Ứng xử như... quy tắc của người Hà Nội

Thứ Tư, 28/01/2015, 08:00
Rậm rịch khởi xướng từ vài năm trước, đến nay đề án xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội được hình thành và đưa vào thí điểm từ năm 2015. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp cùng Khoa Quốc tế - Đại học quốc gia Hà Nội thực hiện đề án, đã đưa ra những tiêu chí cụ thể đối với 6 nhóm đối tượng: Cơ quan hành chính, nhà trường, bệnh viện, doanh nghiệp, khu vực dân cư và khu vực công cộng.

Giấc mơ Thủ đô văn minh thanh lịch?

Theo TS Mai Anh - Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, trước khi hoàn thiện, Bộ khung quy tắc ứng xử của người Hà Nội đã được gửi xin ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý và người dân thông qua: 3 cuộc hội thảo với gần 200 đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia, đại diện cho các cơ quan, ban, ngành, cơ sở có liên quan, đại diện cơ quan nhà nước, đại diện 6 nhóm khách thể nhấn mạnh tính cấp thiết, phân tích thực trạng, góp ý xây khung quy tắc ứng xử. Bộ khung cũng nhận được sự tư vấn thẩm định của từng cơ quan theo từng lĩnh vực chuyên môn như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch , Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và đào tạo, các đoàn thể chính trị - xã hội, các quận, huyện, thị xã..., các tầng lớp nhân dân có liên quan... Theo tinh thần lạc quan của các đơn vị chủ trì, Bộ khung quy tắc ứng xử đã nhận được sự đồng thuận cao trong đời sống chính trị, xã hội Thủ đô thời gian qua...

Tuy nhiên văn hóa là một thiết chế mềm, và văn hóa ứng xử khó có thể điều chỉnh bằng các giải pháp cứng nhắc, giáo điều. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động cũng cho rằng, Bộ khung quy tắc ứng xử không phải văn bản quy phạm pháp luật, không có các chế tài pháp luật kèm theo mà chỉ được áp dụng, chỉ thành công khi đông đảo các đối tượng, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng đồng tình. Trong giai đoạn thí điểm, Bộ khung chủ yếu vẫn trông chờ vào thái độ tự giác, vào nhiệt huyết của tất cả các nhóm đối tượng được điều chỉnh. Chính bởi vậy, bên cạnh sự hồ hởi tin tưởng của không ít người, cũng có luồng dư luận nhấn mạnh vào tính bề nổi, coi việc xây dựng Bộ khung quy tắc ứng xử của người Hà Nội là biến thể của căn bệnh hình thức, phong trào đang ngày một lan rộng. Thực ra những điều khoản cụ thể, chi tiết của Bộ khung quy tắc ứng xử đều căn cứ trên các điều khoản của Hiến pháp và các quy định hiện hành, cũng tức là cách này hay cách khác chúng đã được chế tài bằng luật và được thừa nhận trong cuộc sống. Thí điểm vận hành Bộ khung quy tắc ứng xử của người Hà Nội đơn thuần là một cách để mỗi cá nhân nhắc nhớ lại trách nhiệm và bổn phận của mình với môi trường xung quanh, với cộng đồng, với người dân, công việc...

Và nói như TS Mai Anh, để Thủ đô văn minh thanh lịch không chỉ là giấc mơ xa vời cũng như không chỉ là những ảo vọng nuối tiếc một thời quá khứ "chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" thì mỗi cá nhân thay vì buông xuôi đứng nhìn, hãy nhập cuộc và hành động, ngay từ những hành vi cử chỉ, thói quen bé nhỏ nhất của mình...

