Biết sai thì phải sửa

Thứ Tư, 01/10/2008, 14:15
Ngạn ngữ ta có câu "Chẳng ai nắm tay thâu đêm tới sáng". Đại ý là con người ta không phải lúc nào cũng sáng suốt, không mắc sai lầm; một đời lúc nào cũng suôn sẻ, hanh thông. Biết vậy để mà "chín bỏ làm mười", mà thể tất cho nhau. Tuy nhiên, thể tất gì chăng nữa thì đã sai là phải sửa. Thậm chí, có những cái sai phải sửa ngay, nếu không muốn nó ngày càng có cơ nhân rộng.

Nói theo thuật ngữ báo chí, xuất bản thì đó là những cái sai cần được "đính chính" kịp thời. Tiếc là, một số tòa báo hiện không hiểu đúng tầm quan trọng của vấn đề này. Dường như với họ, việc phải đính chính một nội dung, một thông tin sai sót nào đó là việc làm dễ bị "mang tiếng". Và nếu không "ỉm" đi được thì cực chẳng đã mới dùng đến biện pháp như vậy. Chính bởi quan niệm này mà có tờ báo - bình thường co chữ in không đến nỗi nào, nhưng đến khi phải đính chính thì chữ bé như… kiến cỏ, như cốt để không ai dòm thấy.

Lại có nơi, không biết có phải nhằm làm lạc hướng sự chú ý của dư luận không, mà thay vì hai chữ "đính chính", hai chữ "cáo lỗi", là dòng chữ "Nói lại cho rõ" (như thể độc giả của báo đều là những người… lãng tai cả). Ở đây, người ta dường như đã quên mất một điều: Vượt trên "danh dự" rất… vừa phải của người viết (hoặc người biên tập) là trách nhiệm lớn lao trước cộng đồng: ấy là việc bảo vệ sự thật. Và đây mới thực sự là điều quan trọng.

Trông vào đời sống văn hóa văn nghệ của ta hiện nay, không khó khăn gì để ta nhận ra: Việc "sửa sai" gần như chưa thành một nếp hành xử bình thường trong giới văn nghệ sĩ.

Bằng chứng là khi có ý kiến phê phán về một bài viết, một cuốn sách nào đó, các tác giả - thay vì đối chiếu xem những ý kiến ấy sai, đúng đến đâu, và nếu ý kiến đó đúng thì cần phải sửa chữa như thế nào, họ lại chỉ nhăm nhăm truy tìm những thông tin không thật hay ho về nhân thân của người góp ý với mình, nhằm mục đích… phản pháo.

Thật đáng buồn khi ta bắt gặp vô vàn trên các trang web cá nhân những bài viết nặng về bỉ bai, châm chích, mà đa phần là chuyện ngoài lề trang viết. Vậy thì còn hy vọng gì những sai sót sẽ được các tác giả chú tâm chỉnh sửa.

Từ thực tế này, bất giác tôi lại nhớ tới câu chuyện xảy ra với nhà văn Thạch Lam cách đây bảy chục năm. Lần đó, Thạch Lam đã dịch và giới thiệu với bạn đọc Hà thành cuốn tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" của nhà văn Pháp Marcel Proust. Và ông đã dịch sai một số chi tiết. Chẳng hạn trong nguyên bản có câu chuyện "La Petite Madeleine", Thạch Lam dịch là "Cô bé Madeleine".

Thực ra, xem truyện, người ta có thể thấy "La Petite Madeleine" có nghĩa là "Cái bánh Madeleine". Sau gần ba tuần bản dịch được in trên báo Ngày nay, vẫn chưa có ai phát hiện và lên tiếng về sai sót đó cả. Chợt một ngày, cũng trên tờ báo đó, Thạch Lam thẳng thắn nêu cái "nhầm của mình" lên. Ông thú nhận điều sai lầm đó ông biết được là nhờ sự mách bảo của một độc giả. Tác giả ngỏ ý cảm ơn độc giả nọ và mong sẽ nhận được nhiều chỉ dẫn về những khiếm khuyết khác.

Phải nói, những người thực sự nghiêm khắc trước sai sót của mình như Thạch Lam bây giờ… không nhiều. Chẳng nói đâu xa, trong vụ lình xình liên quan đến hoa hậu Việt Nam 2008 Trần Thị Thùy Dung kia thôi, có những điểm công luận nêu, ta thấy lỗi của Ban Tổ chức là rất rõ ràng. Vậy mà vẫn có người tìm cách bao biện.

Lạ hơn nữa, còn có ý kiến nêu rằng, tại sao thông báo "Thể lệ và điều kiện dự thi Hoa hậu Việt Nam 2008" được in nhiều lần trên báo, trong đó có đưa ra tiêu chí không đúng với Quy chế do Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây ban hành (là thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu phải tốt nghiệp THPT), mà không thấy ai nhắc nhở, có ý kiến gì. Chao ôi, nếu cứ cách "lý luận" kiểu ấy, thì chẳng lẽ, khi ta vượt đèn đỏ và bị Cảnh sát Giao thông giữ lại, ta lại đôi co rằng: "Tôi vượt đèn đỏ ở ngã tư phía trên mà không thấy ai tuýt còi hoặc bám đuổi, tôi tưởng là đi được…" hay sao?

Một sự cố nữa cũng thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày qua: Ấy là việc NXB Giáo dục cho phát hành bộ tài liệu hướng dẫn những điểm chỉnh sửa trong sách giáo khoa. Theo tôi, đây là một việc làm rất cần thiết, đáng hoan nghênh. Vậy mà lạ thay, đây đó vẫn có ý kiến công kích cách làm này. Theo họ thì sách giáo khoa không được phép sai sót để mà chỉnh sửa. Ô hay, dù không được phép sai, nhưng nếu đã sai, chẳng lẽ ta cứ khoanh tay ngồi yên và không được phép chỉnh sửa lại?

Thế mới biết, để có đủ dũng khí thừa nhận sai sót, cũng như quen với việc sửa đổi những sai sót ấy dường như vẫn còn là chuyện khó khăn và… mới lạ với không ít người

Phạm Thành Chung
.
.