"Bánh đúc có xương" ... và có sạn

Thứ Ba, 28/10/2014, 08:00
Kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vừa phát xong bộ phim nhiều tập "Bánh đúc có xương" vào khung giờ vàng. Đây là bộ phim gây được sự chú ý của nhiều người. Tuy nhiên, cũng có điều cần bàn thêm, đó là sự trùng lặp trong một số tình huống trong phim...

Ba cặp tình nhân trong phim đều gặp một trở ngại là lúc đầu mặc dầu họ rất yêu nhau, nhưng đều bị bố mẹ, gia đình, con cái phản ứng. Họ đã khắc phục trở ngại đó bằng một cách là "ăn cơm trước kẻng", trong đó 2 cặp là thật, một cặp là do họ giả dựng ra (Chí Kiên - Bảo Khánh). Thực tế cuộc sống quả thật có trường hợp như vậy. Nhưng cũng có nhiều trường hợp họ đi đến với nhau, thuyết phục mọi người bằng những cách khác chứ không phải chỉ đơn thuần là dùng "biện pháp" "ăn cơm trước kẻng" để tạo sức ép. Đó là chưa nói đến một điều, ngày xưa ở xứ ta, chuyện "ăn cơm trước kẻng" là điều cấm kị. Ngày nay tuy quan niệm đã cởi mở hơn rất nhiều, mọi người có thể bao dung, thông cảm nhưng nhìn chung không mấy ai khuyến khích hiện tượng đó.

Về nghệ thuật, ở đâu cũng vậy, sự lặp đi lặp một mô thức nào đó vô tình lại khiến câu chuyện trở nên đơn điệu. Nếu như mỗi cặp đến với nhau bằng mỗi cách khác nhau thì chắc là phim sẽ hay hơn. Trong cuộc sống đã có những cặp gia đình lúc đầu không ưng thuận thì họ nghĩ ra những cách như nhờ thầy bói, thầy tướng số (tất nhiên là có sự thông đồng trước), hoặc trong một tình huống bất ngờ mà gia đình gặp phải như là ốm đau, tai nạn hoặc nỗi oan khuất từ trên trời rơi xuống. Trong tình huống đó, đôi trai gái đã thể hiện hết tấm lòng của mình, làm thay đổi cách nhìn của những người không đồng ý. Thiết nghĩ đi theo chiều hướng ấy chắc chắn phim sẽ còn hấp dẫn hơn.

Một điều lăn tăn nữa là những người làm phim để cho Đông Hưng và Chi đi đến hôn nhân với nhau. Đây được hiểu là một tư tưởng tiến bộ trong hôn nhân. Đã yêu nhau thì có quyền đến với nhau, không gì ngăn cản được. Nhưng chúng ta cũng nhìn nhận nó bằng một khía cạnh khác. Hôn nhân là vấn đề gia đình, đồng thời nó mang tính đạo đức và tính văn hóa. Đã nói đến văn hóa thì nó vừa có tính chất chung của toàn cầu vừa có tính đặc trưng của vùng miền. Trong chuyện này, xứ Á Đông ta có những đặc điểm riêng mà chưa thể xem nhẹ được. Đó là vấn đề thứ bậc trong gia đình. Nói cụ thể ra là khi Chi đã trở thành vợ của Đông Hưng thì tự nhiên cả Chi và Hoài Anh đã ngồi lên một thứ bậc khác cao hơn. Còn Chí Kiên vốn là chồng, là bố lại lùi xuống một thứ bậc thấp hơn Chi và ngang bằng với con mình là Hoài Anh. Đó là một sự đảo lộn mà chưa có gì đảm bảo cho sự êm ấm lâu dài của đại gia đình này. Bởi dẫu biết rằng việc này không có liên quan gì đến vấn đề huyết thống nhưng quan hệ thứ bậc trong gia đình ở ta lại được xem là vấn đề quan trọng, nó là luân thường đạo lí, là tôn ti trật tự.

Chức vụ trong xã hội có thể thay đổi và khi nghỉ hưu hoặc qua đời thì nó không còn ý nghĩa gì nữa. Đương chức anh là lãnh đạo cấp này cấp nọ, khi nghỉ hưu thì tự nhiên cái chức ấy cũng mất đi. Nhưng thứ bậc trong gia đình, họ hàng thì là muôn thuở. Anh là "bác", là "chú"; chị là "mợ" là "dì"…thì mãi mãi vẫn là thế, mọi người đều phải tuân thủ. Điều này đã tồn tại hàng ngàn năm nay và có thể còn lâu lắm, dài lắm mới thay đổi được

Phạm Văn Thạch
.
.