Ca sĩ Ái Vân: Gió mưa gửi lại...

Thứ Ba, 30/12/2008, 09:30
Dù đã gần 20 năm trôi qua, Ái Vân vẫn không nói rõ nguyên nhân buộc chị phải bứt khỏi cội gốc. Nghe như tiếng nấc tận đáy lòng: "Với Ái Vân, ra đi là một sự đứt ruột, nhưng chuyện xưa, nhắc lại làm gì. Đã chịu đựng ngần ấy năm thì chịu luôn!". Chị sợ làm đau cả những người từng làm đau chị…
Không dễ có một cái hẹn với ca sĩ Ái Vân, bởi không mấy khi chị về Hà Nội nên lịch diễn và hẹn phỏng vấn của chị luôn dày đặc. Năm 2007, nhận được lời mời của nhà văn Hữu Ước, một người bạn thân thiết từ thời trẻ, chị đã gác cả việc biểu diễn lẫn ra đĩa hát ở TP. Hồ Chí Minh để đến Hà Nội tham gia chương trình "Vì bình yên cuộc sống" của ông. Mới đây, chị lại bay nửa vòng trái đất từ Mỹ về, chấp nhận vắng mặt gia đình trong ngày Lễ tạ ơn, để chờ đợi có mặt trong 5 đêm nhạc "Tiếng lòng Hữu Ước" diễn ra từ 8 đến 12/12 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội.

Với sự giúp đỡ của nhà văn Hữu Ước, chúng tôi đã có được cuộc trò chuyện đầm ấm, cởi mở với chị. Trong cái rét hanh hao, nhìn gương mặt Ái Vân vẫn ánh lên vẻ lộng lẫy và niềm hạnh phúc rạng ngời cùng tình yêu nghệ thuật cháy bỏng, không ai có thể nghĩ rằng, chị đã bước qua tuổi 50 với không ít thăng trầm nếm trải. Hình như dấu ấn thời gian không nỡ chạm tới gương mặt của người đàn bà mang vẻ đẹp nao lòng này...

Năm 1990, giữa nồng nàn ái mộ với hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước, được phong tặng danh hiệu NSƯT, nữ ca sĩ tài sắc bỗng lặng lẽ rời Việt Nam, để lại bao tiếc nuối, giận hờn của người yêu nhạc cùng những lời dị nghị đến xót xa. Năm tháng trôi đi, giờ đây, Ái Vân đã có thể thẳng thắn đối diện với sự thật trong quá khứ, với những câu hỏi đôi lúc không dễ trả lời của cánh phóng viên, chỉ với một điều kiện: "Tuyệt đối không động đến những vấn đề tình cảm riêng tư của quá khứ" - Chị nói, nụ cười xao xuyến mà ánh mắt thì như ngàn mây giăng…

Ngược về ký ức, đôi mắt đẹp không khỏi lóng lánh, ngậm ngùi. Chị kể, những ngày đầu đặt bước lên xứ người là những ngày tháng khó khăn nhất với muôn vàn áp lực. Không ai hiểu nổi vì sao một ca sĩ đang giữa vòng hào quang vây bọc lại đột ngột dứt áo ra đi. Những lời đồn thổi đủ làm tim chị thắt lại mỗi lần phải nghe thấy.

Điều duy nhất chị có thể làm lúc đó để nói được lòng mình là viết một bức thư xin lỗi gửi Bộ Văn hóa - Thông tin, giải thích việc chị ra đi không phải vì lý do kinh tế, càng không bao giờ mang tính chính trị. Và thêm một lời hứa, dù thế nào cũng không bao giờ làm gì để ảnh hưởng đến quê hương, đất nước. Lá thư đó, ít nhiều giúp chị nhẹ lòng.

