"Búp bê gỗ" - ấm áp tình người

Thứ Hai, 09/05/2011, 09:42

Vũ Thảo Ngọc là một nữ nhà văn trưởng thành từ đất Mỏ. Dẫu đã đọc của chị mấy tập truyện ngắn, tiểu thuyết, cả thơ nữa, nhưng lần này đọc "Búp bê gỗ" (NXB Lao động 2010), tôi vẫn bị cuốn hút bởi sự giàu có về chất liệu đời sống và chi tiết, một điều không phải cây bút trẻ nào cũng có được, nhất là ở thời kỹ thuật số này.

21 truyện ngắn với gần 300 trang in, Vũ Thảo Ngọc đã tạo dựng khá đa dạng tâm trạng, tính cách và số phận nhân vật. Nhân vật trong truyện ngắn của Vũ Thảo Ngọc thường có số phận phức tạp và không kém phần éo le. Ngay ở truyện được lấy đặt tên cho tập sách "Búp bê gỗ", người đọc có thể phần nào nhận ra sự phức tạp trong tính cách nhân vật. Dậu "lùn", biệt danh bạn bè, xóm phố đùa gọi cô gái chỉ cao một mét hai có tên là Dậu. Bù lại sự thiếu hụt nhan sắc, Dậu học giỏi, tốt nghiệp đại học văn, nhưng không có đâu nhận vào làm việc. Dậu chỉ quẩn quanh trong căn phòng hẹp nơi xóm phố hội tụ toàn "công dân nhà cấp bốn". Cái xóm phố toàn "công dân nhà cấp bốn" ấy hóa lại sống với nhau khá hồn nhiên và ấm áp tình người, từ chị Lân "cháo trai", cô Oanh "di động", cô Lan "tư bản", toàn những cô thất nghiệp nhưng vẫn ra mẽ ta đây lúc nào cũng xúng xính. Đến Văn "xẩm", Dậu "lùn", Hiếu "què" đều cư xử với nhau bình đẳng, cởi mở, có nỗi buồn, niềm vui luôn cùng nhau chia sẻ. Cùng ngõ nhà Dậu có anh Hiếu đi xe lăn, vì bị bại liệt sau trận sốt ác tính năm lên bốn, làm nghề chữa máy khâu cậm cạch qua ngày. Thỉnh thoảng Hiếu sang nhà Dậu chơi, khi thì đóng cho Dậu cái đinh treo nón, khi thì ngồi ngắm không chán mắt chữ Tâm và tấm tắc bảo đó là bức họa số một Hiếu được nhìn thấy. Hầu như lần nào sang Hiếu cũng để thì giờ, tâm sức chau chuốt con búp bê gỗ, không biết làm sao lại gẫy một bên bím tóc. Rồi... Dậu có thai (mà hình như không phải là với Hiếu - dẫu biết vậy nhưng Hiếu vẫn luôn ở bên Dậu), tưởng như hai con người khốn khó ấy đến với nhau, tần tảo cùng nhau vượt lên gian khó. Nhưng Dậu tự ti, mặc cảm với hoàn cảnh, cũng một phần không muốn Hiếu phải vì mình mà gánh cái gánh nặng gia đình quá sức chịu đựng của anh, đã nhất định từ chối không cho Hiếu sống chung. Hiếu buồn giận bỏ đi. Chỗ bấu víu cuối cùng của Dậu là cái thai chị đang mang, nhưng khi Dậu sinh con, đứa bé bị ngạt, vì người hộ sinh thiếu trách nhiệm. Nỗi đau tưởng quá sức với người đàn bà tật nguyền, nhưng dường như số phận vẫn chưa buông tha chị. Một lần, thằng bé bán báo rao tin có người đi xe lăn tháo càng xe đập vào cổ một tên cướp. Dậu mua tờ báo đọc, rồi chạy đến bệnh viện... Nhưng khi đến nơi thì người tật nguyền ngồi xe lăn bắt cướp lại không phải là Hiếu, mà là một người tên Trung. Dậu đành quay về cái xóm phố với những "công dân nhà cấp bốn" mà mơ tiếp những giấc mơ giản dị về một mái ấm gia đình.   

Truyện ngắn của Vũ Thảo Ngọc luôn chia sẻ những nỗi niềm, những cảnh đời, số phận dù trong hoàn cảnh nào cũng gắng gỏi vượt lên, nuôi dưỡng những ước mơ bình dị. Ông Ộp trong "Ông chủ cửa hàng mỹ nghệ", Nam trong "Chuyện tình thời chứng khoán", hay Mai trong "Hạnh phúc ở phía nào", đều có những nỗi niềm uẩn khúc, những số phận trớ trêu nhưng họ đều giống nhau là không cam chịu bó tay trước hoàn cảnh, mà đều tìm cách vượt lên số phận để sống cuộc sống có ích cho đời ... Rất ít gặp trong truyện ngắn của Vũ Thảo Ngọc những con người cô đơn đến lẻ loi, những kẻ tàn nhẫn đến mất hết tính người. Dường như sự nhân ái, bao dung là âm hưởng chủ đạo trong sáng tác của nhà văn nữ này

Cao Năm
.
.