Treo băng rôn, dựng panô nơi công cộng:

1001 chuyện... khó hiểu!

Chủ Nhật, 16/05/2010, 09:30
Cách đây ít tháng, Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có bài phản ảnh hiện tượng các biển hiệu, biển quảng cáo phát triển tràn lan, vừa làm xấu bộ mặt đô thị vừa tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số cửa hiệu tư nhân.

Ở số báo này, chúng tôi xin đề cập tới những sai sót trong việc chọn câu, lựa chữ của một số cơ quan, đơn vị Nhà nước khi tổ chức treo băng rôn, panô, áp phích tại những nơi công cộng, gây phản cảm trong công luận.

Điển hình là vụ một băng rôn có tới hai lỗi chính tả vẫn được treo "nghiêm ngắn" trong Lễ hội Đền Hùng 2010, và cách đây ít ngày là vụ một băng rôn treo trang trọng trước tòa nhà Viet Tower ở ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc (Hà Nội) với nội dung sai lạc đến độ không thể tưởng tượng nổi: "Chào mừng ngày giải phóng thủ đô 30-4 và ngày quốc tế lao động 1-5"...

Chúng ta đều biết, từ nhiều năm nay, băng rôn hay panô, áp phích... là những thứ đã trở nên quen thuộc với đời sống cộng đồng. Bằng hình ảnh, con chữ, nó gửi đi một thông điệp, một lời nhắn nhủ, mời gọi... tới những ai đó, chí ít cũng không phải chỉ là với một đôi người, với vài ba gia đình.

Tấm băng rôn gây nhiều thắc mắc được treo ở ngã ba đường 30/4 và Quang Trung (quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ).

Tiếc là, "sứ mệnh" và "tầm vóc" thì như vậy, song trong thực tế, việc làm này chưa được các cơ quan, đơn vị chú trọng đúng mức, khiến cho tác dụng của nó trong đời sống của đại bộ phận dân cư vẫn còn khá mờ nhạt. Chưa kể chỗ này chỗ khác, nó còn khiến người ta có cảm giác "lợi bất cập hại"...

Như báo chí đã đưa tin, tại Lễ hội Đền Hùng vừa qua, nhiều người dân đã không khỏi bất ngờ sửng sốt khi "tận mục sở thị" một tấm băng rôn với hàng chữ "Hội thi gói, nấu bánh trưng, giã bánh giày". Họ nhìn mà không tin vào mắt mình, bởi chỉ cần với trình độ tiểu học thôi là các em đã có thể dễ dàng nhận biết được rằng, phải viết là "bánh chưng" chứ không phải "bánh trưng"; "bánh giầy" chứ không phải "bánh giày".

Có nhà báo đã vô phép các Cụ Tổ của chúng ta mà đùa rằng, với lễ vật như vậy, các Cụ Tổ từ chối là phải! Tất nhiên, sau khi vụ việc được phát hiện, tấm băng rôn sai chính tả trầm trọng nói trên đã nhanh chóng được gỡ xuống. Và ông Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Phú Thọ thì cam kết: "Từ bài học này, Sở đã yêu cầu từ nay về sau, trong tất cả hoạt động văn hóa nghệ thuật, các market băng rôn đều phải được một Phó giám đốc Sở duyệt trước khi đem in ấn, phổ biến rộng rãi". Song, vấn đề không phải là ai ký duyệt, mà là vấn đề trình độ và thái độ của người được giao việc. Bởi một ông Phó giám đốc Sở mà sai chính tả thì có ký thế chứ ký nữa cũng bằng không.

Nhầm ngày Giải phóng miền Nam thành ngày Giải phóng Thủ đô như trong tấm băng rôn này thì thật là...khó hiểu!

Thật ra, tình trạng viết sai chính tả trong các băng rôn, panô, áp phích... đã không còn là hiện tượng cá biệt. Còn nhớ, hồi tháng 8 năm 2008, báo chí từng phản ảnh trường hợp một tấm băng rôn được căng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1- TP HCM) có đính 2 câu thơ mang tính cảnh báo: "Ai ơi nhớ lấy câu này/ Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua".

Điều hài hước là, chữ "lội" mà tưởng như ai cũng phải hiểu như vậy đã được in ra thành chữ "nội". Được biết, đây là băng rôn của Ủy ban An toàn giao thông TP HCM. Họ muốn thông qua tấm băng rôn để tuyên truyền người dân chấp hành luật lệ giao thông đường thủy. Cũng tại TP HCM, cùng thời điểm này còn xuất hiện một tấm băng rôn sai chính tả đến thành... ngọng nghịu: "Doanh nghiệp công nghệ thông tin TP. HCM: Nóng nòng chờ hỗ trợ".

Chưa dừng ở đó, ngày 19/11/2008, trên báo Người lao động Online, tác giả N.Dương đã đưa tin: Cũng vẫn thuộc địa bàn TP HCM, có tới 60 băng rôn chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam treo trên một số cột điện dọc hai tuyến phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Điện Biên Phủ đã bị gỡ bỏ vì trích sai 2 câu thơ "Muốn sang phải bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" (băng  rôn ghi là "bắt cầu Kiều").

