Dư luận Đức lại chia rẽ vì “cuốn sách chết người” của Hitler

Thứ Ba, 08/09/2015, 15:09
Năm 1925, cuốn sách gần 800 trang có nhan đề "Mein Kampf" (Cuộc đấu tranh của tôi) của trùm phát xít Đức Adolf Hitler lần đầu tiên xuất bản. Cuối năm nay, thời hạn bản quyền cuốn sách sẽ hết và từ năm 2016, việc Mein Kampf có thể được tái bản tự do. Điều đó đang khiến dư luận Đức nổi lên nhiều tranh cãi.

Có lẽ trên thế giới, hiếm có nhiều tựa sách đạt được cấp độ "phổ cập toàn cầu" như "Cuộc đấu tranh của tôi" của trùm phát xít Đức Adolf Hitler.

Theo hãng tin DW (Đức), sau cuộc đảo chính bất thành tại Munich và bị bắt giam, suốt thời gian ở tù năm 1924, Hitler đã đọc cho một người thân cận của hắn là Rudolf Hess chép lại cuốn sách này. Chính tên Rudolf Hess về sau đã trở thành cấp phó dưới trướng Hitler. Cuốn sách với tính chất nửa hồi ký nửa tuyên truyền đã cho thấy những tham vọng của Hitler trong quá trình hoạch định tương lai cho nước Đức.

Mặc dù số lượng ấn bản lần đầu của sách rất ít, tuy nhiên vào giai đoạn đỉnh cao quyền lực, Hitler đã yêu cầu mỗi gia đình Đức phải có một cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi". Vì thế tới năm 1943, toàn nước Đức đã lưu hành khoảng 9,2 triệu bản "Cuộc đấu tranh của tôi". Trên thực tế, cuốn sách này còn trở thành quà tặng quen thuộc dành cho các cặp uyên ương mới kết hôn của chính quyền phát xít. Nó trở thành một cái tên không ai có thể trốn tránh trong giai đoạn nước Đức nằm dưới quyền cai trị của Đức quốc xã.

Việc công khai tái bản cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi" của trùm phát xít Hitler dù với lý do gì - cũng là điều bị nhiều bậc thức giả xem là "lợi bất cập hại" - Ảnh: AFP.

Ngày nay, mặc dù thế giới vẫn đang lưu hành 50 - 60 triệu bản "Cuộc đấu tranh của tôi" được in bằng nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng trong nhiều thập kỷ qua, người ta đã không thể tìm thấy cuốn sách này tại bất cứ cửa hàng sách nào ở Đức. Sau những kinh hoàng trong quá khứ do chế độ độc tài phát xít gây ra suốt Thế chiến thứ hai, chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức đã cấm tiệt mọi nội dung, biểu tượng liên quan đến nó như kiểu chào Hitler, hình chữ thập ngoặc và các nội dung tuyên truyền của Đức quốc xã với mong muốn, lịch sử sẽ không lặp lại.

Vì Hitler không có con cháu gì, nên bản quyền của cuốn sách "Cuộc đấu tranh của tôi" đã được chuyển giao cho bang Bavaria, nơi sinh sống cuối cùng của trùm phát xít. Đơn vị nắm giữ bản quyền cuốn sách của Hitler đã từ chối mọi đề nghị xin được tái bản hay sao chép nội dung cuốn sách. Do đó, từng một thời là "cuốn sách của mọi nhà" ở Đức, các cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi" bìa cứng của Hitler ngày càng trở nên khó tìm hơn.

Tuy nhiên, "Cuộc đấu tranh của tôi" có thể sẽ sớm trở thành cuốn sách được bày bán rộng rãi khi bản quyền của nó sẽ hết hạn vào cuối năm nay, 70 năm sau khi tác giả qua đời, căn cứ theo luật định của Liên minh châu Âu (EU). Và như vậy, từ năm 2016, cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi" sẽ được "mở cửa" với tất cả mọi người trên thế giới. Về lý thuyết, bất cứ ai có phương tiện in ấn đều có thể xuất bản cuốn sách của Hitler nếu họ muốn.

Sách vẫn lan tràn bất chấp lệnh cấm

Trên thực tế, bất chấp mọi nỗ lực kiểm soát của chính quyền Đức, chưa nói ở những nơi khác, ngay tại Đức vẫn luôn có rất nhiều cách thức để có thể đọc được cuốn sách tai tiếng của Hitler. Cuốn sách dày gần 800 trang của trùm phát xít đã rất phổ biến trên mạng Internet từ trước khi nở rộ các hoạt động giao dịch trực tuyến. Gần đây, các ấn bản cuốn sách "Cuộc đấu tranh của tôi" phiên bản tiếng Anh (vốn không bị ảnh hưởng bởi cơ chế sở hữu bản quyền của bang Bavaria) thậm chí còn leo lên đứng vị trí số một trên các bảng xếp hạng các e-book bán chạy nhất trên Amazon và nhiều trang mạng bán lẻ khác.

Mặc dù ở Đức vẫn chưa cho phép bán các cuốn sách của Hitler, nhưng các cửa hàng nước ngoài ở đây cũng không gặp rắc rối nào nếu họ cung cấp nội dung cuốn sách trên mạng, dù với mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Ngay cả việc sao chép cuốn sách của Hitler tại Đức thời hậu Thế chiến hai cũng chưa bao giờ bị xem là vi phạm pháp luật và phải xử lý phạt. Trong giai đoạn trước của thời kỳ công nghệ số, người ta có thể tìm thấy những bản sao cuốn sách cũ rích và bụi bặm trong các gác xép và tầng ngầm ở nhiều gia đình.

