Bền bỉ đồng hành cùng dân tộc

Thứ Ba, 09/10/2012, 09:29
Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu. Ông sinh ngày 19/9/1916. Với những cống hiến lớn lao cho đất nước, ông đã được tặng Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1- năm 1996. Năm 2000, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và là vị Anh hùng cao tuổi nhất dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm ấy...

Buổi tọa đàm cùng lễ mừng thọ Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu do Báo CAND phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức đúng ngày 19/9, ngày sinh nhật bậc trưởng lão đã diễn ra thật ấm cúng và trang trọng tại hội trường lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Nhiều người đến từ rất sớm. Không khí náo nức và tưng bừng cờ hoa. Sự trân trọng, quý mến dành cho Giáo sư Vũ Khiêu còn được thể hiện ở sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện nhiều bộ, ban, ngành và rất đông bạn bè của ông ở khắp mọi miền đất nước tại lễ sinh nhật đặc biệt này. Dù bận công tác không tới được, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải… đều gửi lẵng hoa chúc mừng.

Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu. Ông sinh ngày 19/9/1916. Với những cống hiến lớn lao cho đất nước, ông đã được tặng Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1- năm 1996. Năm 2000, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và là vị Anh hùng cao tuổi nhất dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm ấy. Dẫu đã ở tuổi 97, ông vẫn miệt mài làm việc, cho ra đời những trang viết có giá trị sâu sắc. Bộ Tổng tập Văn hiến Việt Nam hơn 4.000 trang đồ sộ được ra mắt đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đầu năm 2012, ông công bố tiếp cuốn "Trường Sơn máu lửa, vạn đại anh hùng" và tháng 5/2012, kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông lại cho xuất bản tập "Hồ Chí Minh - ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam". Là một học giả uyên bác về văn hóa Đông - Tây, với tài năng và uy tín của mình, Giáo sư Vũ Khiêu từng là người đứng đầu Viện Triết học, Viện Xã hội học, Viện Khoa học Xã hội và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam trong nhiều năm.

Buổi tọa đàm thực sự là một cơ hội để các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà văn hóa, nghiên cứu bày tỏ niềm kính trọng, sự ngưỡng mộ tài năng lẫn nhân cách của Giáo sư Vũ Khiêu. Mỗi tham luận, mỗi nghiên cứu đều khẳng định những đóng góp quan trọng của ông trên nhiều lĩnh vực.

Thừa ủy quyền của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Tổng Biên tập Báo CAND, Đại tá.TS. Phạm Văn Miên, Phó Tổng biên tập Báo CAND đã tặng hoa mừng sinh nhật Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, kính chúc ông thêm sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, khoa học nước nhà. Đại tá.TS. Phạm Văn Miên khẳng định: Giáo Vũ Khiêu là một chiến sĩ cách mạng, nhà triết học, nhà văn hóa, tấm gương sáng về lao động sáng tạo, đã được nhiều người biết đến. Hôm nay, chúng ta có dịp được hiểu thêm về ông, qua báo cáo của các nhà khoa học, các học giả tại buổi tọa đàm. Với tư cách là cơ quan đồng tổ chức tọa đàm, Báo CAND xin chân thành cảm ơn Giáo sư Vũ Khiêu về sự cộng tác, đóng góp, giúp đỡ quý báu với sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an nói chung, của Báo CAND nói riêng.

Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu với đại diện Ban biên tập Báo CAND và các đại biểu dự tọa đàm.

Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã dành những lời ngợi ca xứng đáng để nói về Giáo sư Vũ Khiêu: "Ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của các ngành: Thông tin, văn hóa, giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn... Gần một thế kỷ không rời trang sách và cây bút, ông nghiên cứu và sáng tác hàng chục công trình, hàng trăm bài thơ, bài phú và câu đối phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng… với ý nghĩa nhân văn sâu đậm, nội dung đề cập cũng rất lớn. Vì thế, các tác phẩm ấy sống mãi trong lòng nhân dân".

Có mặt tại lễ mừng thọ Giáo sư Vũ Khiêu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đánh giá cao những cống hiến của ông cho đất nước và ôn lại kỷ niệm: "Thời gian đương chức Phó Chủ tịch nước, có vấn đề gì về văn hóa, tôi đều đến hỏi ý kiến Giáo sư Vũ Khiêu và Giáo sư đã giúp tôi nhiều ý kiến quan trọng, giúp cho công tác quản lý hiệu quả hơn".

Quê hương Nam Định rất đỗi tự hào khi có một người con xuất sắc như Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Huyện ủy Xuân Trường (Nam Định) nhấn mạnh: "Suốt nhiều thập kỷ qua, Giáo sư Vũ Khiêu đã luôn quan tâm đến quê nhà, có những ý kiến thiết thực đóng góp với mong muốn quê hương vươn cao trí tuệ, tỏa sáng tài năng; tham gia giúp đỡ triển khai dự án quần thể lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh; viết bài tế, văn bia, câu đối cho đền liệt sĩ huyện; có nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài. Bút danh Cao Phong của Giáo sư Vũ Khiêu được chọn là tên một trường THPT của huyện…".