Một số tiêu chí với 6 nhóm đối tượng; Quy tắc ứng xử đối với lãnh đạo cơ quan, tổ chức hành chính; Gương mẫu; Đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch; Lắng nghe; Tận tâm với công việc; Tiết kiệm; Xây dựng tập thể đoàn kết; Với thầy, cô giáo trong nhà trường; Thương yêu, vị tha, đối xử công bằng; Nhân ái, chia sẻ, cảm thông; Thân thiện, thấu hiểu; Gương mẫu; Yêu nghề, ham học hỏi; Bảo vệ lẽ phải; Tác phong, cử chỉ, trang phục phù hợp; Đối với y, bác sĩ, trong bệnh viện; Thực hiện các chuẩn mực y đức; Kiên nhẫn, cảm thông, tận tình, chu đáo; Tôn trọng, đúng mực trong giao tiếp; Cung cấp thông tin và chỉ dẫn đầy đủ, cụ thể: Không phân biệt đối xử, tận tâm và trách nhiệm với công việc; Với người dân nơi công cộng; Chấp hành nội quy, quy định; Tôn trọng, thân thiện; Văn minh, lịch sự; Đoàn kết, chia sẻ; Bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường; Có ý thức phê phán những hành vi vi phạm quy định; Với ứng xử tại khu dân cư; Tôn trọng; Chân thành, cởi mở; Cảm thông, chia sẻ; Thân ái, đoàn kết; Bình đẳng; Trách nhiệm... Với doanh nghiệp; Tôn trọng đạo đức kinh doanh; Coi trọng chữ tín; Công bằng; Tôn trọng; Chia sẻ lợi ích và trách nhiệm xã hội.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: Lại bệnh hình thức

- Bộ khung quy tắc ứng xử của người Hà Nội đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 đối tượng gồm: Cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng. Vậy ông sẽ thấy mình thuộc về nhóm nào?

+ Tôi thấy mình chả thuộc nhóm nào trong bản quy tắc trên vì khi tôi đến cơ quan là thành viên cơ quan ở đó đã có những nội quy rất rõ ràng! Còn khi tôi vào bệnh viện, ra công viên, lên tàu bay thì đâu cũng có những quy định riêng. Khi tham gia giao thông hay làm điều gì đó đã có luật pháp với những chế tài rất cụ thể...

- Thực ra không chỉ người dân ở nơi công cộng, mà nguyên tắc như: Chấp hành nội quy, quy định; Tôn trọng, thân thiện; Văn minh, lịch sự; Đoàn kết, chia sẻ; Bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường; Ý thức phê phán những hành vi vi phạm quy định... lẽ ra phải được mỗi cá nhân thuộc nằm lòng, và coi là văn hóa ứng xử tối thiểu?

+ Vấn đề là quy định và những điều khoản của luật không thiếu nhưng đô thị vẫn lộn xộn là vì không nghiêm. Muốn nghiêm thì cán bộ các cơ quan công quyền phải gương mẫu, không thể "thông cảm" mãi cho nhau bằng những chuyện như phong bì, mời mọc, hành dân... Cán bộ không đàng hoàng, không gương mẫu thì nói ai nghe. Luật và quy định phải giáo dục, tuyên truyền cho dân hiểu, ban hành có tính khả thi, có chế tài kèm theo kẻo "nhờn luật". Khi đã ban hành rồi, đã thông tỏ rồi mà ai còn cố tình vi phạm thì cần xử lý cho nghiêm.

- Chúng ta đã có phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào trao tặng danh hiệu Gia đình văn hóa ở quy mô toàn quốc, giờ Hà Nội lại có quy định ứng xử của riêng mình. Lẽ ra với những mô hình văn hóa được ứng dụng sâu rộng như thế thì văn hóa của nước mình phải đạt chuẩn từ lâu rồi, chứ có đâu vẫn bị nhận những tiếng kêu đang thời suy thoái của không ít người cả nghĩ, hay lo và bi quan?

