Búp tay người ríu rít lửa hoa

Thứ Sáu, 28/02/2020, 07:35
Khi lên tới làng chè Tân Cương (TP Thái Nguyên) tôi mới thấm cái thú uống trà của bố tôi ngày xưa. Phòng thưởng trà mở ở Trung tâm văn hóa xã đúng như mơ ước của ông. Ở đó, mở ra một không gian thoáng đãng bên vườn cây cùng những giò lan màu vàng...

Trong khu vườn có một chum nước mưa bên gốc cau và chiếc bếp than hồng trên thềm nhà. Những đồi chè Tân Cương xanh mướt điệp trùng. Sáng sớm thức dậy, tôi đắm trong một bình minh lấp lánh mơ màng rộn tiếng chim ca.

Lễ hội cho những cuộc thi lên hương

Tôi được anh Ngô Mạnh Hinh ở khu vườn chè xóm Hồng Thái 1 mời lên dự lễ hội trà hàng năm vào đầu xuân tại xã Tân Cương. Thú vị nhất trong lễ hội là cuộc thi sao trà của ba xã chung quanh. Hàng chục cửa hàng trưng bày sản phẩm trà của mình. Xóm nào cũng muốn cho thực khách đến dự lễ hội thưởng thức sản phẩm trà thơm. Họ chọn ra những người thợ giỏi nhất để thi đấu tay nghề sao chè.

Mặc dù hầu hết các nhà đều có lò sấy và sao tự động nhưng việc lấy hương đều phải nhờ đến kinh nghiệm và tài năng của các nghệ nhân. Trà nhà nào ngon cứ phải sao bằng củi lửa trên chảo gang và lấy hương bằng tay thì biết ngay.

Thi sao chè hội làng Tân Cương.

Khi nghe anh Hinh nói tôi bỗng sực nhớ đến câu thơ độc đáo của Phùng Cung viết về hương vị của trà Tân Cương: "Quất mãi nước sôi. Trà đau nát bã. Không đổi giọng Tân Cương". Đó chính là nét khắc họa những nét riêng biệt nhất của vùng trà này. Cuộc thi cũng theo tiêu chí đạt được cái hương vị trà Tân Cương, sao cho ra ngậy mùi cốm non và ngọt hậu. Cái gọi là "Giọng Tân Cương" này chẳng thể có ở nơi nào. Chính vì "cái giọng" ấy mà cách đây gần trăm năm trà mang thương hiệu "Cánh hạc" của Tân Cương đã đoạt giải nhất năm 1935 tại cuộc thi ở Hà Nội. Và cũng từ thời gian này thương hiệu trà Tân Cương đã vang dội trên thị trường thế giới. 

Lúc này tiếng cồng đã vang lên. Cuộc thi sao trà bắt đầu. Những chiếc chảo gang đã nóng bỏng tay. Ai nấy đều phải sao trà trực tiếp bằng sự cảm nhận của những ngón tay và khướu giác của mình. Nào sao ướt, nào vò, nào sao khô, đánh mốc… Tất cả đều hối hả.

Không ít thí sinh nam cũng trổ tài ganh đua cùng các cô gái. Mỗi người đều phải cảm nhận được bằng hơi nóng từ chảo gang để tiến hành các bước. Nhất là khi tạo mốc lên hương bàn tay nghệ nhân phải thể hiện bằng linh cảm khi nào "cái giọng Tân Cương" đã cất lên. Kết quả cuối cùng sao cho sợi trà xanh-đen, gọn và xoăn chắc.

Khi pha nước trà màu xanh ánh vàng. Khi uống thực khách phải thấy dễ chịu với hương cốm ngọt ngào đậm đà. Đó mới chính là "Giọng Tân Cương", linh hồn của cái xứ đồi đất son này.

Chúng tôi tới một bếp thi của nghệ nhân trẻ Nguyễn Thị Hạnh ở xóm Sol vàng. Chị ngẩng lên nở một nụ cười tươi chào chúng tôi rồi lại cắm cúi vào chiếc chảo gang nóng rực. Bởi đây là vào giai đoạn cuối của cuộc thi. Bàn tay nhạy cảm của chị huơ trên những búp trà khô đang lên hương. Đó là cuộc chơi bằng thần giao cách cảm giữa bàn tay và ngọn lửa.

Điều chỉnh ngọn lửa cũng là một nghệ thuật làm mốc lấy hương. Khi sao trà người nghệ nhân toàn tâm toàn ý với sự giao hòa trời đất và hương thơm của cánh trà bay lên qua ngọn lửa. Họ biết dừng đúng lúc để trà dậy mùi. Đó chính là những bí quyết của những bàn tay nghệ nhân. Trước mắt tôi là những búp tay thơm của các cô gái, các mẹ, các chị như đang múa trên ngọn lửa. Hương đang lên dần. Mỗi nhà một đất. Mỗi đất một người chăm.

Mỗi người một cách lên hương. Đến đây tôi mới ngỡ ra, vì sao nói chung là trà Tân Cương, nhưng các cửa hàng (nhãn hiệu) trong vùng đều có hương vị của riêng mình. Như các cô gái vậy. Mỗi cô mỗi duyên. Trà cũng có nét riêng duyên thầm bí ẩn.

Huyền thoại thiền trà

Trong khi chờ đợi ban giám khảo thưởng trà và chấm giải anh Hinh dẫn chúng tôi vào trong khu trung tâm văn hóa trà Tân Cương. Nhìn sa bàn tổng thể khu trà của ba xã quả là kỳ thú. Những quả đồi nằm trong sự bao bọc của sông Công. Phía trước mặt là dãy núi Tam Đảo ngăn những cơn gió Đông Bắc rét buốt tràn tới.

