Thi sáng tác kịch bản cho phim lịch sử:

Bừng tỉnh muộn còn hơn mãi ngủ say

Thứ Tư, 18/06/2008, 11:00
Cuộc thi sáng tác kịch bản cho phim lịch sử được phát động vào tháng 3/2008 và kết thúc vào tháng 8/2008. Trong hai tháng qua, Cục Điện ảnh đã tổ chức hai cuộc họp với hơn 50 tác giả, các đạo diễn và các nhà quản lý hãng phim để phát động cuộc thi và tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các tác giả, các nghệ sĩ đi thực tế và tập trung sáng tác.

Trong lúc một số nhà báo, nghệ sĩ và cả một đôi nhà quản lý đăng đàn diễn thuyết trong các hội thảo "tấn công" trực diện vào các phim tuyên truyền kỷ niệm, kêu gọi thương mại hóa, giải trí hóa, "acòng hóa" những anh hùng chiến tranh, những vĩ nhân lịch sử của dân tộc để độc quyền cho các anh hùng vĩ nhân các nước lớn chiếm lĩnh màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ, thì Cục Điện ảnh đã phát động phong trào sáng tác kịch bản phim truyện về lãnh tụ Hồ Chí Minh và các nhân vật lịch sử dân tộc nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói, cuộc vận động này có ý nghĩa giáo dục tư tưởng và có giá trị định hướng xã hội rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Cuộc thi được phát động vào tháng 3/2008 và kết thúc vào tháng 8/2008. Trong hai tháng qua, Cục Điện ảnh đã tổ chức hai cuộc họp với hơn 50 tác giả, các đạo diễn và các nhà quản lý hãng phim để  phát động cuộc thi và tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các tác giả, các nghệ sĩ đi thực tế và tập trung sáng tác.

Theo ý kiến của các nhà tổ chức cuộc thi thì kịch bản tham dự không nhất thiết chỉ viết về con người lãnh tụ Hồ Chí Minh, mà có thể mở rộng ra viết về thời đại Hồ Chí Minh và những vấn đề liên quan xa gần khác. Các kịch bản phim về lịch sử cũng không nhất thiết chỉ viết theo chính sử, mà có thể mở rộng ra các phim về dã sử.

Và mặc dù đặt tiêu chí hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lịch sử, nhưng các kịch bản đoạt giải không nhất thiết phải được làm phim trước năm 1010 mà có thể bổ sung vào quỹ dự trữ kịch bản về vấn đề này để sản xuất lâu dài.

Khi công bố khung giải thưởng, có ý kiến cho rằng Giải Nhất trị giá 85 triệu là cao quá. Nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vận dụng Nghị định 61 CP để "bảo vệ" con số này. Các tác phẩm được đánh giá cao là những kịch bản bám sát chủ đề này hoặc có những phát hiện, khám phá và sáng tạo mới lạ. Lớp trẻ cũng được quan tâm, nhưng những người có những tìm tòi mới mẻ được ưu tiên hơn.

Các phát biểu của các nhà văn, nhà biên kịch và đạo diễn cho thấy cuộc thi không chỉ khơi dậy những ý tưởng mới mà còn tạo cơ hội cho những dự án sáng tác đang dang dở hoặc được cất trong ngăn kéo của các nhà biên kịch và đạo diễn từ nhiều năm nay được "phục sinh" như các kịch bản viết về quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhóm OSS năm 1945, kịch bản về sự tích Hồ Tây (hồ Xác cáo) Lạc Long Quân đánh cáo 9 đuôi, kịch bản về Chử Đồng Tử .v.v.

Nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng, con "dao pha" của Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết anh đã có đề cương 40 tập phim hướng đến đợt kỷ niệm 40 năm Di chúc Bác Hồ nhưng lại không thể gửi dự thi kịch bản này vì không viết kịp.

Mặc dù anh cho biết sẽ tham gia bằng một kịch bản phim truyện khác về phong tục tập quán các dân tộc thiểu số Việt Nam "rất mới lạ, độc đáo, chưa ai làm cả", nhưng việc không thể tham dự cuộc thi bằng một tác phẩm dài hơi vì không đủ thời gian cũng cho thấy việc tổ chức cuộc thi có phần đột ngột và gấp gáp.

Từ khi phát động đến khi tổng kết chỉ có 4,5 tháng đối với một đề tài  lớn rộng và khó ôm trùm cả 1000 năm lịch sử như vậy thì các tác giả dù tâm huyết và tài năng đến mấy cũng khó có thể cho ra những kịch bản hay, sâu sắc, có tầm.

Trong thời gian quá ngắn ngủi ấy, Cục Điện ảnh phải tiếp thêm năng lượng và hứng khởi cho các tác giả bằng việc tổ chức các cuộc họp "hâm nóng khí thế" các nhà biên kịch và các nghệ sĩ; tổ chức cho các nhà văn, nhà biên kịch và đạo diễn giao lưu với các nhà sử học, văn hóa học để có thêm ý tưởng và tư liệu; tổ chức cho các tác giả đi thực tế để kích thích thêm cảm hứng. Để chạy đua với thời gian, các cuộc đi thực tế sẽ chỉ diễn ra trong tháng 5/2008. Sau đó, các tác giả cần có 3 tháng để viết kịp và nộp quyển vào tháng 8/2008.

