Đốt đuốc tìm rạp hát chuẩn

Thứ Ba, 16/06/2015, 08:00
Tình trạng sân khấu TP Hồ Chí Minh (kịch nói, cải lương, hát bội, ca múa nhạc...) phải biểu diễn ở những rạp hát tạm bợ, xuống cấp diễn ra trong nhiều năm qua dù đời sống sân khấu ở đây được đánh giá là phát triển sôi động, có đội ngũ nhân lực hùng hậu, tài năng.

Sân khấu đồng loạt xuống cấp

NSƯT Việt Anh, Giám đốc Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B cho biết, đơn vị tạm ngưng để chờ UBND thành phố cấp kinh phí sửa chữa. Hệ thống máy lạnh của sân khấu hiện hư hỏng nặng. Không gian của sân khấu nóng bức, khá chật hẹp, ghế ngồi đã nhỏ lại cũ kỹ và dựng đứng. Mỗi lần trời mưa to, diễn viên và khán giả phải hứng trọn. Đã vậy, sân khấu ở tận lầu 3 trong khi tòa nhà lại không có thang máy.

Mặc dù yêu kịch nói, bỏ công sức đến tận nơi mua vé nhưng mỗi khi phải leo thang bộ để xem kịch trong không gian chật chội, nóng bức đối với khán giả trung và cao niên là một cực hình. Dự kiến kinh phí tu bổ là 6,5 tỉ đồng. Nói là tạm dừng nhưng phải chờ nguồn kinh phí nhà nước nên thời gian sân khấu hoạt động trở lại vẫn chưa biết đến khi nào.

Từng trưởng thành từ sân khấu nhỏ 5B, NSƯT Ái Như cho hay: "Đáng lẽ sân khấu phải được sửa chữa từ lâu. Thiết bị vật chất đều xuống cấp trầm trọng. Những nghệ sĩ như chúng tôi mỗi lần leo cầu thang để lên chuẩn bị diễn vẫn phải dừng lại giữa chừng để nghỉ mệt thì khán giả lớn tuổi còn mệt mỏi cỡ nào".

Rạp Hưng Đạo vừa mới xây dựng và bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhưng không đúng quy chuẩn của sân khấu cải lương.

Không chỉ sân khấu 5B, sân khấu kịch Phú Nhuận cũng tạm ngưng diễn từ ngày 25-5 đến hết tháng 6 để bảo trì hệ thống điện lạnh và sửa chữa một số hạng mục của sàn diễn. NSND Hồng Vân, Giám đốc sân khấu kịch Phú Nhuận cho biết: "Chúng tôi thuê mặt bằng ở Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận, nhưng sau 15 năm hoạt động, Trung tâm này đã xuống cấp nhưng chưa một lần tu bổ vì thiếu kinh phí". Chỗ ngồi chờ phía ngoài sân khấu được kê bằng những bàn ghế gỗ tạm bợ và ít ỏi. Người đến xem kịch đa phần phải đứng chờ. Gạch lát dưới khán đài bị bong vỡ khá nhiều.

Sân khấu TP Hồ Chí Minh được mệnh danh là sôi nổi nhất cả nước nhưng nhìn vào cơ sở vật chất cũng đủ biết thực trạng lạc hậu của sân khấu nước ta đang ở mức nào. Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo vừa khánh thành, bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã phải sửa chữa lại vì vấp phải sự phản ứng của người trong nghề. Lời đảm bảo chắc nịch rằng rạp mới sẽ to hơn, đẹp hơn, xứng tầm hơn so với "thánh địa cải lương" - rạp Hưng Đạo cũ được xây dựng từ năm 1960 (vốn đã xuống cấp trầm trọng), có lẽ chỉ đúng với "cái vỏ" rất hào nhoáng, hiện đại bên ngoài của Trung tâm. Bước vào bên trong thì cả giới chuyên môn lẫn khán giả chỉ biết than trời. Sân khấu được thiết kế không khác gì một sân khấu học đường, không phù hợp với quy chuẩn sân khấu cải lương.

NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chỉ rõ: "Chiều ngang của sàn diễn mới là 10 mét, trừ hai bên cánh gà mỗi bên 2 mét nữa thì sàn diễn thực chỉ còn khoảng 6 mét, chỉ bằng một nửa so với sàn diễn chuẩn của rạp Hưng Đạo cũ (12 mét). Gần chục người đã đứng chật sân khấu chứ đừng nói gì đến những vở quy mô, cảnh trí hoành tráng lên tới hàng trăm người. Nhiều đèn được treo và lắp đặt trong khán phòng cộng với nhiều loa máng khắp mặt vách sân khấu, chĩa thẳng vào hàng ghế đầu rất mất thẩm mỹ, luộm thuộm. Nhà hát mới cũng không có hố nhạc để dàn nhạc ngồi đàn".

Riêng sân khấu thể nghiệm thì không khác gì sàn diễn thời trang. Rạp mới chỉ có 600 ghế, giảm gần một nửa so với rạp cũ nên giá vé có thể phải đội lên cao để bù chi. Mang tiếng là có nhà hát mới nhưng các nghệ sĩ vẫn phải chờ gửi tạm đạo cụ cảnh trí ở nhà kho nằm ở cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh. Trước đó, khi dự án còn nằm trên bản thiết kế, những người trong nghề đã được mời đến cho ý kiến. NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ bức xúc: "Ngay từ đầu, tôi đã có ý kiến, bản thiết kế, bản vẽ quá cũ kỹ, lấy từ mô hình sân khấu Đức vào những năm 30-40 thế kỷ trước, chỉ sử dụng phông màn, không phù hợp". Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, bản thiết kế lại không hề được sửa chữa lại.

Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật giải trí khác như điện ảnh, sân khấu ca nhạc… đã được áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến như 3D, kỹ xảo điện ảnh… Cơ sở vật chất của các hãng phim, sân khấu ca nhạc không ngừng đổi mới, bắt kịp xu hướng và thử nghiệm những ý tưởng táo bạo. Những đổi mới này thu hút đông đảo công chúng đặc biệt là khán giả trẻ.

NSƯT Hoa Hạ cho rằng sân khấu của Việt Nam hiện nay quá lạc hậu so với thế giới. Đồng tình với ý kiến này, đạo diễn Quang Văn cho biết ở các nước trên thế giới người ta đã có những sân khấu xoay, sân khấu tầng để đổi cảnh trong nháy mắt, trong khi ở Việt Nam phải chờ tầm 5 phút tắt đèn tối om thì cảnh mới dựng xong. Các vở kịch của nước ngoài đã đem được nhiều hiệu ứng thật lên sân khấu như lửa, mưa, thậm chí cả xe ô tô, rừng cây… cộng thêm hiệu ứng 3D để vở thêm sinh động, thu hút.

Nhiều sân khấu thiết kế như băng chuyền đưa diễn viên đến gần khán giả. Từ đó họ có thể theo dõi kỹ nét mặt, diễn biến tâm lý của diễn viên một cách cận cảnh. Trong khi đó, ở ta, kịch nói vẫn dùng đạo cụ giả, cắt dán bằng giấy để dễ di chuyển, mọi thứ chỉ mang tính chất ước lệ như sân khấu những thập niên trước. Ăn mãi món ăn cũ, khán giả đâm ngán ngẩm.  Trước đây sân khấu Sao Minh Béo được coi là sân khấu kịch đầu tiên của TP Hồ Chí Minh có sử dụng màn hình led khổ lớn để tăng hiệu ứng cho vở diễn. Nhưng chỉ được một thời gian, không hiểu vì lý do gì màn hình này cũng nhanh chóng bị dẹp. 

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Mặt bằng xập xệ hoặc thiếu địa điểm biểu diễn khiến các nhà hát, sân khấu phải vay mượn mặt bằng khác để biểu diễn. Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) phải "chạy lui chạy tới" giữa rạp Thanh Vân, Nhà hát Thành phố và thuê một phòng của Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật thành phố để đội múa tập.

Sân khấu kịch Phú Nhuận phải tạm ngừng hoạt động để sửa chữa vì cơ sở vật chất xuống cấp.

Rạp Long Phụng (quận 1) của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội thành phố ngày càng xuống cấp buộc các nghệ sĩ phải chọn cách lưu diễn rày đây mai đó ở các tỉnh. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trước khi nhận rạp Hưng Đạo làm nơi ở mới đã có khoảng thời gian dài tá túc tạm bợ ở rạp Thủ Đô (quận 5), hễ mưa là dột.

NSND Hồng Vân cho rằng việc xây dựng rạp hát của sân khấu TP Hồ Chí Minh vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có quy hoạch cụ thể. Các sân khấu mới thành lập không có chỗ biểu diễn trong nội đô đành phải lùi xa trung tâm như Sân khấu Tâm Ngọc (rạp Vườn Lài, quận 10), Sao Minh Béo (quận 11)… Nếu thuê một chỗ khang trang trong trung tâm thì tiền mặt bằng cũng không kham nổi trong khi các Nhà văn hóa thì gần như đã kín chỗ.

Rời địa điểm quen thuộc ở quận 3 sau khi hết hạn hợp đồng, sân khấu Hoàng Thái Thanh suýt phải "ra đường" vì xem qua rạp nào bà bầu Ái Như cũng lắc đầu vì quá tồi tàn. Chạy vạy bở hơi tai, cuối cùng Hoàng Thái Thanh mới tạm yên vị ở Nhà văn hóa thiếu nhi quận 10.

Còn nhớ, dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề ngày 29/4/2014 đã đưa ra kế hoạch nâng cấp và xây mới hơn 70 nhà hát với kinh phí dự kiến gần 7.000 tỉ đồng đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận và giới làm nghề. Nghịch lý ở chỗ nhiều rạp hát xuống cấp và thiếu là vậy nhưng vẫn có hàng loạt rạp hát hiện đại ở các tỉnh thành được xây dựng hàng trăm tỉ lại nằm "đắp chiếu" hoặc trưng dụng vào mục đích khác. Có rạp biến thành nơi kinh doanh trò chơi điện tử, có rạp để tổ chức đám cưới, hội nghị, thậm chí là để... chăn bò!

NSƯT Ái Như bức xúc: "Ước muốn của chúng tôi chỉ là có nơi diễn ổn định. An cư thì mới lạc nghiệp. Nói về đời sống sân khấu hiện nay rất chạnh lòng, anh em nghệ sĩ chưa được quan tâm đúng mức". Điều cần làm hiện nay là đầu tư cho những sân khấu hiện có, đáp ứng nhu cầu thực tế của mỗi đơn vị. Từ đó,  giúp sân khấu hiện đại, đúng chuẩn, bắt kịp các xu hướng mới để đến gần hơn với khán giả. Chứ không thể để một bên vẫn hoạt động nhưng lại hoạt động trong không gian xập xệ, một bên lại xây ra theo kiểu ban ơn, xây cho hoành tráng rồi bỏ hoang.

Nguyễn Trang
.
.