Ngoài việc viết sai chính tả, sai ngữ nghĩa, không ít băng rôn được viết tắt nội dung, hóa thành thô tục, gây phản cảm nơi người đọc. Như phản ảnh của tác giả Lê Minh trên một trang web: Để hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11, trước cửa Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức (TP HCM), người ta cho căng một băng rôn với dòng chữ có màu sắc khá bắt mắt: "Ngày hội đái tháo đường quận Thủ Đức".

Lại có những băng rôn (hoặc panô, áp phích) mà chữ nghĩa thể hiện trên đó không được hợp tình hợp lý cho lắm. Mới đây nhất, trên Báo Sài Gòn tiếp thị online, tác giả Nguyễn Ngọc Sáng có nhắc tới một tấm băng rôn được treo ở một số điểm trên địa bàn TP Cần Thơ (trong đó có ngã ba đường 30/4 và đường Quang Trung - quận Ninh Kiều): "Ma túy không phải là trò chơi của trẻ em". Tác giả phân tích (theo tôi là rất xác đáng): "Viết thế thì người đọc có quyền hiểu, đó là trò chơi dành cho người lớn!".

Trước đó, Báo Lao động số ra ngày 16/9/2008 cũng từng cho biết: Ở trước cửa trụ sở Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum), người ta cho dựng một tấm panô lớn với dòng chữ "Thời chiến Nhà nước ghi công các anh hùng liệt sĩ, đất nước hòa bình toàn dân tôn vinh những người thực hiện tốt nghĩa vụ thuế". Nhiều người dân đã thể hiện sự không đồng tình trước cách tuyên truyền, vận động thô thiển như thế này.

Một bạn trẻ sau khi đọc thông tin trên đã phân tích: "Không lẽ chỉ cần "thực hiện tốt nghĩa vụ thuế", đóng tiền thuế đầy đủ là vinh quang không kém những anh hùng liệt sĩ? Anh Trỗi, chị Sáu, anh Lê Văn Tám... mà biết người ta nghĩ thế này chắc buồn lắm đấy?". Bản thân Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Hà cũng phải thừa nhận: "Khẩu hiệu, nội dung như thế này là không thể chấp nhận được".

Thông thường, nội dung ghi trên băng rôn, panô, áp phích dẫu "ôm trùm" đến đâu thì chữ nghĩa cũng cần phải cô đúc, gọn gàng (nghĩa là không được dài). Bởi câu dài thì chữ buộc phải nhỏ, khiến người đọc (đa phần đang tham gia giao thông) khó nắm bắt nhanh và đầy đủ toàn bộ ngữ nghĩa của nó. Ở dẫn chứng trên, bạn đọc đã được tiếp xúc với một panô khá nhiều chữ (27 chữ).

Song vẫn chưa ăn thua so với một băng rôn từng được dựng trên bùng binh Điện Biên Phủ (TP HCM) mà một blogger từng chụp ảnh, đưa tin và bình luận trên blog của mình. Băng rôn này có nội dung rất lòng vòng, như thể đó là dòng chữ trích ra từ nhật ký vậy, và dài, rất dài (cả thảy 32 chữ): "Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ".

Thật lạ là có những tấm panô, mặc dù chữ nghĩa được sơn kẻ rất cẩn thận, nhưng lại sai một cách... khó hiểu. Ví như có panô ghi: "Cấm láy xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường giao thông" ("lái xe" sao lại viết thành "láy xe"?). Hay là: "Đội mũ bảo hiểm có cài quay là bảo vệ chính mình" (sao lại "cài quay" mà không phải "cài quai"?).

Thật khó tin là những tấm panô như thế đã được người ta "thông qua" và cho dựng trang trọng, ngay ngắn ở những nơi đông người qua lại.

Lại có những panô, thoạt nghe thì thấy chữ nghĩa cũng "không có vấn đề gì" (thậm chí còn rõ ràng, dễ hiểu), nhưng khi phân tích từng từ, từng chữ thì thấy nó lại có phần chưa được chính xác. Theo ý kiến của tác giả Tôn Bảo trên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh Kon Tum thì dòng chữ "Không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông" được thể hiện trên một tấm panô dựng ở ngã ba Trần Phú - Nguyễn Huệ (tỉnh Kon Tum) là "hoàn toàn sai về mặt ngữ nghĩa".

Tất nhiên, đọc dòng chữ này, ta có thể hiểu thông điệp đặt ra là: Không được điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng bị men rượu, men bia chi phối (nói chữ là "không được có nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định"). Song, nếu diễn đạt như trong tấm panô nói trên thì cách lập luận của tác giả Tôn Bảo theo tôi là không phải không có lý: "Ai mà vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa uống rượu bia cho được".

Không phải là "bắt bẻ", những cách đặt vấn đề như của tác giả Tôn Bảo theo tôi là cần thiết. Nó nhắc nhở người ta rằng: Việc chọn nội dung thế nào để trưng ra giữa bàn dân thiên hạ bao giờ cũng phải được suy tính, cân nhắc thấu đáo

Phạm Thành Chung
.
.