Nhân sự kiện khúc mở đầu vở nhạc kịch "Romeo và Juliet" của nhạc sĩ Tchaikovsky sắp được công diễn tại Tp HCM

Bản tình ca bất hủ và ba lần viết lại

Thứ Sáu, 21/12/2012, 08:00
Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840-1893) là nhà soạn nhạc thiên tài của nước Nga, đồng thời là một trong những nhạc sĩ lỗi lạc nhất thế giới giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Mặc dù qua đời cách đây đã gần 120 năm, trong một cái chết được xem là còn nhiều nghi vấn, song những giai điệu bất hủ của nhà nghệ sĩ bậc thầy vẫn luôn vang vọng trên các sân khấu nghệ thuật ở nhiều quốc gia.

Được biết, vào ngày 9/12 tới đây, sau vở ballet "Kẹp hạt dẻ", con người kỳ tài này sẽ trở lại Sân khấu hòa nhạc giao hưởng Tp HCM qua một kiệt tác nghệ được ông sáng tác dựa trên vở kịch cùng tên của đại văn hào Anh William Shakespeare. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Vương Thạch, hai nghệ sĩ người Serbia là nghệ sĩ cello Filip Tomic và nghệ sĩ dương cầm Boris Kraljevic sẽ cùng dàn giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc Vũ kịch Tp HCM trình diễn lại khúc mở đầu nhạc kịch "Romeo và Juliet" của Tchaikovsky. Nhân dịp này, chúng tôi xin điểm lại quá trình Tchaikovsky sáng tác nhạc phẩm nói trên...

Chúng ta đều biết, "Romeo và Juliet" là một vở bi kịch bất hủ của nhà soạn kịch thiên tài người Anh William Shakespeare. Đây là một tác phẩm được xếp vào danh sách "Những chuyện tình đẹp nhất thế gian". Nội dung truyện kể về hai thanh niên trẻ tuổi yêu nhau say đắm, nhưng vì sự hận thù giữa hai dòng họ, cuối cùng họ đã phải chọn cái chết để được ở bên nhau. Kể từ khi ra đời tới nay, "Romeo và Juliet" đã thực sự trở thành một hiện tượng văn hóa khi mà nó liên tục truyền cảm hứng cho các văn nghệ sĩ tài danh trên thế giới: Đã có nhiều loại hình nghệ thuật khác "ăn theo" vở kịch. Không nghi ngờ gì nữa, "Romeo và Juliet" chính là một vở kịch được chuyển thể nhiều nhất trong lịch sử, với những tác phẩm thơ, kịch nói, tiểu thuyết, giao hưởng, đồng ca, opera, múa ballet, phim truyền hình, phim điện ảnh và tranh.

Nhạc kịch "Romeo và Juliet" được Tchaikovsky viết năm 1869, thời điểm mà ông có tình cảm sâu sắc với Eduard Zak, khi đó mới 15 tuổi, là anh em con chú con bác với một người học trò của ông. Nghe đâu, Zak đã tự sát 4 năm sau đó, còn bản thân nhà soạn nhạc thì bị một tòa án (Tòa án danh dự) đưa ra xét xử. Không rõ độ chính xác của thông tin này thế nào, chỉ biết rằng, chuyện Tchaikovsky mắc bệnh đồng tính là có thật. Mối tình lạ lùng của ông với bà Von Meck, một phụ nữ lớn hơn ông 9 tuổi, đã góa chồng mà báo giới từng nói tới nhiều là một minh chứng cho việc này (trong suốt mười mấy năm trời quan hệ thư từ với nhau, Tchaikovsky chưa một lần chủ động tìm gặp Von Meck. Có lẽ, trên tất cả, ông coi bà như một người bạn - người bạn cùng… giới tính).

