Anh chàng "già làng" dưới chân núi mẹ

Thứ Ba, 22/04/2014, 08:00

Dò dẫm đến được buôn làng của người Lạch dưới chân núi Lang Biang - núi Mẹ trong tâm thức của đồng bào Lạch ở Lạc Dương, Lâm Đồng - thì đã xế chiều. Tôi hỏi đường đến nhà già làng. Người đàn ông trung niên có thân hình vạm vỡ như con gấu, mái tóc dài, xoăn buộc đuôi ngựa rất lãng tử và ánh mắt, nụ cười tin cậy mà tôi gặp giới thiệu: "Mình chính là Kra Jan Plin - già làng đây". Tôi… phát hoảng.

Khi đã mặn chuyện, tôi thú thật: Trong suy nghĩ của tôi, già làng ở Tây Nguyên phải là những người đạo mạo và lụ khụ, khiến lần đầu gặp, ta phải cung kính, e dè. Anh chàng… già làng ấy cười ha hả: "Với người Lạch, già làng tất nhiên là phải có uy tín với đồng bào để điều hành buôn làng theo luật tục, thay mặt buôn làng giao tiếp với bên ngoài; phải am hiểu phong tục tập quán và có uy để hành lễ, giao tiếp với Yàng, với thần linh. Già làng phải giỏi nhưng không nhất thiết phải… già". Lần hạnh ngộ đầu tiên của 14 năm về trước ấy, Plin cho tôi cảm giác lạ lẫm, kỳ bí như rừng già.

Kra Jan Plin sinh trưởng tại thôn Đăng Gia, xã Lát (nay là thị trấn Lạc Dương), tỉnh Lâm Đồng vào mùa nắng của năm 1961. Chả ai nghĩ lớn lên cậu bé sẽ thành già làng… trẻ nhất Tây Nguyên. Người ta chỉ cầu phúc cho nó mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn để biết đi rừng săn thú, xuống suối bắt cá… chứ ai biết đâu mà mong lớn lên nó trở thành nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu. Chắc là Yàng chọn!

Kra Jan Plin kể rằng: "Gia đình tôi có truyền thống yêu âm nhạc, ba mẹ đều là những nghệ nhân hát dân ca. Tối tối cha thường thổi kèn bầu để ru vợ con ngủ, sáng sáng người dùng tiếng kèn bầu để gọi vợ dậy sớm đi lấy nước, giã gạo, thổi cơm… Những điệu kèn, câu hát đã trở nên quen thuộc, thấm đẫm trong tâm hồn, rồi tôi bắt đầu thích ca hát, nhảy múa, viết nhạc từ khi nào không hay…".

Tốt nghiệp Trung cấp Y tế tỉnh Lâm Đồng, năm 1980, y sĩ Kra Jan Plin nhận công tác ở Trạm y tế xã vùng sâu Đam Rong, cách nhà gần 100km đường rừng suốt 8 năm. Tuy điều kiện công tác và đời sống rất khổ cực nhưng đã mang lại cho Plin nhiều điều, đáng kể nhất là sự khơi mở của con đường sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc… Anh chợt nhận ra, ở buôn làng mình, bà con phần vì mải miết mưu sinh, phần chịu tác động dòng chảy văn hóa ngoại lai nên không còn chí thú đến đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình.

Tự vơ vào mình nỗi lo lắng, anh từ chối cơ hội đi học bác sĩ. Plin xin chuyển sang ngành Điện lực năm 1988 chỉ với một suy nghĩ: "Thợ điện quanh năm được đi khắp núi cao vực sâu để dựng cột, kéo dây như thế thì chắc biết nhiều chuyện hay lắm". Ở Điện lực được 3 năm, vừa thỏa chí đi đây đi đó, vừa được tham gia các hoạt động văn nghệ tại cơ quan, vừa tranh thủ tự học tiếng Anh, tiếng Pháp, tin học, lái xe… năm 1991, Plin chuyển về Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng.

Một tiết mục biểu diễn của nhóm "Những người bạn Lang Biang".

Về đúng nơi được quanh năm suốt tháng lọt thỏm giữa đàn ca sáo nhị, Plin như thỏa chí. Nhưng một chiều mưa buồn, đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông, Plin chợt ngộ: Hóa ra bao lâu nay, mình toàn hát những bài cổ động, nhạc xập xình, lời sáo rỗng, nghe rồi quên; để mưu sinh, để khoe sức, khoe giọng, mình toàn hát nhạc Anh, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha dưới ánh đèn màu ở những chốn xô bồ. Chả có cái gì là Plin, là người Lạch.

Năm 1995, cắt phăng những gì xưa cũ, Kra Jan Plin về buôn. Trên những nẻo đường lãng du từ khi còn là y sĩ, đến thợ điện, văn nghệ quần chúng, Plin đã chú tâm tìm hiểu, sưu tầm những bài dân ca K'Ho, rồi mày mò thử sáng tác những bài hát bằng tiếng K'Ho với lời lẽ dễ hiểu, giai điệu mới nhưng mang âm hưởng dân ca để nghêu ngao hát chơi. Tập nhạc của anh cũng đã có kha khá bài hát ra chất Tây Nguyên. Nhưng về buôn, làm sao để hát cho bà con nghe bây giờ?

