Các tiểu thuyết gia trong cơn bão giá

Thứ Sáu, 13/06/2008, 10:00
Theo như nhà văn Võ Văn Trực phân tích, thì để "làm ra" một cuốn tiểu thuyết, ông phải làm đề cương và nghiền ngẫm rất tỉ mỉ, mất nhiều thời gian. Đến khi bắt tay vào viết mới là bước thứ hai. Và bước này, nhanh nhất cũng phải mất 5 - 6 tháng. Như vậy, tính bình quân ra, mỗi tháng chắc gì đã được 500 ngàn đồng. Và ông gọi việc viết tiểu thuyết là việc "làm thật ăn giả".

Người dân nước ta đương phải đối phó với những diễn biến bất thường từ thị trường tài chính tiền tệ. Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Giá xăng dầu, phân bón lên nhanh... chóng mặt, khiến đây đó người làm ruộng rơi vào tình cảnh thu không bù chi! Đã có lúc, các nhà hoạch định chính sách phải đặt vấn đề hỗ trợ để sản xuất không bị ngưng trệ.

Trong tình cảnh ấy, bất giác tôi liên hệ tới những người viết tiểu thuyết. Không hề nói quá, đây chính là những người chịu nhiều thiệt thòi trong giới cầm bút. Chi phí "đầu vào" nhiều, nên ở phần "đầu ra", họ cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng biết trong "cơn bão giá" này, tâm lý sáng tạo của họ bị ảnh hưởng ra sao?

Người đầu tiên mà tôi tìm gặp là nhà văn Ma Văn Kháng. Ông là một tiểu thuyết gia "cỡ bự", đến nay đã cho ra mắt bạn đọc cả thảy 12 cuốn tiểu thuyết, trong đó, các cuốn "Mùa lá rụng trong vườn" và "Côi cút giữa cảnh đời" được tái bản nhiều lần.

Nghe tôi đặt vấn đề: "Sắp tới, ông có định cho xuất bản thêm cuốn tiểu thuyết nào không?", nhà văn Ma Văn Kháng lắc đầu, thẳng thừng, rằng ông chán, ông mệt "không muốn viết nữa". Ông cũng cho biết, vừa rồi ông phải trải qua một cuộc đại phẫu (mổ tim), phải đặt 3 cái stent ở động mạch vành, chi phí tới 160 triệu đồng.

Theo nhà văn  Ma Văn Kháng, ông không bao giờ gắn việc lao động sáng tạo trước đây với việc tật bệnh bây giờ, để rồi cho rằng cái nọ là nguyên nhân dẫn tới cái kia. Bởi tính như thế thì "hóa mình lỗ to". Ông nói: "Nếu tính nhuận bút chẳng ăn thua gì. Mỗi cuốn in ra chỉ được 2 - 3 triệu. Tái bản còn ít nữa, bị trừ đầu trừ đuôi…".

- Cuốn tiểu thuyết nào được ông hoàn thành nhanh nhất?- Tôi hỏi lão nhà văn- Và với thời gian bao lâu?

- Bình thường thì mỗi cuốn mình viết trong 2- 3 năm, viết đủng đỉnh thôi. Nhưng cuốn "Mùa lá rụng trong vườn" thì chỉ viết trong vòng 6 tháng. Vì nó chủ yếu là "chuyện nhà mình" nên mình có thể viết nhanh được.

Tất nhiên, nói vậy song lão nhà văn mới tính thời gian viết, không tính thời gian "thai nghén" tác phẩm. Cuốn sách hiện đã được tái bản tới chục lần, song nhuận bút chẳng nhằm nhò gì. Theo tác giả cho biết thì trong một lần sách được tái bản cách đây 4 năm, người ta tính thế nào mà chỉ trả cho ông có … 400 ngàn đồng!

Tạm dừng trò chuyện với nhà văn Ma Văn Kháng, tôi tìm đến nhà văn Ngô Văn Phú, người hiện được xếp hạng "nhà văn có số đầu sách in nhiều nhất Việt Nam" (trên 200 cuốn). Nhà văn Ngô Văn Phú cho biết, về tiểu thuyết, ông viết "không nhiều", cũng "chỉ" hơn… 3 chục cuốn. Và thường mỗi cuốn cũng tầm 300 trang đổ lại. Nhà văn Ngô Văn Phú có thói quen, dù viết ngắn hay dài, viết báo hay viết tiểu thuyết, bao giờ ông cũng chỉ… viết tay. Viết sạch sẽ và gửi thẳng tới nhà xuất bản, không cho đánh vi tính. "Nếu thuê đánh vi tính thì… chết tiền. Có khi nhuận bút được hai phần, lại mất một phần cho thù lao vi tính. Chẳng dại" - Ông tâm sự.

