Tản văn

Bóng dáng người cha

Thứ Năm, 17/04/2014, 08:00
Bố tôi mất năm 1964. Năm ấy, tôi 12 tuổi, học lớp 5. Sau này, đôi khi tôi tự trách mình rằng: 12 tuổi nhưng tôi vô tư, vô tâm quá. Đến nay, tôi chỉ còn nhớ được một vài nét về hình ảnh người cha của mình.

Trước hết, xin được nói điều này. Tháng 8/1976, tôi lặn lội vào Sài Gòn mới giải phóng thăm người cô ruột của tôi, em gái bố tôi, là cô Lê Thị Ky. Trong những ngày ở nhà cô, tôi được cô cho xem một bức ảnh mà có thể cô thấy bình thường, nhưng tôi nhìn thấy thì xúc động vô cùng. Ảnh chụp bố tôi ngồi quây quần bên ba chị em tôi (lúc ấy, chị Định chưa mất). Ảnh chụp năm 1953, tôi chỉ khoảng hơn 1 tuổi. Bố tôi mặc áo the đen, quần trắng, đầu đội khăn xếp, có dáng dấp của một nho sinh thời xưa. Gương mặt bố tôi thanh thản, có phần rạng rỡ và như ẩn chứa một niềm vui. Chắc bố tôi lúc này cảm thấy ấm lòng vì ba chị em tôi đứng, ngồi quây quần bên bố. Bố bế cậu ấm của bố (là tôi) trên tay, còn tôi thì ngồi tựa vào lòng bố. Đây là bức ảnh quý giá nhất của gia đình tôi mà may sao, cô tôi ở tận phương trời xa lắc là đất Cao Miên, còn lưu giữ được.

Bố tôi da trắng, mặt trái xoan, cao khoảng một mét bảy mươi, có dáng dấp của một ông đồ hơn là một người nông dân chân lấm tay bùn. Khi quê tôi thành lập Hợp tác xã nông nghiệp (1958 - 1959), bố tôi giữ chân thủ quỹ đội sản xuất. Chắc bà con thấy bố tôi cẩn thận, nghiêm túc về chuyện tiền bạc, nên cử bố tôi làm việc đó, như trao gửi một niềm tin. Bố tôi sống rất cởi mở, chan hòa, thân thiện với bà con lối xóm. Vì vậy, tôi còn nhớ, nhà tôi rất nhiều khách. Ngôi nhà ngang ba gian khá khang trang ở nhà tôi được gọi là nhà khách. Các cụ hoặc các ông trong xóm thường đến nhà tôi uống trà, hút thuốc lào vặt, quê tôi gọi là đến chầu. Các cụ ngồi nói chuyện làng xã, xóm ngõ, toàn là những chuyện không đầu đề. Mỏi thì nằm khàn trên bộ ghế bành dài rộng kê ở gian giữa. Những năm bố tôi bị ốm (nhưng vẫn tiếp chuyện khách khứa được), các cụ trong xóm đến chầu càng nhiều hơn. Nhà tôi như một điểm câu lạc bộ của xóm, rất vui vẻ, ấm cúng.

Bố tôi có thú nuôi chim bồ câu để hàng năm tham dự hội thi. Có năm, gia đình tôi chủ trì tổ chức hội thả chim bồ câu tại sân nhà, theo quy định luân phiên đăng cai tổ chức. Có năm, bầy chim được huấn luyện bay rất thuần thục của nhà tôi đã đoạt giải hội thi. Tôi rất trân trọng cái thú nói trên của bố tôi và đôi khi tôi cũng thấy vui lây, cũng bị cuốn vào cái không khí hội hè đó.

Khi còn khỏe, bố tôi cũng là người rất thạo các công việc nhà nông. Nhưng khi sức khỏe suy giảm, bố tôi ở nhà trông nom nhà cửa, làm việc nhà, ít khi tham gia công việc đồng áng. Hình như bố tôi bị đau dạ dày. Lúc ấy, tôi còn nhỏ, không biết rõ. Tôi thấy bố hay đau bụng. Khi đau, bố tôi đổ một ít thuốc muối vào lòng bàn tay rồi đưa lên miệng, chiêu một hớp nước. Một lúc sau, bố thấy dễ chịu hơn, gương mặt đỡ nhăn nhúm vì đau.

Thời đó, y học chưa phát triển như bây giờ. Bố tôi chủ yếu uống thuốc Đông y. Ròng rã mấy năm trời, bố tôi uống cả nghìn thang thuốc. Bã thuốc chất cao thành đống. Nhưng càng uống thuốc, sức khỏe càng suy giảm. Trước khi mất một thời gian, bố tôi đi lại phải chống gậy, da xanh lướt, người gầy rộc. Tôi nhớ, mỗi khi tôi đi học về, thấy nhà im ắng, tôi hơi lo lo. Tôi cất tiếng gọi: Bố ơi! Bố tôi trả lời rất yếu ớt rồi chậm rãi chống gậy đi ra. Nhìn hình hài, dáng vẻ gầy guộc, hốc hác, mong manh của bố tôi, tôi vừa thương vừa lo sợ…

Bố tôi mất 5 giờ kém 10 phút chiều 23/5 âm lịch năm 1964. Khi đưa tang bố tôi, trời mưa to gió lớn, đường đất trơn như đổ mỡ. Những người khênh cỗ áo quan của bố tôi (lúc đó chưa có xe đẩy như sau này) phải bấm chân trên con đường đất, dò dẫm đi từng bước một và đã đưa bố tôi ra đồng một cách an toàn. Dân xóm ái ngại nói: Số bố tôi vất vả quá!

Trước khi bố tôi mất, bố không trăng trối, dặn dò điều gì, chỉ mong cậu con trai duy nhất là tôi, cố gắng học hành đến nơi đến chốn để sau này đỡ vất vả và có thể mở mày mở mặt với thiên hạ. Bây giờ, sau khi đã nghỉ hưu, nhìn lại quãng đời học hành, công tác của mình, tôi thấy phần nào đã thực hiện được ý nguyện của bố tôi. Có thể nói ước mong của bố tôi cơ bản đã thành hiện thực.

Tròn 40 năm trời, tôi vừa giảng dạy ở Đại học Sư phạm vừa làm sách báo, có một vị thế nhất định trong cơ quan, trong xã hội, có bằng Tiến sĩ… Ở cõi vĩnh hằng, bố mẹ tôi chắc cũng thấy ấm lòng. Còn tôi, tôi cũng thấy mình đã không phụ lòng mong mỏi, kì vọng của bố mẹ đặt ở mình. Tôi đã làm tròn bổn phận của người con, đã ít nhiều báo đáp được công ơn sinh thành của cha mẹ…

Lê Hữu Tỉnh
.
.