"Cá tính" ngựa và lời nhắn nhủ cho năm Giáp Ngọ

Thứ Hai, 03/02/2014, 08:00
Việc vì sao người phương Đông chọn ngựa là một trong 12 con giáp, 12 mã văn hóa quan trọng trong đời sống nông nghiệp của mình vốn là một câu chuyện đã quá rõ ràng. Không chỉ đối với người phương Đông, với người phương Tây, hình ảnh con ngựa ở mọi tầng bậc văn hóa, từ bác học cho đến dân gian đều vô cùng phong phú. Tầm quan trọng của ngựa không chỉ nằm ở "sức ngựa" mà còn nằm ở phẩm cách của ngựa trong mối quan hệ cùng giống loài (một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ) và đặc biệt là mối quan hệ với con người.

Cá tính Ngựa

Mặc dầu giờ đây hình ảnh con ngựa đã trở nên xa lạ trong xã hội hiện đại, ngựa không còn được nuôi và biết đến nhiều như chó nữa, câu "Khuyển mã chi tình" vẫn nhắc nhở con người rằng ngoài loài chó, loài ngựa đã từng có một mối ân tình rất sâu sắc với loài người, cùng nhau vượt qua nhiều gian nan. Rất nhiều con ngựa đã hy sinh thân mình để cứu chủ hoặc chẳng còn thiết sống khi chủ chết đi.

Không cần phải bàn đến tầm quan trọng của sức ngựa trong giao thông mà hãy nói về tình bạn lâu dài giữa người và ngựa, quá trình hàng triệu năm thuần dưỡng để con người có thêm một người bạn, để thấy bớt cô đơn trong cuộc sống hoang dã vốn nhiều kẻ thù.

Sự thuần hóa hàng triệu năm ấy, với sự khôn ngoan đối đãi của con người, ngựa không chỉ coi người như bạn, mà còn coi họ là một sinh vật thiêng, tối quan trọng với chúng. Cũng như chó, ngựa luôn đặt lợi ích của con người lên hàng đầu và sống vì lẽ sống của con người. Con người, ngược lại, với lề thói thờ phụng lợi ích của chính mình, cũng đặt ngựa vào vị trí trang trọng trong những ngôi đền tâm linh của họ.

Tượng "Người dắt ngựa" ở Lăng Dinh Hương (xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang).

Một câu chuyện điển hình về tính thiêng của con vật này trong đời sống văn hóa Việt chính là chuyện về quy hoạch kinh đô Thăng Long xưa của Vua Lý Thái Tổ. Truyện kể rằng, tổng công trình sư của Vua Lý Thái Tổ khi xưa đau đầu nhức óc về việc đã nhiều lần đắp thành nhưng đều sụp đổ. Trong khi đang làm lễ ở ngôi đền thờ thần Long Đỗ tại tổng Đông Thọ, Thọ Xương, ông thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra, ông bèn lần theo vết chân ngựa thiêng, theo vết đó mà vẽ đồ án xây thành. Ngôi đền Bạch Mã vẫn còn đó như một chứng tích cho mối giao kết thiêng liêng giữa người và ngựa của kinh thành Thăng Long xưa.

Mặc dù trong mối quan hệ với con người, ngựa là loài sống ân tình tận tụy, ngựa cũng được cho là loài vật có trí tuệ cao về mặt tự do bản thể. Không giống như sự tự do của những giống loài thuần hoang dã, tính tự do của ngựa là sự tự do của một cá thể đã thấu hiểu được sự bó buộc của quyền lực và thể chế, thoát ra để sống một cuộc đời rong chơi tự do tự tại. Tính cách ngựa do vậy, mang rất nhiều đặc trưng tính cách nghệ sĩ. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong văn chương, hình ảnh con ngựa rong chơi quên tháng ngày được khắc họa nhiều đến thế.

Tìm gì năm Giáp Ngọ?

