Đôi điều về "Người thường gặp" của Nguyên An

Thứ Hai, 16/11/2015, 08:00
Tôi quen biết và thâm tình với anh Nguyên An từ hơn 30 năm nay, khi anh còn ở ngành Giáo dục. Đến nay, anh đã có vài chục đầu sách, chủ yếu là những sách viết về các tác giả, tác phẩm đương đại của văn học Việt Nam.

Lần này, tác giả Nguyên An in tập "Người thường gặp" (chân dung và tiểu luận, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015). Sách dày 296 trang, chia làm 3 phần.

Phần một: Đã quen mà vẫn mới lạ.

Phần hai: Vóc dáng thi nhân trong văn nghị luận.

Phần ba: Người mới đến văn đàn mấy năm đầu thế kỉ.

Cả 3 phần, có 24 gương mặt văn nghệ sĩ được tạc dựng chân dung, độ dài ngắn của mỗi chân dung có khác nhau, song, chỗ gặp nhau, đó là những gương mặt có tính tiêu biểu của một giai đoạn văn chương.

Nguyên An đã làm công việc này từ vài thập niên nay và đã có những thành công nhất định về thể tài chân dung văn học.

Viết chân dung văn học vừa dễ lại vừa khó. Dễ, đó là những người thường gặp, gặp trong trang viết, gặp trong cuộc đời, tưởng như hiểu họ, biết họ từ nếp ăn, nếp ở đến sở trường sở đoản trong sáng tác. Người thường gặp này, như tên gọi của tập sách, có đời sống gần gũi với chúng ta. Họ là những người góp phần làm nên những thành tựu của văn học Việt Nam hiện đại. Cái được, cái chưa được của nền văn học này có phần trách nhiệm của họ, vì lẽ đó, nhìn về họ, chúng ta sẽ có những bài học hay về công việc sáng tạo văn chương.

Còn cái lạ là ở chỗ, chất lượng sáng tạo của mỗi nhà thơ, mỗi nhà văn, mỗi giai đoạn không đi theo con đường thẳng mà đi theo kiểu hình sin. Có lúc phát triển, có lúc trầm lắng, có lúc bùng lên, ngỡ như trở thành một tác giả tiêu biểu, cuốn lây người đọc. Song, không vậy, sau một thời gian, tác giả đó có những sáng tác chưa đạt chiều sâu về tư duy nghệ thuật, về tư duy triết học, cái nhìn nghệ thuật thiếu đổi mới, sáng tạo, viết những điều - nói như Vũ Trọng Phụng - "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Điều này cũng không có gì khó hiểu đối với sáng tác văn chương.

Bìa cuốn "Người thường gặp" của tác giả Nguyên An.

Đối với Nguyên An, qua mấy chục năm quan hệ, giao lưu, đi lại, sống đòi sống văn học của đất nước, anh hiểu các nhà văn, nhà thơ, những người thường ngày này với bao ưu tư, khát vọng, cả trong đời thường và cả trong sáng tạo. Vì thế, khi dựng chân dung mỗi văn nghệ sĩ, anh vẫn tự tra vấn mình: viết gì về họ, hiểu họ ở mức độ nào, họ đứng ở đâu trong dòng chảy của văn học hiện đại. Không có những câu hỏi đó, khó hiểu và khó đặc tả mỗi chân dung nhà văn.

Chân dung văn học, hiểu theo nghĩa một thể từ, nghĩa là người viết phải làm sao vẽ được gương mặt nghệ sĩ với những nét khái quát có tính đặc thù về thế giới nghệ thuật do nhà văn, nhà thơ đó tạo ra. Trong 24 gương mặt mà Nguyên An đề cập trong tập sách, có những nhà văn thuộc thế hệ 1930-1945 như Nguyên Hồng, Tô Hoài, Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Văn Cừ, Tố Hữu, Thanh Châu, Xuân Diệu và những nhà văn sau 1945 như Hoàng Trung Thông, Đỗ Chu, Vân Long, Văn Chinh, Sơn Tùng, Bút Ngữ, Hữu Thỉnh,... Và, cả những người làm thơ, viết văn mới đến văn đàn đầu thế kỉ XXI như Lê Anh Dũng, Lê Thanh Kỳ, Nguyễn Ngọc Lợi, Vũ Bình Lục,...

