Tưởng nhớ dịch giả Cao Xuân Hạo:

Biệt tài và những nghịch lý ít gặp

Thứ Tư, 05/12/2007, 06:45
Phó giáo sư Cao Xuân Hạo là người đa năng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu ngôn  ngữ và Việt ngữ, dịch thuật... Trong bài viết nhỏ và muộn này, tôi chủ yếu viết về anh ở hai phương diện khả năng ngoại ngữ, dịch thuật, sinh hoạt đời thường cùng một số nghịch lý có liên quan tới anh, gọi là có nén tâm hương tưởng nhớ anh...

Tôi kém Phó giáo sư Cao Xuân Hạo 6 tuổi, nhưng có may mắn được quen biết và gặp anh nhiều. Từ năm 1959, tôi với anh cùng công tác ở tổ Ngôn ngữ của khoa Văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng công tác, cùng có chung các sở thích đọc, dịch, bơi... nên tôi thường xuyên được gặp anh cho đến năm 1974, lúc tôi đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô rồi sau đó anh chuyển vào sống và công tác ở TP HCM.

Theo tôi hiểu, anh Hạo thuộc số ít người Việt Nam biết nhiều ngôn ngữ như các giáo sư Phan Ngọc, Hà Văn Tấn, dịch giả Nguyễn Thuỵ Ứng... Anh biết rất giỏi tiếng Nga, tiếng Pháp, biết khá giỏi tiếng Anh, biết tiếng La tinh, tiếng Đức và tiếng Trung.

Điểm nổi bật ở anh là biết ngoại ngữ ở mức sâu sắc, thấu đáo, hoàn hảo. Chẳng hạn, đối với trình độ tiếng Pháp của anh, triết gia người Pháp, Francois Julien, đã nhận xét về một bản báo cáo về triết học của anh: “Un parfait francais” (Một tiếng Pháp hoàn hảo).

Không chỉ viết một báo cáo khoa học, mà anh còn viết cả cuốn sách dày 273 trang bằng tiếng Pháp chững chạc, tinh tế “Phonologie et Linéarité réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine” (SALAF - Paris 1985) (Âm vị học tuyến tính, suy nghĩ về những định đề của âm vị học đương đại). Công trình này anh đã dịch lại sang tiếng Việt và được xuất bản ở Hà Nội năm 2001.

Về tiếng Pháp, có lần, anh đã kể với tôi: “Hồi nhỏ, ở Huế, gia đình mình sống cạnh một gia đình người Pháp. Hàng ngày mình chơi đùa với đứa con gái nhỏ của họ. Một hôm, ông hàng xóm sang nói chuyện bằng tiếng Tây với bố mình (Giáo sư Cao Xuân Huy), mình nghe lỏm và hiểu hết khiến cụ rất ngạc nhiên”.

Tiếng Pháp đã vậy, còn tiếng Nga thì sao? Đã từng có giai thoại thú vị như sau: Vào những năm 60 (của thế kỷ XX), có lần, một chuyên gia khảo cổ học Liên Xô giảng bài ở Hà Nội, phiên dịch viên là người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành khảo cổ ở Mátxcơva, dịch không tốt nên cực chẳng đã phải vời đến Cao Xuân Hạo.

Để thử tài người dịch mới, trong lúc giảng, vị chuyên gia nọ đã cố ý kể một câu chuyện vui. Cao Xuân Hạo dịch xong, các thính giả cười ồ, vẻ thích thú. Từ lúc đó, vị chuyên gia mới tin tưởng tiếp tục giảng và buổi học đã diễn ra một cách suôn sẻ.

Trong những năm 60, 70, anh Hạo thường xuyên được mời đi dịch thuyết minh phim và thường là phải dịch ngay, không được nghe và chuẩn bị trước. Ngoài ra, anh còn dịch giỏi từ tiếng Việt sang tiếng Nga.

Có lần, trong một buổi hội thảo Nga - Việt về Ngôn ngữ học được tổ chức ở Hà Nội, lúc Giáo sư, Viện sĩ V.I. Xônxép, Trưởng đoàn Nga phát biểu, thì có tới 3, 4 phó tiến sĩ tốt nghiệp ở Nga về thay nhau dịch. Nhưng đến bài phát biểu của Giáo sư Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, Trưởng đoàn Việt Nam, thì người dịch chỉ có thể là Cao Xuân Hạo. Hoàn toàn tự học, chưa hề sống ở Nga dù chỉ một ngày, mà dịch nói, dịch viết được như thế, tôi nghĩ quả là hiếm.