Dường như những đồi chè là kết quả của phù sa con sông bồi đắp hàng ngàn năm qua. Một cấu trúc đất đặc biệt được hình thành. Đó là đất sỏi cơm màu đỏ son. Thêm nữa nó còn được hòa trộn tự nhiên với đất sét nhẹ tạo nên độ xốp giữ ẩm và thoát nước nhanh chóng. Trà ở đây ngon và thơm nhờ thổ nhưỡng của sông Công nuôi dưỡng thường xuyên.

Biểu tượng trong khu Trung tâm văn hóa xã Tân Cương.

Nhắc đến con sông người hướng dẫn viên còn kể câu chuyện cổ tích sông Công và núi Cốc. Lúc này bản nhạc "Huyền thoại hồ núi Cốc" (Phó Đức Phương) được bật lên. Giai điệu nhẹ nhàng kể lại câu chuyện tình buồn xưa: "Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại. Nghe chuyện xưa của đôi trai gái tha thiết yêu nhau…". Sự giao duyên của thiên nhiên ấy đã tạo nên vị ngọt của cây chè đất Tân Cương. Thơm thảo và nồng nàn hương cốm non. 

Sau đó chúng tôi ngồi xung quanh một bàn trà và thưởng thức những sản phẩm vừa được sao chế trong cuộc thi. Hay tin nghệ nhân Nguyễn Thị Hạnh là một trong những người đoạt giải cao nhất ai nấy cũng vỗ tay chúc mừng. Một người xin đọc một bài thơ tặng cho người đẹp. Giọng anh ta nhừa nhựa khê nồng thật thú vị: "Em như búp trà nhỏ. Ta củi lửa thêm hương. Đông về sương giăng trắng. Bên em lạc cung đường" (Dương Đăng).

Chị Hạnh đỏ dừ mặt lấy tay vuốt những giọt mồ hôi còn đọng trên gò má. Bất ngờ hồn thơ trong tâm tưởng mọi người trào dâng khi nâng chén trà ngát hương. Một người cao hứng ngâm nga: "Nhẹ nâng một chén trà thiền. Bình tâm nhìn khói ưu phiền thoảng bay. Cuộc đời như giấc mộng say. Trăm năm nhìn lại mới hay vô thường" (Thiện Hùng). Những câu thơ đầy tâm trạng như muốn kéo mọi người sống chậm lại và chiêm nghiệm cuộc đời. Khán phòng lặng thinh một lúc.

Nhưng ngay sau đó một chàng trai trẻ đứng dậy lấy ấm chuyên đều cho mỗi chén trà. Anh ta xin phép những người lớn tuổi đang thưởng trà để góp vui mấy vần thơ ngẫu hứng tặng cho những người đẹp trong cuộc thi sao chè đầu xuân. Đôi mắt anh ta sáng ngời. Giọng đọc thơ trong trẻo thanh thoát: "Xanh đã xanh nghiêng phương trời xa. Vàng đã vàng thơm đậm vị trà. Hương cốm ai trao ngày tôi đến. Búp tay người ríu rít lửa hoa". Tiếng cồng báo kết quả ầm vang ngoài sân. Mọi người đều bước ra vườn cỏ xanh mướt trong vườn đào rung rinh. 

"Cánh hạc" bay về đâu?

Trở lại những đồi chè thôn Hồng Thái I chúng tôi như bình tâm trở lại sau cuộc thi sôi nổi. Nghệ nhân Ngô Mạnh Hình trầm ngâm bên bàn trà và bộc bạch tâm tư. Anh kể nhãn hiệu trà "Cánh Hạc" năm xưa đem lại giá trị trường tồn cho thương hiệu trà Tân Cương (1935). Nhưng rồi sau cách mạng tháng Tám cánh "Chim hạc" bay mất. Mọi nhà bắt đầu khởi nghiệp bằng kinh nghiệm và quan hệ làm ăn nhỏ lẻ. Thương hiệu trà bị chìm vào quên lãng cho dù trà của đất Tân Cương vẫn bán khắp nơi. Chẳng cứ dân đất Tân Cương trồng chè mà dân các vùng kề cận như Trại Cái, Đại Từ, La Bằng, Khe Cốc, ATK… cũng đua nhau sản xuất chè. Sự pha tạp băt đầu từ đây. 

Không những thế mà chính ngay trên đất Tân Cương cũng bị hòa trộn bởi những dòng chè khác nhau giữa các xóm. Mạnh nhà ai nhà đó làm và thiếu kiểm chứng cho một vùng chè nức tiếng bấy lâu nay. Nghệ nhân Hinh bùi ngùi nói cách đây ít năm cũng có những công ty dựng lại thương hiệu "Cánh Hạc" hay "Con Hạc" rồi còn cả "Cánh Hạc xưa"...

Nhưng tất cả vẫn chưa lấy lại được lòng tin ở khách hàng. "Cánh hạc" vẫn bay đi không bao giờ trở lại. Hoài vọng thật mơ màng. Người thưởng trà cũng vậy. Họ vừa uống vừa muốn tìm lại cái "Giọng Tân Cương" đích danh trên mỗi gói trà. Bởi trà "Cánh hạc" của đất Tân Cương đã làm cho mọi người ngộ ra với triết lý nhân sinh bấy lâu nay rằng: "Ngẫm nỗi buồn vui sinh tử mộng. Tan biến trong hương một chén trà".

Vương Tâm
.
.