Bầu sô ngoại truyện

Thứ Ba, 21/10/2008, 13:30
Hiện nay, chưa có một con số thống kê chính xác số lượng bầu sô. Bên cạnh một số đơn vị, cá nhân có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật đứng ra tổ chức các chương trình nghệ thuật nghiêm túc thì cũng có không ít cá nhân có chút vốn liếng, không nghề ngỗng nhưng lại muốn nổi tiếng nên thành lập công ty tổ chức biểu diễn.

Trong khi tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, khán giả có điều kiện "no xôi chán chè" với các chương trình ca nhạc thì khán giả các tỉnh luôn thiếu thốn những món ăn tinh thần này. Không ít bầu sô nhận thấy đây là một thị trường "trắng", nếu chịu khó và biết cách làm thì lợi nhuận cũng đủ sống. Những chương trình nghệ thuật của các bầu sô đã khiến cho đời sống nghệ thuật các tỉnh trở nên sôi động hơn, tuy nhiên cũng xuất hiện không ít những dấu hiệu lộn xộn...

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại Trí, anh bạn vốn là nghệ sĩ xiếc nhưng cátsê biểu diễn chẳng đủ trang trải cho cuộc sống nên gần đây, anh có nghề tay trái là bầu sô ca nhạc. Bình thường, anh bận suốt, hết đi biểu diễn lại lo làm chương trình ở tỉnh nọ, tỉnh kia. Đợt này anh rảnh rỗi vì thời tiết xấu nên chúng tôi được nghe khá nhiều câu chuyện thú vị xung quanh nghề này.

Khác với những ông bầu tên tuổi, có cả một êkíp phụ giúp, lo những việc “điếu đóm” thì những ông bầu đi tỉnh thường là những người làm ăn nhỏ lẻ nên "trăm dâu đổ đầu… bầu". Thôi thì từ việc xin giấy phép, chọn địa điểm, liên hệ địa phương, mời nghệ sĩ đến việc tính toán chi trả cátsê… tất tần tật đều do bầu quyết định.

Theo Trí thì dù nhiều tỉnh, thành như vậy nhưng ở phía Bắc, chỉ có một số tỉnh như Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Thanh Hóa, Lạng Sơn tổ chức là cầm chắc không lỗ. Còn những địa phương khác thì phải khéo xoay sở, lo liệu mới "ấm". Vì đi tỉnh, giá vé cao nhất cũng chỉ từ 15 đến 20.000 đồng nên ít bầu sô nào dám "hạ cánh" xuống tận tuyến làng, xã. Cùng lắm cũng dừng lại ở thị trấn, trung tâm huyện.

Ra nhập tập đoàn bầu sô vài năm nhưng Trí đã nếm đủ buồn vui của cái nghề tưởng là hái ra tiền này. Thông thường, ai cũng nghĩ rằng, tổ chức chương trình nghệ thuật cứ càng đông càng nhiều tiền nhưng anh đã từng rơi vào hoàn cảnh nhìn khán giả đổ xô đi xem mà mặt méo xẹo.

Lần đó, anh tổ chức một chương trình tạp kỹ cho một tỉnh miền núi phía Bắc. Trong khi địa điểm diễn là sân vận động chỉ có sức chứa tối đa là 3.000 người thì có tới 20.000 người ùn ùn kéo vào. Dù lực lượng bảo vệ được huy động tố đa và làm việc hết công suất cũng không thể ngăn được dòng người như lũ bão tiến vào.

Khán giả ngoại tỉnh ít có điều kiện được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc như “Rơi lệ ru người”.

Chương trình chỉ bắt đầu được 2 tiết mục rồi đành chấm dứt vì không kiểm soát được khán giả. Khán giả quá lộn xộn, chen lấn, xô đổ bàn ghế, đập vỡ cửa kính. Thế là, ngoài tiền cát sê trả cho diễn viên, bầu Trí phải bấm bụng bỏ ra 40 triệu đồng đền bù vì hỏng cửa kính, bàn ghế của địa phương. Vụ đó, coi như lỗ chổng vó.

Anh Trí chia sẻ, làm bầu sô ngoại tỉnh như làm dâu trăm họ, ai cũng phải vừa lòng thì công việc mới suôn sẻ. Không ngọt ngào với nghệ sĩ ư (nhất là những ngôi sao đang lên) thì ngay lập tức gần đến giờ diễn, chàng hay nàng vẫn chưa thấy đâu. Gọi điện bảo, "em đang tắc đường" hoặc "đang lót dạ để biểu diễn cho tốt". Đến nước ấy, bầu sô chỉ còn cách năn nỉ để "sao" đó đến càng nhanh càng tốt. Mắng, quát, "sao" giận dỗi, thì chỉ có nước vỡ chương trình. Mà khán giả tới rồi. Nếu vỡ chương trình thì đừng có nghĩ đến cơ hội quay lại tổ chức lần nữa.

Không chỉ phải "ngọt" với nghệ sĩ, bầu sô còn phải biết cách ứng xử với những người phụ trách âm thanh, ánh sáng. Mỗi khi đi biểu diễn không thể kéo theo cả một chiếc máy nổ nên thông thường phần ánh sáng hoàn toàn phụ thuộc vào địa phương. Bao giờ cũng vậy, cứ lo xong phần giấy phép ở địa phương là anh em bầu sô phải tiếp cận với "anh điện".

