42 tỷ tồn đọng và những kịch bản không được dựng

Thứ Năm, 22/09/2011, 08:00
Vụ thất thoát 42 tỷ tại Cục Điện ảnh được chính những người trong giới cho là một thảm họa của ngành nghệ thuật thứ bảy nước ta. Trước sức ép dư luận, Cục trưởng Cục Điện ảnh  Lại Văn Sinh và Cục phó Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh cũng đã nộp đơn xin từ chức.

Cách hành xử của hai vị quan chức điện ảnh cũng có thể xem như một thái độ hối lỗi cần thiết. Nghĩa là số tiền mất đi đã có người chịu trách nhiệm. Thế nhưng, ở đây không chỉ tồn tại câu chuyện truy tìm nguyên nhân và giải pháp thu hồi, mà con số 42 tỷ ấy nhắc nhở những ai yêu màn bạc Việt Nam vài suy tư khác.

Nền điện ảnh non trẻ của nước ta lâu nay vẫn vận hành theo quan niệm "mèo bé bắt chuột con". Công chúng tạm chấp nhận những bộ phim đầu tư vừa phải, cảnh trí đôi khi tạm bợ, tình tiết đôi khi vụng về, diễn viên đôi khi lúng túng, rạp chiếu đôi khi hắt hiu. Vì sao có sự độ lượng như vậy? Vì Việt Nam còn nghèo, chúng ta phải hoạt động điện ảnh kiểu ít tiền. Thế thì tại sao trong tài khoản Cục Điện ảnh vẫn có số dư 42 tỷ để kẻ gian ra tay chiếm đoạt? Rõ ràng, bên cạnh khả năng quản lý yếu kém, chúng ta chưa có cơ chế giám sát hợp lý.

Nếu biết rằng, hơn ba năm qu a, Cục Điện ảnh không hề phê duyệt bất kỳ dự án làm phim nào từ ngân sách (kịch bản phim "Mùi cỏ cháy" lấy cảm hứng từ nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, vẫn ở dạng "quy hoạch treo"), thì càng thấy khó hiểu về bài toán tài chính ở cơ quan nắm giữ sự hưng vong của nghệ thuật thứ bảy nước nhà. Với một nền điện ảnh nghèo, phải biết cách tận dụng từng đồng thật hữu ích cho quá trình phát triển. Cân nhắc kỹ lưỡng, với 1 tỷ đồng cũng có thể mở một trại sáng tác kịch bản phim hoặc tổ chức một hội thảo điện ảnh tử tế. Thử hỏi, cớ gì tiền tỷ cứ dồn lại và đến ngày hốt hoảng kêu gào vì một anh kế toán bỏ trốn?

Suốt thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, những bộ phim được khán giả yêu mến như "Áo lụa Hà Đông", "Mùa len trâu", "Cánh đồng bất tận"… đều do tư nhân bỏ vốn sản xuất, kinh phí mỗi tác phẩm tròm trèm 10 tỷ. Tính cả yếu tố lạm phát, thì 42 tỷ vẫn có thể cho ra đời hai bộ phim tương đối đàng hoàng. Tiếc nuối thay, trong hoàn cảnh thừa tiền thiếu phim mà Cục Điện ảnh lại để mất tiền!

42 tỷ không phải là số tiền quá lớn đối với ngành khác, nhưng là khoản tiền không nhỏ đối với ngành Điện ảnh. Bởi lẽ thu nhập của những người làm phim ở nước ta vẫn thấp, số tiền mà Cục Điện ảnh tuyên bố thất thoát có thể gây tổn thương cho giới nghệ thuật thứ bảy! Càng nghĩ càng buồn, điện ảnh chúng ta đang vắng bóng đạo diễn lỗi lạc, đang vắng bóng diễn viên trứ danh. Không lẽ phải thừa nhận thêm rằng, điện ảnh chúng ta cũng đang vắng bóng những người biết xài tiền và biết giữ tiền!

Lê Thiếu Nhơn
.
.