Vò đầu bóp trán mãi, Plin quyết định phải chơi đến cùng, đã có bài hát thì phải sắm dàn nhạc dân tộc để biểu diễn. Nhìn khắp nhà chỉ có đàn trâu là đáng giá, Plin gọi người đến bán sạch, được gần chục triệu đồng để lấy tiền mua trống, sắm đàn, tậu loa…Sau đó, Plin tụ họp anh em, bè bạn, làm một bữa rượu cần nghiêng ngả để tuyên bố thành lập nhóm "Những người bạn Lang Biang". Khoảng sân rộng sau nhà được anh trưng làm đại bản doanh của nhóm nhạc. Ngày ngày, từ nương rẫy về, ném cái xà gạc vào góc nhà, hạ cái gùi xuống, 12 chàng trai cô gái đầy nhiệt huyết ấy lại hăng hái tập hát, chơi đàn, đánh chiêng, thổi kơm buốt, hát đối đáp đêh kô, đêh lờn... vang một góc buôn. "Hát hò thuần thục rồi thì kéo nhau đi góp vui trong những dịp buôn làng có đám cưới, đám hỏi, lễ lạt..." - Plin nhớ lại.

Nhóm nhạc "Những người bạn Lang Biang" nhanh chóng gây được ấn tượng mạnh trong lòng công chúng khi biết kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy vốn cổ. Chương trình của nhóm được định hình: Cồng chiêng Đón khách (bài bản xưa), giới thiệu các điệu chiêng khác: Tiếng chiêng Proh gọi bầy, Tiếng chiêng Dênh gọi mưa, Tiếng chiêng mừng ngày hội v.v…, độc tấu kèn bầu (kơm buốt), hát đối đáp đêh kô, đêh lờn, đêh reng…

Lúc đầu, Plin chỉ cốt mua sắm nhạc cụ để biểu diễn và ngăn nạn chảy máu cồng chiêng… nhằm giữ lại một phần văn hóa truyền thống của dân tộc, tái hiện lại các lễ hội cúng Yàng, cầu mưa, cầu mùa màng, bảo tồn bài bản 36 nhịp chiêng... Dần dà, khách du lịch yêu cầu, nhóm chuyển sang biểu diễn chuyên nghiệp. Nhóm có 20 thành viên, từ những em bé 4-5 tuổi đến những người 50 tuổi.

Không chỉ giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đến đông đảo du khách, góp phần cải thiện đời sống của các thành viên, nhóm còn là nơi phát hiện và bồi dưỡng những tài năng văn nghệ. Đã có hơn chục em học sinh là thành viên của nhóm, sau khi tốt nghiệp THPT, được anh gửi đi học ở các trường nghệ thuật và tất cả đều biết làm tài năng ca hát của mình thêm dậy hương.

Như bắt được vàng, Trung tâm Du lịch Đà Lạt ngay lập tức đưa chương trình của nhóm vào tour. Vậy là tối tối, tại nhà sàn của Kra Jan Plin ở chân núi Lang Biang, khách du lịch được đắm chìm vào những phong tục tập quán, những lời ca điệu hát đặc sắc của đồng bào Lạch. Từ nhóm cồng chiêng  "Những người bạn Lang Biang" đến nay cả vùng đã có 12 đội, nhóm văn nghệ với khoảng gần 300 thành viên thường xuyên biểu diễn điệu chiêng, nhịp xoang, tiếng kèn mpơt… để chinh phục thiện cảm của du khách gần xa. Ở vùng đất huyền thoại này cũng có nhiều gia đình nghệ thuật như: gia đình Kra Jan Đick, Phó đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng; gia đình Pang Ting Mút có rất đông anh em trong dòng họ theo nghệ thuật; gia đình của già làng Kra Jan Plin hiện có 2 người con đang theo học ngành nghệ thuật… Công đầu thuộc về chàng "già làng" Kra Jan Plin.

Mới 53 tuổi nhưng Kra Jan Plin đã được bà con ở các buôn làng người Lạch (một bộ phận của dân tộc K'Ho quần cư dưới chân núi Lang Biang) tín nhiệm bầu đảm nhận trọng trách già làng từ 14 năm nay. Trái với suy nghĩ của nhiều người về một vị già làng, anh lái ôtô, phóng xe máy phân khối lớn vèo vèo, lướt web thuần thục, gõ laptop rào rào... "Phải tiếp cận những tiến bộ của nền văn minh thế giới chứ, phải hiểu biết cổ kim đông tây thì mình nói bà con mới nghe. Mình lấy cái hiện đại để giữ vốn cổ" - Anh tự hào. Tìm được Kra Jan Plin khó lắm bởi cứ xểnh ra là anh xê dịch khắp nơi. Anh đi để lấy cảm hứng làm thơ, chụp ảnh, để sưu tầm văn hóa, để thỏa chí vẫy vùng.

Kra Jan Plin đã chọn 40 bài hát đặc sắc nhất của mình, phần để in thành đĩa CD, phần để đăng tải trên internet để chia sẻ niềm đam mê khúc ca đại ngàn với đông đảo công chúng.

Anh còn là người sưu tầm, biên khảo cuốn "Luật tục K'Ho Lạch" gồm 315 trang, ghi chép và chú giải 1.000 điều, chia làm 50 chương về tất cả đời sống tinh thần của đồng bào K'Ho. Nói về công trình biên khảo quý này, anh chỉ ngắn gọn: "Miệng của thần linh, lưỡi của các già làng". Plin còn giành thời gian hoàn thành công trình âm nhạc dân gian của người K'Ho, rồi đến công trình sử thi của người K'Ho. Anh bảo: "Trót yêu nhiều thứ quá nên phải trả nợ từng thứ một chứ biết làm sao!"

Nguyễn Thị Tuyết Sang
.
.