Với những nhà văn, nhà thơ xuất hiện trước 1945, Nguyên An dành cho họ những tình cảm đặc biệt. Một trái tim nhân hậu của Nguyên Hồng. Một tâm hồn đa cảm, như chùng xuống với Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam. Một nỗi niềm u uẩn, khó nói nên lời của Thanh Châu. Một niềm thao thức, day dứt của kẻ sĩ trong Nguyễn Huy Tưởng. Một nông thôn yên bình, đầy sắc màu trong thơ Đoàn Văn Cừ. Một bài ca cách mạng trong thơ Tố Hữu.

Tôi thích Nguyên An viết về ngày Tết của Tô Hoài, nhất là chuyện Tết ở vùng cao Tây Bắc hơn 60 năm về trước, bàng bạc trong "Truyện Tây Bắc", "Miền Tây". Khi nói về Tết vùng cao, Tô Hoài "Nằm ngả người trên ghế, mắt lim dim hấp háy, tay ông gãi nhẹ vào vành tai. Đoạn ông miên man: Cũng được đấy nhỉ. Mà mấy cái làng trên cao ấy cứ như tổ chim giữa ngút ngàn đá xám. Nếu không có những cây đào cổ thụ đơm hoa bùng lên như lửa khiến đất trời chếnh choáng men rượu những rừng mơ do trời gieo giống khắp mọi nơi cho trai gái quẩn quanh…" (trang 30). Rất đậm chất thơ.

Viết về Thạch Lam, nhà văn quen thuộc chỉ sống với đời 30 năm, nói như nhà văn Hoàng Thị Thương: "Một kiếp sống mỏng manh. Một đời văn ngắn ngủi. Tác phẩm đếm trên đầu ngón tay. Tại sao dư  âm "lại dằng dặc dường ấy". Thì nay, Nguyên An đồng cảm: "Thạch Lam đã viết một cách thành tâm tận lực với tất cả sự thoải mái của mình. Ông sáng tác văn chương chứ không làm văn chương. Sâu sắc, kĩ lưỡng mà bình dị, tự nhiên với các mục đích và những ấp ủ, hi vọng như mình từng nghĩ, rồi đặt bút - đó là Thạch Lam" (trang 42).

Trong "Người thường gặp", có một gương mặt ít được viết đến sau 1954, đó là Thanh Châu, nhà văn có truyện ngắn "Hoa ti gôn" đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy, năm 1937 và đã khơi nguồn cho những bài thơ bất tử như thơ của T.T.KH, Nguyễn Bính, Thâm Tâm.. Đến nay, T.T.KH là ai? Vẫn là ẩn số?

Tôi thích mấy dòng cuối cùng khi Nguyên An viết về Thanh Châu: "Tác phẩm của Thanh Châu vốn là chuyện đời bình dị bình thường nhưng qua tay ông mà có sức ám gợi, dẫn gợi về lẽ sống, cách sống sao cho tử tế, phải chăng. Tài và tình ông hòa quyện đáng nể là vì thế" (Trang 55).

Chao ôi, người thế văn vậy, anh bộ đội Thanh Châu ngày nào, người viết "Những ngày trao trả tù binh" (1954), "Không rời quê hương" (1955) … Lại không viết trang nào sau gần 40 năm. Âu đấy cũng là số phận, cũng là bi kịch một thời, một nỗi buồn dằng dặc của chính bản thân ông, gia đình và văn chương Việt Nam. Thế sự biết sao? Nay, ông đã trở thành người thiên cổ, về với cõi vĩnh hằng, về với những bạn văn một thời như Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Hồ Dzếnh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Giao, những bạn văn của thời Tiểu thuyết thứ bảy với ông.

Trong "Người thường gặp", Nguyên An ít viết về các nhà nghiên cứu, chỉ có một gương mặt là Hoàng Ngọc Hiến. Hoàng Ngọc Hiến là một chân dung đầy thương mến, trân trọng của Nguyên An. Nói đến Văn học hiện đại Việt Nam, thì không thể không nói đến Hoàng Ngọc Hiến. Toàn bộ sáng tạo của Hoàng Ngọc Hiến là một khối năng lượng có sức chuyển tải lớn về những vấn đề thể loại, mĩ học, thi pháp học, đạo đức học, lý luận văn học, ...

