Bi hài chuyện “bếp núc” làm phim

Thứ Bảy, 10/12/2016, 08:48
Những khung hình đẹp lung linh, cảnh diễn viên lãng mạn dưới cơn mưa hay pha đánh đấm điệu nghệ, cú nổ tung trời đất của chiếc xe ôtô khiến khán giả trầm trồ...  đều “bị” đạo diễn Việt Linh và nhà báo Lữ Đắc Long “bóc mẽ” hậu trường “quê độ”. Chưa bao giờ chuyện “bếp núc” của giới làm phim Việt lại được kể đầy hấp dẫn, lôi cuốn và vui nhộn như trong cuốn sách “Hậu trường phim ảnh”.


Lữ Đắc Long vốn là một võ sư. Thế nên từ cái thời cascadeur (người đóng thế các pha hành động) còn là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam thì anh đã là cái tên rất được các đạo diễn ưa chuộng. Đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, khi dòng phim “mì ăn liền” khuynh đảo màn ảnh Việt với hàng loạt ngôi sao đình đám thì Lữ Đắc Long chạy show muốn bở hơi tai.

Anh vỗ ngực khoe: “Nếu nói đến những người đóng thế nhiều nhất thì chắc tôi phải có một vé”. Lữ Đắc Long nói không quá. Một mình cái gã thô kệch ấy đóng thế tuốt tuồn tuột cho từ Lý Hùng, Lê Tuấn Anh đến Việt Trinh, Diễm Hương... Mà vào vai nào cũng ngọt xớt. Nói vậy, chứ chính cái hình dung thô kệch, cộng cái mặt “không được đẹp trai cho lắm” nên tổ hóa trang phải “mông má” cho anh khá vất vả.

Có ông quay phim thấy anh mặc áo quần của Lý Hùng vô, đóng cảnh nhân vật của Lý Hùng nhào lộn từ sân thượng chung cư xuống đất, liền la làng: “Trời ơi, cái mặt thằng này mà thế cho cái thằng Lý Hùng đẹp trai thì tui quặn ruột mất”. Phán xong, ổng “treo máy”. Cả đoàn phim năn nỉ, ỉ ôi mấy ổng cũng không chịu quay. Mãi đến khi đạo diễn tuyên bố không có Lữ Đắc Long đóng thế thì phim coi như bỏ, lúc đó chuyện mới êm.

Sau này, khi không làm cascadeur nữa, anh vẫn đi theo các đoàn phim với vai trò là nhiếp ảnh gia và nhà báo. Do đó, nói chuyện hậu trường phim ảnh Việt Nam, Lữ Đắc Long có cả kho chuyện thú vị. Một dịp ngồi với bạn bè, đạo diễn Việt Linh được hỏi tại sao không viết một cuốn sách kể chuyện hậu trường phim Việt. Chị cười trừ, bảo mình có bao nhiêu phim đâu mà kể, vả lại toàn phim nhựa. Nhắc tới đó chị sực nhớ tới Lữ Đắc Long – cậu em thân thiết. Vậy là hai chị em bắt tay vào viết cuốn “Hậu trường phim ảnh”.

Nhà báo Lữ Đắc Long và đạo diễn Việt Linh trong buổi ra mắt sách “Hậu trường phim ảnh”.

Lữ Đắc Long được coi như người cung cấp nguyên liệu còn đạo diễn Việt Linh lại là “đầu bếp chính” của cuốn sách. Tại sao có tráo đổi tréo ngoe này khi Lữ Đắc Long là nhà báo, còn Việt Linh là đạo diễn? Long gãi đầu gãi tai: “Mấy chục năm làm báo, cứ hễ bài nào gửi về cho tòa soạn thì vài phút sau có ngay cú điện thoại: “Cậu viết cái gì đấy? Đọc không hiểu gì hết”.

Cũng cảm ơn chị Việt Linh đã không vì mớ bản thảo lộn xộn của tôi mà bị tăng xông”. Như anh tự nhận, văn phong của anh rất lủng củng, câu chữ tràng giang đại hải, hứng đâu kể đó. Đàn em theo học võ cũng phải gật đầu công nhận văn Lữ Đắc Long thô mộc như con người bộc trực, ruột để ngoài da của anh.

