Trước thềm năm mới Mậu Tuất:

Cảm thương phận...chó!

Thứ Hai, 12/02/2018, 09:48
Thôi thì, tôi thầm an ủi: Nó ngủ được cũng là một cách giải thoát cho nó, bằng không thì khổ lắm! Suốt một ngày dài dặc vậy, với đoạn xích ngắn chỉ đủ cho nó đứng lên, nằm xuống; rồi hết ngày này sang ngày khác; có lẽ sẽ hết năm này sang năm khác, họa tới lúc chết nó mới thoát cảnh đầy đọa! Người còn biết lấy rượu làm say để quên đi nhọc nhằn, buồn tủi. Thậm chí cùng cực, u uất quá thì biết buộc đá nhảy sông tự vẫn. Với giống chó thì biết làm sao?...


1. Có lần trực báo muộn. Vợ thì ở quê chưa lên. Tối, sốt ruột gọi về cho ông con trai. Điện thoại vừa thông, chưa kịp cất lời nó đã "chém" ngay một câu: "Chắc bố hỏi về việc cho chó ăn chứ gì! Con cho ăn rồi, ăn no rồi, bố ạ". Rồi nó buông lời "bình loạn" trước khi buông máy: "Con cái thì không hỏi ăn uống thế nào, chỉ quan tâm đến…chó".

Các bạn, chắc nghe ông con nhà tôi "bật" lại vậy, thấy có vẻ…đúng. Kỳ thực, không phải mình không quan tâm đến con, mà vấn đề là con lớn rồi, hơn hai mươi rồi, tiền bố mẹ cho, thích ăn gì hoàn toàn có thể tự mua, tự lo được. Còn con chó, nó là động vật, nó hoàn toàn phụ thuộc vào con người; cho sống được sống, bắt chết phải chết; nhất là khi nó bị xích, bị nhốt trong chuồng, chỉ cần con người sơ sểnh "lãng quên" một chút thôi, cứ gọi là…lãnh đủ!

Thì Báo Thanh niên onnile  (ngày 11/10/2017) chẳng đã đưa tin: Sau vụ rò rỉ khí amoniac khiến 4 người nhập viện và làm phơi bụng hàng loạt gia súc, gia cầm xảy ra tại một trạm chiết gas ở xã An Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; một người phụ nữ vừa cuống cuồng đổ nước đường vào miệng chú chó (loại chó ta) bị nhiễm độc vừa khẩn nài trong nước mắt: "Sủa đi con, mọi ngày mày sủa nhiều lắm mà". "Đáp lại" sự ân cần như một người mẹ của người phụ nữ, chú chó có tấm thân dài ngoằng, bộ lông đen kịt "chỉ trừng đôi mắt mờ đục, vô hồn, thở dốc từng cơn khó nhọc. Miệng chú chó thỉnh thoảng lại ứa dòng máu tươi". 

Rồi thì sau đó chú chó đã tắt thở ngay trên tay người phụ nữ, khiến chị này khóc nghẹn. Nhìn cảnh chị nọ ôm rịt lấy xác chú chó, ấp đầu nó với cái mõm nhếch lên vẻ đau đớn vào bộ ngực đồ sộ của mình, đủ hiểu chị yêu thương nó như thế nào. Ngoài sự yêu thương như thể của người mẹ khi mất một đứa con, theo tôi nghĩ, còn là sự day dứt, ân hận của chị vì hôm ấy đã trót xích nó lại, để khi xảy ra sự cố, dù vùng vẫy đến mấy nó cũng không thể thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

"Lúc này, gas từ nhà xưởng đã nhanh chóng tỏa ra cả khu vực nên ai cũng hoảng loạn chạy ra đường. Sau khi sơ cứu và gọi xe đưa hai nhân viên đi cấp cứu xong, tôi mới sực nhớ con chó đang xích gần cửa phòng" - Chị Bùi Thị Huệ (tên người phụ nữ) nghẹn ngào kể. 

Theo chị Huệ, vì khí amoniac đã tràn ngập khu trọ khiến chị không thể nào vào cứu chó được: "Vừa chạy vào cổng, mắt đã cay xè, tôi thở không nổi đành chạy ngược ra. Vài phút sau, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tới xử lý độc xong, tôi mới chạy vào ôm nó ra, lúc này nó chỉ còn thở thoi thóp".

Hình ảnh con chó nằm ngủ trong tư thế cổ bị xích, mõm bị rọ như thế này khiến người qua đường không khỏi thương cảm.