Thoạt nghe, nhiều người nghĩ viết về các nhân vật lịch sử như Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng... thì đi thực tế ở đâu? Có lẽ đi thực tế trong chùa chiền, thư viện? Nhà văn Vũ Kim Dũng, biên kịch phim hoạt hình cho rằng, phim hoạt hình cần trí tưởng tượng hơn thực tế. Vì vậy, cần có sự nhìn nhận và chính sách cụ thể với từng thể loại.

Theo như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho biết, những chuyến đi thực tế có giá trị kích thích cảm hứng sáng tạo rất lớn. Trước khi đi thực tế Lạng Sơn cùng nhà biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh, Hoàng Nhuận Cầm cũng nghĩ mình biết hết chuyện tử tù, chuyện nghiện hút, buôn bán phụ nữ qua biên giới v.v... --PageBreak--

Nhưng khi tiếp xúc với những con nghiện "thứ thiệt", những tử tù bằng xương bằng thịt trong các trại giam, nhà thơ của chúng ta mới thấy cuộc sống còn có nhiều chiều kích, nhiều sắc thái mà mình không thể tưởng tượng ra, như khuôn mặt tử tù 19 tuổi thế nào, thái độ tử tù khi sắp ra trường bắn ra sao.

Hoàng Nhuận Cầm đang viết kịch bản về Bác Hồ có cái tên rất hấp dẫn "Hồ Chí Minh - giấc ngủ mười năm" dựa theo tiêu đề truyện ngắn "Giấc ngủ mười năm" của Bác Hồ. Anh cũng có kế hoạch đi thực tế để viết kịch bản này: lên Thái Nguyên, Pắc Bó để lội trong con suối mà Bác đã lội, đi con đường mà Bác đã từng đi. Đó là cách tìm kiếm những cảm giác, cảm xúc trong quá trình xây dựng hình tượng. Nếu thực tế chưa kích thích được trí tưởng tượng, thì các nhà biên kịch, các nghệ sĩ cũng có thể truyền lửa cho nhau trong quá trình đi.

Có thể nói, các dịp đi thực tế là cơ duyên làm bùng phát những cái có sẵn trong người viết. Cuối tháng 5/2008, một đoàn đi thực tế của các nhà biên kịch phim truyện và phim tài liệu khoảng chục người đã kéo nhau lên đất Tổ, hành hương qua các di tích lịch sử ở Phú Thọ.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm  điện thoại  về cho biết trước mắt đi thực tế ở Phú Thọ vì đây không chỉ là đất Tổ mà còn là nơi Hồ Chủ tịch đã tám lần về thăm. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng hồ hởi cho biết chị vừa cùng đoàn đi thực tế vào thăm Thiền viện, nói chuyện với mấy vị sư, nảy ra ý tưởng thú vị để viết kịch bản về Trần Nhân Tông mà chị đã ấp ủ từ lâu.

Tác phẩm "Khóa hư lục" (Luận về Hư không) của Trần Nhân Tông đã gợi hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo viết bản Giao hưởng kỷ lục mang tên "Khai Giác" trình diễn trong Đại lễ Phật Đản quốc tế do UNESCO tổ chức tại Việt Nam vừa qua, nhưng cuộc đời Trần Nhân Tông sau khi làm một vị vua anh hùng bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử đi tu với nhiều tình tiết độc đáo, thú vị thì chưa được khai thác tái hiện trong điện ảnh. Nếu cuộc thi này cho ra đời những kịch bản phim lịch sử về những nhân vật Hoàng đế Thiền sư như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông thì đó sẽ là những chất liệu tốt cho những phim lịch sử có tầm triết học.

NSƯT Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, cuộc vận động sáng tác "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long" do Ban Tuyên giáo phát động là áp dụng cho nhiều ngành nghệ thuật, nhưng  ngành điện ảnh cần tổng kết sớm để có thể đưa kịch bản vào kế hoạch sản xuất phim năm 2009.

Sở dĩ phát động cuộc thi hơi muộn vì ngành đã làm đề án từ lâu nhưng nay mới được phê duyệt. Vẫn biết nhiều tổ chức, đơn vị ở ta có truyền thống "nước đến chân mới nhảy", nhưng xem cái cách bơm cảm hứng cho sáng tác vừa hối hả, vừa có phần cơ học càng thấy câu thành ngữ "nước chảy đá mòn" sâu sắc làm sao!

Một sự tích tụ tự nhiên tự nguyện không xuất phát từ cái gì khác ngoài cảm hứng sáng tạo của cá nhân người viết, không bị hối thúc bởi thời gian kỷ niệm hay thời hạn cuộc thi nhiều khi cho ra những  tác phẩm chín muồi, sâu sắc. Vì cảm xúc đích thực cần có thời gian. Vậy mà sự phát động phong trào sáng tác- một lĩnh vực cần nhiều thời gian hơn các lĩnh vực tuyên truyền báo chí - thì lại tỏ ra quá muộn mằn. Dường như các nghệ sĩ và các nhà quản lý vừa mới bừng tỉnh sau "giấc ngủ mười năm" vậy.

Nhưng bừng tỉnh muộn vẫn còn hơn ngủ say mãi mãi. Hy vọng rằng cuộc thi này sẽ cho ra những kịch bản hay đóng góp vào quỹ dự trữ kịch bản phim truyện của ngành điện ảnh Việt Nam

Đỗ Minh Tuấn
.
.