Về cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam:

Bao giờ cho đến giải thưởng?

Thứ Năm, 20/08/2009, 16:00
Ấy là lời nói cửa miệng của một tác giả tham dự Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 - Hội Nhà văn Việt Nam. Có vẻ sốt ruột! Vì  trông đợi đã dài và cũng còn vì có thời gian im ắng tới mức tạo cảm giác như người ta quên chuyện này rồi.

Quên sao được! Chỉ có điều, đây là sáng tác tiểu thuyết kia mà, đâu phải chuyện của ngày một ngày hai. Và tôi đồ rằng, nhà thơ Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh đang kéo dài tai chăm chú lắng nghe xem số lượng tác phẩm dự thi đã nhiều chưa, đội ngũ các tác giả dự thi có nhà văn tiêu biểu hay không, có nhiều cây bút mới hay không, trong số các tác phẩm dự thi có quyển nào được dư luận ngợi khen đánh giá… Âu cũng là ý hay nên xin đừng sốt ruột.

Trên báo Văn nghệ số 26 ra ngày 26 tháng 7 năm 2008 đăng thông báo của cuộc thi này xác định thời gian tham gia xét giải là từ năm 2006 đến 2009 (chứ không phải từ năm 2005 đến 2008 như khi phát động cuộc thi đã ấn định).

247 tác phẩm dự thi và 51 tác phẩm đã được Ban sơ khảo lựa chọn đưa lên Ban Chấp hành và Hội đồng chung khảo. Người ta thấy ở đây khá nhiều tên tuổi quen biết như: Ngô Văn Phú, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Khắc Phê, Đỗ Kim Cuông, Dương Hướng, Y Ban, Nguyễn Phan Hách, Vũ Huy Anh, Thùy Dương, Nguyễn Đình Tú, Hữu Phương…

Có tác giả lần đầu tiên tôi biết đến như Nguyễn Văn Lân với "Đảo mây". Tác phẩm không dài, thậm chí hơi... ngắn là khác, nhưng sự chứa chất thì không nhỏ bé tí nào và đọc xong ta cứ tưởng như chìm vào cõi hư ảo của cuộc đời mơ mơ thực thực. Cư dân trên đảo sống hiền lành, yêu thương, thân ái chẳng ai quan tâm tới suối vàng, suối kim cương trước mặt.

Ấy cứ vậy thì cuộc đời đẹp sao, nhưng khốn nỗi, bỗng đâu có một toán người tham lam phát hiện ra đảo, thế là họ tranh cướp nhau vàng bạc, kim cương, đưa đến những xáo trộn, tranh chấp… Dương Hướng nghe nói khi viết "Dưới chín tầng trời" đã xin nghỉ không lương một thời gian để tới khu sáng tác Đại Lải. Với tiểu thuyết này, xem ra tác giả "Bến không chồng" vẫn còn sung sức lắm.

Nguyễn Xuân Hưng với "Bí quyết Sài Gòn" cũng là tác phẩm được lưu ý. Nó động chạm tới những vấn đề mang tính thời sự: Đó là những nhà doanh nghiệp tiêu biểu, những con người biết và dám lăn xả vào đời để làm giàu cho bản thân mình và cho đất nước.

Ông là chủ ngành điều Việt Nam. Ông đã dốc lòng, dốc sức, phải nói là dũng cảm nữa, lăn lộn tới tận những nước ở miền Nam châu Phi như Môdămbích, Ănggôla…để đưa hạt điều Việt Nam đi tiêu thụ và cũng đủ khôn khéo để chống lại kẻ bảo thủ, trì trệ, chỉ rình mò tìm cách lật đổ người này, người khác nhằm thế chỗ. "Sấp ngửa bà tay" của Nguyễn Tam Mỹ là tác phẩm đã đọc phải đọc tới cùng.

Sách hấp dẫn bởi lối hành văn lưu loát, nhưng cái chính làm nên sự cuốn hút là ở cách xây dựng nhân vật. Đúng là, đây đó trong xã hội đã có những con người, miệng thì hô rõ to những khẩu hiệu này khác, song hành động và tâm địa thì khác. Khúc Thụy Du với "Trong cơn mưa" cũng viết về những vấn đề nổi cộm của ngày hôm nay.

Ở cuộc thi lần trước anh có tác phẩm "Lục bình trôi" khá thú vị viết về lớp thanh niên (mà chủ yếu là nữ) vùng đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố kiếm sống. Nhiều cô thành đạt. Nhưng cuộc đời éo le khiến bao người ba chìm bảy nổi. Rồi nhà máy hết việc. Rồi bị kẻ xấu lôi kéo. Có người đi kể chuyện thuê. Có người kiêm nghề trông trẻ. Có người ngày đi làm, đêm đến đóng vai bồ của vị này vị nọ trong các bữa tiệc.

