Tin văn hoá

Áo dài vào lễ hội

Thứ Sáu, 04/04/2014, 08:00

Lễ hội áo dài Tp HCM lần thứ nhất vừa được tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen. Có thể xem đây là một cơ hội nữa để vinh danh trang phục truyền thống nổi bật của dân tộc ta.

Trong quá trình kết nối với thế giới, áo dài được quốc tế hóa trong từ điển nhân loại là "aodai". Nhiều người Việt Nam tự hào khi ra nước ngoài thì được bạn bè ngưỡng mộ vây quanh chụp ảnh như những siêu sao, vì họ khoác lên mình chiếc áo dài nền nã và quý phái. Vẻ đẹp hiển lộ của chiếc áo dài được nhuận sắc thêm bởi nhiều tác phẩm nghệ thuật. Từ văn chương, nhiếp ảnh cho đến hội họa đều dành tình yêu nồng nàn nhất cho chiếc áo dài. Thi sĩ Nguyên Sa có bốn câu thơ rất sinh động về chiếc áo dài: "Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay?".

Đến thời điểm này, không thể nói khác hơn, chiếc áo dài đã trở thành một báu vật của văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, thử hỏi chúng ta đã biết cách nâng niu giá trị chiếc áo dài chưa? Bằng nỗ lực cá nhân, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã xây dựng Bảo tàng áo dài với không gian khoảng hai ngàn mét vuông tại quận 9 -Tp HCM thu hút khá nhiều du khách tham quan mỗi tuần. Và dù cố gắng ra sao thì một người chắc chắn không đủ tài lực và vật lực để đề cao chiếc áo dài một cách xứng đáng.

Với quan niệm "quần áo tuy dùng để che thân, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước", họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã sáng tạo nên mẫu áo dài đầu tiên đặt tên là Le Mur vào năm 1934. Đồng cảm sâu sắc, họa sĩ Lê Phổ tiếp tục cải tiến sản phẩm Le Mur thành chiếc áo dài phổ biến trong đời sống. Năm 1937, tại vườn hoa Tao Đàn - Sài Gòn đã diễn ra cuộc thi Hoa hậu Áo dài đầu tiên với sự tham gia của 19 cô gái đến từ Nam Kỳ lục tỉnh, và vương miện được trao cho mỹ nữ 25 tuổi - Nguyễn Thị Liễu. Mãi đến năm 1995 mới có cuộc thi Hoa hậu Áo dài với gương mặt đăng quang là Đàm Lưu Ly. Tại sao khắp đất nước nở rộ hàng chục kiểu thi nhan sắc khác nhau, mà chúng ta không ấn định một cuộc thi Hoa hậu Áo dài hằng năm?

Theo năm tháng, chiếc áo dài được cách điệu bởi nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng nếu không có những nét vẽ thuở nào của họa sĩ Nguyễn Cát Tường thì chúng ta không thể có loại trang phục quyến rũ này. Có lẽ, cũng đã đến lúc phải có một sự ghi nhận tử tế dành cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường, đúng tinh thần uống nước nhớ nguồn!

Lê Thiếu Nhơn
.
.