+ Hà Nội cũng như cả nước có rất nhiều gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, nghĩa là ai cũng biết cần ứng xử thế nào với cộng đồng, vậy sao lại vẫn phải có bản quy tắc này? Phải chăng những danh hiệu vừa nói là hình thức? Giữ nét đẹp văn minh phải bằng thái độ của cộng đồng để ai vi phạm tự thấy mình lạc lõng, xấu hổ và để làm được điều này, trước hết cán bộ công quyền phải làm dân tin và yêu để còn học theo. Bây giờ ai đi xe máy ra đường mà không đội mũ bảo hiểm là thành buồn cười ngay. Hay Cảnh sát giao thông là để giữ trật tự giao thông chứ không phải chỉ để rình phạt, núp một chỗ như khuyến khích người ta vi phạm rồi ra bắt lỗi...

Tôi biết nhiều Cảnh sát giao thông rất đàng hoàng, đứng ở chỗ ai cũng thấy thì có ai muốn vi phạm đâu. Có nhiều anh còn "tha" cho mấy ông ở quê ra đi ngược đường hay mấy chị đang có chồng cấp cứu ở bệnh viện, chỉ nhắc nhở hướng dẫn vì người ta có ở Hà Nội đâu mà biết đường sá thế nào. Nhắc nhở người không cố tình vi phạm cũng là giáo dục, còn kẻ cố tình vi phạm thì phải xử lý kiên quyết. Khi dân tin và yêu Cảnh sát giao thông, trật tự giao thông sẽ khác ngay. Hôm khánh thành cầu Nhật Tân, mấy anh Cảnh sát giao thông còn dùng ôtô đưa mấy bà đi xe đạp lên cầu ngắm cảnh về nhà, không phạt, không cau có, dân khen ầm ầm ngay! Văn hóa ứng xử chính là đấy chứ đâu. Hình thành văn hóa bằng sự tâm phục khẩu phục chứ không thể bằng sự thiếu minh bạch, thiếu gương mẫu.

- Tức là với ông, Bộ khung quy tắc ứng xử cũng chỉ là một cái gạch đầu dòng tiếp theo minh họa cho căn bệnh hình thức đang ngày càng phát triển?

+ Đúng vậy, đây là một văn bản thừa, hình thức, thiếu tính khả thi... Theo tôi, Hà Nội nhầm Quy tắc ứng xử này với hương ước làng xóm ở nông thôn. Hương ước dành cho cộng đồng trong làng, trong xóm biết nhau, có họ hàng với nhau để cùng thỏa thuận những điều trong hương ước và nhắc nhau thực hiện. Còn ở  đô thị, người tứ  xứ, hai nhà cạnh nhau có khi không biết nhau thì nhắc nhau thế nào. Hương ước như vừa nói là cộng đồng nhỏ cùng bàn bạc và thỏa thuận, còn quy tắc ứng xử thì dội từ trên xuống, áp đặt vào những người không hề có quan hệ với nhau thì làm sao có thể thực hiện được. Đã thế, dân chúng nói chung có tâm lý đám đông, ví như ở ngã tư không có Cảnh sát giao thông, một người vượt đèn đỏ là số đông ào theo, nhưng có Cảnh sát giao thông lập tức trật tự được vãn hồi.

- Vậy theo ông, phải có cách gì để người Hà Nội bây giờ, hiểu nôm na là những người sống, làm việc tại Hà Nội có ứng xử đủ để tự hào như dân gian đã từng truyền tụng?

+ Nên đi vào thực chất chứ không thể kêu gọi hay đề ra quy tắc hình  thức, thiếu khả thi. Những hành vi nào đã được điều chỉnh bởi các văn bản luật hiện hành thì thực hiện cho tốt. Ví dụ như hút thuốc lá ở nơi công cộng bị phạt, vậy đã phạt ai, ai phạt chưa? Hay chuyện bạo lực gia đình, chồng đánh vợ đã ông chồng nào bị phạt và ai dám xông vào phạt chưa? Hay muốn vỉa hè gọn gàng sạch đẹp dành cho người đi bộ nhưng thực tế dân buôn bán quá nhiều ở vỉa hè bao năm nay không giải quyết triệt để được. Lâu lâu phường phố đi dẹp rồi dân nộp phạt, rồi lại thông cảm bỏ qua, thế là tiêu cực xảy ra, chính quyền phường mất uy tín với dân, dân thì sinh ra coi thường pháp luật.