Là một trong những kiệt tác của Tchaikovsky, "Romeo và Juliet" được sáng tác theo thể loại Overture - Fantasy. Cũng giống như nhiều nghệ sĩ lớn trên thế giới, Tchaikovsky có những cảm hứng sâu sắc từ tác phẩm của Shakespeare. Ngoài "Romeo và Juliet", ông còn viết một số tác phẩm khác dựa trên nội dung những vở kịch của nhà soạn kịch người Anh, trong đó có "Tempest" và "Hamlet". Tuy nhiên, chỉ riêng "Romeo và Juliet" là ông không đánh số tác phẩm.

Để hoàn thiện như chúng ta được thưởng thức hôm nay, vở nhạc kịch đã trải qua ba lần chỉnh sửa. Phiên bản đầu tiên có phần mở đầu được viết theo fugue và sự đối lập của hai chủ đề - đúng như lý thuyết mà một nhà soạn nhạc có thể trông chờ cho sản phẩm của mình. Tchaikovsky đã gửi phiên bản này để Balakirev - một người bạn của ông góp ý. Balakirev đã viết thư cho Tchaikovsky: "Tôi chơi nó thường xuyên, và muốn ôm hôn, cảm ơn anh rất nhiều vì đã cho ra đời nó". Tuy nhiên, Balakirev cũng nghiêm khắc đề nghị Tchaikovsky chỉnh sửa đoạn mở đầu. Tchaikovsky nghe bạn song có chỗ ông vẫn giữ lại. Khi tác phẩm hoàn tất, trên bản nhạc, Tchaikovsky đã ghi lời đề tặng Balakirev.

Nghệ sĩ dương cầm Serbie Boris Kraljevic - người sẽ tham gia trình diễn vở nhạc kịch "Romeo và Juliet" của Tchaikovsky tại Tp HCM ngày 9/12/2012.

Nhạc kịch "Romeo và Juliet" được công diễn lần đầu vào ngày 16 tháng 3 năm 1870, khi tác giả của nó tròn 30 tuổi. Tuy nhiên, buổi công diễn đã gặp rắc rối bởi đúng thời điểm ấy, nhạc trưởng Nikolai Rubinstein, cũng là một người bạn của Tchaikovsky, đã vướng vào một scandal tình ái với nữ học trò của ông. Và vì chuyện này, thiên hạ đến nghe Rubinstein biểu diễn bằng một "mối quan tâm" khác. Kết quả là nhạc kịch "Romeo và Juliet" rơi tõm vào sự hờ hững của khán thính giả. Sau buổi diễn, Tchaikovsky và cả nhạc trưởng lẫn các nhạc công cùng nhau ăn bữa tối, song tất cả đều im lặng, không ai nhắc một lời nào tới bản nhạc.

Trong cái rủi có cái may, từ sự thất bại trong lần công diễn đầu tiên "Romeo và Juliet", Tchaikovsky đã tuân thủ tuyệt đối những lời góp ý chỉnh sửa của Balakirev và ông đã bỏ thời gian viết lại tác phẩm.

Nếu như ở phiên bản đầu tiên, ngay phần mở đầu, Tchaikovsky thể hiện rõ sự tách bạch giữa hai mảng chủ đề, đó là mối thâm thù giữa hai dòng họ Montague - Capulet và tình yêu giữa Romeo và Juliet, thì ở phần chỉnh sửa lại, ông đã đưa chủ đề tình yêu sang đối đầu với chủ đề về sự xung đột giữa hai dòng họ Montague và Capulet. Ngoài ra, ông còn thay đổi sự xung đột trong giai điệu từ phần phát triển sang phần kết.

Phiên bản thứ hai của "Romeo và Juliet" đã được trình diễn tại St. Peterburg vào ngày 17/2/1872, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Eduard Nápravník.

Đúng 10 năm sau kể từ lần phiên bản đầu tiên được công diễn, một lần nữa Tchaikovsky lại chỉnh sửa nhạc kịch này. Lần này, chủ yếu ông viết lại phần kết của tác phẩm. Đây là bản cuối cùng, tồn tại tới hôm nay.

