Ca sĩ Nguyên Phượng: Vực trầm non cao

Thứ Năm, 16/02/2017, 08:53
Với nhiều khán giả mộ điệu và giới ca nhạc TP Hồ Chí Minh, tiếng hát của Nguyên Phượng nhiều năm qua không còn xa lạ. Có trong tay những giải thưởng danh giá từ các cuộc thi tiếng hát truyền hình, tiếng hát phát thanh, cô gái Đà Lạt ngày ấy đã thỏa ước nguyện được đứng hát trên nhiều sân khấu.


Chất giọng trầm đặc biệt

Nhưng Nguyên Phượng lại chọn ngã rẽ khi bày biện một Guitar Gỗ đường Thích Quảng Đức và nay là quán Cây, đường Ký Con - đều ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Nguyên Phượng vẫn nhận lời tham gia hát những chương trình, sự kiện quan trọng để không quên dòng đời bên ngoài vẫn chảy, song phần nhiều thời gian cô dành cho phòng trà một góc nhỏ lắng nghe mình.Người mộ điệu hễ bất chợt nhớ cô ca sĩ có chất giọng trầm đặc biệt, lại đến đây để nghe âm nhạc trở về với mình và nghe cô hát.

Với Nguyên Phượng, đã hát là cháy hết mình. Người nghe luôn ấn tượng với những lúc cô hát như lên đồng, như hóa thân, nhập vào ca khúc, trong tiếng đàn tài hoa của nhạc sĩ - guitarist Châu Đăng Khoa nâng tiếng hát cô bay lên.

Ca sĩ Nguyên Phượng.

Dân trong nghề thường nói, Nguyên Phượng có chất giọng trầm như rót ngược vào tim, càng nghe Phượng hát càng lạ. Nhưng để có được là những tháng năm dài khổ luyện và thẩm thấu nhạc cảm. Nghe Nguyên Phượng hát, người ta càng thấy như bốc cháy với từng giai điệu, chìm đắm theo ngữ nghĩa của ca từ. Nguyên Phượng chuyển tải đến người nghe những cảm xúc từ trong sâu thẳm lòng mình.Những thanh âm nở hoa từ vành môi ca sĩ đến lắng đọng hồn người.

Cặp “song kiếm hợp bích”

Thấm thoắt đã 15 năm, ngày Nguyên Phượng tham gia cuộc thi Tiếng hát phát thanh 2001. Phượng nói mê hát song ngại ngần, rồi một người anh, người bạn trong gia đình đã ghi danh giùm cho Phượng. Phượng vào đến chung kết xếp hạng, được giải nhì.

Thành quả này cho Phượng thêm tự tin và lọt vào top 10 cuộc thi Tiếng hát truyển hình toàn quốc 2001 (khu vực TP Hồ Chí Minh). Không chỉ hát dòng nhạc trữ tình của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn mà Nguyên Phượng còn hòa nhịp được nhiều thể loại khác như tại mini show vào cuối năm 2015, Nguyên Phượng thể hiện thành công nhiều bản dân ca cùng các ca khúc của các nhạc sĩ đa phong cách như Trấn Tiến, Lê Minh Sơn…

Song thành công nhất, như một cơ duyên là khi Nguyên Phượng gặp nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, chàng thủ khoa năm xưa của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Những ca khúc đậm chất semi - classic và đầy sắc màu kỹ thuật của Châu Đăng Khoa được Phượng hát với tất cả cảm xúc thăng hoa, hòa quyện tiếng đàn của anh, tạo thành cặp “song kiếm hợp bích” độc đáo, thành một biểu tượng của âm nhạc Sài Gòn.

Cô ca sĩ trẻ giọng alto có thêm những ca khúc viết riêng cho mình.Phượng đó, chất giọng đặc biệt, đầy chiều sâu suy tưởng.Tiếng hát đi từ vực trầm vút lên non cao.Người ta thấu hiểu, sẻ chia và thêm quý mến chất nghệ sĩ của Nguyên Phượng, của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, của gia đình và những người bạn. Đó là những nghệ sĩ đích thực, sống với tâm hồn trong sáng, an nhiên.

Phượng nói sau bao nhiêu năm với những buồn vui đời người, còn gì hơn, cần gì hơn tấm lòng và sự sẻ chia. Phượng nghe kinh Phật, sáng tác và hát những ca khúc có sắc màu Phật pháp, đi làm thiện nguyện với tất cả lòng thành.

Bây giờ là một uyên nguyên phượng, nhã ngời.Là chất Nguyên Phượng, là riêng một, không trộn lẫn. Phượng đã lựa chọn một lối đi, dựng một chỗ đứng, an nhiên mà sống, hát với những cuộc ngày.

Bùi Việt Quý
.
.