-  Trân trọng cảm ơn nhà viết kịch Lê Quý Hiền.

TS Mai Anh - Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: Không nên đứng nhìn và buông xuôi

- Bộ khung quy tắc ứng xử của người Hà Nội đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Vậy theo Tiến sỹ, dư luận đã biểu hiện thái độ như thế nào với một phần việc có liên quan trực tiếp tới mình?

+ Đề án xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đánh giá đúng thực trạng về văn hóa ứng xử đang diễn ra với nhóm đối tượng bao gồm thực trạng các hành vi ứng xử chung, thực hành các giá trị văn hóa ứng xử trong giao tiếp hằng ngày, thực trạng các biểu hiện văn hóa ứng xử đối với từng chủ thể con người liên quan, các nguyên nhân và yếu tố tác động lên các hành động, hành vi ứng xử hiện tại.

Sau khi nghiên cứu kỹ sự cần thiết, thực trạng..., ban đề án xây dựng Bộ khung quy tắc ứng xử của người Hà Nội. Bộ khung này được gửi xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, cơ quan quản lý và người dân... Nhìn chung, đề án đã nhận được sự nhất trí và ủng hộ cao về ý nghĩa, sự cần thiết ban hành bộ quy tắc ứng xử, đặc biệt là sự ủng hộ các bước triển khai khi đề án đi vào thực tiễn. Các nội dung chính của bộ quy tắc nhận được tỷ lệ đồng tình khá cao (sau mỗi lần điều chỉnh). Tuy nhiên, cũng có nhiều góp ý về việc chỉnh sửa, rút ngắn các câu chữ cho phù hợp hơn với các đối tượng cụ thể và theo bản chất từng cơ quan, đơn vị cũng như có nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi của đề án trong quá trình triển khai thực tế.

- Theo những suy nghĩ đã mặc định trong tâm trí nhiều người, Hà Nội đương nhiên phải thanh lịch hào hoa, "chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Nhưng bây giờ người Hà Nội lại phải dạy lại nhau về những quy tắc ứng xử tối thiểu. Phải chăng văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã đến hồi không thể chấp nhận được và bắt buộc phải làm lại từ đầu?

+ Theo báo cáo thực trạng văn hóa ứng xử Hà Nội xưa và nay (trong khuôn khổ đề án), ngoài các biểu hiện ứng xử được đánh giá tích cực và có tác động tốt đến môi trường văn hóa ứng xử trên địa bàn Thủ đô, các biểu hiện ứng xử không phù hợp xuất hiện, đặc biệt có những biểu hiện không phù hợp tương đối phổ biến trong môi trường ứng xử của 6 đối tượng của đề án. Ngoài ra, Hà Nội phải là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc, là Thủ đô của mỗi chúng ta. Hà Nội không nằm ngoài quy luật chung và đang thực hiện bước chuyển mình, đổi mới với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa nhanh chóng, hội nhập quốc tế…. Những diễn tiến đó tác động khiến quá trình phát triển, giao lưu, tiếp biến văn hóa ở Hà Nội phong phú và cũng phức tạp hơn so với các địa phương khác. Vì vậy, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử là cần thiết, và là một trong những cơ sở để Hà Nội thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp bối cảnh mới. Trên cơ sở tiêu chí khung quy tắc ứng xử mỗi đối tượng cụ thể sẽ áp dụng xây dựng và triển khai thực hiện qua việc cụ thể hóa các quy chế, hương ước, quy ước, nội quy bằng các nguyên tắc, hành vi, quy định, kỷ cương, trang phục, giao tiếp, hành động... theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quyền hạn của mình.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ khung quy tắc ứng xử của người Hà Nội không phải là một văn bản quy phạm pháp luật, không có chế tài xử phạt kèm theo nên sẽ không có giá trị sử dụng, nhất là với những nhóm đối tượng như lãnh đạo, cán bộ quản lý trong cơ quan hành chính; Cán bộ công chức hay lãnh đạo bệnh viện?