Dù đã gần 20 năm trôi qua, chị vẫn không nói rõ nguyên nhân buộc chị phải bứt khỏi cội gốc. Nghe như tiếng nấc tận đáy lòng: "Với Ái Vân, ra đi là một sự đứt ruột, nhưng chuyện xưa, nhắc lại làm gì. Đã chịu đựng ngần ấy năm thì chịu luôn!". Chị sợ làm đau cả những người từng làm đau chị…

Cảm giác đơn độc và nặng nề trong những tháng ngày đầu tiên sống ở Đức sau quyết định liều lĩnh đến mạo hiểm vẫn ám ảnh chị. Đây là giai đoạn khủng khiếp nhất với một ngôi sao như chị. Chị kể: "Ít ca sĩ nào trong nước thời điểm đó được ưu ái như tôi. Vì thế, mỗi ngày khi đó là một ngày đau, khi phải tách rời mọi sinh hoạt nghệ thuật, không người thân thích và thử thách lớn nhất là phải xa cậu con trai kháu khỉnh mới 4 tuổi".

Mà điều đó kéo dài tới 4 năm. Tất cả tác động mạnh đến tinh thần, khiến chị bị sốc nặng. Nhưng số phận chưa hết thử thách người đàn bà hồng nhan, khi trong nước còn loan truyền tin đồn về việc chị có một đoạn phim không lành mạnh. Chị không oán trách ai, bởi chị hiểu, lỗi trước tiên thuộc về chính mình, một nghệ sĩ đang được kỳ vọng bỗng bỏ lại tất cả để đến một chân trời xa lắc làm kẻ vô danh…

Nỗi đau cố nén trong lồng ngực chị: "Sự đồn đại đó kéo dài khoảng nửa năm, cho đến khi tôi tái xuất trong làng nghệ thuật bằng một cuốn băng ca nhạc, mọi sự mới tạm lắng. Chỉ tội cha mẹ tôi, dù tin tưởng con mình không bao giờ làm điều bại hoại, nhưng tránh sao khỏi đau lòng? Các cụ phải tuyên bố, nếu ai đưa được cuốn băng đó cho các cụ, sẽ trả công lớn. Nhưng đến tận bây giờ, đã có ai nhìn thấy cuốn băng đó đâu?" - Ái Vân cười, nụ cười thật mơ hồ trên gương mặt đằm thắm.

Sau này, người phiên dịch ở khu định cư kể lại với chị về việc có một nhà văn Việt Nam bảo quen biết đến thăm chị. Thì ra nhà văn N. tìm đến vì tò mò nghe nói chị "đóng phim"...

Trong những ngày tưởng như vô vọng đó, chị may mắn gặp anh - chồng chị hiện nay - trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của Hội Việt kiều yêu nước ở Đức. Anh vừa là fan của chị, vừa là một giọng ca của  Hội. Những ca khúc mà hai người thường hát cùng nhau: "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Hà Nội niềm tin và hy vọng" đã làm vơi bớt nỗi nhớ quê hương trong chị cũng như những đồng bào xa xứ. Anh đã trở thành điểm tựa để chị vững bước, rồi tiếp tục trở lại với nghiệp hát ... --PageBreak--

Chỉ khác là lúc này, Ái Vân phải làm lại từ đầu. Bởi trong nước, chị là một ca sĩ tên tuổi, nhưng ra nước ngoài, chị vẫn chỉ là một người vô danh. Vì thế, chị phải chấp nhận sự thử thách ở nhiều thể loại nhạc và thay vì nhạc nhẹ là loại hình âm nhạc đã làm nên một Ái Vân được ngưỡng mộ, thì giờ đây, chị lại được lựa chọn cho dòng nhạc dân ca.

Nhưng chính những thăng trầm, trải nghiệm của một ca sĩ lưu lạc, tha hương đã lắng trong chị bao nỗi niềm, để mỗi khúc dân ca chị hát luôn đằm sâu và quyến rũ. Tên tuổi của Ái Vân lại gắn liền với những bài hát hoài hương ngọt ngào và say đắm, lay thức trái tim bao kiều bào sống xa quê, giúp họ tìm được niềm an ủi trong từng câu hát mang âm hưởng quê cha đất Tổ.

Nụ cười sáng trên  môi chị: "Vân luôn rất tự tin trong trang phục cũng như các câu hát của đồng bằng Bắc Bộ." Chị cũng tin rằng, đây là những ca khúc mà kiều bào mình sống xa quê hương rất muốn được nghe. Rồi chị sang Mỹ theo chồng nhưng không "bỏ cuộc chơi" âm nhạc.