Ít ai biết rằng xuất phát điểm của con giáp tên Ngọ trong hệ thống 12 con giáp ban đầu không chỉ ngựa. Dấu vết còn lại trên chữ cổ cho thấy Ngọ vốn không có nghĩa gì là ngựa cả. Hình ảnh sơ khai nhất của chữ Ngọ là một cái chày đâm gạo. Người xưa dùng chữ Ngọ này thuần để chỉ chi thứ 7 khi phân chia các địa chi để dùng vào việc tính toán các con toán nhân văn. Sở dĩ có mối liên hệ từ Ngọ sang Ngựa là vì sau khi dùng đến sức kéo của ngựa trong quá trình xay xát gạo, cùng với sự trân trọng của con người đối với ngựa và sức ngựa, địa chi thứ 7 Ngọ đã được hiểu như hình ảnh văn hóa của con giáp mang tính ngựa cho đến bây giờ.

Lớp lang văn hóa chồng chéo này diễn ra tương tự như với con giáp Tị, vốn ban đầu mang hình ảnh của một chiếc bào thai, cùng với sự phát triển của toán nhân văn phương đông và phẩm chất mạnh mẽ của con rắn về tính âm và sinh sản, địa chi thứ 6 mới được biến thành con giáp rắn như hiện tại.

Trong dân gian khi nói đến tuổi ngựa, người ta thường cho rằng tuổi này có những đặc trưng, tính cách nhất định nào đó. Tuy nhiên đó là một cách phán đoán khá chủ quan của những người cho rằng gốc gác 12 con giáp chỉ đơn giản là ảnh chiếu của những con vật quan trọng trong văn hóa vùng. Văn hóa can chi bác học không bao giờ phán đoán một người chỉ dựa trên một thông tin về địa chi, tức là tuổi ngựa, mà đi kèm nó phải có đủ cả can lẫn chi.

Năm nay là năm Giáp Ngọ, thuộc hành Sa trung kim, tức vàng trong cát. Tính theo phương pháp của kinh dịch, năm nay thuộc quẻ Ly, thuộc dương, là biểu tượng của sức mạnh nhưng sự phô trương lại là một điểm yếu. Thành tựu có thể đạt được nhưng sự bám víu vào hình thức và những huyễn hoặc là điều nên tránh, bởi từ sự bám víu này điểm yếu có thể bị bộc lộ.

Với quẻ Ly và sự tăng trưởng về hành hỏa và hành kim, sự khô hạn có thể là một vấn đề lớn và các bệnh về phế và gan cần được để tâm nhiều hơn, nhất là vào những lúc giao tiết. Do vậy về mặt sinh nở, các bà mẹ ông bố cũng nên quan tâm rằng con mình có thể rất thông minh, đẹp người nhưng cũng sẽ đầy chủ quan và dĩ nhiên sức khỏe phổi cần được lưu ý.

Từ đầu năm rắn người ta đã bắt đầu lo lắng đến các bước đi của năm ngựa. Chu trình vận hành 12 tháng trong một năm càng trở nên cũ kĩ, dòng kinh nghiệm phủ lên những tín điều về thờ phượng một năm mới đến càng dày lên. Bình tĩnh mà nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rằng ngựa hay rắn, thực ra là ảnh chiếu của con người và ham muốn của họ mà thôi.

Ngựa có thể là một tính cách đầy thủy chung, ngựa cũng có thể là một cá thể lãng mạn đến cực đoan, sự hình thành tính cách hay cuộc đời phụ thuộc rất nhiều vào lý tưởng và hoàn cảnh sống của mỗi cá thể riêng biệt. Hãy trông đợi một năm ngựa trù phú và những cá thể thuộc con giáp Ngựa đầy phóng khoáng, đừng để lòng tin bị bó buộc bởi số phận hay may rủi

TS. Cung Khắc Lược - Thế Ninh (Xuân 2014)
.
.