Bắt chước…không đạt

Thứ Sáu, 03/10/2008, 15:00

Sách cổ Trung Quốc có kể lại câu chuyện "bắt chước nhăn mặt", nội dung như sau: "Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau, ôm bụng nhăn mặt, thì lại càng đẹp. Có người đàn bà ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng nhăn mặt. Người làng trông thấy, tưởng là ma quỷ, nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn"

Hiện nay, ở ta cũng có không ít trường hợp bắt chước nhau một cách lố bịch, tương tự câu chuyện kể trên, đặc biệt là trong tầng lớp thanh thiếu niên.

Một dáng vẻ yêu kiều, như con ngựa chốn hoang vu đang lững thững từng bước trên sân khấu, mái đầu hơi nghiêng cúi xuống, mớ tóc dài che nửa bên mặt, rồi đột nhiên nữ ca sĩ lùa bàn tay thon dài vào tóc, hất ngược mớ tóc ra sau và đồng thời, ngẩng phắt mặt lên - đó là một trong những kiểu dáng đang thịnh hành trong giới ca sĩ mỗi khi biểu diễn.

Kể hình ảnh vậy cũng gợi cảm, chỉ tiếc nhiều nữ ca sĩ  không biết mình, tưởng người ta làm được, thấy đẹp, thì mình có thể cũng làm được tương tự, mà không hay rằng, khi hất ngược mớ tóc ra sau như vậy, vô tình để lộ vòm trán dô, hoặc đỉnh đầu… trơ hói. Những lúc như thế, trông họ thật không lấy gì làm… bắt mắt!

Lại nữa, nhiều nữ diễn viên khi ra biểu diễn, thường thay cách xưng hô "em", "cháu" bằng cách nói độn tên mình, ví như: "Sau đây M.H xin hát tặng các cô các chú, các anh các chị bài hát mà M.H yêu thích…".

Kể giới thiệu thế cũng được thôi, dù rằng đã có bậc phụ huynh lên tiếng phản đối, cho rằng vô lễ (vì phía người nghe, có không hiếm bậc cha mẹ, không nên xưng tên mình một cách ngang bằng phải lứa như vậy) mà theo tôi, cái chính là phải tùy tình hình, xem vị trí của mình đến đâu, tên mình đã quen thuộc với công chúng chưa, và có hay không. Chứ như ở một hội diễn quần chúng nọ, tôi đã được nghe một cô bé 16 tuổi đương nhiên tự giới thiệu:

- Sau đây, Thi Ngà xin được hát tặng các cô, các bác…

Khổ nỗi, tên cô ta còn lạ hoắc, và không lấy gì là hay hớm lắm, mặc dù cô ta đã nói chệch đi (thực ra, tên cô ta là Nguyễn Thị Ngà). Chao ôi, tuổi tác thế nào thì xưng thế ấy, có ai bắt bẻ mà sợ, đua đòi với các bậc đàn anh đàn chị làm gì?

Trong tác phong biểu diễn, cũng không ít diễn viên của ta bắt chước các diễn viên Tây. Bài hát chẳng ra đâu vào đâu cũng cứ loạng quạng co thắt nở ra như con nhái bén, nhảy như con choi choi. Rồi thì co rúm vai, hóp má, nhăn mặt, nhắm mắt, rồi đột nhiên há miệng, trợn mắt, gương mặt cứ như đèn nhấp nháy vậy.

Nhiều cô làm "nhiệt tình" quá đến mức lông mi giả đâm quặp vào mắt, quáng quàng mãi vẫn chưa mở, chưa gỡ ra được. Bài hát thì lành hiền, êm ả, "ai đứng như bóng dừa" mà cứ tưng bừng nhảy nhót thế thì đến những cây dừa ở Bến Tre cũng phải… chết khiếp!

Sự đời, để bắt chước được, và bắt chước đạt, có nghệ thuật, đâu phải là đơn giản

Nguyễn Đức Long
.
.