8 năm sau khi rời đất nước, Ái Vân mới có dịp trở lại quê hương. Không thể nói hết được nỗi lòng chị khi đó. Buồn vui chen lẫn mặc cảm. Nhưng sự đón nhận nồng hậu, độ lượng của bạn bè, người thân đã cho chị sự tự tin. Ái Vân không thể quên được những đêm diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 20 năm Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương, khi lại được cùng với các bạn bè xưa hội ngộ: Mạnh Hà, Vũ Dậu, Lệ Quyên, Quang Thọ… trong những tràng pháo tay nồng ấm của khán giả thủ đô. Những giọt nước mắt rơi ngay trên sân khấu, hơn mọi lời nói về tấm lòng của người ca sĩ với đồng nghiệp, bạn bè và khán giả thân thương.

Chị hiểu rằng, khán giả vẫn mở rộng vòng tay với những đứa con như chị, nhất là khi tạo điều kiện cho chị trở lại với ánh đèn sân khấu, cả trong những chương trình nghệ thuật lớn: Các đêm nhạc "Vì bình yên cuộc sống" và "Tiếng lòng Hữu Ước" của nhà văn Hữu Ước, rồi Tết kiều bào 2007 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đêm nhạc "thương về quê Việt" do Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức, đêm nhạc Phú Quang, chương trình kỷ niệm 70 năm Nhạc viện Quốc gia Việt Nam, cùng nhiều cuộc giao lưu trực tuyến ở các tờ báo điện tử lớn của Việt Nam vv…

Từ năm 2001, Ái Vân tham gia tích cực vào các hoạt động biểu diễn của các đoàn Việt Nam sang Mỹ, nhất là trong các chương trình đón chào các đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Thế là có người vì cạnh tranh ác ý đã đặt cho chị những danh xưng đầy kỳ thị. Vì thế, năm 2004, 90% shows diễn của chị ở Mỹ bị hủy. Nhiều hôm gần đến giờ diễn chị lại nhận được điện thoại báo hoãn.

Chị bảo cũng rất buồn, nhưng chị không ngại, bởi trong chị luôn tồn tại vĩnh hằng tình yêu âm nhạc và chị luôn sống thật với chính mình. Cùng với bản năng sinh tồn của con người và tình cảm thân thương của gia đình, bè bạn, khán giả thì âm nhạc là cứu cánh giúp chị nhanh chóng bước qua những cơn khủng hoảng tinh thần, khích lệ chị quên đi bệnh tật và sống lạc quan hơn.

Chị kể, chỉ 10 ngày sau khi mổ ung thư, còn chưa kịp cắt chỉ, dây dợ, thiết bị y tế đầy người, nhưng chị đã lại bước lên sân khấu để biểu diễn cho hàng chục ngàn khán giả, với một niềm đam mê mãnh liệt, như thể ngày mai là ngày cuối cùng và cuộc đời chị sẽ mòn mỏi nếu một ngày không được hát.

Sau bao nhiêu truân chuyên, dường như giờ đây, hạnh phúc đã chịu mỉm cười với Ái Vân. Chị tâm sự: "Cuộc sống của Vân hiện nay không có gì đáng phàn nàn. Ngoài đi diễn,  Vân vẫn chợ búa cơm nước, đưa đón con cái đi học. Cuối tuần cả nhà cùng nhau đi mua sắm. Điều sung sướng nhất với tôi hiện nay là cả hai con đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và đều thích về Việt Nam. Cô con gái nhỏ của Vân còn dự định tham gia vào một đoàn về nước làm từ thiện, dạy ngoại ngữ...". Mới đây, vợ chồng chị cũng tặng 40 triệu đồng cho các học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn.

Chị vẫn đi về Việt Nam, để được hát cho đồng bào mình nghe. Chị bảo, giờ đây, hát với chị là niềm vui lớn nhất. Đĩa "Ái Vân về lại chốn xưa" không chỉ là món quà dành tặng những người hâm mộ giọng ca của chị, mà còn là nơi để Ái Vân trải lòng mình sau thời gian khắc khoải xa quê. Về sống hẳn tại Việt Nam vẫn là mong muốn bấy lâu của chị với khao khát: khi không còn hát nữa, chị sẽ thực hiện kế hoạch bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống như ca trù, ả đào... để giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế…

Thanh Hằng
.
.