Cũng theo nhà văn Ngô Văn Phú thì cuốn tiểu thuyết lịch sử "Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ", ngoại trừ thời gian sưu tầm tài liệu, ngẫm nghĩ lâu, thời gian ông tập trung viết chỉ trong khoảng 6 - 7 tháng. Đây là cuốn tiểu thuyết ông đánh giá là có "mức nhuận bút khá" (được 4 triệu) và được đơn vị xuất bản (NXB Công an nhân dân) giải quyết nhanh: Chỉ sau khi in ra chưa đầy tháng là đã có thể lĩnh tiền. Còn thì, những cuốn khác chỉ được các nhà xuất bản trả cho trên dưới 2 triệu. Có cuốn, như cuốn "Một thời khó quên" được một nhà xuất bản in ra năm 2006, nhưng phải tới hơn năm sau ông mới được trả tiền vì "đầu nậu" cuốn sách nằm ở tít tận… phía Nam.

Nhà văn Ngô Văn Phú than thở:

- Cái nghiệp nó thế, biết làm thế nào. Mà bây giờ, để xuất bản được một cuốn tiểu thuyết, cũng khó khăn lắm. Vì phải bám theo thị hiếu lớp trẻ, phải có tình dục, có kỹ thuật số… Hiện các nhà xuất bản cũng không mấy mặn mà với tiểu thuyết. Có khi tác giả còn phải bỏ tiền, hoặc bị các "đầu nậu" bắt mua vài trăm quyển. Mình có quyển "Thời loạn" viết về Hồ Quý Ly, đã gửi bản thảo tới một nhà xuất bản từ năm ngoái, song chưa có "đầu nậu" nên chưa in được.

Mặc dù từng là Giám đốc của một đơn vị xuất bản, song số lượng in tính cho mỗi đầu sách của nhà văn Ngô Văn Phú cũng không nhiều, chỉ vào tầm 1.000 cuốn đổ lại. Thời gian ngắn nhất ông dành cho mỗi cuốn sách cũng phải 4 - 5 tháng, và mức nhuận bút cao nhất cho một lần in mà ông được lĩnh cũng chỉ có 4 triệu. Như vậy, nếu không viết báo vặt thì tính bình quân, mỗi tháng ông cũng chỉ thu về được có vẻn vẹn… 600 ngàn đồng. Mà đấy là với ông -  một người đã quá dày dạn trong "trường văn, trận bút".

Khác với nhà văn Ngô Văn Phú (có thể viết được nhiều thể loại), nhà văn Hoàng Quốc Hải dường như chỉ chuyên tâm với tiểu thuyết. Ngoài bộ tiểu thuyết lịch sử 4 tập về triều Trần: "Huyền Trân công chúa", "Bão táp cung đình", "Thăng Long nổi giận", "Vương triều sụp đổ", cả thảy 2.000 trang, hiện ông đang trong giai đoạn hoàn tất bộ tiểu thuyết "Tám triều Vua Lý", ước tính khoảng 2.800 trang in.

Ông cho biết, từ trước tới nay, chưa bao giờ ông làm việc 6-7 tiếng một ngày, mà nhiều hơn thế. Và ông đã dành tới 14 năm cho việc đọc, nghiên cứu, tìm tư liệu, đi điền dã và… viết bộ sách.

Ông tâm sự: "Mặc dù tiểu thuyết của mình năm nào cũng được tái bản, song, bóc tách ra, không kể lương hưu này nọ thì chắc là… khó sống. Dẫu có được vài ba chục triệu cho một bộ tiểu thuyết - cứ nói ở tình thế "sáng sủa" nhất -  thì chia đều cho các năm, bình quân mỗi tháng được vài ba trăm nghìn, nói sống là sống ra sao?".

Đồng quan điểm với nhà văn Hoàng Quốc Hải, Thiếu tướng- nhà văn Hồ Phương cho rằng, nếu ông không có lương hưu thì "không sống được".

- Ở nước ta, nhà văn làm sao sống được bằng nhuận bút - Ông nhận định- Như tôi chẳng hạn, tiền nhuận bút, nói thật là tôi đưa cho vợ để bà ấy… tiêu vặt.

