Nghệ thuật múa đương đại Việt Nam:

Bệ đỡ nào để thiên nga cất cánh?

Thứ Ba, 22/07/2008, 15:00

Đã từng có một câu tổng kết trong làng ca múa nhạc rằng: "Ăn như múa. Ngủ như ca. La cà như nhạc".

"Ăn như múa" - vì sao vậy? Có lẽ chỉ là một vế nghĩa đen nói lên sự cực nhọc của nghề múa với việc ngày đêm xoay trở trên sàn tập, nên họ cần "nạp calo" nhiều hơn các nghệ sĩ ở ngành ca nhạc. Nhưng còn với nghĩa bóng, cho đến nay thấy vẫn đúng.

Tiền lương và cátsê trong các đêm diễn của các nghệ sĩ múa rẻ như bèo. Ca sĩ cần tựa vào múa để làm nền cho sự giải trí trong những đêm diễn với những cátsê cao ngất, còn các nghệ sĩ múa minh họa chỉ được một, hai trăm ngàn là cùng.

Vậy mà họ - những nghệ sĩ múa, được đào tạo khá bài bản, đổ mồ hôi tới cả chục năm chỉ để sống nhờ vào cái gọi là múa minh họa. Đó là bi kịch của hàng trăm nghệ sĩ múa trẻ hiện nay…

Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa đã có lần phải thốt lên rằng, múa là ngành lao động nghệ thuật nguy hiểm, không ít nghệ sĩ bị chấn thương hoặc có nhiều nghệ sĩ phải bỏ nghề vì không đủ sống, sau bao năm được đào tạo công phu.

Nghệ sĩ múa nổi tiếng Thảo Dung ở TP HCM, mặc dù thành đạt ở nhiều chương trình biểu diễn, nhưng cũng thể hiện thái độ không vui khi tâm sự về việc học sinh múa ra trường không tìm được việc làm, phải đi múa vạ vật hết đám cưới đến hội nghị hoặc múa minh họa ca nhạc để mưu sinh.

Do bị thị trường chi phối khắc nghiệt nên phần đông diễn viên múa ở những trung tâm lớn như TP HCM và Hà Nội đều tham gia hoạt động trong các vũ đoàn. Hình tượng "thiên nga" rực rỡ bao lâu đã gần như "ngắc ngoải" trong ước vọng nghệ thuật bay bổng của họ. Mà đã tham gia các vũ đoàn, nhiều khi phải chiều theo ý các ông bầu để hầu khán giả vui tính.

Các nghệ sĩ phải ăn mặc thật sự "mát mẻ". Lẽ dĩ nhiên hiện có những vũ đoàn nổi tiếng nhiều năm nay như Kim Quy, Phương Nam, Mai Trắng, Hoa Mặt Trời, Bình Minh, Những Ngôi Sao Nhỏ… đã có sự đóng góp đáng kể trong các chương trình ca múa nhạc lớn vào các ngày lễ và kỷ niệm quan trọng trên toàn quốc, nhưng hầu hết cũng chỉ là các tiết mục minh họa hoặc múa tập thể miêu tả hoạt động xã hội đơn giản, lấy không khí là chính chứ ít có tiết mục nghệ thuật thật sự.

Và tất nhiên kèm theo đó là tiền bồi dưỡng phải chia nhỏ lẻ chẳng còn được bao nhiêu. Chưa kể các chương trình như thế này đâu có thường xuyên.  Vậy nên có một số nghệ sĩ múa trẻ có được những hợp đồng quảng cáo thì coi như vớ được vàng, vì so sánh với 150 ngàn cátsê tiết mục múa, thì thu nhập quảng cáo có khi bằng cả năm biểu diễn lặt vặt.

Nhưng đâu có phải ai cũng kiếm được những show quảng cáo, nên đa số, vẫn đói và phải lặn lội kiếm ăn theo vũ đoàn. Có nghệ sĩ múa trẻ nói một cách hài hước:

- May hôm nào được múa ở hội nghị khách hàng thì ăn khỏe hơn.

Hiện tại, ở Trường múa TP HCM có trên dưới 400 học sinh đang theo hệ trung cấp, nghĩa là cũng vẫn phải tới 7 năm đào tạo, nhưng ngược lại, nhu cầu của các đoàn nghệ thuật nhà nước đâu có nhiều.

Vậy nên, các nghệ sĩ múa trẻ sau khi đào tạo ra thất nghiệp, hoặc phải chuyển nghề hoặc cuối cùng xin tuyển vào các vũ đoàn tư nhân chạy show múa minh họa cũng là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, trên cái nền đào tạo ấy, ở nước ta còn thiếu những biên đạo giỏi. Đội ngũ này còn ít nên ngôn ngữ múa còn rất nghèo nàn. Một nghệ sĩ có tiếng ở TP HCM nói:

- Múa Việt Nam hiện nay có một khuynh hướng bắt chước mô phỏng nghệ thuật phương Tây. Biểu hiện không phù hợp với tâm lý, quan niệm thẩm mỹ dân ta.

Không ít người còn mạnh miệng hơn khi kết luận rằng, múa ở ta "Tây không ra Tây, ta chẳng ra ta", do đó, dù phải nhận cátsê bèo nhất trong giới ca nhạc các nghệ sĩ trẻ cũng phải nghiến răng múa vì miếng cơm manh áo là đúng thôi.

Để cứu “đàn thiên nga” đang trong cơn vật vã quả thật là một bài toán không đơn giản

Vương Tâm
.
.