Biểu tượng Mẫu – một cách nhìn mở!

Thứ Năm, 02/04/2020, 17:02
Không phải ở Việt Nam ta mới có tín ngưỡng thờ Mẫu mà hầu như mọi quốc gia, mọi nền văn hoá, nhiều tôn giáo đều có. Có nhiều cách lý giải nhưng chắc chắn có lý do từ lẽ tự nhiên là bất kỳ ai cũng đều do Mẹ sinh ra. Tận sau này có nhà thơ mới nói một cách thi vị mà thấm thía rằng: Không có Mẹ thì chẳng có thi nhân và những anh hùng! 


Và lý do nữa là cả nhân loại đều trải qua thời kỳ mẫu hệ, người phụ nữ được tôn trọng tuyệt đối, quán xuyến, lo lắng mọi việc từ quốc gia đại sự đến nhà cửa, con cái. Hôm nay, người ta rất có lý khi lên án việc tạo ra người từ ống nghiệm là vô đạo đức, vô văn hoá vì ngược với quy luật tự nhiên, trái với đạo lý.

Thần thoại Hy Lạp có biểu tượng Nữ thần Gaia với nghĩa Bà Mẹ Trái đất (Mẹ Đất), vốn được ghép từ hai âm tiết Ge và Aia. Ge chỉ những gì thuộc về đất. Đến nay trong nhiều từ vựng châu Âu, tiền tố Ge có mặt ở nhiều khái niệm (Geology: địa chất học, Geography: địa lý, Geo-cultural: địa văn hoá…).

Aia nghĩa là Bà với sự kính trọng. Thời trái đất là một khối Hỗn mang (Chaos) sinh ra Gaia, nữ thần Đất Mẹ với hình ảnh đặc trưng là bộ ngực vĩ đại có chức năng sinh sản ra các vị thần và loài người. Nữ thần Gaia còn có khả năng tiên tri. Vì những lẽ này trong xã hội Hy Lạp cổ đại, lời thề có sự “chứng giám” của Thần Gaia được coi là lời thề thiêng liêng nhất, được “bảo hiểm” cao nhất. Vì là Mẹ Đất nên trong nghệ thuật cổ xưa thần được miêu tả gắn liền với đất, là tượng một người nữ vừa thánh thiện vừa vĩ đại nhô nửa người trên mặt đất.

Như vậy Nữ thần mang một biểu tượng gần như toàn năng: mang tầm cỡ của đấng Tạo hoá; sự thiêng liêng và trí thông minh, năng lực hiểu biết, xét đoán, phân tích (có thế mới “tiên tri” được).

Bà chúa Thượng Ngàn - Tranh thờ.

Văn hoá phương Đông cổ sáng tạo ra vị thần có chức năng tương tự là thần Nữ Oa. Mang dấu vết của thời quần hôn, nếu Nữ thần Gaia đẻ ra con trai rồi lấy chính con trai làm chồng thì thần Nữ Oa vừa là em ruột vừa là vợ của vua Phục Hy. Nữ Oa sáng tạo ra con người bằng cách nặn những tượng đất sét hình nhân rồi thổi dương khí vào đó, tượng đó trở thành đàn ông, thổi âm khí vào tượng thành đàn bà. Bà lấy bùn vãi ra khắp mặt đất để “nặn” người. Vãi không đều nên loài người phân bố có tỷ lệ rất chênh lệch.

Vì sinh ra từ bùn nên thời kỳ đầu con người rất vô đạo đức, chẳng biết gì đến phép tắc luân lý nên Bà phải dạy cho họ việc lấy nhau như thế nào, dạy con cái ra sao…Thế là loài người coi Bà là vị thần của Hôn nhân, của Đạo lý, Đạo đức…

Ngày nay ai cũng biết chuyện Nữ Oa vá trời và lấy tích đó để nói về những việc không tưởng, phi thực tế. Nhưng trong thần thoại thì có chi tiết vì thương loài người chịu cảnh “trời thủng”, phải hứng bao cảnh mưa to gió lớn nên Bà lấy đá vá trời. Bà luyện 36.501 viên đá ngũ sắc, dùng hết 36.500 viên, còn thừa một viên. Từ đó loài người không chỉ tôn Bà làm Thần cai quản Không gian mà còn vị Thần của thời gian, vì con số 365 kia làm thành 365 ngày trong năm.

Đạo Công giáo dành cho Thánh Maria những tôn kính đặc biệt. Truyền thuyết kể thời Maria còn thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp, sáng như vì sao dưới hạ giới nên có rất nhiều chàng trai giàu có, vương giả đến dạm hỏi nhưng nàng chọn chàng thợ mộc Giôdép. Maria được thần linh báo mộng sẽ sinh ra Jêsu là con của Thượng đế và sẽ là Chúa Cứu thế. Jôdép thì mơ thấy mình được trao nhiệm vụ giữ Maria làm vợ, còn Jêsu sẽ là con nuôi. Maria là mẹ nhưng vẫn là đồng trinh nên được gọi Đức Mẹ Đồng Trinh. Từ đó người ta dùng các danh hiệu thiêng liêng nhất để gọi: Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, Đức Bà, Nữ Vương Thiên Đàng. Trở thành bậc thánh thật sự cao quý, sáng láng, Bà có uy tín đến mức vượt ra khỏi bầu trời văn hoá Kytô giáo để đến với không gian Hồi giáo, là người phụ nữ duy nhất có mặt trong kinh Koran.

Theo giới nghiên cứu, đáng ngạc nhiên là tên Maria được nói đến nhiều trong kinh Koran hơn cả trong kinh Tân Ước. Người ta đếm chỉ trong Chương III Kinh Koran tên Bà được nhắc đến 34 lần, hơn cả số lần xuất hiện trong Kinh Thánh.

