Anna Nicole Smith - Đến chết chưa hết bê bối

Thứ Tư, 01/08/2007, 14:15
Một tên tuổi lớn trên công luận toàn cầu chừng hai mươi năm lại đây là Anna Nicole Smith. Đáng ngạc nhiên, cô không phải một nhân vật có đóng góp quan trọng trong một lĩnh vực nào đó. Thực ra, cô chỉ là một người hết sức bình thường, nhưng được thêu dệt thành một "trung tâm văn hóa" cho người đời ngưỡng vọng....

Giữa tháng năm vừa qua, Tập đoàn Associated Press của Mỹ bán đấu giá trên mạng một tập "Nhật ký" của Anna Nicole Smith, sau khi cho đăng tải một vài trích đoạn. Một doanh nhân Đức đã mua nó với giá 500.000 USD. Ông ta sẽ bán dần thông tin trong đó và sẽ thu được những món lãi kếch xù.

Vậy là, ngay nỗi lòng thầm kín của Anna Nicole Smith (qua tập "Nhật ký") cũng đã bị thương mại hóa...

Cô sinh năm 1967, ở bang Texas, Hoa Kỳ. Do hoàn cảnh gia đình, cô phải tự lập sớm, đầu tiên là nghề phục vụ quán ăn. Tại đây, năm 17 tuổi, cô lấy một người đầu bếp. Hai năm sau, con trai Daniel ra đời, vợ chồng cô chia tay.

Có sắc đẹp, cô nuôi tham vọng đóng vai trò một Marilyn Monroe mới. Cô tham gia vũ thoát y, rồi phẫu thuật sửa môi, nâng ngực. Cô nhuộm tóc vàng. Tóc vàng là một biểu tượng của Holllywood!

Vũ thoát y là nghề chính, song cô còn làm người mẫu. Tìm cách đi vào điện ảnh, cô bị giới phê bình chê bai thậm tệ.

Năm 1994, cô còn đoạt giải Mâm xôi vàng về nữ diễn viên dở nhất năm. Như vậy, ước mơ làm "Marilyn Monroe mới" không thực hiện được. Nó thậm chí là một nỗi ô nhục bẽ bàng. Song cô có phần vượt Marilyn Monroe trong "tài năng" tạo bê bối đủ kiểu.

Năm 1992, cô gặp Hugh Hefner, chủ bút Tạp chí Playboy lừng lẫy. Một phần do kế sinh nhai, cô đồng ý chụp ảnh "tươi mát" cho bìa tạp chí này. Cô được suy tôn là "người ăn ảnh" nhất ở đấy. Tuy vậy, ấn tượng kỳ lạ nhất mà cô gây ra là cuộc hôn nhân năm 1994 với nhà tỉ phú dầu lửa J.Howard Marshall bấy giờ 89 tuổi.

Hai năm trước, nhà tỉ phú quen biết cô trong một hộp đêm. Rồi, các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu không ngớt đưa tin và bàn luận sôi nổi về chuyện một cô gái trẻ kết hôn với một ông già hơn mình 62 "cái lá vàng rơi". Mặc dù cô luôn khẳng định cô tự nguyện làm vợ ông trùm Mỹ là do yêu ông song "cuộc vui ngắn chẳng tày gang".

Mười bốn tháng sau ngày cưới, ông lìa đời. Lúc này, cô mới vỡ lẽ rằng trong di chúc, chồng cô không để lại cho cô chút tài sản nào như cô vẫn tưởng. Cô bắt đầu nhờ pháp luật can thiệp để có mình có phần trong 1,6 tỉ USD mà chồng để lại.

Con trai cụ trùm dầu lửa Pierce Marshall, nhất quyết không chịu. Năm 2002, tòa sơ thẩm ra phán quyết cho cô được nhận 88 triệu USD trong gia tài của chồng. Thế nhưng, năm 2004, tòa phúc thẩm bác bỏ quyết định vừa nêu.

Vụ việc được đưa lên tòa án liên bang. Con trai chồng cô đã mất tháng sáu năm ngoái. Lại một chi tiết giật gân khiến hàng triệu người phải quan tâm đến một người đàn bà được coi là "bản lĩnh siêu hạng".

Tháng chín năm ngoái, cô sinh bé gái Dannielynn. Con trai Daniel đến thăm mẹ và em thì bị đột tử. Nguyên nhân là dùng thuốc an thần (trong đó có ma túy) quá liều. Cô càng bị soi mói và tung hô như một nạn nhân khốn khổ và một anh hùng ngạo nghễ. Cô quá bàng hoàng vì cái chết của con, nên tự sát hai lần.

Một  lần, uống thật nhiều thuốc ngủ, hôn mê 48 tiếng. Một lần tự trầm mình "trong bể bơi", người tình là Howard KStern cứu được. Cuộc ầm ĩ về cô bùng lên dữ dội hơn, khi cô đột ngột tắt thở tại một khách sạn của Hollywood ngày 8 tháng 2 năm nay. Thế mà, cô và Howard KStern chuẩn bị thành hôn vào cuối tháng ấy.

Có đến ba đấng mày râu đòi quyền làm cha đẻ của con gái cô đang có cơ  trở thành tỉ phú. Nơi chôn cất cô cũng phải lụy đến pháp luật. Pháp luật cũng phải ra tay để đưa ra kết luận cuối cùng về lý do cô qua đời. Cô không tự tử, không bị ám hại, không dùng thuốc quá liều. Cô chết vì hệ miễn dịch hầu như tê liệt hoàn toàn và thần kinh quá tải.

Cái chết của cô được truyền tin hầu khắp thế giới. Vô số lời chia buồn được đưa lên mạng và các cơ quan ngôn luận. Thật đáng giật mình, Hãng thuốc giảm béo Trimpsa, vốn được cô quảng cáo đắc lực bao lâu, vừa chia buồn xong, đã lên án cô gian lận, vì cô ngầm làm ăn với cả các công ty kình địch của hãng. Đám tang cô ở Bahamas được ví như đám tang một nữ hoàng.

Đương nhiên, để tồn tại và phát triển, sinh thời Nicole Smith phải dùng nhiều thủ đoạn như vừa đề cập. Một thủ đoạn khác là dùng "vốn tự có" để đổi lấy đặc ân của các quan chức đầu bự.

Ví dụ, cô nằm xuống rồi, báo chí mới tung ra những bức ảnh chụp cô đang "thân ái" với Bộ trưởng Nhập cư Shane Gibson. Vị bộ trưởng da đen này đã giúp cô có được khu tư dinh đẹp bậc nhất ở Bahamas nói riêng và Hoa Kỳ nói chung.

Từ một cô gái quê nghèo hèn, cô vươn lên hàng siêu sao, "một gương mặt văn hóa đại chúng", "một phụ nữ vĩ đại". Khát vọng vươn lên của cô là đáng ghi nhận.

Song đáng sợ hơn là bao "cạm bẫy" giương ra để lợi dụng hào quang giả mà nhiều thành tố văn hóa cố tình dày công tạo dựng. Hào quang ấy là một món hàng béo bở được kinh doanh cùng kiệt cả ngay khi cô đã từ giã cõi đời

Nguyễn Văn Quảng
.
.