Lại có cô xinh đẹp, khỏe mạnh, cùng đường đành chấp nhận làm vai đẻ thuê cho ông chủ giàu có mà bà vợ lẳng lơ dứt khoát không chịu biết đẻ là như thế nào. Họ phải sống với nhau như vợ chồng nhưng khi có  mang thì bị bà vợ chính thức theo dõi ra sao…

Một tác giả có tuổi cũng tham gia cuộc thi lần này là nhà văn Ngô Văn Phú. Ở tuổi "cổ lai hy" như ông mà vẫn đắm say, vẫn đầy dũng khí quả không phải nhiều. Tiểu thuyết "Lý Công Uẩn" vào chung khảo chỉ là lựa trong năm tác phẩm tham gia dự thi của ông.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội có ba tác giả trẻ là Nguyễn Thế Hùng với "Họ vẫn chưa về", Nguyễn Đình Tú với "Nháp", Đỗ Tiến Thụy với "Màu rừng ruộng" gửi dự thi đều được chọn để đưa lên Hội đồng chung khảo .

Cuộc thi lần này có nhiều điểm giống và cũng có đôi nét khác hai cuộc thi lần trước. Giống là ở đề tài phản ánh khá rộng rãi, phong phú, bao quát dường như tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội cùng với đội ngũ tham gia đông đảo từ già đến trẻ. Khác là ở chỗ xem ra như có sự cựa quậy trong thể hiện và nội dung phản ánh hay nói như nhà phê bình Lê Thành Nghị là "cách viết mới của đề tài cũ".

Bên cạnh những tác giả cắm cúi lao vào đối tượng phản ánh mà không nghĩ tới nên viết như thế nào thì vẫn có những ngòi bút ngẫm nghĩ tìm tòi cách nêu vấn đề cùng với sự biểu đạt. Như Trầm Hương với "Đêm Sài Gòn không ngủ", Lê Lâm với "Sau cánh rừng lặng gió", Thu Loan với "Hành trình làng", Nguyễn Một với "Đất trời vần vũ"… và Nguyễn Khắc Phê với "Biết đâu địa ngục thiên đường mà mê". Tôi may mắn đã đọc nhiều của Nguyễn Khắc Phê, phải nói tới tác phẩm này, anh đi có một bước tiến về sự tìm tòi khám phá. Tư duy của nhà văn đã không còn chỉ đơn giản ở sự phản ánh mà sâu sắc hơn nhiều để đọc xong ta dễ ngậm ngùi, suy nghĩ, liên tưởng và cả đắng cay.

Lưu Văn Khuê với "Mạc Đăng Dung" viết kỹ lưỡng và nêu lên cách nhìn mới về vương triều nhà Mạc. Đất phát của nhà Mạc ở vùng Kiến Thụy, Hải Phòng. Chẳng hiểu nhà văn Lưu Văn Khuê có bị quê hương ám ảnh mà miêu tả "đẹp lên" hay không. Hà Văn Thùy viết về Nguyễn Thị Lộ cũng có cách nhìn mới mẻ như vậy .

Đây đó vẫn có những người coi sáng tác văn học nói chung và viết tiểu thuyết nói riêng là thú chơi dễ dãi, hoặc giả không tới mức như thế thì cũng đơn giản viết là được. Sự thực, tiểu thuyết đòi hỏi nhiều thứ ở người viết mà theo tôi trước tiên là tài năng và vốn sống. Thiếu thứ gì xem ra cũng không thể được.

Có tác giả dự thi ba bốn đầu bản thảo, viết quá dễ dãi và thú thực là chưa bản thảo nào thành hình để có thể in ấn được. Một việc làm như thế thật uổng thời gian - trước tiên cho chính người viết.

Nhà văn Ma Văn Kháng, thành viên ban sơ khảo và chung khảo tin tưởng: "Cuộc thi chắc chắn thành công và sẽ có tác phẩm đoạt giải cao". Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội đồng chung khảo cho biết, Hội Nhà văn sẽ công bố kết quả chấm giải và tổ chức buổi lễ tôn vinh các tác giả vào cuối năm 2009 hoặc vào dịp tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII, nghĩa là vào tháng Giêng năm 2010, trước thềm đại hội các nhà văn Việt Nam làn thứ VIII

Tô Đức Chiêu
.
.