Bộ phim "Linh hồn Việt Cộng" - Rất cảm động, nhưng giá mà...

Thứ Ba, 19/08/2008, 09:30
Bộ phim tài liệu "Linh hồn Việt Cộng" của đạo diễn, biên kịch Minh Chuyên, quay phim Đoàn Điện Biên được chiếu trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào hai tối 23 và 27/7 vừa qua thực sự gây xúc động cho người xem. Các tác giả của bộ phim đã đem đến cho người xem những thước phim thật cảm động và thật ấn tượng.

Tôi không chỉ xem một lần mà đã xem nhiều lần khi bộ phim này được truyền qua Tuổi trẻ Online ngày 28/7/2008.

Các tác giả của bộ phim đã đem đến cho người xem những thước phim thật cảm động và thật ấn tượng. Hình ảnh ông nông dân Homer Steedly với khuôn mặt già nua, mái tóc và chòm râu trắng xóa, trông có phần tội nghiệp, xuất hiện trên màn ảnh, khác xa hình ảnh người lính Mỹ trẻ trung, tay cầm súng 39 năm trước.

Chính người lính Mỹ Homer Steedly đó, ngày 18/3/1969 đã nã đạn vào người lính Việt Cộng Hoàng Đình (Ngọc) Đảm trên quả đồi 467 thuộc vùng núi Pleiku khi hai người chạm trán nhau, để rồi suốt 39 năm sau phải sống trong dằn vặt và đau khổ vì tội lỗi của mình gây ra.

Sau nhiều lần nhờ bạn bè tìm đến gia đình liệt sĩ Hoàng Đình Đảm trao trả những kỷ vật của liệt sĩ và cũng là để thăm dò thái độ của gia đình đối với mình, tháng 5/2008, Homer Steedly mới vượt qua được những mặc cảm tội lỗi đó để sang Việt Nam. Không chỉ tới gia đình liệt sĩ thắp hương tạ tội với Hoàng Đình Đảm mà ông còn cùng gia đình vào tận nơi anh Đảm hy sinh để tìm hài cốt của anh đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Bộ phim đầy nước mắt. Không chỉ có những giọt nước mắt trên khuôn mặt già nua, đau khổ của Homer Steedly, những giọt nước mắt và tiếng nấc thổn thức của người cựu binh Mỹ Frederic Whitehurst (người đã trao lại cuốn "Nhật ký" của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cho gia đình chị) trước mộ chị trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Từ Liêm, Hà Nội mà các nhà làm phim khéo léo đưa vào; nước mắt trên những khuôn mặt những người thân của gia đình liệt sĩ, nhất là trên khuôn mặt đau khổ của chị Minh, vợ liệt sĩ Hoàng Đình Đảm...; mà nước mắt còn chảy trên những khuôn mặt của bao nhiêu người xem bộ phim này như tôi trước màn ảnh truyền hình.

Bộ phim không chỉ là lời ca ngợi những tấm gương hy sinh vì Tổ quốc của bao anh hùng, liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như liệt sĩ Hoàng Đình Đảm mà còn là một thông điệp đầy tính nhân văn và thật cảm động cất lên từ những tấm lòng vị tha của người Việt Nam đối với những kẻ thù đã từng gieo rắc đau thương, chết chóc cho gia đình mình nay đã biết phục thiện và đang làm mọi việc để hàn gắn vết thương tội lỗi trong lòng họ.

Cả hai phía cựu thù khi xưa dẫu thế nào thì trước hết đều là những con người, sinh ra đều mang mầm thiện từ trong lòng mẹ, như bà mẹ của Homer Steedly, người không những chia sẻ mà còn đồng tình, khuyến khích con mình trở lại Việt Nam để gặp gia đình và tạ tội với người đã bị con mình bắn chết. 

Là một nhà báo, ngay từ tháng 9/2005, khi biết Homer Steedly nhờ người bạn của mình là nhà văn Wayne về Thái Giang trao trả những kỷ vật đầu tiên của liệt sĩ Hoàng Đình Đảm cho gia đình, tôi đã về thăm gia đình liệt sĩ và có bài viết, nhan đề "Chúng tôi phải cảm ơn họ về tấm lòng nhân ái ấy" đăng trên An ninh thế giới số cuối tháng 11/2005, kể về câu chuyện này. Vì thế, một lần nữa tôi xin chúc mừng đạo diễn Minh Chuyên và nhà quay phim Đoàn Điện Biên về thành công của bộ phim.

Song, với sự mong muốn chân thành của mình, tôi cứ ước ao, giá như bộ phim nhắc đến và lại có thêm tư liệu, hình ảnh về người vợ của Homer Steedly thì quý biết bao! Đó là bà Tibly Steedly, một người phụ nữ Mỹ nhân hậu đã dành bao tâm huyết và công sức để cố chữa lành vết thương tinh thần đè nặng trong lòng chồng mình kể từ sau ngày Homer Steedly từ Việt Nam trở về Mỹ.

Bà là người đứng ra lập trang web cho chồng, giúp chồng tìm kiếm và chia sẻ thông tin về Việt Nam, động viên chồng vượt qua mặc cảm tội lỗi để làm việc có ích cho Việt Nam. Trong một bức thư gửi cho tôi vào tháng 11/2005, sau khi biết tin nhà văn Wayne đã về Thái Giang trao trả những kỷ vật đầu tiên của liệt sĩ Hoàng Đình Đảm cho gia đình, bà Tibly Steedly viết: "Lòng khoan dung của gia đình ông Hoàng Đình Đảm đối với Homer cũng như việc họ chấp nhận chúng tôi sẽ giúp làm lành biết bao vết thương. Chúng tôi phải cảm ơn họ về lòng nhân ái ấy!".

Sau khi biết câu chuyện Frederic Whitehurst trao lại cuốn Nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cho gia đình chị, bà Tibly Steedly viết thư cho chị Đặng Kim Trâm, em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: "Tôi và Homer chưa bao giờ được biết những chuyện kỳ lạ như thế này. Với anh ấy đây là điểm bắt đầu của con đường dài chữa lành vết thương. Sự nhân hậu của mọi người, đặc biệt là của gia đình ông Hoàng Đình Đảm khiến chúng tôi xúc động vô cùng. Chúng tôi thấy như được chìm ngập trong sự nhân hậu của mọi người".

Một điều nữa, giá như trong bộ phim không có chi tiết sai khi nói rằng Frederic Whitehurst, người cựu binh Mỹ đã trao lại nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cho gia đình chị "đã cùng đồng sự bắn chết bác sĩ Đặng Thùy Trâm" thì hoàn hảo biết bao!

Thực ra, theo các tư liệu tôi có từ chính câu chuyện như cổ tích về sự trở về của cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm thì Frederic Whitehurst không phải là người "cùng đồng sự bắn chết bác sĩ Đặng Thùy Trâm", mà là một viên sĩ quan quân báo của quân đội Mỹ nghiên cứu và phân tích các tin tức tình báo từ các tài liệu do đơn vị tác chiến thu được sau khi chị Trâm hy sinh.

Nhưng dù sao, đối với tôi, bộ phim "Linh hồn Việt Cộng" là một bộ phim thật hay, thật cảm động. Không chỉ những nhân vật trong phim mà cả các tác giả của bộ phim tài liệu này xứng đáng được người xem trân trọng và cảm ơn

Dương Đức Quảng
.
.