Mặc dù phiên bản thứ ba được Tchaikovsky hoàn thiện vào tháng 9-1880, nhưng phải tới 6 năm sau, nó mới thực sự thể hiện được sức lan tỏa của mình trong lần công diễn tại Tbilisi, Georgia, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Mikhail Ippolitov - Ivanov. Đến nay, "Romeo và Juliet" là một trong những nhạc phẩm được công diễn nhiều nhất của Tchaikovsky.

Văn hào Nga Ivan Turgenev là người cùng thời với Tchaikovsky. Ông đánh giá rất cao tài năng của Tchaikovsky và đặc biệt yêu thích nhạc phẩm "Romeo và Juliet". Một điều thật ý nghĩa: Trong lĩnh vực văn xuôi, Turgenev cũng là tác giả của những thiên truyện tuyệt vời về tình yêu, giống như điều Tchaikovsky làm được trong lĩnh vực âm nhạc. Nhà thơ Yakob Polonsky, người bạn thân thiết của Turgenev đã ghi lại một cuộc gặp gỡ giữa ông và Turgenev như sau: "Cuộc trò truyện sau đó đã quay về chủ đề âm nhạc. Turgenev đã tranh luận rằng âm nhạc của Nga vẫn chỉ là một sân khấu tương tự như văn học thời kỳ trước Pushkin, vì thế, nó vẫn còn chưa trở thành một điều đích thực cho chúng tôi, cũng như cuộc sống cần bánh mỳ. Ông nói rằng, trong thế hệ cũ của các nhà soạn nhạc Nga, ông đánh giá cao Glinka, và trong số thế hệ mới, Tchaikovsky vượt lên tất cả các nhà soạn nhạc khác". Bản thân Turgenev, trong một bức thư gửi Yakob Polonsky, sau khi nhắc tới "Romeo và Juliet", đã viết: "Tchaikovsky có vẻ rất dễ thương, và tài năng của anh ấy thì không thể bàn cãi - trong bất cứ trường hợp nào vẫn tài năng hơn cả tất cả các nhà soạn nhạc khác như Cui, Balakirev hay bất kỳ ai khác, người xứng đáng được công nhận là thiên tài".

Turgenev nhận xét vậy, còn bản thân Tchaikovsky, ông "nhìn nhận" thế nào về mình? Điều khá thú vị là - khác với lối "ngụy quân tử", vờ khiêm tốn của nhiều người, Tchaikovsky có cách đánh giá về mình rất cao. Ông không nói trực tiếp, nhưng thông qua cách ông "chê" người khác, bạn đọc có thể thấy được ông ý thức thế nào về tài năng của mình. Là một nhà sáng tác nhạc đồng thời cũng là một nhà phê bình âm nhạc, Tchaikovsky thường phải đưa ra nhận xét, đánh giá về các đồng nghiệp. Và, trong một bài viết, ông đã có những dòng sau đây: "Nhạc của Wagner chẳng có ý nghĩa gì với tôi, nhạc của Brahms cũng vậy. Tôi cảm thấy bị chọc tức khi mà sự tự phụ tầm thường đó lại được ghi nhận như một thiên tài. Về Beethoven, tôi thừa nhận sự vĩ đại trong một số tác phẩm của ông, nhưng tôi không sùng bái ông ta". Dường như Tchaikovsky chỉ sùng bái mỗi mình Mozart. Trong bài viết nói trên, ông gọi nhà soạn nhạc thiên tài người Áo là "Đức Chúa âm nhạc".

Bên cạnh vở nhạc kịch bất hủ "Romeo và Juliet", cũng trong thể loại này, Tchaikovsky còn để lại cho đời các kiệt tác "Khúc dạo đầu 1812", "Tùy hứng Italia", "Eugene Onegin" (dựa theo truyện thơ của Pushkin)… Ngoài ra là rất nhiều bản concerto khác nhau dành cho piano, violin và cello

Trần Trung Nghĩa
.
.