏ bé - và số lượng đại biểu thế hệ 7X cũng rất khiêm tốn. Hiện Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có gần 2.500 hội viên và là Hội chuyên ngành nghệ thuật có số hội viên đông nhất, vì thế  đã có sự mất tương quan sâu sắc giữa 2 lực lượng già - trẻ. Điều đáng buồn là, trong số 29 nghệ sĩ được đề cử, ứng cử vào Ban chấp hành khóa mới và 21 người đã trúng cử lần này, không hề có gương mặt nào thuộc thế hệ 7X chứ chưa nói gì đến 8X. Ngoài Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch Hội đã kể tên ở trên thì các thành viên khác của Ban chấp hành cũng là những cái tên hết sức quen thuộc như các NSND: Doãn Hoàng Giang, Hoàng Dũng, Lê Khanh; các NSƯT: Trần Ngọc Giàu, Thúy Mùi, Hồng Lựu... Đặc biệt, Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu  khóa này còn có sự tham gia của các lãnh đạo ngành văn hóa như NSƯT Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch; NSƯT Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; Đạo diễn Võ Trọng Nam - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP.Hồ Chí Minh. Thực tế này đang khiến dư luận đặt câu hỏi, người ta có đang thực sự quan tâm đến lực lượng nghệ sĩ trẻ sẽ là những người quyết định tương lai, bộ mặt của sân khấu hay không? Và nếu thực sự quan tâm đến họ tại sao trong số 21 thành viên Ban chấp hành lại không có lấy một người nào để đại diện cho tiếng nói của những người trẻ?

Những diễn viên trẻ đầy triển vọng của nghệ thuật sân khấu tuồng.

Trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VII, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định: "Hiện sân khấu vẫn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ..., điều đó khiến sân khấu thiếu vắng những tác phẩm hay". Trong nhiều bản tham luận được đọc tại Đại hội cũng đã nêu bật vấn đề nổi cộm của thực trạng sân khấu hiện nay, đó là đang có một sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng những nghệ sĩ trẻ bao gồm cả biên kịch, đạo diễn, diễn viên. Những năm trở lại đây, số lượng tài năng trẻ tham gia tranh tài tại các cuộc thi sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống ngày một ít đi. Gần đây nhất, trong Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2014 diễn ra trong tháng 11 vừa qua, chỉ có 8/18 đơn vị chèo trong cả nước đăng ký tham gia. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do đội ngũ diễn viên trẻ của nhiều đoàn, nhiều nhà hát không đáp ứng tiêu chí về độ tuổi, về tài năng. Trong khi đó, giới hạn về độ tuổi được gọi là "trẻ" của cuộc thi này chỉ là dưới... 33. Cũng với bộ môn chèo, hiện nay chỉ có duy nhất 1 nhà biên kịch chuyên nghiệp thuộc biên chế Nhà hát Chèo Việt Nam, đó là Trần Đình Văn (sinh năm 1975). Còn lại hầu hết các nhà hát thuộc các lĩnh vực nghệ thuật đều không có biên kịch. Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên, nhà biên kịch Trần Đình Văn cho hay, cha anh - nhà biên kịch chèo gạo cội Trần Đình Ngôn đã có lần rất buồn bởi với tâm huyết của một nghệ sĩ cả đời gắn bó với làng chèo và nỗi lo nghề biên kịch chèo đang đứng trước nguy cơ thất truyền, ông đã có thư gửi các đoàn chèo trong cả nước ngỏ ý nếu nhà hát nào có nhu cầu đào tạo biên kịch chèo thì có thể liên hệ với ông để ông tập hợp, có thể mở 1 lớp đào tạo ngắn hạn truyền thụ cho họ những kinh nghiệm quý đã cả đời tích lũy của mình. Nhưng tuyệt nhiên không có một ai xin theo học và nhiều nơi chẳng hề có một dòng hồi âm!

Một tiết mục trong Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2014.

Tại Đại hội lần này, nhiều nghệ sĩ cũng bày tỏ nỗi lo ngại khi chế độ, chính sách áp dụng cho nghệ thuật sân khấu đã quá lạc hậu, bất cập, chính là lý do nhiều bạn trẻ dù có tài năng, có yêu thích nghệ thuật cũng không lựa chọn dấn thân vào con đường nghệ thuật bởi vinh quang chưa thấy đâu nhưng trước mắt là nghèo, là khổ. Vì thế có nhiều bậc phụ huynh dứt khoát không cho con mình đi học nghệ thuật truyền thống dù con em họ đã trúng tuyển. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và cũng là người có thâm niên lâu năm trong công tác hoạt động của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định rằng, Cục đã và đang tiếp tục có những đề xuất, tham mưu cho Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trình lên Chính phủ phê duyệt các đề án liên quan đến lương, thưởng, chế độ bồi dưỡng, luyện tập và ưu đãi nghề vốn là điều băn khoăn, trăn trở và cả nỗi đau khổ, tủi thân của nghệ sĩ trong ngành sân khấu suốt mấy chục năm qua. Vẫn biết rằng, sự thay đổi, cải thiện là cả câu chuyện dài, cần phải có thời gian, có kế hoạch để thay đổi. Song hi vọng sự thay đổi này không là quá muộn.

Đạo diễn Lê Quý Dương - thành viên Ban chấp hành của Hội đồng Quản lý Cao cấp Hiệp hội Sân khấu Thế giới

Theo tôi được biết là chỉ có 5/400 đại biểu tham dự Đại hội ở độ tuổi 8X là con số quá thấp và là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Tôi cho rằng, bất kỳ Đại hội nào cũng cần những gương mặt trẻ, cần tiếng nói trẻ, vậy mà trong số 21 thành viên Ban chấp hành khóa này không có một gương mặt 8X hay 7X nào là một điều khiến tôi cảm thấy thiếu vắng. Chúng ta không thể bước đến tương lai nếu như chúng ta không có sự tham gia của người trẻ. Và chúng ta sẽ bước đến tương lai như thế nào nếu chúng ta không quan tâm đến những quan niệm, suy nghĩ và hành động của người trẻ?

Hà Anh
.
.