Cao Xuân Hạo giỏi tiếng Nga theo định nghĩa của V.N.Camítxarốp, nhà lý luận Xôviết nổi tiếng: “Người dịch phải hiểu hai ngôn ngữ (ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ) theo cách riêng của việc dịch, tức là hiểu chúng trong sự kết hợp với các quy tắc, với các điều kiện chuyển từ các đơn vị của ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác”. Chính nhờ thế, anh mới có thể để lại cho đời nhiều tác phẩm dịch trứ danh: “Chiến tranh và hòa bình”, “Tội ác và trừng phạt”, “Người con gái viên đại úy”, “Con đường đau khổ”...

Thường thì, các nhà xuất bản rất ngại in các bản dịch qua ngôn ngữ trung gian. Thế nhưng, NXB Văn học vẫn chấp nhận bản dịch “Đèn không hắt bóng” của tác giả Watanabe Dzunichi.

Trong lời giới thiệu của bản in vào quý IV-2003, có những dòng sau: “Đáng tiếc là không có điều kiện để dịch thẳng từ nguyên tác tiếng Nhật, mà phải dịch qua bản tiếng Nga. Nhưng nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo, tác giả của nhiều bản dịch nổi tiếng (như các bản dịch tác phẩm của Puskin, Lép Tônxtôi, Đốtxtôiépxki, Tsêkhốp, Aimatốp) chắc sẽ truyền đạt một cách trung thực đến bạn đọc cái hay của nguyên tác”. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy: Bản dịch rất được hoan nghênh và được tái bản nhiều lần.

Thành tựu và cống hiến xuất sắc của Cao Xuân Hạo trong các lĩnh vực ngữ học, Việt ngữ học và dịch thuật có nguyên nhân trước hết là tài năng thiên bẩm và sự cần mẫn, sức làm việc phi thường của anh.

Giáo sư Phan Ngọc nhận xét về Cao Xuân Hạo: “Anh có thể thức 3-4 đêm liền để hoàn tất mọi công việc”. Trong bài “Cao Xuân Hạo, một trí thức, một thân phận” của Giáo sư Tương Lai đăng trên báo Người lao động chủ nhật số ra ngày 21/10/2007, có đoạn: “Tôi nhớ mãi ngón tay trỏ của Hạo cứ gõ gõ trên ngực mình ngày anh mới nhập viện mà cô cháu đứng lau mồ hôi cho anh giải thích là ông cháu gõ vi tính đấy ạ. Ông cháu chỉ đánh vi tính được theo kiểu mổ cò. Nhà ngữ học tài hoa ấy vẫn đang tư duy, chỉ không nói được!”.--PageBreak--

Người tài, đặc biệt là bậc kỳ tài, thường lắm tật, mà phổ biến nhất là bệnh kiêu. Cao Xuân Hạo có kiêu không? Theo tôi: Có. Ấy là khi anh tự kể về mình: “Cách đây gần bốn mươi năm, một người bạn học cũ, khi thấy tôi mỗi ngày ngồi mười tiếng trong thư viện khoa học ở phố Lý Thường Kiệt để đọc cho bằng hết các sách ngôn ngữ học, tri thức luận và lôgích học trong đó, có khuyên tôi thôi làm cái chuyện dã tràng xe cát ấy đi vì nếu muốn giỏi bằng một anh phó tiến sĩ của Nga, một người Việt Nam tự học phải thông minh gấp ba và đọc gấp mười mới được.

Lòng tràn đầy tự ái, tôi đáp: “Sao anh biết tôi không thông minh gấp ba và sẽ đọc gấp mười nó” (dẫn theo giáo sư Tương Lai). Tuy trong chuyện nói, viết, anh khe khắt và chi li về chữ nghĩa, nhưng theo tôi, anh là người độ lượng, khiêm tốn. Anh thường khen ngợi, động viên cả những kẻ chỉ đáng bậc em út, học trò mình, trong đó có tôi. Anh tự coi mình là môn đệ của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Anh vui vẻ đứng tên chung và đứng cuối trong truyện dịch “Cây phong non trùm khăn đỏ” của Aimatốp cùng với hai người dịch ít tên tuổi Nguyễn Ngọc Bằng, Bồ Xuân Tiến.