+ Hoàn thiện việc xây dựng bộ khung quy tắc ứng xử đối với 6 nhóm đối tượng là cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu vực dân cư, khu vực công cộng là mục tiêu của đề án trong thời gian vừa qua, và cũng mới chỉ là giai đoạn khởi đầu trong cả quá trình xây dựng, triển khai áp dụng bộ khung quy tắc ứng xử. Giai đoạn tới là tổ chức triển khai thực hiện, trong đó tập trung áp dụng thí điểm mô hình văn hóa ứng xử đối với từng đối tượng, tuyên truyền, tập huấn, rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Từ sau 2015 đến 2020 là giai đoạn hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, chế tài và giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quy tắc ứng xử, xây dựng các cơ chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; hoàn thành cơ bản xây dựng các thiết chế văn hóa từ cấp thành phố đến cấp cơ sở. Như vậy, các chế tài thực hiện gắn với các tiêu chí khung sẽ được nghiên cứu tích hợp trong các chính sách, quy định về kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

- Nếu mỗi người Hà Nội đều thực hiện văn hóa sống, giao tiếp, văn hóa cộng đồng như những điều khoản được ghi trong Bộ khung quy tắc ứng xử thì quả tình cái giấc mơ "người yêu người sống để yêu nhau" đã thành hiện thực. Nhưng cũng có những lo ngại rằng, rèn văn hóa ứng xử với rèn cặp ngay từ độ tuổi học sinh kiểu "dạy con từ thuở còn thơ" chứ đã thành nếp "non sông dễ chuyển bản tính khó dời" sẽ rất khó uốn nắn. Vậy việc xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội liệu có thành chuyện viển vông, một ví dụ điển hình của bệnh phong trào, hình thức thưa Tiến sỹ?

+ Như đã trao đổi ở trên, việc xây dựng Bộ khung quy tắc ứng xử là cần thiết và là một phần trong Chương trình 04 - CTr/TU ngày 18/11/2010 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2011- 2015. Đề án thể hiện quyết tâm của thành phố với chương trình hành động "Tiếp tục xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là Thủ đô cả nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, phấn đấu trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa; xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp với không gian văn hóa và các công trình văn hóa vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính truyền thống, tiêu biểu cho văn hóa cả nước trong quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới". Ngoài ra, để đề án trở thành hiện thực và đi vào thực tiễn còn cần sự tham gia nghiêm túc và tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan báo chí truyền thông, cơ quan đơn vị liên quan và đặc biệt là tất cả chúng ta, những người dân sống trên địa bàn Hà Nội. Điều quan trọng nhất là thay vì đứng nhìn và buông xuôi thì mỗi chúng ta phải nhận thức ra rằng đóng góp của từng cá nhân không hề nhỏ bé, luôn có tác dụng lan tỏa lớn và thuyết phục tới cộng đồng, nhận thức được trách nhiệm của mình trong mỗi ứng xử hằng ngày, thường xuyên hành động, điều chỉnh hành vi, thái độ của mình đối với mọi người và môi trường xung quanh mình dựa trên các giá trị sống, văn hóa, truyền thống, các chuẩn mực xã hội, nghề nghiệp, và trách nhiệm xã hội... Việc thực hiện nghiêm túc các quy định trên của đơn vị chủ quản, các cá nhân liên quan chắc chắn sẽ góp phần tạo nên một môi trường ứng xử thanh lịch, văn minh tại từng cơ quan, đơn vị, từ đó đóng góp vào môi trường ứng xử tổng thể của Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ Mai Anh...
Mi Sol (thực hiện)
.
.