Nhờ sự gọt rũa, bổ sung nhiều câu chuyện hậu trường khác của đạo diễn Việt Linh mà cuốn sách trở nên đầy hấp dẫn nhưng vẫn giữ được sự chân phương, hóm hỉnh của Lữ Đắc Long. Nói đến hậu trường phim ảnh thì muôn màu muôn vẻ. Từ chuyện nhậu trên phim, chuyện kỹ xảo đánh nhau, cháy nổ đến màn diễn tình cảm, mùi mẫn hay cả chuyện lặt vặt như tiền nong, đạo cụ, thời tiết, hóa trang, thoại... cũng lắm điều dở khóc dở cười.

Trong phim “Cuộc chiến quý ông” có cảnh Kim Chi đến nhà của Lý Hùng để lý giải chuyện hiểu lầm trong cơn mưa tầm tã. Theo kịch bản, khi Hữu Châu hòa giải để Lý Hùng hiểu rõ được người yêu, Lý Hùng và Kim Chi sẽ ôm nhau trong mưa mà khóc. Hai chiếc máy bơm đảm nhiệm làm cơn mưa nhân tạo. Hai nhân vật chính đang diễn ngon ơ thì Hữu Châu cứ bịt mũi, ra dấu với đạo diễn.

Nhắc cả chục lần mà không thấy động tĩnh gì, Hữu Châu bực quá, sấn tới đạo diễn la om sòm: “Mưa gì mà thúi hoắc vậy cha nội! Ai mà diễn nổi”. Hai diễn viên chính thì vừa lạnh vừa ngứa, tay bịt mũi cười như mếu. Kiểm tra lại mới tá hỏa. Máy bơm lấy nước từ chính dòng kênh đen sì không khác kênh Nhiêu Lộc hồi bị ô nhiễm là mấy.

Để tiết kiệm kinh phí đồng thời bảo đảm bối cảnh mưa phải thật, đoàn phim “Những cơn mưa tình yêu” sử dụng chiêu thức... trông trời. Nên mới xảy ra cảnh náo loạn như thế này: đoàn đang quay ở trong nhà nhưng hễ thấy giông gió là cả đoàn nhớn nhác gọi điện loạn xạ cho diễn viên, tập hợp khẩn cấp để quay phân cảnh trong mưa. Lịch quay của đoàn cứ phó mặc cho thời tiết nên diễn viên nào có show bên ngoài thì chỉ có nước khóc thét. Đang ở tận đẩu tận đâu cũng bị triệu tập cho bằng được để quay kịp mưa!?

Nhắc tới nhậu trên phim, khán giả thường săm soi chai rượu rồi phán: “nước suối”. Nhưng không ít diễn viên muốn sống thật với vai diễn nên xài chiêu để được uống rượu thiệt. Diễn viên Thanh Nam trong phim “Chuyện tình bên dòng kênh Xáng” là một ví dụ. Ông và hai diễn viên khác “hối lộ” tổ thiết kế để được chén tạc chén thù đến độ quên luôn thoại.

Lý Hùng và Kim Chi diễn xuất mùi mẫn dưới mưa trong phim “Cuộc chiến quý ông”.

Để lột tả được cái kiểu say bét nhè vì đau khổ, thất tình trong phim “Hướng nghiệp”, trước khi bấm máy diễn viên Kinh Quốc tu luôn gần 20 lon bia. Quay xong thì anh gục luôn tại chỗ. Nhưng khiến cho đoàn phim hoảng hồn nhất là diễn viên Dũng Nhi trong phim “Mê Thảo – Thời vang bóng”.

Đạo diễn Việt Linh thấy Dũng Nhi diễn các cảnh phụ đạt quá, cứ xuýt xoa. Nhưng đến cảnh quay quan trọng là nhân vật Nguyễn đập tửu phần (nghĩa trang rượu), Dũng Nhi bỗng ói ào ào. Việt Linh hốt hoảng lấy chai rượu mà chị nghĩ là nước suối ngửi thì hóa ra là rượu thật. Hỏi sao uống rượu? Ông lăn ra đất hổn hển: “Để diễn ... cho... đạt”.