Nguyên An đã đặc tả chân dung Hoàng Ngọc Hiến qua các dòng: "Trong mấy chục  năm qua có mấy lần ý kiến của ông đưa ra đã gây tranh cãi, có mấy lần sự giới thiệu của ông đã gây ra cú sốc. Thời gian dần trôi, giới nghiên cứu và sáng tác hiểu ra rằng: Dù thế nào, ông cũng là một nhà văn - nhà nghiên cứu văn học Mác-xít nhiệt thành, trung thực với chính mình và đặc biệt là nhiệt thành trung thực với sự nghiệp văn hóa-nghệ thuật nước nhà. Tôi nghĩ rằng chính nhờ nét phẩm giá rất cơ bản này mà tự ông đã vượt qua được nhiều đoạn cam go, đau đầu, mà đồng nghiệp của ông, nhất là những nhà văn trẻ thường nhìn về ông với sự nể trọng, không cách bức" (trang 177).

Với Hữu Thỉnh, Nguyên An không viết về thơ, mà nói một khía cạnh khác, khía cạnh của lí luận phê bình, với tập "Lý do của hy vọng" (tiểu luận, phê bình, 2010). Nghĩa là, với mong muốn của Nguyên An, thêm một lí do để chúng ta  yêu và hiểu thêm Hữu Thỉnh, ngoài tài năng thơ ca, còn là ngòi bút viết tiểu luận sắc sảo. Ngòi bút này viết phê bình dưới cái nhìn thơ ca. Đúng như Nguyên An nhận xét về Hữu Thỉnh: "Trong dòng chảy văn học nghệ thuật ở ta, Hữu Thỉnh đã có thêm một đóng góp mới, vóc dáng thi nhân ở ông đã rõ thêm trong phê bình văn học" (trang 202).  

Nguyên An viết về Đỗ Chu, một nhà văn từng có những truyện ngắn xuất sắc thập niên 60 - 70: "Ông là sản phẩm đích thực của khí hậu, thời tiết, chính trị xã hội, của tập tục vừa mới, vừa xưa cũ của một đất nước trải qua chiến tranh sang thời hòa bình đã lâu mà chưa hết bức xúc, buồn đau với ít tủi hờn. Cái chất kẻ sĩ nơi ông hay để cho người ta thấy có chút tự hào vì đã đi cùng dân tộc, vượt qua bao cơ cực mà không sờn lòng, không oán thán, nhưng nhiều hơn là cả một tâm sự ngổn ngang những lo toan về thời cuộc đã qua và hội nhập hôm nay với thân phận của mỗi người dân Việt, không trừ một ai, từ ông Thủ tướng đến người cuốc đất nhặt cỏ" (trang 146). Đỗ Chu, qua Nguyên An, đó là: "Nếu làng văn ta ở Hà Nội vắng Đỗ Chu bởi ông đang trốn về quê ngồi viết hay lên Tây Nguyên rồi lại đi Lào, đi Thái, đi Trung Quốc hoặc sang tận Âu-Mỹ vài tuần vài tháng, thì quả là nhạt chuyện thế nào… Vắng ông, người ta lại mang ông ra kể với nhau. Đỗ Chu thành nhân vật, thành món nhắm tự bao giờ không biết nữa".  

Nguyên An viết về Vũ Quần Phương không ở khía cạnh sáng tạo thơ ca mà là ở bàn luận về thơ. "Sau Xuân Diệu, có lẽ Vũ Quần Phương là nhà thơ hay đi nói chuyện thơ. Hai ông quả đã có công khắc phục cái khoảng cách giữa văn chương đỉnh cao với đời sống vẫn đầy bộn bề".

Nguyên An nói về những ngóc ngách của việc bình thơ, hiểu thơ của Vũ Quần Phương. Mấy chục năm nay, Vũ Quần Phương luôn là người tình chung thủy với thơ ca. Nguyên An lại thêm một lần nhận ra những đóng góp tích cực của Vũ Quần Phương trong việc giới thiệu những bài thơ hay của văn học Việt Nam.

Đối với những người viết trẻ, Nguyên An nói về "Đất thơ ca xứ Quảng có một người" làm thơ và nhiệt tình cho thơ như Lê Anh Dũng và đánh giá: "Anh có những đóng góp cho sự bùng khởi mới trong văn nghệ ở vùng đất đã sinh trưởng ra anh. Anh là nhà thơ chiến sĩ từ nhân dân mà ra, và được hạnh ngộ cũng bắt đầu từ xứ Quảng quê mình" (trang 251).

Nguyên An đã cần mẫn, công phu suốt mấy chục năm qua về thể tài chân dung văn học.. Xin chúc mừng anh và xin có đôi lời giới thiệu về "NGƯỜI THƯỜNG GẶP" của anh. Chúc anh có thêm những sáng tác mới.

 Đà Nẵng, tháng 4/2015

Huỳnh Văn Hoa
.
.