Ngày mới vào nghề, chưa nhiều kinh nghiệm nên Trí đã từng dính sự cố: Chuẩn bị tới giờ biểu diễn thì có thông báo là mất điện đột xuất. Mất điện thì chỉ còn cách hoãn hoặc hủy chương trình mà thôi. Những lần sau, có kinh nghiệm hơn, làm việc với cánh điện đóm cứ phải là chu đáo, tay bắt mặt mừng nên tai nạn trên ít khi gặp phải.

Cách đây không lâu, sự kiện vỡ chương trình ca nhạc dẫn đến đêm kinh hoàng của các nghệ sĩ tại Thành phố Thái Nguyên cũng xuất phát từ việc mất điện. Anh em trong nghề rỉ tai nhau không biết có phải do bầu sô không chu đáo với cánh điện đóm hay không.

Với khán giả ngoại tỉnh thì chuộng nhất các chương trình tạp kỹ, tức là một tí hài kịch, một chút xiếc và chút ca nhạc. Chỉ cần một chương trình có khoảng 2, 3 ngôi sao hài kịch đang ăn khách trên truyền hình là cầm chắc khả năng chiến thắng. Được khán giả các tỉnh yêu thích và giữ mức cátsê cao nhất hiện nay vẫn thuộc về nghệ sĩ Xuân Hinh, sau phải kể tới các cây hài như Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung... Ngoài yếu tố thương hiệu, thì cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của các nghệ sĩ sẽ là điều quan trọng để họ được bầu sô chọn lựa.

Cuối năm là thời điểm làm ăn của các bầu sô vì ngoài các chương trình ca nhạc còn có nhiều hội chợ được tổ chức. Tổ chức chương trình ca nhạc, thời trang cho mỗi hội chợ vừa đơn giản thủ tục lại nhanh chóng kiếm lời. Mỗi chương trình chỉ đầu tư vài triệu đồng mà tiền lợi nhuận ít phải chia năm sẻ bảy.

Trong tình trạng người người đua nhau làm bầu sô, "thóc ít gà nhiều" nên chuyện cạnh tranh không lành mạnh là điều khá phổ biến. Quan trọng nhất là bầu sô phải nhanh nhạy, nắm bắt thị hiếu khán giả. Việc bí mật chương trình đến phút chót là nguyên tắc số một nếu không muốn bị "nẫng tay trên".

Bầu Trí đã từng hớ hênh để thông tin chương trình rò rỉ quá sớm. Thế là chỉ trước chương trình của anh biểu diễn vài hôm, một chương trình của bầu sô khác cũng tổ chức ngay tại địa điểm ấy khiến anh chịu mất không số tiền quảng cáo lưu động, treo băng rôn, và ngậm ngùi hủy show diễn.

Tình trạng tranh giành "sao" cũng thường xuyên diễn ra giữa các bầu sô, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm như các ngày lễ, tết. Để cạnh tranh nhau, các ông bầu thường bỏ ra nhiều tiền hơn để dụ các "sao", dù biết chắc "sao" đó đã làm hợp đồng cho chương trình trước. Vì cái lợi trước mắt nên cũng có không ít nghệ sĩ tìm mọi lý do bỏ hợp đồng khiến cho ông bầu lâm vào tình trạng lao đao, vì chương trình không có "sao", cầm chắc lỗ trong tay.

Hiện nay, chưa có một con số thống kê chính xác số lượng bầu sô. Bên cạnh một số đơn vị, cá nhân có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật đứng ra tổ chức các chương trình nghệ thuật nghiêm túc thì cũng có không ít cá nhân có chút vốn liếng, không nghề ngỗng nhưng lại muốn nổi tiếng nên thành lập công ty tổ chức biểu diễn.

Có những học sinh lớp 12 khoe mình làm bầu sô, có người lợi dụng việc quen với một, hai nghệ sĩ cũng đứng ra tổ chức biểu diễn. Chính tình trạng lộn xộn như vậy nên nhiều bầu sô làm việc theo kiểu chộp giựt, tổ chức những chương trình nghệ thuật "treo đầu dê bán thịt chó".

Khi quảng cáo, trên băng rôn thường treo tên những nghệ sĩ ăn khách nhưng đến khi biểu diễn, khán giả mới ngã ngửa ra là mình bị ăn một quả lừa. Phổ biến là tình trạng lợi dụng sự hiểu biết hạn chế của người dân ở các vùng nông thôn, các ông bầu thường đưa ra những cái tên na ná các thương hiệu nổi tiếng.

Có đoàn xiếc Trung ương thì các ông bầu có ngay xiếc Trưng Vương, có Hiệp "gà" thì lại xuất hiện Hiệp "vịt", có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thì cũng xuất hiện Đàm Vĩnh Hùng… Có những ca sĩ bị  các bầu sô bắt ép mạo danh là những ca sĩ trẻ đang lên như Thu Thủy, Cẩm Tú, Tin…

Những mánh khóe ấy không chỉ khiến khán giả bị thiệt thòi mà còn ảnh hưởng tới uy tín những ông bầu làm ăn chân chính. Các cơ quan quản lý thường chỉ phát hiện khi sự đã rồi, ông bầu “rởm” đó cũng đã biệt tăm nên chẳng biết đường nào mà lần. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc quản lý lỏng lẻo, kiểm duyệt qua loa và cấp giấy phép tràn lan.

Thiết nghĩ, việc đưa các chương trình nghệ thuật về các địa phương là điều cần thiết nhưng cần có hành lang pháp lý chặt chẽ để hạn chế những ông bầu "rởm". Các cơ quan chức năng nên có quy định rõ ràng như để thành lập công ty biểu diễn phải có tư cách pháp nhân, có bằng, chứng chỉ của một trường nghệ thuật nào đó và có đủ vốn pháp định

Khánh Thảo
.
.