Biển sóng Kim Sơn

Thứ Hai, 12/08/2019, 17:55
Về tới chợ huyện Kim Sơn (Ninh Bình), tôi được mọi người mời rượu quê ở đây. Họ nói rượu được chưng cất loại men ta gồm 36 vị thuốc bắc uống ngọt lịm...


Họa sĩ Trần Hòa Bình, người gốc Phát Diệm dẫn tôi đi uống thử. Anh xác định đúng là rượu Kim Sơn rồi mới đưa tôi thưởng thức. Ngon miệng tôi tợp liền hai bát, thế là mặt nóng bừng. Thấy tôi uống nhanh, mấy cô gái mủm mỉm cười. Quả nhiên sau đó chân tôi bắt đầu bước thấp bước cao...

Người khai phá "Núi vàng"

Đúng là tôi đã say. Một thứ rượu êm dịu và thơm như tóc của người con gái vậy. Hương men ngây ngất. Bỗng dưng tôi cất tiếng hát mấy câu ả đào của chí sĩ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) - người có công khai phá vùng đất non trẻ này. Giọng tôi khê nồng làm anh bạn họa sĩ cười ngất.

Mỗi năm đất Kim Sơn lấn ra biển chừng 100m. Phù sa bồi đắp cho vùng sú vẹt này cứ thế nở phình. Họa sĩ Trần Hòa Bình phải quàng vai tôi, sợ tôi loạng choạng rơi xuống dòng sông Ân. Chúng tôi lên Cầu Ngói ngồi lại cho hả men. Họa sĩ Trần Hòa Bình kể chuyện nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã được dân Kim Sơn lập đền thờ sống như thế nào.

Chân dung cụ Nguyễn Công Trứ.

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ, người Hà Tĩnh đến thực hiện kế hoạch khai điền mở thổ ở vùng biển này từ năm 1819. Ông là mệnh quan của triều Nguyễn có lòng thương dân nghèo và ngày đêm lo khai khẩn đất đai. Chính ông đã cho đào mấy con sông hợp lưu lại để thay chua rửa mặn cho cánh đồng trù phú nơi đây. Ông chỉ huy mọi người quai đê lấn biển mỗi năm một rộng dài.

Ai cũng nói vị rượu Kim Sơn ngon cũng nhờ mấy con sông thay đổi phù sa nên mới có thứ lúa nếp thơm phức như vậy. Đến nay, rượu Kim Sơn vẫn là một trong Top 10 loại rượu vùng quê ngon nhất nước. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ còn là một trang nam tài tử ngang tàng đội giời đạp đất không kiêng sợ gì ai.

Vùng đất Kim Sơn này hình thành từ năm 1829 gắn bó với công sức của Nguyễn Công Trứ khai sáng và phát triển giống lúa đặc biệt ở đây. Chính vì thế dân Kim Sơn đã tôn ông làm Thành Hoàng làng và lập đền thờ.

Cao hứng, họa sĩ Trần Hòa Bình đọc sang sảng mấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ: "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông". Họa sĩ nói chính bài thơ nổi tiếng đó được Nguyễn Công Trứ làm tại đất Kim Sơn. Cuộc đời ông biết bao sóng gió với những chiến công và tội vạ do tính khí bộc trực gây ra. 

Nguyễn Công Trứ là ông quan lạ lùng nhất từ xưa đến nay. Không những là nhà thơ, mà ông còn là một tướng tài. Ông xông pha trận mạc, được thăng chức tới Thượng thư hay Tổng đốc. Do tư chất khảng khái, đôi phần ngông ngạo nên không ít lần bị tai bay vạ gió.

Có lần ông bị giáng một lúc tới bốn cấp. Thậm chí vào năm 1841 còn bị xử án trảm rồi lại được tha. Đến hai năm sau thì bị đánh tuột xuống lính trơn. Nhưng rồi ông vẫn ngoi lên với những thành tựu không thể ngăn cản. Khi về hưu năm 1847, ông giữ chức Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Những bước thăng trầm của Nguyễn Công Trứ thật chẳng giống ai.

Đặc biệt ông còn say mê hát ả đào và biết chơi đàn đáy. Nhiều bài hát ca trù ông viết thuộc vào loại kinh điển vẫn còn được lưu truyền đến nay như: "Sầu tình", "Chơi xuân kẻo hết xuân đi", "Bài ca ngất ngưởng", hay như "Trong trần mấy mặt làng chơi" hoặc "Nợ tang bồng".

Chuyện nhân duyên của ông cũng khác người. Khi đã tuổi 73, Nguyễn Công Trứ còn đi lấy một cô vợ trẻ làm sửng sốt cả triều đình. Không ít kẻ dèm pha chê bai ông vì ghen ghét đố kỵ. Tuy vậy họ vẫn nể phục ông. Hơn nữa Nguyễn Công Trứ luôn luôn tự tin vỗ ngực: "Trong triều ai ngất ngưởng được như ông".

Chí khí nhà thơ luôn mạnh mẽ và hào sảng: "Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông". Bởi thế, đến năm 80 tuổi ông vẫn còn dâng sớ xin cầm quân đánh Pháp xâm lược. Không được chấp nhận vì tuổi già yếu nhưng điều đó nói lên khí phách của một anh hùng thời đại và tình yêu Tổ quốc mãnh liệt.

