Có một “Nhạc viện đồng quê”

Thứ Hai, 15/03/2010, 16:00
Là người có năng khiếu âm nhạc, từng học ở Nhạc viện Hà Nội, sau đó làm cán bộ ngành Lâm nghiệp, kể từ khi nghỉ hưu đến nay, ông Phạm Quyết Thắng đã thành lập Trung tâm học nhạc ngay tại nhà mình, lấy tên là "Trung tâm học tập cộng đồng" (TTHTCĐ).

Một người khách sau khi tham quan cơ sở này, đã tặng cho ngôi nhà của ông biệt danh "Nhạc viện đồng quê". Thấy hay, ông Thắng lấy luôn tên đó đặt cho Trung tâm của mình. Giờ, "nhạc viện" là điểm đến của hàng trăm học trò từ khắp mọi nơi.

Lớp học... "xa xỉ"?

Đến đầu làng Thành Mỹ (xã Ninh Mỹ, Hoa Lư, Ninh Bình) là "bản doanh" của "Nhạc viện đồng quê" đã nghe thấy tiếng hát, tiếng nhạc réo rắt. Thầy say sưa truyền đạt và trò say sưa học. Điều đặc biệt là, thầy giáo dạy không lấy một đồng tiền công nào, học trò đủ mọi lứa tuổi, ai thích học, có niềm đam mê âm nhạc thì đến học.

Từ em bé chăn trâu đến các cụ già. Thầy Phạm Quyết Thắng sẽ thu nhận hết, dạy tận tâm tận lực. Trẻ em đến học thầy Thắng, em nào cũng trở nên chăm ngoan, học văn hóa "thuận" hơn. Người già đến học thì trở nên linh hoạt, minh mẫn hơn. "Nhạc viện đồng quê" giờ không chỉ là niềm tự hào của gia đình thầy Thắng, mà của cả xã Ninh Mỹ.

Thầy Thắng (người ôm đàn) và các học trò của mình.

Nói về ý tưởng, thầy Phạm Quyết Thắng kể: "Sau khi nghỉ hưu, tôi đã dành thời gây dựng lại niềm đam mê nhạc từ thời thanh xuân của mình. Với cây đàn organ S90 cũ kỹ, tôi bỏ tiền đầu tư thêm cây violon mới. Khi tôi biểu diễn, trẻ con trong làng, trong xóm kéo đến xem rất đông. Nhiều đứa muốn tôi dạy chúng.

Tôi nghĩ rằng, âm nhạc phải có một sức mạnh nào đó mới "rủ" được chúng đến gần. Tôi dạy. Ban đầu chỉ có mấy đứa, sau đó đứa nọ khoe đứa kia rồi rủ đến nhà tôi rất đông. Tôi lại nghĩ, tại sao mình không thành lập lớp và dạy cho chúng. Thế là, vào một ngày đầu năm 1995, lớp học đầu tiền của tôi ra đời và dần dần được nhân dân hưởng ứng".

"Nhạc viện" ban đầu chỉ có vài ba cây đàn, không đủ cho học sinh thực hành. Thầy Thắng vất vả rong ruổi với chiếc xe máy cà tàng hiệu SIMSON (giờ vẫn dùng) để lùng nhạc cụ cũ, hỏng về sửa chữa lại để cho học trò sử dụng. Nghe tin ở đâu có người bán nhạc cụ cũ hoặc hỏng là thầy mua về bằng được. Tích tiểu thành đại, giờ "Nhạc viện" có gần 10 đàn pin piano, 20 organ, 8 violon và mấy chục ghita, sáo trúc với nhãn hiệu của nhiều nước trên thế giới.

Đến năm 2001, ông Nguyễn Văn Bôi, một người bạn vong niên của thầy Thắng (cùng làm cán bộ lâm nghiệp ở Thanh Hóa) ra Ninh Bình thăm bạn. Cũng là người mê nhạc từ nhỏ, ông Bôi đã bị mê hoặc bởi tiếng violon, lớp học nhạc, và hơn hết là tâm huyết của người bạn già. Ông quyết định từ bỏ cuộc sống yên ổn ở thành phố Thanh Hóa ra Ninh Bình để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc.

Ông Bôi mua căn nhà nhỏ cạnh nhà ông Thắng để sống với người bạn tâm giao và cùng "vực" "Nhạc viện" lên. Có bạn chung vai gánh vác, thầy Thắng đỡ vất vả hơn, thầy lại nhận dạy thêm tin học, kèm cặp văn hóa cho một số học sinh khác. Từ đó, hàng trăm em nhỏ đã được phổ cập âm nhạc, tin học. Vào mùa hội diễn văn nghệ, các "nghệ sĩ" nhí lên sân khấu chơi piano khiến người dân quê tròn mắt ngạc nhiên. Điều đó khiến thầy Thắng vui lắm.