Nói xong thì bất tỉnh, mặt mày trắng bệch. Trời đêm đầy sương, đất thì lạnh, bất đắc kỳ tử như chơi. Cả đoàn tức tốc gọi xe đưa Dũng Nhi về Hà Nội giao cho vợ anh gấp. Sáng hôm sau thấy anh tỉnh cười hề hề thì ai nấy mới thở phào. Hú hồn!

Cảnh gây cấn, nóng bỏng nhất trên phim và cũng là chuyện mắc cười nhất ở hậu trường không thể không nhắc đến... dê. Trong phim “Một thời ngang dọc”, Phương Điền vào vai tướng cướp Năm Bùn. Khi xông vào cướp phá nhà ông Hội đồng Dương (Thương Tín đóng), Năm Bùn thấy con gái yêu của ông quá xinh đẹp nên cưỡng đoạt.

Máy quay cận, Phương Điền cười khả ố nhìn cô tiểu thư rồi nuốt nước miếng ừng ực như muốn ăn tươi nuốt sống. Tay thì khều khều cô gái. Đạo diễn sướng quá, vỗ đùi đen đét. Nhưng chờ hoài mà Phương Điền hết khều lại cười, hết cười lại khều chứ không có pha vác cô gái lên giường, xé áo, xé quần như trong kịch bản. Đạo điễn điên tiết mắng loạn xạ. Cố quay lại vài lần nữa nhưng cũng chỉ có vậy. Thấy có khúc mắc gì đây, phó đạo diễn Thiên Lộc vẫy ra hỏi nguyên do thì Phương Điền đỏ mặt tía tai nói nhỏ: “Trời ơi! Hiếp sao được mà hiếp! Ổng bảo mình diễn dê, mà dê ngay... cô vợ của ổng! Mới khều khều là ổng đã la ỏm tỏi khiến hồn vía lên mây. Giờ mà ổng còn ngồi chần dần ở đó thì tía tui cũng không dám chứ nói chi tui”. Đoàn phim biết ý, tới năn nỉ đạo diễn tạm thời “đi chỗ khác chơi” để Phương Điền dễ bề “hành sự”. “Chướng ngại vật” vừa đi khuất là Phương Điền nhào vô lẹ làng, chỉ một lần quay là xong xuôi. 

Đạo diễn Việt Linh bảo không phải điều gì xảy ra ở hậu trường cũng vui và không phải lúc nào chị cũng đưa vào sách. Bởi có những chuyện, khi viết lại, chị không khỏi xót xa. Để có cảnh một con cò vừa tung bay vừa tập tễnh trên đồng ruộng, chị phải nhờ tổ thiết kế kiếm hai con cò trắng như nhau. Một con bị cắt cánh để nó chỉ có thể đi lò dò, có cất cánh cũng bị chao ngã. Đoàn đóng máy, chú cò trả về thiên nhiên nhưng lòng chị nặng trĩu. Chị biết vĩnh viễn chú cò ấy sẽ chẳng thể bay lại bình thường như những con cò khác.

“Hậu trường phim ảnh” không chỉ mang đến những câu chuyện bi hài phía sau các bộ phim quen thuộc mà còn giúp công chúng cảm thông và hiểu được những gian nan, vất vả, sự sáng tạo của những con người dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy. Công chúng sẽ biết các khâu sản xuất phim ảnh, vai trò, nhiệm vụ của từng vị trí, bộ phận làm phim.

Đọc “Hậu trường phim ảnh”, dù chưa đến phim trường lần nào, người ta cũng sẽ cảm thấy như mình đang ở đó và chứng kiến những con người mồ hôi ròng ròng, hò hét khản giọng, quay đi quay lại hàng chục lần mới được một thước phim ưng ý...

Mai Quỳnh Nga
.
.