Nhà thờ đá bên sông Ân

Đến thị trấn Phát Diệm không ai không biết đến ngôi nhà thờ đá do cụ Sáu xây dựng từ năm 1865. Nhà thờ không xa đền thờ Nguyễn Công Trứ là bao. Du khách quốc tế đến đây đều trầm trồ công nhận nhà thờ đá là công trình kiến trúc độc đáo hiếm có. Nó được kết hợp giữa những nét hiện đại phương Tây và màu sắc phương Đông. Khung nhà và kết cấu giống nhiều nơi khác, nhưng mái ngói được thể hiện dáng dấp của một ngôi chùa Việt. Đồng thời đây cũng là một công trình xây dựng vào loại kỳ công 34 năm mới hoàn thành.

Cha Phê Rô Trần Lực (cụ Sáu) là người thiết kế và cũng là tổng công trình sư. Ông còn là tác giả kiến trúc cả khu nhà thờ (dài 117,6m và dài 242,9m). Hiện nhà thờ còn lưu giữ một quả chuông đồng cổ đúc vào năm 1890 (cao 1,4m và đường kính 1,1m). Tiếng chuông có sức vang xa mươi cây số. Nhiều vùng Công giáo của cả ba tỉnh liền kề như Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa đều nghe thấy.

Xưởng vẽ của họa sĩ Trần Hòa Bình ở ngay trên phố chính bên sông. Anh kể, mỗi buổi sáng khi bình minh thức dậy đều được nghe tiếng chuông ngân nga. Những bản thánh ca luôn vang lên vào những ngày chủ nhật khi mọi người lên làm lễ tại nhà thờ đá.

Họa sĩ Trần Hòa Bình là người chuyên vẽ chân dung Bác Hồ. Tính đến nay anh đã vẽ tới cả ngàn bức khác nhau và đều được khách hàng ở khắp nơi về mua tranh bày bàn thờ gia đình. Họa sĩ kể, mỗi lần vẽ tới đôi mắt và chòm râu Bác Hồ, anh phải đợi tiếng chuông vang lên từ nhà thờ đá. Khi ấy anh mới tĩnh tâm và trạng thái tâm lý sáng tạo bừng thức trong từng giây phút.

Toàn cảnh nhà thờ Phát Diệm.

Ánh mắt ấm áp hiền hậu của ông tiên hiện về. Nét vờn sáng chập chờn trong ảo giác. Chòm râu rung rinh từng sợi trắng trên gương mặt phúc hậu của Bác Hồ dần dần hiện ra. Họa sĩ vẽ với lòng thành kính và yêu thương vị cha già dân tộc. Tiếng chuông nhà thờ như nhập vào linh hồn cùng với sắc màu chan chứa cảm xúc.

Chúng tôi đi xung quanh nhà thờ rồi dừng lại trước ngôi mộ cụ Sáu. Phía sau là một sập đá liền lạc được cắt ra từ một khối đá khổng lồ (dài 4,2m; rộng 3,2m và dầy 0,3m). Họa sĩ Trần Hòa Bình nhớ lại những nét vẽ đầu đời của anh đã được thảo bút trên sập đá này.

Hơn một trăm năm qua, người dân vẫn không biết thợ xây đã vận chuyển tấm phiến đá nặng hàng chục tấn bằng cách nào. Bố cục sập đá cũng như nhà thờ đã trở thành di sản kiến trúc và nghệ thuật sắp đặt hài hòa với một nhịp điệu mới lạ. Miền đất Kim Sơn luôn đổi thay từng giây từng phút theo sóng biển bồi đắp sình lầy.

Đứng bên sông Ân tôi bỗng nhớ đến câu thơ rất hay của Mai Văn Phấn viết về quê hương Kim Sơn của mình: "Cánh chim vừa lượn dao cau/ Dòng sông đã ngậm bã trầu phù sa" (Du ca). Đặc biệt Kim Sơn còn hiện lên trong những hình ảnh làng quê một thời anh cắp sách: "Nơi chó đá đầu làng sủa những con trăng/ Có tiếng gọi nghe buồn như củi ướt/ Thương quê nghèo mẹ tôi ra bến sông/ Vớt những câu ca chưa tan vào nước" (Nhật ký đô thị hóa).

Bay cùng cánh chim biển

Rời thị trấn Phát Diệm, chúng tôi ra Cồn Nổi - một địa chỉ du lịch biển đảo mới hình thành. Kể từ ngày Nguyễn Công Trứ cho bổ nhát cuốc khai mở đầu tiên đến nay, đất Kim Sơn đã được 190 năm phát triển. Một con đê quai mới đang được hình thành. Phía trong là một khu đất còn tươi non với những cây sú, cây vẹt. Mai đây nó sẽ là mảnh đất phì nhiêu với những cánh đồng lúa xanh ngút ngát. Có chú chim chợt đậu lên mũi xe chúng tôi. Nó hót lên một điệu ca thanh bình rồi vỗ cánh bay về phía biển.

Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh Nguyễn Công Trứ xắn quần đóng cọc tre với mọi người quai đê giữ đất. Dáng ông thư sinh những vẫn lộ ra khí chất và sức mạnh tiềm tàng trước sóng biển. Còn nữa, hình như ông đang rong ruổi trên chiếc xe bò cùng với một cô gái. Tay ông phe phảy chiếc quạt mo, vừa uống rượu vừa ngâm nga: "Trời đất cho ta một cái tài. Giắt lưng dành để tháng ngày chơi". Tôi như mơ trong cõi mộng của Cồn Nổi. Còn người dân Kim Sơn nay vẫn sống theo ông với khí phách: "Quyết ra tay lèo lái trận cuồng phong. Chí những lo toan xẻ núi lấp sông" (Chí làm trai).

Vương Tâm
.
.