"Luyện sức, luyện đức, luyện tài"

Âm nhạc có thể rèn luyện được sức khỏe, lại có thể rèn luyện được tính người (luyện đức, luyện tài) đó là điều hiển hiện tại "Nhạc viện đồng quê". Đầu tiên, phải kể đến em Nguyễn Việt Tiến, là cháu nội của thầy Bôi. Trước đây Việt rất hay đánh nhau, tính tình lì lợm. Bố mẹ Việt gửi con theo ông nội về Ninh Bình để được dạy dỗ.

Sống giữa môi trường âm nhạc, Việt dần dần bớt nghịch ngợm, hơn thế còn chăm học và biết vâng lời. Giờ cậu có thể kéo violon và chơi piano rất cừ. Em Chu Bàng Long, sinh năm 1994, xưa kia là đứa trẻ nghịch nhất làng Thành Mỹ. Long được bố mẹ đưa đến, nhờ thầy Thắng kèm cặp cả văn hóa lẫn âm nhạc.

Giờ Long tiến bộ lắm, sau khi học xong một khóa ở "Nhạc viện đồng quê", Long đã thi đỗ vào Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Cậu đã rèn luyện được 2 năm ở trường. Mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ tết, cậu lại về giúp thầy kèm cặp một số bạn mới học và đệm đàn cho đoàn chèo của làng tập hát. L.V.H., một cậu bé đã từng là "nô lệ" của chích hút, phải vào cai nghiện ở Trại Giáo dưỡng Ninh Khánh…

Ra trại, cậu tham gia các khóa học ở "Nhạc viện" nên không những đã từ bỏ được ma túy mà còn là một tay đàn cừ khôi… và hiện nay trở thành một sinh viên của Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.  Xưa, Ninh Mỹ cũng là một trong những xã có nhiều tệ nạn ma túy nhất ở Ninh Bình, nhưng giờ tình trạng đó đã giảm hẳn.

Ông Lã Duy Hiểu là người đã gửi cả bốn cô con gái vào "Nhạc viện". Từ "Nhạc viện" này, Lã Bạch Phượng đã thi vào Trường Nghệ thuật Quân đội và trở thành giáo viên dạy nhạc; Lã Thị Tuyết Mai hiện là sinh viên đầy triển vọng của Học viện Âm nhạc Quốc gia; cô út Lã Đào Anh đoạt giải nhất độc tấu Liên hoan đàn & hát với organ Casio các tỉnh phía Bắc năm 2005.

Mong muốn xã hội hóa đào tạo âm nhạc

Xã Ninh Mỹ hiện nay có phong trào học tập, khuyến học phát triển cao. Hơn nữa, "Nhạc viện đồng quê" còn là lực lượng nòng cốt văn nghệ của địa phương tại các cuộc thi văn nghệ của huyện, tỉnh. Lần thi nào, xã cũng đoạt giải cao. Đặc biệt năm 2006, tại lớp học làng này có 4 học sinh đã đoạt giải trong cuộc thi đàn organ khu vực phía Bắc.

Mong muốn xã hội hóa học tập âm nhạc là ước mơ lớn của thầy Phạm Quyết Thắng. Thầy Bôi - một người cũng tâm huyết với âm nhạc đã về Thanh Hóa mở chi nhánh "Nhạc viện đồng quê" và nhân rộng nhiều chi nhánh khác. Thầy Thắng đang "cải thiện" lại môi trường học tập, xây dựng cơ sở vật chất để các em có điều kiện học tốt hơn.

Thầy Thắng tâm sự: Học âm nhạc có nhiều cái lợi. Thế nhưng, để dạy cho những đứa trẻ quê chưa bao giờ biết đến nốt nhạc, chơi được cả nhạc của Bethoven, Mozart... không phải điều dễ dàng. Mất rất nhiều đêm thầy Thắng nghiên cứu, soạn ra một giáo trình riêng để giảng dạy cho các em. Dạy từ nhạc lý cơ bản đến nâng cao lên những bản nhạc khó hơn. Rồi phân lớp, bồi dưỡng những em có năng khiếu đặc biệt để hướng thi vào các trường.

Việc làm của thầy Thắng thật đáng để nhiều người nể trọng

Nguyễn Văn Học
.
.