Bài giảng chiều ba mươi Tết

Thứ Bảy, 21/01/2017, 08:00
Con gái tôi đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, yêu một cậu người Pháp. Năm 2015, trước Tết Nguyên đán một tuần, cháu đưa người yêu về Hà Nội thăm vợ chồng tôi. Việc đầu tiên là cháu đưa người yêu đến thăm bố mẹ tôi, là ông bà nội cháu, ở phố Vũ Ngọc Phan. Hôm ấy, tôi bận cho công việc chuẩn bị Tết nên chỉ có cháu đưa người yêu đến chào ông bà nội thôi. 


Sau khi các cháu ra về, bố tôi điện cho tôi, giọng không hài lòng: "Tôi chẳng biết nói chuyện với con rể anh thế nào. Tiếng Pháp tôi chỉ biết và nhớ lõm bõm từ cái thời học Primie tiếng Pháp. Tiếng Việt nó chỉ biết mỗi câu CHAU CHAO ONG A. Đến là phiền phức!".

Tôi bật cười nhưng không dám nói ra, khi ông bố tôi đã gần 90 tuổi, mà cái thời hội nhập này bọn trẻ chúng nó lấy chồng lấy vợ ngoại quốc là điều thường tình. Vợ chồng tôi bàn với bố tôi: "Trưa ba mươi Tết, chúng con sẽ đến ông bà và làm cỗ Tất niên luôn".

Bố tôi đốp một câu: "Mọi người cứ đến, nhưng tôi cấm hai đứa, cái Phúc, con gái anh và anh Philippe, người yêu của nó". Tôi tái mặt, bảo vợ: "Ông mà làm căng thì mất Tết". Vợ tôi nhẹ nhàng bảo: "Hãy cứ từ từ để xem sao".

Bữa cơm gia đình chiều 30 Tết (ảnh mang tính minh họa).

Tôi điện cho bố tôi: "Sao bố lại không cho cháu nó đến làm cỗ Tất niên". Bố tôi cắm cảu: "Anh hỏi con gái anh ấy". Tôi hỏi con gái tôi, làm sao lại để ông cấm đưa người yêu đến nhà trưa ba mươi Tết. Nó bảo không rõ lý do. Rồi con gái tôi buồn rầu bảo tôi: "Nếu ông không cho con đến ăn Tết thì hai đứa con đành đi chơi phố cổ vậy". Tôi đoán cụ khó chịu về việc không biết nên giao tiếp với Philippe thế nào cho tiện nên không cho các cháu đến.

Cuối năm, vợ tôi lo chuẩn bị cỗ Tất niên rất bận rộn. Tôi lo lau dọn bàn thờ và mâm ngũ quả, đèn để đốt khi cúng tổ tiên, mua hương trầm thật thơm để thắp hương ba ngày Tết, mua nến để đốt lúc giao thừa... Không khí trong nhà ngày sắp Tết thật vui vẻ, đầm ấm. Tôi rất nhớ quê Thanh mỗi khi Tết đến Xuân về. Bạn bè đã thưa dần. Người thì mất ở chiến trường, người thì già yếu ốm đau không đi thăm nhau được. Cột cây số như là cây cách trở.

Đột nhiên, chiều 29 Tết, bố tôi điện thoại cho tôi: "Anh điện cho con gái anh. Tôi cho phép nó và Philippe đến ăn cỗ Tất niên. Nếu tôi không cho đến, chúng nó sẽ oán trách tôi cả năm. Nhưng tôi cần dạy cho chúng nó một bài học, cho dù đã ba mươi Tết. Mà cả vợ chồng anh cũng cần phải dạy".

Tôi bảo bố tôi: "Bây giờ chúng nó đi chơi phố cổ Hà Nội rồi ông ạ". Qua điện thoại, bố tôi nói như ra lệnh: "Đi chơi cũng phải gọi về! Ông nội gọi không về đâu có được". Vợ tôi gọi điện thoại nhưng con gái tôi không nghe máy. Bố tôi bảo: "Để ông gọi cho". Tôi đang bận chuyện bàn thờ, không nghe rõ ông cháu nói chuyện với nhau thế nào. Chỉ biết là sau đó, bố tôi gọi điện cho tôi: "Chúng nó sẽ đến".

Tôi xem đồng hồ, lúc ấy là 12h trưa. Tôi đến nhà bố mẹ tôi thì cỗ bàn vợ tôi cũng chuẩn bị xong xuôi. Con gái tôi và Philippe đã đến.

Bố tôi bảo: "Cả nhà ra phòng khách tôi nói chuyện". Bố tôi ngồi cạnh hương án bàn thờ tổ tiên. Vợ chồng tôi ngồi đối diện ông. Mẹ tôi ốm không ra phòng khách được. Philippe, chàng rể tương lai ngồi bên phải tôi. Phúc, con gái tôi nhẹ nhàng khép nép ngồi bên cạnh ông nội.

Bố tôi nói như quát, mặt nghiêm lạnh như tiền: "Cháu không được phép ngồi cạnh ông. Theo thứ bậc, trước bàn thờ tổ tiên, chỉ có anh Lộc, con trai cả tôi, mới được ngồi cạnh tôi".

Cả nhà lại phải thay đổi chỗ ngồi. Ông bảo: "Hôm nay tôi muốn dạy cho anh Philippe và cả nhà một bài học về văn hóa Việt Nam". Rồi bố tôi nói với Philippe chậm rãi làm tôi sốt cả ruột: "Tôi muốn hỏi anh Philippe, anh yêu cháu gái tôi, anh có biết văn hóa Việt Nam không?". Con gái tôi ngơ ngác không hiểu.

