Ca sĩ Việt và mốt dùng chữ ngoại trên album

Thứ Năm, 02/10/2008, 08:30
Lâu nay, cách lấy tên một, hai ca khúc trong album để đặt thành tên của album đã trở nên quá quen thuộc và có phần nhàm chán. Một xu hướng thịnh hành trong giới ca sĩ hiện nay là dùng chữ nước ngoài để đặt tên cho album của mình.

Bên cạnh tâm lý không tiếc tiền để chụp những bộ ảnh thật bắt mắt làm bìa album, việc đặt tên cho đứa con tinh thần của mình cũng khiến các ca sĩ nhà ta không khỏi đau đầu. Đặt một cái tên độc đáo, dễ nhớ, thâu tóm được tinh thần album là mong muốn của bất kỳ chủ nhân nào.

Lâu nay, cách lấy tên một, hai ca khúc trong album để đặt thành tên của album đã trở nên quá quen thuộc và có phần nhàm chán. Một xu hướng thịnh hành trong giới ca sĩ hiện nay là dùng chữ nước ngoài để đặt tên cho album của mình.

Ban đầu, việc sử dụng những chữ này còn e dè, theo kiểu nửa ta, nửa Tây, nhưng càng về sau, các ca sĩ càng mạnh dạn hơn khi đặt tên cho những album của mình.

Mỹ Tâm với album "Yesterday and Now" ("Ngày ấy và bây giờ"), Thu Thủy với album "Candy" (Viên kẹo mới), nhóm HAT với album "We are HAT" (Chúng tôi là HAT), "Rock you" (album của những ca sĩ hát nhạc Rock), Ngô Thanh Vân với "NTV Viruts", "My way" (Con đường của tôi). Hồ Quỳnh Hương thì "chơi trội" hơn khi cùng một lúc cho ra đời 2 album với hai cái tên tiếng Anh khá kêu là "Diamond Noir" (Kim cương đen) và "Non - stop" (Không dừng lại)...

Xu hướng đặt tên ngoại cho đứa con tinh thần của mình cũng lan tới các nam ca sĩ. Cao Thái Sơn có "Cool boy" (tạm dịch là "Chàng trai lạnh"), Hoàng Hải với "Hot" (Nóng). Gần đây nhất, anh "Hai" Lam Trường cũng tung ra album "Today" (Ngày hôm nay)...

Với xu hướng đặt tên ngoại cho các album, các ca sĩ giải thích là để ngắn gọn, ấn tượng, không phủ nhận chuyện "oai", vì điều đó chứng tỏ chủ nhân của nó mang xu thế hội nhập (dù không phải album nào cũng được làm để bán ra nước ngoài).

Làm thế nào để album độc đáo, thu hút là quyền của ca sĩ nhưng có ý kiến thắc mắc việc đặt tên ngoại cho album không chỉ đi ngược lại tôn chỉ "giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc" trong nghệ thuật mà liệu có vi phạm pháp luật?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thắng, Trưởng phòng Quản lý băng đĩa và ca nhạc (Cục Nghệ thuật biểu diễn) cho biết: Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bên cạnh việc cấm các ca khúc lẫn lộn nửa tiếng nước ngoài nửa Việt thì Pháp lệnh về Quảng cáo đã quy định, các ca sĩ Việt Nam không được dùng chữ nước ngoài đặt tên cho album của mình. Được phép dịch tên album từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài nhưng quy định tên tiếng Việt viết trước, tên tiếng nước ngoài sau và tên nước ngoài chỉ bằng 2/3 tên tiếng Việt.

Nhưng thực tế, đã có không ít ca sĩ không tuân thủ những quy định này. Tức là khi xin cấp phép các cơ quan chức năng, họ vẫn dùng chữ Việt nhưng khi in trên sản phẩm băng đĩa thì chữ nước ngoài lại to hơn chữ Việt và phần lớn đều trót lọt. Tình trạng trên, không phải các nhà quản lý nghệ thuật không biết nhưng phần lớn đều cho qua. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xét duyệt bìa album được "khoán trắng" cho lĩnh vực quảng cáo, coi đây như một sản phẩm quảng cáo thuần túy là điều chưa hợp lý.

Cũng theo ông Thắng, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng cũng chỉ nhắc nhở, chưa có bất kỳ trường hợp ca sĩ nào bị phạt. Có lẽ vì thế, việc chấp hành của các ca sĩ chưa nghiêm. Không ít các ca sĩ vẫn để những tên tiếng Anh chềnh ềnh to tướng trên mặt đĩa khiến khán giả trong nước có cảm giác như một sản phẩm ngoại.

Các ca sĩ quá "đầu tư" cho cái "vỏ" mà quên mất rằng, điều cốt lõi để thuyết phục khán giả là chất lượng, nội dung chứ không chỉ là lớp bên ngoài. Và thực tế, nhiều album có những cái tên nước ngoài rất kêu nhưng vẫn ế chỏng chơ trên sạp. Thiết nghĩ, các ca sĩ nên chấp hành đúng những quy định bởi nếu cơ quan chức năng "thiết quân luật" thì sẽ rắc rối to như chuyện album "My way" của ca sĩ Ngô Thanh Vân đã gặp sự "hỏi thăm" của Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hồ Chí Minh...

Khánh Thảo
.
.