Và nhà văn cho biết: Từ năm 2001 đến nay, ông viết và cho in được 5 cuốn tiểu thuyết, trong đó - ngoại trừ cuốn tiểu thuyết "Cha và con" được NXB Kim Đồng in nối bản liên tục trong thời gian ngắn - còn thì đa phần mức nhuận bút chỉ tầm vài ba triệu đổ lại. Cuốn tiểu thuyết "Ngàn dâu", dày cỡ 300 trang, in ở một nhà xuất bản cách đây vài ba năm, ông được có 2 triệu nhuận bút. Trong khi, có những cuốn, vì máy tính ở nhà bị hỏng, ông phải thuê đánh ở ngoài, và tiền chi trả cho việc này cũng xấp xỉ… 2 triệu.

Đấy là sách mới, còn sách tái bản, vẫn theo nhà văn Hồ Phương, "nhuận bút rẻ lắm". Bộ "Những tầm cao" của ông, in làm 2 tập, một đơn vị xuất bản không biết tính toán thế nào mà cũng chỉ trả cho ông có… 2 triệu. Ông cười bảo: "Làm cái anh nhà văn thường hay sĩ diện. Trong bụng có khi ấm ức song lại ngại, không dám hỏi tại sao thấp thế".

Nhà văn Võ Văn Trực, tác giả cuốn tiểu thuyết "Vết sẹo và cái đầu hói" bán khá chạy trên thị trường thì cho biết, mặc dù đến nay ông đã xuất bản được 7 cuốn tiểu thuyết, song chưa có cuốn nào mà mức nhuận bút vượt quá 6 triệu. Ông so sánh: "Như ông Băng Sơn viết báo, mỗi tháng cũng được 5 triệu. Còn mình viết tiểu thuyết, mỗi tháng chỉ cần được 500 ngàn cũng khó lắm rồi".

Theo như nhà văn Võ Văn Trực phân tích, thì để "làm ra" một cuốn tiểu thuyết, ông phải làm đề cương và nghiền ngẫm rất tỉ mỉ, mất nhiều thời gian. Đến khi bắt tay vào viết mới là bước thứ hai. Và bước này, nhanh nhất cũng phải mất 5 - 6 tháng. Như vậy, tính bình quân ra, mỗi tháng chắc gì đã được 500 ngàn đồng. Và ông gọi việc viết tiểu thuyết là việc "làm thật ăn giả".

Lời kết

Khác với nhiều nhà văn, tôi không muốn cộng thời gian "thai nghén" tác phẩm vào thời gian làm nên cuốn sách. Bởi cái thời gian ấy, với độc giả, thật khó ước định. Tôi chỉ muốn tính thời gian cụ thể họ cầm bút viết, để rồi qua đó, có sự so sánh giữa sự lao động của nhà văn với sự lao động của những người bình thường khác, thì  mức thu nhập có gì "chênh" nhau.

Và tôi hết sức ngạc nhiên, cũng như ngậm ngùi thay các nhà văn khi nhận thấy rằng, nhiều chỗ, "thù lao chất xám" của nhà văn chỉ cao hơn thù lao trả cho người đánh máy… tí chút. Ấy là với trường hợp "viết đâu được đấy", chứ với trường hợp phải viết đi viết lại tới vài lần, thì coi như… thua hẳn. ở đây tôi chỉ xin kể một ví dụ:

Hồi tôi còn làm biên tập ở một đơn vị xuất bản, nhà văn Tô Hoài có gửi tới cho tôi tập bản thảo tiểu thuyết "Kẻ cướp bến Bỏi". Sau khi sách in ra, ông gửi tặng tôi tập bản thảo viết tay lần 1, lần 2, lần 3 của cuốn tiểu thuyết, ý để tôi giữ làm kỷ niệm. Tôi nhìn những chỗ sửa chữa, tẩy xóa, mài giũa câu chữ của ông mà không khỏi áy náy.

Như vậy, với mức nhuận bút 1.200.000 đồng (một triệu hai trăm ngàn đồng) mà nhà xuất bản trả cho lão nhà văn, thì chỉ nội việc chuyển sang vi tính những bản thảo kia, thì tiền thù lao của nó cũng lớn hơn tiền nhuận bút rồi. Và như thế, trong trường hợp này, "thù lao chất xám" của nhà văn gần như là …zero!

Cho nên, việc nhà văn Hồ Phương nói, tiền thuê đánh máy tính cho một cuốn tiểu thuyết của ông gần ngang bằng tiền nhuận bút của nó hoàn toàn có cơ sở.

Cho nên, các nhà văn chuyên nghiệp ngày càng ít "mặn mà" với tiểu thuyết, nếu không có nơi tài trợ, đặt hàng.

Mà, viết theo kiểu ấy, chất lượng tới đâu, hẳn không nói bạn đọc cũng đoán được

Phạm Khải
.
.