Bài học xưa mà không cũ

Thứ Hai, 24/12/2012, 08:00
Hiện nay, trên báo chí, nhất là trên các trang mạng, chúng ta gặp nhiều ý kiến thể hiện thái độ, cách nhìn liên quan tới nhiều vấn đề đang từng ngày nảy sinh trong cuộc sống. Phải khẳng định là có nhiều ý kiến xuất phát từ lòng yêu nước, đau đáu với tương lai, vận mệnh của dân tộc. Song cũng không thể phủ nhận là "xen" vào đó có cả những ý kiến xuất phát từ động cơ cá nhân, chỉ muốn xới mọi việc lên cho rối tung rối mù, cho "thỏa" sự ức chế, hằn học của riêng mình...

Trong vở kịch "Vòng phấn Kapkaz" của nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht có một tình huống ứng xử mà tôi nhớ mãi: Một phiên tòa được mở ra để xử vụ tranh con giữa hai phụ nữ, một bên là bà mẹ đẻ từng bỏ rơi đứa bé trong những năm tháng cam go nhất, và một bên là người vú nuôi đã không quản ngại vất vả, hiểm nguy để bảo vệ, nuôi nấng đứa bé. "Quan tòa" là một ông thợ đóng giày. Theo truyền thống phân xử của vùng Kapkaz, ông cho lấy phấn vẽ trên nền đất một vòng tròn và đặt đứa bé vào giữa. Ông lệnh cho hai người phụ nữ mỗi người cầm một tay đứa bé để…kéo. Ai đủ sức mạnh kéo đứa bé vào lòng thì đấy đích thực là mẹ nó. Cả hai bà mẹ cùng mắm môi mắm lợi kéo. Đứa bé đau đớn khóc gào. Đúng lúc ấy, người vú nuôi buông tay ngã khuỵu. Bà mẹ đẻ đắc chí reo to: "Thấy chưa?". Ông "quan tòa" (thợ đóng giày) tiến lại hỏi người vú nuôi tại sao nhận là mẹ đứa bé mà lại không đủ sức kéo nó vào lòng? Người vú nuôi thổn thức nói, vì bà là mẹ nó nên không đành lòng để nó bị đau. Ông thợ đóng giày nghe vậy đã nắm lấy tay người vú nuôi nâng lên cao, "tuyên" bà mới chính là mẹ đẻ của đứa bé. Những người chứng kiến đã hò reo, tán thưởng cách phân xử sáng suốt của ông "quan tòa" thợ đóng giày.

Một cảnh trong vở "Vòng phấn Kapkaz" của nhà soạn kịch người Đức Bertolt Brecht - một vở kịch nêu ra được những bài học thâm thúy, đáng suy ngẫm.

Hiện nay, trên báo chí, nhất là trên các trang mạng, chúng ta gặp nhiều ý kiến thể hiện thái độ, cách nhìn liên quan tới nhiều vấn đề đang từng ngày nảy sinh trong cuộc sống. Phải khẳng định là có nhiều ý kiến xuất phát từ lòng yêu nước, đau đáu với tương lai, vận mệnh của dân tộc. Song cũng không thể phủ nhận là "xen" vào đó có cả những ý kiến xuất phát từ động cơ cá nhân, chỉ muốn xới mọi việc lên cho rối tung rối mù, cho "thỏa" sự ức chế, hằn học của riêng mình. Những người này, khi phát ngôn, họ cũng nói tới lòng yêu nước và không phải trong số đó không có người đã biết ẩn giấu động cơ thực của mình. Bởi vậy, nếu độc giả nào chỉ quen đánh giá con người trên phương diện câu chữ thôi, có thể sẽ có ngộ nhận về lòng yêu nước của họ. Tuy nhiên, nếu như đem cách nhìn nhận, suy xét sự việc theo kiểu ông "quan tòa" trong vở "Vòng phấn Kapkaz" thì chúng ta sẽ không khó gì để nhận ra đâu mới là lòng yêu nước, thương nòi đích thực.

Tại sao tôi lại nói như vậy? Vì rằng, nếu là yêu nước đích thực, có ai lại cung cấp cho các trang mạng những thông tin thuộc dạng không phổ biến để cho tất cả bàn dân thiên hạ cùng "rõ" - trong khi đó lại là những thông tin có thể gây bất lợi cho dân tộc mình - như nhiều trang mạng đã làm và đang làm? Hiện chúng ta đang nói nhiều tới hai chữ công khai, xem đó như một biện pháp để ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng. Điều đó đúng và cần phải thực hiện một cách mạnh mẽ hơn nữa. Song ở đời, không phải tất tật mọi điều đều có thể công khai với tất cả mọi đối tượng. Nếu vậy thì các quốc gia còn cần gì phải duy trì lực lượng tình báo để tìm hiểu, nắm tin tức của nhau? Đúng là, như cổ nhân vẫn nói, lịch sử chỉ có một và chúng ta đã viết về lịch sử là phải trung thực. Nhưng cổ nhân cũng dạy ta rằng, không phải sự thật nào cũng nên nói ra ngay. Trong ngành y, có những tình huống trầm trọng bác sĩ chỉ nói thật với người nhà của bệnh nhân chứ không nói ngay với bệnh nhân. Đấy mới là một ví dụ nhỏ về chuyện y đức trong ngành y. Chuyện quốc gia đại sự, liên quan tới vấn đề đối ngoại của cả một dân tộc càng phải thận trọng. Bác Hồ dạy Lực lượng CAND là có những đối tượng mình vừa phải "cương quyết", lại vừa phải "khôn khéo". Mà cái "khôn", cái "khéo" này lại là cái không thể để đối thủ biết được. Vậy thì hà cớ gì, những người từng vỗ ngực tự xưng là yêu nước lại thích phanh phơi ra như thế, đòi công khai ra như thế? Cần nhớ, khi Bác Hồ xử lý một số tình huống từng bị xem là "khó hiểu" hồi 1945-1946, Người chỉ yêu cầu đồng bào tin tưởng ở Người "Hồ Chí Minh không phải là người bán nước" và nói ngắn gọn: "Đồng bào yêu mến tôi, nghe lời tôi". Có phải chuyện nào cũng nói ra ngay tắp lự, cho tất tật mọi người cùng nghe được đâu?

Để kết bài viết này, tôi chỉ xin ai đó nếu thích "yêu nước" với những "kế sách chống ngoại xâm" luôn đòi hỏi phải được đưa lên cho hàng chục triệu cư dân mạng "cùng tham khảo" hãy ngẫm nghĩ lại việc làm của mình từ vụ tranh chấp đứa bé trong vở kịch "Vòng phấn Kapkaz" mà tôi nhắc tới ở phần đầu bài viết. Ngẫm nghĩ lại để thấy nếu mình không phải là người ngây thơ, thiển cận thì hẳn sẽ là người chưa thực sự yêu nước, chưa thực sự muốn đem lại những lợi ích thiết thực cho dân tộc

Trần Hữu Thanh
.
.