Ông bảo: "Cháu dịch lại cho Philippe nguyên xi câu nói của ông, không được thay đổi". Cháu Phúc dịch lại nguyên xi câu nói của ông nội. Tôi biết tiếng Anh nên hiểu điều thận trọng đó. Philippe lễ phép chắp tay trả lời bằng tiếng Anh: "Có ạ". Bố tôi nói ngay: "Nhưng anh chưa biết phong tục lễ Tết của Việt Nam. Để tôi giảng cho mà nghe". Rồi ông nghiêm trang, chậm rãi giảng về văn hóa Tết. Ông nói dài lắm. Bài giảng về văn hóa Tết xong, ông bảo: "Tất cả mọi người vào bàn thờ, tôi dạy cho cách cúng".

Cháu Thắng, con của cô Hương, em gái tôi, vừa đi học Thạc sĩ ở Paris về, nhanh nhảu thưa với ông ngoại: "Cháu biết rồi ông ạ. Bố cháu đã dạy cháu lâu rồi". Bố tôi nghiêm mặt: "Dạy rồi nhưng chưa đủ. Phải vào bàn thờ, ông nói cho biết rõ hơn".

Rồi ông thủng thỉnh: "Trong cúng bái có ba việc quan trọng: Thứ nhất là lấy nước thanh. Nước thanh là gì biết không?". Phúc thong thả dịch từng câu một cho Philippe. Philippe cười, gật đầu tỏ vẻ đã hiểu. Bố tôi nói tiếp: "Thứ hai là đốt đèn. Đèn đốt là để lấy ánh sáng linh thiêng. Tại sao phải đốt đèn?" - Bố tôi lại hỏi. Cả nhà im phăng phắc... "Nhà thờ Thiên Chúa giáo thì đốt nến, Phật giáo thì đốt đèn dầu... Thứ ba quan trọng là đốt hương - Bố tôi nói tiếp - Đốt hương là để lấy mùi thơm tỏa linh thiêng ra cho trời đất và thánh thần biết. Hương có khói, mà khói chỉ có bay lên chứ không bay xuống".

Rồi ông tự tay lấy nước thanh và tự tay đốt đèn. Việc châm hương, ông lại hỏi cả nhà: "Châm ba nén hay châm 5 nén?". Không ai trả lời được. Ông lại phải giải thích. Rồi ông nói thông thạo về bàn thờ. Ông bảo: "Bàn thờ cao hơn là bàn thờ thần linh, thờ đa thần: Thần môn, thần gia, thần táo quân, thần thổ địa... nên phải đặt cao nhất. Bàn thờ thấp hơn thờ tổ tiên...". Ông cứ giảng như thế một hồi làm tôi phục sát đất. Mấy đứa cháu con các em gái tôi trố mắt lè lưỡi: "Ông nhớ tài quá!".

Lễ cúng Thành hoàng làng trong chiều 30 Tết (ảnh có tính minh họa).

Tôi nhớ lại ngày xưa, hồi ông nội tôi còn sống, bố tôi đi bộ đội vắng nhà. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, ông nội tôi cũng thường hay giảng giải cho tôi và các em tôi về Tết: Thế nào là trời tròn đất vuông và nghi lễ bánh chưng bánh dày với câu chuyện cổ tích Lang Liêu trong việc vua Hùng chọn người kế vị. Rồi ông nội tôi lại kể tại sao có chuyện rắc vôi vẽ cung tên ngoài sân đêm ba mươi Tết.

Rồi câu chuyện cúng gia tiên lúc giao thừa để làm gì. Sau khi ông nội tôi mất, bố tôi lại thay ông để hương khói cho các cụ và thờ phụng tổ tiên. Ông bố tôi cũng thường kể cho chúng tôi nghe phong tục thờ cúng tổ tiên và truyền thống gia tộc.

Tháng 5/2016, bố tôi đã mất vì bệnh tim hiểm nghèo. Theo phong tục và truyền thống trong gia đình, tôi sẽ thay mặt bố tôi cúng tổ tiên lúc giao thừa và lại truyền cho các con tôi, các cháu tôi biết văn hóa người Việt về thờ cúng tổ tiên để nhớ ơn công dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Nhớ đến tổ tiên gia tộc chính là nhớ đến tổ quốc Việt Nam ta. Nhưng con rể tôi, người Pháp, nó hiểu được đến đâu, trong khi văn hóa của người Pháp và người Việt là khác nhau lại còn tùy thuộc vào giảng giải của con gái tôi nữa.

Bố tôi đã mất rồi nhưng bài giảng chiều ba mươi Tết thì biết bao giờ tôi quên được!

Một điều trùng hợp làm tôi rất cảm động, chiều 8/12/2016, NXB Công an nhân dân đã chủ trì tổ chức ra mắt cuốn sách "Gia tộc tổng thống V.V. Putin" tại Hà Nội. Tổng Giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ và các nhà báo đã đến dự lễ ra mắt.

Khi trao tặng bản quyền dịch cuốn sách cho các dịch giả Việt Nam, tác giả cuốn sách, Alecxandr Putin đã trân trọng viết: "Nhân dân Việt Nam có truyền thống đặc biệt kính trọng tổ tiên của mình. Ký ức về tổ tiên là thiêng liêng và luôn được kính trọng...". Và chính Alecxandr Putin đã tham dự buổi ra mắt cuốn sách này. Thì ra, các dân tộc khác nhau trên thế giới, nhất là những nước có bề dày về lịch sử, họ cũng có truyền thống tôn thờ tổ tiên theo những cách khác nhau của họ.

Lê Tuấn Lộc
.
.