“Bạc đầu vẫn tiếng Xuân đánh vần”

Thứ Ba, 05/07/2005, 07:58

Là một trong những nhà văn cao tuổi của làng văn Việt Nam, Già Khương luôn là tấm gương về tư cách cũng như hoạt động văn học. Sự nghiệp thơ sáng tác và thơ dịch đồ sộ của ông là di sản quý báu cho mọi thế hệ.

Nhà  thơ Khương Hữu Dụng sinh năm 1907, trong một gia đình nghèo ở phố cổ Hội An. Lớn lên trong một không gian vừa đượm vẻ trầm tư cổ kính của thơ Đường, vừa âm vang những giọng hò mênh mang trên dòng sông Thu Bồn. Ba tuổi mồ côi mẹ, lớn lên trong tình thương của bà nội và bố, người thường hay ngâm thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ và kể chuyện tiểu thuyết cổ Trung Hoa… Lòng yêu thơ của ông cũng bắt nguồn từ đó.

Nhìn lại những chặng đường ông đã trải qua, ta không khỏi ngạc nhiên... 99 mùa xuân, một đời người, Già Khương đã cống hiến hết mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp văn học. Tâm sự về cuộc đời, ông bộc bạch:

Sống chết từng qua cơn nước lửa

Vui buồn chỉ thoáng bóng mưa mây…

Năm 1922 - 1926 học Trường Quốc học Huế, ông gặp cụ Phan Bội Châu và từ đó được cụ nhận là bạn vong niên. Từ 1927 - 1935, ông thường xuyên có bài đăng trên báo “Tiếng Dân”. Ông coi đó là nơi gửi gắm những tình cảm, tư tưởng bức xúc của mình về nhân dân, về thời cuộc. Sau những ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Dân chủ, ông chuyển sang làm thơ tranh đấu đăng trên các báo tiến bộ lúc bấy giờ.

Không rõ tự bao giờ hai từ “Già Khương” đã trở nên quen thuộc với mọi người trong làng văn chương Việt Nam. Phải chăng nó được vận vào từ câu thơ ông viết gửi người con trai thứ chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ: “... Qua cây da đầu thôn/ Con nhớ thét to lên/ Cho cha ông nghe tiếng/ Rằng, thằng Hưng/ Con Già Khương/ Đã về!”.

Vì thế tháng 10/1941, ông bị Pháp cách chức “vì lòng trung thành đáng nghi ngờ và những hoạt động chính trị đáng khiển trách”. Từ 1925 - 1945, trên dưới 200 bài thơ của ông được đăng trên các báo: “Tiếng Dân”, “Phụ nữ Tân Văn”, “Phụ nữ Thời đàm”, “Thế Giới, Mới”… với những bút danh khác nhau: Thế Nhu, Hy Doãn, Thiên Tân, TN, HD, HZ, Z… cùng hàng trăm bài khác chưa đăng được đưa vào thành 2 tập: “Tổ quốc” và “Đời lam lũ”.

Những bài thơ tâm tình khóc vợ, thương em tập hợp thành 2 tập: “Lệ” và “Sương” (chưa in). Ông cũng chính là tác giả cuốn “Kinh nhật tụng của người chiến sĩ” với sự trợ tác của hai bạn thơ Nguyễn Đình Thư, Nguyễn Đình, xuất bản tháng 5/1946. “Kinh nhật tụng” đã được nhiều đơn vị bộ đội, cán bộ cơ quan ở miền Nam, cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ học thuộc lòng và được truyền miệng qua nhiều thế hệ trong lao tù thực dân đế quốc, được các chiến sĩ cách mạng coi đó là “quyển sách gối đầu giường, là vũ khí sắc bén, là cẩm nang ứng xử trong tù”...

Bên mộ người con trai dầu hy sinh năm 1953.

Tác phẩm văn học gây chấn động trong lịch sử làng văn một thời là trường ca “Từ đêm mười chín” ông viết năm 1947 - 1948, được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam (1951 - 1952). Đây là tác phẩm sử thi đầu tiên của văn học kháng chiến Việt Nam, phản ánh chân thật cuộc chiến tranh toàn dân thời kỳ đầu, trên dải đất hẹp miền Trung.

Song song với sự nghiệp thơ sáng tác đồ sộ, Khương Hữu Dụng còn có một sự nghiệp thơ dịch cũng phong phú không kém và rất đặc sắc, đặc biệt trong dịch thơ chữ Hán. Với quan điểm “Dịch là đối thoại”, ông đã dịch hàng nghìn bài thơ Đường, thơ Tống, hàng trăm bài thơ chữ Hán của các tác giả cổ điển, cận đại và đương đại Việt Nam, thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh và dịch thơ của nhiều tác giả phương Tây Victor Hugo, Apolinaire, Aragon, Dante... Ông thực sự chiếm giữ một vị trí quan trọng trong nền dịch thuật văn học hiện đại ở nước ta.

Tâm sự về nghề, Già Khương viết: “Nếu coi đó là nghề thì nghề một đời của tôi là làm thơ và dịch thơ”.

Năm 63 tuổi, Già Khương về hưu, nhưng cho đến khi trở về với cát bụi (17/5/2005), ông vẫn không ngừng cống hiến cho văn chương.

Xin mượn 2 câu thơ tâm sự của ông lúc sinh thời để kết thúc bài viết nhỏ này:

Bi bô từ thuở “Tiếng Dân”

Bạc đầu thơ vẫn tiếng Xuân đánh vần

Lâm Vy
.
.