Trong bài viết nói trên, mặc dù tác giả còn đề cập tới trường hợp hai nhân viên Trạm chiết gas bị thương, phải nhập viện cấp cứu, song các comment dưới bài hầu hết lại chỉ là thể hiện sự thương xót chú chó vô tội. Một độc giả ký tên Cô Ba viết: "Đang sống yên lành, tự nhiên chó cưng lăn ra chết tức tưởi như vậy thì chủ nào không đau. Tội nghiệp cho các con quá. A Di Đà Phật, thôi thì các con mau hóa kiếp nhé".

Một độc giả khác - ký tên HX - chia sẻ: "Tội nghiệp quá. Chó nhà tôi mà chết bất thình lình như vậy chắc tôi cũng chẳng khác nào chị Huệ. Chó là người bạn hết sức trung thành, hết sức dễ thương và thân thiết. Xin chia buồn với chị Huệ". Rõ ràng, nhiều người nhìn chú chó ở đây không đơn thuần là một con vật. Và họ thương xót là vì cái chết oan ức của nó, do sự vô ý của con người gây nên.

Cũng liên quan tới việc xích chó, một chuyện hãi hùng đã xảy ra ngay tại căn nhà hai tầng kế bên nhà tôi. Lần ấy, mới nghe tiếng xe tắt máy, rồi tiếng ông hàng xóm (còn trẻ, tầm 40 tuổi) mở cổng vào nhà thì chỉ mấy giây sau, tôi đã thấy tiếng anh này la toáng lên. Rồi cứ thế, anh ta chửi ầm ĩ. 

Tôi lấy làm lạ. Nhà chỉ có hai vợ chồng, mà anh này vốn dĩ rất cưng nựng vợ. Chị vợ lại đang mang bầu kễnh càng. Tò mò, tôi bảo bà xã chạy ra ngó xem chuyện gì. Một lát, bà xã bổ về, mặt cắt không còn giọt máu, hổn hển thông báo việc "con Vàng bị dây xích quấn cổ chết".

Sau này, tôi được chủ nhà (sau khi xem lại camera), kể cho biết: Hôm ấy, con Vàng bị xích dưới chân cầu thang. Nằm cả ngày, cuồng chân, nó cố lần lên cầu thang (trên gác có bà chủ) nhưng được mấy bước thì dây xích quấn cổ. Nó hoảng, lộn quanh, càng lộn thì dây xích càng quấn chặt và điều đen đủi nhất là trong lúc vùng vẫy, nó lọt khe tay vịn cầu thang, rớt xuống. Mặc dù khoảng cách từ "điểm rơi" xuống sàn tầng một chỉ tầm hơn mét, nhưng dây xích ngắn nên con Vàng cứ thế lơ lửng, quằn quại giữa khoảng không và chết trong tình trạng bị… treo cổ! 

Điều này bà chủ bụng mang dạ chửa ở trên lầu không hay biết. Phải tới khi ông chồng về mới phát hiện... Nghe  chuyện, tôi bần thần mất mấy ngày. Không gì thì con Vàng cũng là bạn với con Ki nhà tôi, dù rằng mỗi ngày chúng cũng chỉ được hai ông chủ bà chủ quý hóa cho "chào nhau" ít phút bằng cách ghé mõm qua khe cổng sắt mà hít hà, bày tỏ tình cảm với nhau. Chỉ thế mà thôi…

2. Tôi không biết con chó ấy thuộc giống chó gì. Chỉ chắc chắn một điều, nó là dòng chó Tây, có thể dùng làm chó nghiệp vụ, săn lùng tội phạm. Nghĩa là giống chó rất khôn, có thể huấn luyện được. Tôi cũng không biết chủ nhân của nó là ai, nuôi nó vào việc gì. Chỉ biết là, có những hôm tôi có việc phải đến cơ quan từ rất sớm, khi trời đất còn nhá nhem, bóng sương chưa tan. Vậy mà tôi đã thấy nó nằm bơ phờ trên một mô xi măng lởm khởm, vẫn trong giấc ngủ. Thân bị cột vào một gốc cây xà cừ khá to trước cửa ngôi nhà số 84. 

Rồi thì có ngày, thậm chí nhiều ngày, tôi trở về trong cảnh đêm hôm khuya khoắt, khi đi qua gốc cây nọ, theo phản xạ, trong tôi nảy lên một câu hỏi: Không biết con chó đã được đưa vào nhà? Tôi cố căng mắt nhìn vào chỗ con chó vẫn nằm mọi khi thì xót xa vô cùng, vẫn thấy bóng mờ mờ của nó. Có hôm, tôi thấy nó ngồi chồm hỗm, mắt nhìn trân trân vào khoảng đêm đen vô tận, không biết nghĩ gì! Nhưng đa phần là tôi thấy nó trong tư thế ngủ. Ngủ mê ngủ mệt, ngủ bất cần đời, mặc dòng người - xe cuồn cuộn chảy qua.

