Bài thơ anh, anh làm một nửa thôi...

Thứ Tư, 04/01/2012, 08:00
Vài cảm nghĩ về nhân đọc một số bài thơ của Nguyễn Bình Phương.

Nghe nói, nhà thơ Nguyễn Bình Phương vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ mới có tên gọi "Buổi câu hờ hững" (do NXB Văn học ấn hành). Tôi chưa có điều kiện đọc tập thơ nhưng nhân dịp này xin bộc bạch một đôi cảm nghĩ về những bài thơ mà tôi được đọc của Nguyễn Bình Phương trước đây, chủ yếu là những bài xuất hiện ở tập thơ "Lam chướng" của anh.

Quả tình, với thi ca, Nguyễn Bình Phương đã tạo cho mình được một "cõi riêng". Đây là vấn đề rất cốt yếu với người làm thơ, bởi một khi anh đã có cái "cõi riêng", thì mỗi câu thơ viết ra, nhiều khi chỉ nhỏ như cái lá cây, mà hàm chứa đằng sau cả một cơn gió…Có thể nói, cái tâm hồn nhạy cảm, luôn bị chi phối, thúc bách bởi một nỗi buồn lưu cữu, một nỗi ám ảnh vô hình ấy đã tìm được nơi chốn phù hợp với thể tạng của mình. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Nguyễn Bình Phương luôn thể hiện trong những hành trình ngược chiều thời gian. Bởi vậy mà nhiều bài thơ của anh thấp thoáng bóng dáng của một người tìm về cội rễ của mình, một làng quê hồn vía bao đời, với những thân cò thân vạc lặn lội đồng sâu, những thiếu phụ chỉ biết cất lên nỗi riêng cô đơn trong mê ngủ. Ở đây, Nguyễn Bình Phương đã bộc lộ phẩm chất thơ ca của anh, vừa riêng tư lại vừa biết gắn bó với cộng đồng, biết quan tâm đến số phận con người, vừa biết thu vén lại vừa biết sẻ chia.

Nếu như ở ngoài đời, Nguyễn Bình Phương dễ giật mình với những câu thơ, ví như của Hàn Mặc Tử: "Ngày mai  trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi", hay đồng cảm với một đoạn văn của Tô Hoài: "Mùa này mất trắng lại mong đến mùa sau được thấy mặt hạt thóc. Cái củi rều trôi qua ngoài sông, không vớt được, cũng tiếc. Vợ chồng cãi nhau, người vợ ôm mặt, than thở: Giá như ngày ấy theo cái người dưới Đông, thì chẳng đến nỗi nào, khổ cái thân tôi", thì trong thơ anh, ta có thể bắt gặp trạng huống này ít nhiều. Những tiếng ơi hời cất lên, nghe như tiếng con tôm búng nước trên một dòng sông khuya tịch mịch. Người phụ nữ trong thơ anh là hiện thân của sự khổ hạnh. Nhưng Nguyễn Bình Phương không đặt họ trong một bối cảnh chi li của cuộc sống, mà anh đẩy đến một cái gì thuộc về duyên số, hoặc lớn hơn, ấy là kiếp số. Cho nên các nhân vật của anh thường được bao bọc bằng một sự cam chịu, lộ rõ xu hướng thoát tục.

Không biết có phải vì thế mà người đàn bà trong thơ Nguyễn Bình Phương thường có một vẻ đẹp lôi cuốn, bí ẩn? Tôi chỉ dám chắc một điều, người đàn bà "cổ trắng mắt nâu" đã từng hiện lên trong mơ tưởng của tác giả (bài "Ngóng chị") ắt có một gương vẻ gần gũi với những người đàn bà trong các bức tranh tôn giáo của một số họa sĩ thời Phục Hưng.

Thơ Nguyễn Bình Phương có kết cấu gợi mở, do vậy mà các câu cuối bài thường được tác giả đặt dấu chấm lửng. Có thể nói, hiện nay, đây là một phương thức được sử dụng khá phổ biến ở những cây bút trẻ (cả trong thơ lẫn trong truyện). Nó tránh được việc, để "gói lại" tác phẩm theo một thói quen đã định, người ta đã phải bẻ queo những câu cuối thành một kết luận nhiều khi rất gượng gạo, trong khi người đọc ngày nay đã thừa sự thông minh để - chỉ cần tác giả "mở ra" - họ sẽ tự gói vào (theo cách riêng của từng người).

Chế Lan Viên từng viết: "Bài thơ anh, anh làm một nửa thôi/ Còn một nửa cho mùa thu làm lấy". Theo tôi, cái mùa thu ấy chính là tâm hồn người đọc. Một bài thơ hay - nói như một nhà thơ - là bài thơ khi đi vào lòng người, đã khiến cho người đọc cũng trở thành người sáng tạo. Một bài thơ khi đã khép được vào, thì thường là đã trở thành một vật thể - dù lớn đến mấy vẫn có thể cân, đong, đo đếm được. Còn một khi mở ra, biết cách mở ra, thì nó đã nghiễm nhiên tồn tại ở dạng không cố định, vượt xa mức tưởng tượng của tác giả, và được cộng hưởng rất nhiều lần trong tâm hồn, trí tuệ người đọc. Thơ Nguyễn Bình Phương đang tồn tại và thử thách trước hai vấn đề đặt ra trên

Tuấn Đạt
.
.