Cửa sổ văn nghệ

Bề nổi của tảng băng

Chủ Nhật, 16/05/2010, 09:45
Sau một hồi to tiếng với nhau, cuối cùng, vụ kiện tụng giữa ông Z. và bà Y. cũng tạm thời khép lại. Lý do xảy ra vụ kiện tụng này cũng rất đơn giản: Ông Z. quy cho bà Y. đã đạo văn của mình.

Vì chỉ đọc báo, nên tôi biết có vậy.

Để hiểu cho rõ nguồn cơn, tôi đã gặp một nhà văn có mặt ở phiên tòa xử vụ này.

Ông nhà văn nọ bộc bạch:

- Đến dự phiên tòa  này, tôi thấy cứ bi bi hài hài thế nào. Nếu cứ tiếp tục làm như thế này thì chắc chắn sẽ tạo thành một tiền lệ dở.

Và ông cho biết:

- Thật ra bà Y. chỉ dẫn những bài viết của ông Z. trong một cuốn sách của mình làm cơ sở để phê phán, chứ không sử dụng để hợp thành một tác phẩm. Vậy mà người ta lại coi bà Y. đã sử dụng mấy bài viết của ông Z. là vi phạm tác quyền. Thế mới lạ! Việc làm này cũng giống như ông đã lấy thơ của người khác để bình trong mục "Sổ tay thơ" hay "Đọc thơ cùng bạn" vậy! Chả nhẽ lấy một tác phẩm ra để khen, để bình mà cũng bị coi là đạo văn sao? Trong lúc dự phiên tòa, tôi cũng có nghe tòa hỏi: Vậy sao trước khi làm việc đó, sao bà (tức bà Y.) không xin phép ông Z.? Ông biết bà Y. trả lời ra sao không? Bà Y. bảo: Phê phán tác phẩm của người ta mà đi hỏi người ta thì ai người ta cho phép mình dẫn tác phẩm của người ta nữa!

Để rộng đường dư luận, tôi đem chuyện này hỏi thêm nhà văn H., một người rất từng trải trong giới cầm bút. Nhà thơ H. cười:

- Từ trước tới nay, tôi chưa từng thấy tiền lệ này. Nếu cứ tiếp tục duy trì kiểu xử này, chắc hẳn rồi đây trong làng văn sẽ chỉ có chuyện: Ai viết người ấy đọc thôi. Và các nhà phê bình sẽ mệt nhất. Vì sao? Vì nếu anh muốn dẫn hoặc trích dẫn tác phẩm của người ta để có ý kiến hoặc để khen hoặc chê, tơ mơ sẽ bị quy tội như không. Mà một khi bị quy tội như thế thì chẳng có ai dại gì mà "dây" vào.

Nhưng đây hình như mới là bề nổi của tảng băng. Còn bề chìm của tảng băng không đơn giản như thế.

Lý giải hiện tượng này, có người nói nửa úp nửa mở: Tất cả là do bà Y. bị một người khác chơi đòn ngầm vì ân oán giang hồ với nhau. Chính cái người rắp tâm chơi đòn ngầm này đã đứng ra giật dây để một người khác đứng đơn kiện bà Y. Tựu trung, cũng là do thù dai nhớ lâu mà thôi.

Chứ bình thường thì người ta chỉ cần xin lỗi nhau một câu là xong, đâu có cần đưa nhau ra cửa công như thế làm gì. Tóm lại, ông chơi tôi thì tôi (dù có tốn kém bao nhiêu) cũng quyết chơi lại ông cho bõ tức. Mà ở đời, hễ ưa nhau thì "chín bỏ làm mười", còn một khi không ưa nhau, thì "dưa cũng hóa dòi" và bới nhau mãi thì "bèo" nào rồi mà chẳng có "bọ"

Đặng Huy Giang
.
.