Thôi thì, tôi thầm an ủi: Nó ngủ được cũng là một cách giải thoát cho nó, bằng không thì khổ lắm! Suốt một ngày dài dặc vậy, với đoạn xích ngắn chỉ đủ cho nó đứng lên, nằm xuống; rồi hết ngày này sang ngày khác; có lẽ sẽ hết năm này sang năm khác, họa tới lúc chết nó mới thoát cảnh đầy đọa! Người còn biết lấy rượu làm say để quên đi nhọc nhằn, buồn tủi. Thậm chí cùng cực, u uất quá thì biết buộc đá nhảy sông tự vẫn. Với giống chó thì biết làm sao?

Thường thì nó thức vào tầm trưa nắng nóng. Ấy là khi mùa hè đỏ lửa. "Nắng tháng năm chó già le lưỡi" - Các cụ ta đã đúc kết vậy. Khi mà vạt xi măng dưới bụng nó bị cái nắng mùa hè nung nóng; chiếc xích sắt trên cổ nó bị ánh nắng mặt trời làm cho nóng rực; nó đứng dậy, bần thần lo lắng, lưỡi thè lè, thở hồng hộc. Có lần, tôi dừng xe, nhắc cậu bé ngồi trên chiếc chế nhựa gần đấy: "Này cháu, múc cho nó chậu nước. Đứng mãi thế kia, chết khát". Thằng bé cười lảng: "Chó này không phải chó nhà cháu…".

Lại có hôm trời buốt giá. Ai đó từng "đúc kết": Giống chó "máu nóng", nó chịu rét rất tốt, không như con người. Thì cứ cho là như vậy, song khi ta ngủ trong phòng, đắp bao lần chăn, mặc bao lần áo mà vẫn… rét. Lẽ nào bỏ mặc nó ngoài trời, đánh vật với cái khắc nghiệt của thiên nhiên chỉ bằng bộ lông trời cho?

Nói về sức nhẫn nhịn, chắc chắn loài chó sức nhẫn nhịn lớn hơn con người! Chúng ta đã đọc bao trang sách nói về thân phận người tù trong ngục thất. Có người đã gào thét, đập đầu vào vách xà lim. Vậy mà chưa khi nào tôi thấy con chó lồng lộn, hung dữ, trở thành mối lo cho người đi đường. Hầu hết thời gian mà tôi nhìn thấy, nó đều trong tư thế…ngủ. Ngủ bơ thờ, ngủ bất cần đời, "chim cò" sun lại. Đến khi tỉnh dậy thì buồn thiu nhìn dòng người qua lại, với gương mặt đầy vẻ cam chịu.

Cách đây ít hôm, lần đầu tiên tôi thấy con chó nằm đổi tư thế. Thay vì nằm úp, nằm nghiêng, chân tay co quắp, lần này nó chổng bốn chân, hua hua lên trời. Có lẽ nó ngứa lưng? Khi một cô bé cầm chổi chạy ra thì nó lại quay về vị trí nằm…truyền thống.

Đến hôm nay (21-2-2016), nỗi xa xót và bức xúc trong tôi lên đến đỉnh điểm. Ấy là khi qua gốc cây nọ, tôi thấy con chó nằm ngủ trong tư thế bị…rọ mõm. Không biết nó đã gây ra "tội tình" gì? Hay làm người đi đường lo sợ mà bị vào tình cảnh vậy. Ngủ mà cổ bị xích vào gốc cây, còn mõm thì bị rọ bằng inox.

Chó ơi, có bao giờ ngươi giận dữ gốc cây, thù hằn cái xích sắt không? Có bao giờ ngươi nghĩ rằng cái xích kia cũng thù ngươi? Rằng vì ngươi mà nó suốt đời bị cột vào cái gốc cây ấy. Để rồi cả hai cùng chung số phận bất hạnh?

Cụ Nguyễn Du từng viết "Bỗng dưng lìa cửa lìa nhà tới đây". Chao ôi, con chó này nếu ở "chính quốc" chắc được nâng niu lắm! Chẳng biết nó sang Việt Nam theo "đường" nào? Rất có thể là qua "đường" phối giống.

Một đời cây - một đời người. Một đời chó gắn với người chủ. Người chủ tốt thì nó có phúc; người chủ tồi thì nó sống dở chết dở. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, không hiểu người chủ của con chó kia là ai? Họ nuôi nó để làm gì? Đã nuôi để làm cảnh sao lại đày đọa nó như vậy. Hay chỉ là để đêm đến, xích nó trong cổng cho nó trông nhà, coi như thay một bộ…chìa khóa. Có bao giờ họ nghĩ, con chó ấy quả là mạt vận khi có người chủ như họ không?

Phạm Khải
.
.