Đại diện dòng tộc của Giáo sư Vũ Khiêu cũng chia sẻ về sự quan tâm của Giáo sư với thế hệ trẻ: Không chỉ là một nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lớn của đất nước, Giáo sư Vũ Khiêu còn đặc biệt quan tâm đến sự giáo dục con cháu trong dòng họ. Cuộc sống và sự nghiệp của Giáo sư Vũ Khiêu đã trở thành tấm gương sáng cho mỗi người trong dòng họ noi theo.

Mỗi người đến dự buổi lễ đều đem theo tình cảm yêu mến chân thành và kính trọng dành cho vị giáo sư. Điều đó làm Giáo sư Vũ Khiêu đặc biệt phấn khởi và tự hào. Bởi với ông, tình người luôn mang giá trị vô song. Tại buổi lễ, ông đã có một bài phát biểu khiêm nhường và sâu sắc. VNCA xin được giới thiệu toàn văn bài viết của ông.

Bài phát biểu của giáo sư Vũ Khiêu tại lễ sinh nhật 19/9/2012

Giáo sư Vũ Khiêu phát biểu tại buổi lễ.

Hôm nay, bè bạn tôi ngồi chật hội trường đã đại diện cho 5.000 người bạn của tôi trải dài trên khắp mọi miền đất nước.

Tại sao là con số 5.000?

Ngày ấy, khi tôi đang ở trong một căn nhà chật hẹp ở phố Vạn Bảo, Giáo sư Đào Nguyên Cát, cán bộ cao cấp của Đảng ở Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến đưa cho tôi một tờ giấy để tôi xin cấp một ngôi nhà rộng rãi hơn. Tôi đã từ chối. Anh Đào Nguyên Cát đã trách tôi và nói: "Bạn của anh vừa bán một ngôi nhà trị giá 5.000 cây vàng". Tôi trả lời: "5.000 cây vàng của anh làm sao bằng 5.000 người bạn của tôi. Không bao giờ tôi đổi 5.000 người bạn của tôi để lấy 5.000 cây vàng của anh".

Quả nhiên, không chỉ 5000 cây vàng mà 5 triệu cây vàng cũng không thể sánh được với tấm lòng yêu thương của các bạn có mặt trong ngày hôm nay. Tôi nghĩ rằng hiện nay, còn có 5000 bạn tôi, không đến được vẫn đang dành cho tôi những tình cảm thân thiết nhất.

Tôi vô cùng xúc động cảm ơn GS Hoàng Chương và Trung tướng Hữu Ước, hai người bạn thân thiết của tôi đứng ra tổ chức buổi họp thân mật này. Có mặt hôm nay là những người bạn đại diện cho các lứa khác nhau mà tôi được gắn bó suốt cuộc đời 97 tuổi.

Ở đây, có những bạn cùng học với tôi từ lớp vỡ lòng. Có những bạn đã cùng tôi lớn lên và trưởng thành. Có những bạn đã chia sẻ với tôi mọi nỗi gian nan vất vả. Có những bạn đã cùng tôi công tác và chiến đấu trong lòng địch và ngoài chiến trường, ở cả những nơi hẻo lánh xa xôi trên núi rừng Việt Bắc. Tôi nghĩ tất cả các bạn tôi ngồi đây đều có chung với tôi những kỷ niệm không bao giờ phai lạt.

Được gặp lại các bạn, tôi vô cùng xúc động nhưng cũng có đôi phần hổ thẹn. Cao Bá Quát ngày xưa, trước tình hình đất nước, đã than rằng:

Thái bình vô nhất lược

Lộc lộc sỉ vi nho!

Chẳng được một sách lược nào để đem lại sự thanh bình cho Tổ quốc, thật đáng thẹn cho tôi, một người trí thức (nho).

Ngày nay, tôi cũng mang cái thẹn của Cao Bá Quát. Là một trí thức mà tôi chẳng có được một đóng góp nào trước những khó khăn, thử thách đang đặt ra trước cả nhân loại cũng như trước dân tộc chúng ta.

Trong mấy năm vừa qua, tôi có làm được đôi việc cho Thủ đô như: đọc duyệt và góp phần biên soạn Tủ sách Ngàn năm Thăng Long gồm trên 100 cuốn, mỗi cuốn dày trên 1.000 trang. Gần đây, tôi lại mới nộp Nhà xuất bản Hà Nội một bộ sách dày 2.400 trang mang tên là "Văn hiến Thăng Long" mà tôi một mình lặng lẽ chấp bút từ trên 10 năm nay.

Thưa toàn thể quý vị và các bạn.

Trước sự tin yêu của Đảng và Nhà nước, trước tình cảm của lãnh đạo Hà Nội phong tôi là công dân số 1 của Thủ đô, trước sự cổ vũ của bạn bè hôm nay, tôi lại xin bắt tay thực hiện một kế hoạch 5 năm nữa và hoàn thành vào năm tôi được 103 tuổi.

Sự tính toán đó là của tôi. Còn sống chết là việc của trời. Tôi chỉ biết hứa với bè bạn yêu quý của tôi là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó.

Với tinh thần trên, tôi xin trân trọng cảm ơn các vị lãnh đạo đã cùng có mặt với bè bạn thân thiết của tôi hôm nay.

Xin cảm ơn và kính chúc toàn thể các quý vị và bè bạn yêu quý của tôi:

An khang, Thịnh vượng, Hạnh phúc

Thanh Hằng
.
.