Bên bờ sông Côn

Thứ Ba, 24/10/2017, 08:18
Sông Côn, dòng chảy tự nhiên đã thành dòng sông văn hoá, đi vào tâm thức người Bình Định. Sông trải mình qua những làng quê yên bình, nơi có những làng võ danh trấn, soi bóng những ngọn tháp ngàn năm, với những địa danh đã đi vào lịch sử, trở thành một phần ký ức sâu thẳm...

1. Người ta gọi sông Côn là dòng sông cổ tích, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đất Bình Định xưa. Dọc theo dòng sông Côn phía hạ lưu là một hệ thống hơn 20 tháp cổ, thành quách xây dựng nguy nga tráng lệ. Nét cổ kính của các đền tháp, thành quách ấy bao năm qua đã hấp dẫn và lôi cuốn không ít lữ khách.

Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" và "Đồ Bàn thành ký", vùng đất Bình Định xưa có tổng cộng 4 tòa thành cổ, nhưng thực tế hiện tại chỉ còn 3 tòa thành lưu dấu tích, đều phân bố dọc theo lưu vực sông Côn. Đó là thành Chas, thành Đồ Bàn và thành Thị Nại. Sự có mặt của 3 tòa thành cổ đã nói lên tầm quan trọng của vùng đất Bình Định dưới thời vương quốc Chăm, đặc biệt là thành Đồ Bàn ở thị xã An Nhơn ngày nay.

Thành Đồ Bàn được xây dựng năm 982 dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya. Thành này được các sử gia gọi đúng chức năng của nó là kinh đô Vijaya, kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa. Các vua Chăm đã đóng đô ở đây đến thế kỷ XV. Từ khi xây dựng kinh đô bên dòng sông Côn đất đai trù phú, đời sống phồn thịnh, dệt vải, điêu khắc mang đậm dấu ấn Chăm, những điệu múa của các thiếu nữ Chăm dưới ngọn lửa đêm trong tiếng chiêng đồng làm say lòng kẻ khác.

Bến Trường Thi thơ mộng ngày nào giờ đã thay bằng cây cầu bê tông vững chãi.

Sau hơn 3 thế kỷ hoang phế, đến cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn đã xây dựng thành mới trên nền cũ thành Đồ Bàn để làm kinh đô, lấy tên là thành Hoàng Đế. Năm 1799 quận chúa Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm thành Hoàng Đế và đổi tên là thành Bình Định. Sang triều Gia Long năm 1816, nhà vua cho phá bỏ thành Bình Định và chuyển thủ phủ về Quy Nhơn.

Di tích Đồ Bàn hiện nay chỉ còn sót lại lớp tường lũy bằng đá ong không lành lặn, một thửa giếng vuông, tượng voi đá, và bên cửa hậu là gò Thập Tháp. Gần đây, qua các cuộc khai quật khảo cổ, người ta đã tìm thấy một số di tích quan trọng trong khu vực thành Hoàng Đế như hồ bán nguyệt, hồ trái tim… Từng di tích còn lại của thành cổ ấy cứ như thông điệp nhắn gửi với người đời về hình bóng của một vương triều xa xưa.

Những tháp Chăm còn lại hôm nay là những viên ngọc quý của nền kiến trúc cổ Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á. Khi đi qua đoạn cầu Bà Di nằm trên quốc lộ 1A thuộc huyện Tuy Phước, ta sẽ thấy chon von những ngọn tháp cao trên đỉnh đồi in nền trên nhánh sông Côn, đó chính là cụm tháp Bánh Ít gồm 4 tháp: tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia và tháp Chính. Cụm tháp được xây bằng gạch nung, không có chất kết dính nhưng qua ngàn năm tồn tại, từ hình khối đồ sộ của tòa tháp đến các chi tiết điêu khắc hoa văn, nét chạm trổ trên nền gạch nung vẫn còn nguyên vẹn như thử thách với thời gian.

Tiếp tục theo hành trình uốn lượn của dòng sông Côn ngược lên thượng nguồn sẽ gặp cụm tháp Dương Long ở thị xã An Nhơn. Đây là một quần thể 3 ngọn tháp nằm gần nhau, thẳng theo trục Bắc Nam, các cửa chính đều quay về hướng Đông. Cụm tháp này lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được thể hiện trên đá sa thạch, với những đường nét cực kỳ sắc sảo, điêu luyện.

Cách chừng 5 cây số là tháp Cánh Tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, dưới đời vua Chế Mân. Tương truyền, đây là ngôi tháp Chế Mân dành tặng hoàng hậu Paramecvari (tức Huyền Trân công chúa), người con gái Việt cao quý đã đặt quyền lợi dân tộc mình lên trên hết, cùng vua Chế Mân kết mối lương duyên lịch sử.

2. "Cây Me cũ, bến Trầu xưa/ Dẫu không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm" (Ca dao). Bến Trầu vốn là một bến buôn trầu lớn bên bờ sông Côn, nay thuộc huyện Tây Sơn. Theo ký ức dân gian thì bến Trầu là nơi phồn thịnh nhất của vùng đất Tây Sơn thời bấy giờ. Và con sông Côn khởi nguồn từ miền Tây Sơn thượng đạo, qua Tây Sơn hạ đạo rồi xuống đồng bằng, là mạch giao thông đường thủy nối cao nguyên với đồng bằng, làm cho vùng đất này sớm trở nên sầm uất, bởi đây là một đầu mối mua bán, trao đổi hàng hóa giữa hai miền: "Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên" (Ca dao).