Trong bản tự bạch ở tập sách “Nhà văn hiện đại”, Cao Xuân Hạo cũng chỉ viết những dòng rất khiêm tốn: “Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học, tôi đã viết một số bài báo về các vấn đề văn học, một số bài giới thiệu và lời nói đầu cho các bản dịch tác phẩm nước ngoài. Nhưng phần đóng góp đáng kể nhất của tôi có lẽ là các bản dịch từ các tác phẩm văn xuôi nước ngoài, chủ yếu là tiểu thuyết Nga và Xôviết”.

Khái quát lại cuộc đời anh và dựa trên một ý trong bài “Giáo sư Cao Xuân Hạo: ngôn từ mạnh hơn bão táp” đăng ở báo Đại đoàn kết số ra ngày 18/10/2007 của TS Phạm Văn Tình, tôi mạnh dạn nêu lên các nghịch lý sau:

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống vẻ vang về sự học, nhưng việc học tập của anh lại vòng vo, thất thường và đứt đoạn. Kết quả là anh tốt nghiệp đại học và ra dạy ở tuổi 26, muộn hơn so với một số bạn đồng khóa như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, so với các bạn sau anh một khoá như Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Phan Cảnh.

Có khuyết tật nhỏ là chân hơi tập tễnh, ấy thế nhưng anh lại chăm đi bộ, phóng xe máy vù vù từ rất sớm và rất giỏi ở một số môn thể thao như khiêu vũ, bóng bàn, bơi lội. Đặc biệt là, anh nhảy cầu rất đẹp, điệu nghệ khiến cả bể bơi Quân đội đường “tàu bay” phải thán phục.

Đẹp trai, học giỏi, là quản nhạc, nhạc sĩ, đàn ngọt, hát hay, tài hoa, lấy được vợ đẹp là hoa khôi của thành Nam Định. Trai tài, gái sắc, tưởng đâu anh sẽ có được hôn nhân hạnh phúc. Ấy thế nhưng, vợ chồng anh lại gặp sự trục trặc kéo dài trong nhiều năm, dẫn tới ly dị, khiến anh phải lâm vào cảnh gà trống nuôi con và em gái trong nhiều năm. Mãi sau năm 1975, anh vào TP HCM “góp gạo thổi cơm chung” (chữ của anh) với chị Phương Thanh, anh mới được hưởng niềm hạnh phúc của hôn nhân.

Bắt đầu đặt nền móng và giảng dạy môn “Ngữ âm học” từ năm 1956, nhưng vì “gặp sự cố”, anh phải nghỉ dạy để làm công tác dịch tư liệu. Trong nhiều năm nghỉ dạy, anh đã dịch hàng vạn trang sách về ngôn ngữ học. Ấy vậy mà, mãi đến năm 1991, anh mới xuất bản cuốn chuyên luận đầu tiên với tên gọi “Sơ thảo ngữ pháp chức năng” (quyển 1) và lập tức trở nên nổi tiếng.

Tự học hai thứ tiếng Pháp, Nga, chưa một ngày sống ở hai nước đó, nhưng anh đã đạt tới trình độ siêu đẳng mà những người từng sống ở hai nước Pháp, Nga phải mơ ước. Anh không chỉ đọc, nghe, mà còn nói, viết, dịch xuôi - ngược ở mức tuyệt hảo, để lại cho đời những bản dịch mẫu mực, khó vượt qua.

Ngay từ rất sớm đã nổi tiếng là nhà ngôn ngữ học bẩm sinh và hàng đầu, nhưng lại không có bằng phó tiến sĩ và cho đến cuối đời, cũng vẫn chỉ có học hàm phó giáo sư. Vì thế, để được sang Liên Xô trao đổi khoa học, đã có lúc anh tự kiềm chế, nhún mình, có ý định bảo vệ đặc cách phó tiến sĩ.

Trong lúc Phạm Mạnh Hùng, người dịch văn học Nga - Xôviết được xếp cùng chiếu với anh dạy bổ túc văn hóa lớp 10 (lớp cuối phổ thông) cả ba môn Toán, Lý, Hoá ở Nhà máy Dệt kim Đông Xuân Hà Nội để có thêm thu nhập, thì anh lại dạy tiếng Anh ở những lớp nhỏ, chỉ một hoặc dăm ba học viên. Dạy không phải để lấy thù lao, mà chủ yếu là có dịp kết thân với người đẹp.

Phó Giáo sư Cao Xuân Hạo kính yêu và thương nhớ! Bài viết đã khá dài và có đề cập đến một số chuyện có liên quan đến đời tư. Nếu có gì thất thố, cúi xin Anh đại xá

Đỗ Thanh
.
.