Mặc dù Hitler từng được lịch sử liệt vào hạng "đốt sách chôn nho" khi tiêu hủy rất nhiều sách vở trên quy mô lớn, nhưng có lẽ, với sự tồn tại dai dẳng của cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi", có lẽ Hitler lại chính là người đầu tiên nói cho bạn biết rằng việc loại bỏ tới hơn 9 triệu ấn bản của một cuốn sách khó khăn tới mức nào.

Thay thế bằng bản in khác?

Nhà sử học Christian Hartmann của bang Bavaria từ lâu đã xem việc tái bản sắp tới đây cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi" ở Đức như một vấn đề thuộc về "trách nhiệm quốc gia", điều mà cá nhân ông cũng phải có trách nhiệm tham gia. Hồi tháng 6 vừa rồi, trong khi trả lời phỏng vấn nhật báo Süddeutsche Zeitung (SZ) của Đức, ông nói: "Không ai trong số những người đọc cuốn sách của Hitler ngày hôm nay sẽ trở thành một tên phát xít chỉ đơn giản vì đọc nó".

 Sử gia Hartmann làm việc cho Viện Sử học IfZ của Đức. Từ năm 2009, khi các quan chức chính quyền Đức bắt đầu lo lắng về việc cần làm gì khi thời hạn bản quyền cuốn sách của Hitler sắp hết, Viện IfZ đã chính thức gửi văn bản tới bang Bavaria, đề nghị được phép biên soạn lại một bản thảo cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi" mới. Phiên bản mới sẽ cập nhật và có thêm các đoạn chú thích, cung cấp cho người đọc kiến thức chung về bối cảnh lịch sử cùng với các phân tích bình luận. Bang Bavaria cũng đã ký hợp đồng với Viện nghiên cứu IfZ để chuẩn bị đưa vào sử dụng bản thảo ấn bản mới, thay thế tất cả các ấn bản khác khi cuốn sách hết hạn bản quyền.

Quân phát xít tổ chức thiêu hủy hàng loạt những ấn phẩm văn hóa đi ngược lợi ích của Đức quốc xã - Ảnh: DW.

Về bản thảo mới, sử gia Hartmann cho biết: "Tới nay chúng tôi đã bổ sung hơn 3.500 chú thích và đã chứng minh các luận điểm quả quyết của Hitler là sai lầm ở hàng trăm chi tiết".

Phản đối tái bản

Nghị sỹ đảng Dân chủ xã hội Burkhard Lischka một mực cho rằng, bất chấp những căn cứ luật pháp, người ta vẫn không nên cho tái bản "Cuộc đấu tranh của tôi" tại Đức. Ông nói: "Tôi tin rằng, trong tư cách quốc gia, từ lịch sử đất nước, chúng ta có một trách nhiệm đặc biệt. Nếu người ta cho phép một cuốn sách được bán ra kèm với các bình luận, vậy thì sẽ dẫn tới khả năng, những kẻ cực đoan cánh hữu cũng sẽ tái bản cuốn sách này kèm theo những lời bình luận mà sẽ chẳng ai trong chúng ta muốn thấy".

Trong những năm gần đây, các cuộc tấn công vào người nước ngoài và người nhập cư tăng cao tại Đức. Tuy nhiên nếu nghị sỹ Lischka nhìn thấy nguy cơ lớn thì một số người Đức khác lại không nghĩ vậy. Ví như nghệ sỹ hài gốc Thổ Nhĩ Kỳ Serdar Somuncu từng sáng tạo toàn bộ một chương trình biểu diễn liên quan tới các nội dung trong cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi".

Ông Serdar đã đưa vở diễn của mình đi khắp nước Đức, trong đó ông làm nổi bật sự thiếu thống nhất và cả chứng hoang tưởng của trùm phát xít. Mặt khác, ông cũng lưu ý mọi người về thực tế rằng, ngoài nước Đức ra thì chẳng ở đâu người ta bàn về vấn đề sách của Hitler có nên được phép xuất bản hay không.

Ông nói trong một đoạn video vẫn còn lưu trên Youtube: "Bang Bavaria, hay chính xác hơn là cơ quan thu thuế của Bavaria là nơi quản lý bản quyền cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi" nói rằng, việc xuất bản cuốn sách sẽ làm tổn hại tới danh tiếng của nước Đức ở nước ngoài. Tuy nhiên điều thú vị là chính khi bạn ra nước ngoài, bạn lại có thể mua một cuốn sách đó theo cách thức hợp pháp ở bất cứ đâu, kể cả tại Israel".

Cuốn sách gây tranh cãi của Hitler đã được dịch sang ít nhất 20 thứ tiếng. Vào tháng 4 năm nay, một ấn bản đầu tiên của "Cuộc đấu tranh của tôi" có chữ ký tác giả đã được bán với giá hơn 40.000 USD (37.000 euro) trong phiên đấu giá online. Danh tính người mua sách không được tiết lộ.

Cũng trong các vở kịch của mình, nghệ sĩ Somuncu cho rằng, việc cấm đoán cuốn sách này sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều so với việc để nó được bạn đọc tiếp cận tự do.

Trần Đắc Luân
.
.