Trong văn hoá Ấn Độ, tên Nữ thần Mariamman là ghép của các chữ Mari có nghĩa là Người Mẹ, chữ Amman có nghĩa là mưa. Bà được coi là vị thần Mẹ rộng lượng chuyên ban phúc đức. Bà là thần của làng, còn là thần Mưa, thần chữa bệnh, thần bảo hộ đất đai, thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em. Thế nên phụ nữ nào bị chồng coi thường hắt hủi sẽ đến các đền thờ Mariamman gục mặt vào tường đá để mách cho Bà biết, lập tức anh chồng kia sẽ nghĩ lại, hối cải và yêu vợ nhiều hơn.

Mặc dù hình thành, phát triển ở Ấn Độ nhưng Hindu giáo lại có ảnh hưởng lan rộng và sâu sắc đến nhiều nền văn hóa Đông Nam Á. Ở Việt Nam, theo nhiều nghiên cứu, từ đầu Công nguyên Hindu giáo có mặt trong nền văn hóa cổ Champa, Óc Eo. Trong quá trình tiếp biến văn hoá, đúng với quy luật, dù rất chậm, tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa tiếp thu, dung hoà, biến đổi để tạo ra các vị Nữ thần có cái lõi bản địa, khuôn mặt bản địa nhưng khoác áo Hindu giáo (cả các tôn giáo khác) như Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Thiên Y A Na Thánh Mẫu (có hình ảnh Nữ thần Ponagar - Mẹ Đất của dân tộc Chăm). Về vấn đề tiếp biến, chuyển hoá này, có nhà nghiên cứu chỉ ra rất thú vị ở chùa Linh Sơn (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang) có pho tượng thần Bảo tồn Vishnu được “cải biên” thành Phật bốn tay…

Bức tranh “L Annonciation” minh họa cảnh thiên thần đến báo bà Maria được chọn sinh ra Chúa!

Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam lấy việc thờ Mẫu là nội dung chính, tôn biểu tượng người Mẹ có quyền năng sinh sản, bảo vệ, che chở cho con người. Các Thánh Mẫu luôn là những người phụ nữ hiền lành, đức độ, tài năng. Ngoài chức năng đề cao, kính trọng, tôn sùng rất mực người mẹ, giáo dục niềm kính trọng phụ nữ còn là khát vọng của con người vươn tới những miền thanh tịnh, trong sáng, cao cả tuyệt đối. Theo chúng tôi còn là một quan niệm về sự kháng cự lại các giáo lý Nho gia coi thường phụ nữ, trói buộc họ vào các khuôn “tam tòng, tứ đức” hết sức bảo thủ, khắt khe.

Những Thánh mẫu kính trọng nhất được gọi là Quốc Mẫu, Vương Mẫu… như Quốc mẫu Âu Cơ, Quốc mẫu Tây Thiên, Đinh Triều Quốc mẫu. Theo thống kê Việt Nam có khoảng 75 vị Nữ thần nhưng có ba Thánh Mẫu tiêu biểu là Mẫu Thượng Thiên (Mẫu đệ nhất) cai quản miền trời, làm chủ mây mưa, sấm chớp, mặc áo màu đỏ hoặc hồng. Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu đệ nhị) cai quản miền rừng núi, cây cối, mặc áo màu xanh. Mẫu Thoải (tức Mẫu Thuỷ, Mẫu đệ tam) cai quản miền sông nước, mặc áo màu trắng. Trong hệ thống “Tứ bất tử” (bốn Thánh bất tử: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thánh mẫu Liễu Hạnh), Mẫu Liễu Hạnh được tôn kính được thờ trong Phủ riêng.

Từ “Cái” trong từ vựng tiếng Việt có nghĩa ban đầu là “mẹ, người mẹ”. Thành ngữ “Con dại cái mang” có nghĩa con dại thì mẹ phải chịu trách nhiệm (nuôi dạy/bồi thường). Trong câu ca dao “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng” nghĩa là nàng về nuôi mẹ già và con nhỏ.

Theo thời gian “cái” dần dần chuyển nghĩa thành hai tuyến: chỉ giống cái và chỉ sự vật, hiện tượng to lớn, chủ đạo (cột cái, đường cái, sông cái, thúng cái, rổ cái, ngón tay/chân cái…). Trong tiếng Việt cổ, từ “cái” gần nghĩa với từ “cả” như “đũa cả/ đũa cái”, “sông cả/ sông cái”… Ở thời hiện đại, trong một số trường hợp từ “cái” vẫn đồng nghĩa với từ “mẹ” như “sông cái” cũng gọi “sông mẹ”…

Như vậy cũng đủ chứng minh trong quá khứ hình tượng người Mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Có thể đấy là quan niệm của thời kỳ mẫu hệ nhưng trong thực tế thì phụ nữ xứng đáng được ghi nhận như vậy với các sự kiện Hai Bà Trưng, Bà Triệu khởi nghĩa chống quân xâm lược và các cuộc khởi nghĩa sau đó đều có sự tham gia của các bà, các mẹ. Câu tục ngữ “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” vừa nói lên sự quyết tâm đuổi giặc không chịu cam tâm làm nô lệ nhưng cũng còn là một khái quát về chân lý lịch sử.

Trong văn hoá Việt, người Mẹ luôn được so sánh với những hiện tượng tự nhiên kỳ vĩ, muôn thuở: “Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền”. Rồi “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… là hoàn toàn đích đáng, rất đúng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Hình tượng Mẫu/ Mẹ trở thành tài sản văn hoá vô cùng quý giá của dân tộc!

Nguyễn Thanh Tú
.
.