Chuyện đời thường

Bệnh "nhớ lên"

Thứ Tư, 11/07/2012, 08:00
Tôi có một anh bạn mắc căn "bệnh" rất khó chữa. Hễ đi bất cứ đâu, gặp bất kỳ ai, anh đều nhắc đến những ông bạn... lớn. Như ngày hôm kia, anh khoe: "Bạn mình đấy. Tay này là nhân vật VIP đấy. Hắn có một chân quan trọng ở Bộ N". Như ngày hôm qua, anh khoe: "Bạn mình đấy. Tay này là một đại gia. Hắn đang điều hành Bộ G". Như ngày hôm nay, anh khoe: "Bạn mình đấy. Tay này đáng gọi là "siêu cầu thủ". Hắn là một trong vài người quan trọng của Bộ T". Như ngày sắp tới, chắc chắn anh lại khoe: "Cũng bạn mình đấy. Tay nay thông minh lắm. Hắn là giám đốc Sở T". Vân vân và vân vân.

Không thấy anh nhắc đến một người nào be bé cả.
- Sao lạ vậy kìa? Chả nhẽ ông ta không có một người bạn nào không phải là nhân vật VIP, không quan trọng và không phải là "siêu cầu thủ" sao? Chả nhẽ bạn ông ta sinh ra đã làm lớn? Và ông ta sinh ra đã có bạn toàn làm lớn? - Một người hỏi.
 - Chả phải - Một người đáp.
- Hay là ông ta vẫn mắc cái tâm lý thường tình và phổ biến kiểu "thấy người sang bắt quàng làm họ"?
- Không hẳn là thế.
- Chả phải… Không hẳn là thế… Theo tôi, nhận xét như vậy chưa bám sát bản chất sự việc. Tôi đang cần ông…
- Tôi hiểu ý ông nói gì rồi. Cần gọi sự vật với đúng tên gọi của nó, chứ gì? Đơn giản là ông này mắc "bệnh nhớ lên".
- Nhớ lên chứ không nhớ xuống?
- Đúng như thế. Bệnh "nhớ lên".
- Bệnh "nhớ lên"… Bệnh "nhớ lên"… Bệnh "nhớ lên"… Đây là một phát hiện hay nhất trong tháng của ông đấy.
Một người nói xen vào:
- Vậy thì năm nào, vào dịp tết, chắc hẳn người như ông ta sẽ có nhiều lộc. Bạn toàn làm lớn, thiếu gì lộc rơi lộc vãi.
Nhưng rồi cái người nói xen vào lại nói thêm:
- Cũng chưa chắc đã có gì. Bởi vì những người bạn của ông ta cũng mắc bệnh nhớ lên, thì sao? Và một khi đã mắc bệnh này, ở mức nghiêm trọng, làm sao người ta có thể… nhìn xuống dưới được nữa cơ chứ.
Bên cạnh bệnh "nhớ lên", hãn hữu, còn có một bệnh nữa. Tôi sẽ gọi tên sau.
Chẳng hạn như ở một cơ quan nọ, có một ông đứng đầu, luôn có vấn đề về trình độ. Từ ngữ ông này dùng hằng ngày thường bị mọi người đánh giá là… "thảm họa". Ông này luôn nói năng bạt mạng như thế này:
- Giờ tôi làm việc theo ba cấp: Vĩ mô, trung mô và… hạ mô.
- Đừng tưởng tôi không biết loại hình nghệ thuật là gì đâu nhé. Tôi còn biết nhiều hơn con số 7 kia. Sân khấu là một. Kịch nói là hai. Múa là ba. Điện ảnh là bốn. Phim truyện là năm. Phim tài liệu là sáu. Văn học là bảy. Tiểu thuyết là tám. Trường ca là chín. Thơ là mười...
 - Tôi không hiểu tại sao tôi đã đối xử với ông ấy rất khiếm nhã mà ông ấy lại phản ứng tôi. Từ nhỏ tôi đã hiểu khiếm nhã là lịch sự rồi.
Vì người đứng đầu trình độ có thế, nên hễ có ai chê mấy ông cấp dưới còn hạn chế này, hạn chế nọ, lập tức một trong số mấy người bị chạm nọc phản ứng liền: "Kém còn làm được giám đốc, thì như chúng tôi… cũng lôgíc thôi, có gì mà phải lăn tăn".
Ấy là bệnh "so lên".
Trong khi ấy, trong địa hạt văn chương, một số người lại mắc bệnh khác. Nhóm người này luôn liên hệ mình với những ông bạn…  nhỏ và luôn nghĩ rằng: "Viết thế thì tôi cũng viết được. Làm thơ như thế mà cũng là nhà thơ. Làm thế thì tôi cũng làm được. Cả sự nghiệp sáng tác chỉ có thế, vậy mà cũng được giải này, giải nọ. Thật nực cười! Nói một cách sòng phẳng, tôi nào có thua kém gì đâu!".
Ấy là bệnh "so xuống"

Đặng Huy Giang
.
.