Bây giờ, bến Trầu chỉ là một bãi bồi vắng lặng nép mình bên chân cây cầu Kiên Mỹ. Còn đâu cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, những xấp trầu biêng biếc, những buồng cau rịt quả… Tất cả chỉ còn trong hoài niệm.

Vang danh không kém là bến Trường Thi ở thị xã An Nhơn. Cái bến My Lăng trong bài thơ cùng tên nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan, chính là bến đò Trường Thi hiện hữu, cách nhà của Yến Lan không xa. Vào mùa mưa, khách sang sông phải lụy đò. Và, đã có một bến đò đi vào văn học, và gắn liền với lịch sử. Bến đò chỉ hình thành vào mùa nước lớn, tồn tại từ tháng chín cho đến tháng chạp âm lịch.

Bến Trường Thi thơ mộng ngày nào giờ cũng đã được thay bằng một cây cầu bê tông vững chãi. Tôi đứng bên cầu ngó về phía trước, tưởng như vẫn thấy hiện ra trước mắt, ông lái đò ngày nào neo theo trăng lạc giữa bến My Lăng và những bước chân sĩ tử ngày xưa ngược xuôi qua bến sông để đến với Trường Thi Bình Định. Quá khứ hiện về giữa nhịp chảy bất tận của dòng sông.

Các lớp luyện võ bên bờ sông Côn. 

Bờ bên này sông Côn là làng An Thái, bờ bên kia sông là làng An Vinh, thảy đều là làng võ. Khúc sông ở đó rộng đến gần cây số và sâu nhất, quanh năm thuyền bè tấp nập. Phố chợ An Thái sầm uất, hưng thịnh. Nguyễn Nhạc đã từng xuôi thuyền qua bến sông này từ thuở còn là anh Hai Trầu đi buôn trầu trên sông Côn. Cũng bên bến đò này, khi ngược dòng sông Côn, thầy giáo Hiến đã dừng chân và quyết định mở trường dạy học, thu nhận 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Ở bến An Thái những chiếc cầu bê tông cốt thép vững chãi đã thay cho những chiếc cầu tre lắt lẻo. Mơ ước bao đời của người dân vùng sông nước đã thành hiện thực. Nhưng với những ông lái đò già năm xưa, vẫn còn đó những nỗi niềm chất chứa với lòng sông và hoài niệm về những bóng đò, dáng bến xa lắc lơ. Đêm đêm, dưới ánh trăng nhập nhòa sóng nước, vẫn nghe đâu đó vọng về tiếng gọi đò ơ dài như nỗi nhớ.

3. Những làng võ nổi tiếng nhất của Bình Định đều nằm ở hai bờ sông Côn. Tại làng An Thái, giờ chẳng thể lần ra chút di tích nào nơi thầy giáo Hiến. Có cơ duyên là nơi hội tụ, An Thái đã hun đúc tinh hoa võ nghệ nhiều phái võ. Trong đó, nổi bật nhất là sự xuất hiện của phái quyền Tàu do ông Diệp Trường Phát khai mở vào đầu thế kỉ XX. Giờ đây, ngôi nhà cũ của ông Phát không có người ở, chỉ còn bộ khung mang theo dấu ấn một thời. Trên đất An Thái nay chỉ còn duy nhất võ đường Bình Sơn của võ sư Lâm Ngọc Phú, truyền dạy võ thuật kết hợp từ hai nguồn võ của dòng họ ông và võ của phái quyền Tàu.

"Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh" là câu nói mà người xưa dành tặng cho hai làng võ nổi tiếng bên bờ sông Côn. Roi Thuận Truyền là tuyệt kỹ roi đánh nghịch, ngược với cách đánh thuận thông thường. Còn nguyên lí chiến đấu của quyền An Vinh là đòn thế đánh ra phải nhanh, mạnh và dồn dập như hổ để chiếm thế thượng phong. Câu ca dao: "Ai về Bình Ðịnh mà coi/ Con gái Bình Ðịnh bỏ roi đi quyền" vốn được xem như một lời đề từ của dân gian trước cổng làng võ An Vinh.

Phía hạ nguồn sông Côn, ngôi chùa Long Phước ở huyện Tuy Phước, được tôn vinh là thiếu lâm tự của Bình Định và đang giữ cuốn "tuyệt đỉnh bí kíp" được đồn thổi lâu nay. Trò chuyện với trụ trì chùa, tôi mới biết, hóa ra cuốn "tuyệt đỉnh bí kíp" ở chùa không phải là bộ binh thư gì, mà là học võ theo nguyên tắc thầy tâm huyết, trò khổ luyện. Hằng ngày, ngôi chùa luôn có học trò đến học võ.

Với những người hoài cổ, thì hành trình tìm vẻ đẹp bên bờ sông Côn sẽ là một chuyến đi ý nghĩa và đầy thú vị…

Phan Nhuận Phin
.
.